(TBKD) – Tiêu cực, ăn chia, thông đồng với doanh nghiệp là những nguyên nhân chính khiến khiến nhiều ngân hàng sập bẫy lừa vay vốn tín dụng dẫn đến nợ xấu lớn như hiện nay. Tài sản của doanh nghiệp thực chất chỉ còn một đồng, nhưng lại định giá cao tới mười đồng rồi cho vay tới 70% nhằm ăn chia các khoản chênh lệch. Đây là những bài học khiến nhiều ngân hàng đau đầu, chưa thể tìm ra những liều thuốc đặc trị những thủ đoạn lừa đảo trên.
Trong buổi hội thảo diễn ra ngày hôm 28/7 tại Tp.HCM, ông Trần Du Lịch (Đoàn ĐBQH Tp.HCM) phát biểu thẳng thắn: “Chẳng có nơi nào giống như Việt Nam. Chỉ một kho cà phê mà thế chấp tới 7 ngân hàng để lấy tiền, rồi rốt cục các ngân hàng đưa nhau ra tòa tranh chấp về khối tài sản đó. Điều đau đớn nhất là trong quá trình xảy ra tranh chấp kho cà phê, khi cơ quan thi hành án bốc dỡ số cà phê khỏi kho chờ quyết định của tòa thì phát hiện lượng lớn rác, vỏ cà phê được lưu giữ trong kho. Lúc ấy, các ngân hàng mới phát hiện ra mình bị lừa đảo”.
Có thông đồng, móc ngoặc, ăn chia?
Từ trước đến nay, các ngân hàng cho vay đều trải qua các qui trình thẩm định, kiểm tra, đánh giá rất nghiêm ngặt qua nhiều công đoạn. Vậy mà với kho cà phê của Công ty TNHH Trường Ngân (trụ sở tại quận 4, Tp.HCM) tất cả các ngân hàng đều bị hạ gục trong tích tắc. Ai, kẻ nào đã gây ra những vụ lừa đảo chấn động như trên, nếu không có sự tiếp tay, thông đồng, thậm chí là ăn chia rất lớn từ cán bộ tín dụng ngân hàng.
Hiện tại, vụ án đã được Cơ quan CSĐT Bộ Công an đã khởi tố bị can, bắt tạm giam Chủ tịch HĐQT và giám đốc Công ty này là ông Nguyễn Xuân Bình và ông Nguyễn Đăng Sơn. Tuy nhiên, 7 ngân hàng liên quan là (Agribank, Vietinbank, OCB, Techcombank, Maritimebank, MB và VIB), đã cho vay 600 tỷ đồng thì ai sẽ chịu trách nhiệm liên đới trong vụ án trên?
Vì sao, trong kho chỉ có hơn 8.000 tấn cà phê, 16.000 tấn còn lại bị kê khống, nhưng các ngân hàng vẫn nhắm mắt giải ngân? Điều này thật khó lý giải, nếu như không có tay trong từ ngân hàng bảo kê để giải ngân cho chủ doanh nghiệp lừa đảo, chiếm đoạt tài sản một cách dễ dàng như vậy.
Bao nhiêu trong số 600 tỷ được ăn chia với cán bộ ngân hàng sẽ bị bóc tách trong quá trình điều tra, làm rõ. Nếu các sự việc này không được làm đến nơi, đến chốn thì chắc chắn những sai phạm như trên còn diễn ra dài dài.
Nhiều ngân hàng phát hiện mình bị lừa đảo khi quá muộn
Mới đây thôi, người viết đã tiếp cận với tay cò siêu đẳng chuyên giới thiệu doanh nghiệp tiến hành những phi vụ là thế chấp tài sản đất đai, nhà xưởng, lấy tiền rồi cao chạy, xa bay. Theo đó, chủ doanh nghiệp chỉ lấy khoảng 80% số tiền vay được, 20% còn lại là ăn chia giữa ngân hàng, cò môi giới và những ai tham gia phi vụ này.
Đây thực sự là vấn nạn hối lộ, móc ngoặc, chia phần trăm giữa doanh nghiệp và cán bộ ngân hàng mà chẳng ai có thể kiểm soát nổi. Chính sự vô trách nhiệm và tiêu cực của một số cán bộ ngân hàng mới tiếp tay cho bọn lừa đảo chiếm đoạt hàng trăm tỷ đồng một cách dễ dàng.
Thực tế, dưới góc độ điều tra, một điều tra viên cho rằng cần phải đặt ra vấn đề vai trò, trách nhiệm của ban lãnh đạo ngân hàng. Bởi xét cho cùng, thủ đoạn lừa đảo như trên là không mới mà chủ yếu là thông đồng để ăn chia mà thôi.
Qua đây cho thấy, hoạt động cho vay, cách thu thập thông tin ở một số chi nhánh ngân hàng vẫn còn nhiều lỗ hổng. Khi cho vay, nhiều ngân hàng vẫn chưa coi trọng yếu tố uy tín, mục đích vay, năng lực tạo lợi nhuận, môi trường kinh doanh, nguồn trả nợ của khách hàng. Đây là nguyên nhân khiến nợ xấu trong ngành ngân hàng ở mức cao.
Thu hồi nợ xấu rất khó
Sau hàng loạt vụ việc sai phạm ngân hàng đặt ra vấn đề trình độ của một bộ phận cán bộ ngân hàng. Thứ nhất là không biết, thứ hai biết nhưng cố ý vi phạm vì có vấn đề tiêu cực. Có trình độ đấy nhưng người ta cố ý làm sai để nhận tiền ngoài luồng.
Theo ông Trần Du Lịch, nói đi thì phải nói lại rằng ngân hàng không thể nào cho xây kho để giữ động sản thế chấp của khách hàng. Vì vậy, thiệt hại đang đứng về phía ngân hàng là rất lớn, việc thu hồi tài sản của các con nợ thì quá khó khăn, dù phán quyết của tòa là ngân hàng sẽ thắng.
“Nếu con nợ không hợp tác thì vô phương, còn nếu hợp tác thì cũng phải kéo dài đến bốn năm mới có thể lấy lại được một phần tài sản. Người ta ê ẩm không muốn đi đòi tài sản nữa bởi dù bản án có hiệu lực pháp luật cũng không có cách gì lấy lại được tài sản của mình” – ông Lịch nói.
Theo Luật sư Trương Thanh Đức (Giám đốc Công ty Luật ANVI): “Hiện nay, với khoảng 70% vốn đầu tư, vốn phát triển từ doanh nghiệp là dựa vào nguồn vốn ngân hàng. Có thể thấy, nếu doanh nghiệp “ốm” thì chắc chắn một thời gian ngắn sau, ngân hàng sẽ bị ảnh hưởng, nhiều sai phạm sẽ được bộc lộ”.
Để xảy ra sai phạm tại các ngân hàng thời gian qua chắc chắn còn do sự quản lý lỏng lẻo của ban lãnh đạo. Thực tế, các vụ án xét xử cán bộ ngân hàng liên quan đến động cơ vụ lợi cá nhân nhằm được hưởng lợi từ hoa hồng, phần trăm (%) hoặc lại quả từ khách hàng vay vốn là rất lớn, thậm chí là nể nang, giúp đỡ lẫn nhau.
Cho nên, đến khi các khoản vay trên biến thành nợ xấu thì việc thu hồi vốn chẳng bao giờ là dễ dàng.
Lê Thuận
——————————–
Thời báo Kinh doanh (Ngân hàng) 28-7-2015:
http://thoibaokinhdoanh.vn/Ngan-hang-5/Ai-gay-ra-no-xau-16377.html
(62/1.141)