738. Gỡ vướng trong xử lý, thu hồi nợ xấu

(ND) – Việc xử lý, thu hồi nợ của hệ thống ngân hàng (NH) đang gặp khá nhiều khó khăn, trở ngại. Khó khăn đầu tiên phải kể đến đó là các doanh nghiệp (DN) gặp nhiều khó khăn trong hoạt động sản xuất, kinh doanh dẫn đến khó khăn trong trả nợ. Thứ nữa là sự bất hợp tác của các khách hàng. Và theo nhiều ý kiến, nguyên nhân này đang khiến câu chuyện xử lý nợ giữa NH và DN trở nên căng thẳng, kéo dài.

Việc xử lý, thu hồi nợ tại Công ty Thép Nam Đô (Hải Phòng) của Vietcombank gặp nhiều khó khăn do con nợ bất hợp tác.

Khi con nợ chây ỳ

Một vị đại diện của Techcombank mới đây đưa ra một dẫn chứng về một khách hàng đã vay NH tiền và làm thủ tục hợp đồng thế chấp tài sản trong tương lai là một căn hộ mua tại một khu đô thị. Không những không trả nợ đúng quy định, vị khách này còn tỏ thái độ bất hợp tác, phản đối khi NH thông báo sẽ làm theo đúng luật tiến hành xử lý tài sản bảo đảm (TSBĐ). Tương tự, vụ việc VPBank tiến hành thu giữ tài sản thế chấp là nhà ở hồi tháng 3 vừa qua khi khách hàng không thực hiện nghĩa vụ trả nợ cũng gây không ít xôn xao trong dư luận.

Giám đốc Vietcombank chi nhánh Thái Bình Đinh Thị Thủy chia sẻ thêm về một trường hợp cố tình chây ỳ, không chịu trả nợ của một DN tư nhân trên địa bàn. “Chúng tôi đã thiện chí để khách hàng trả nợ nhưng chủ DN luôn có một đối tác tư vấn đưa ra đủ mọi lý do trì hoãn để không ra tòa. Không những thế, khi ra tòa, chủ DN này còn có một bản khá dài phản tố, biến NH trở thành nhà đầu tư kinh doanh. Cứ như vậy đến lúc tòa xử sơ thẩm rồi phúc thẩm hết ba năm, từ đó đến nay kéo dài thêm hai năm nữa là năm năm nhưng chúng tôi vẫn chưa xử lý được” – bà Thủy cho biết.

Có thể nói, không riêng ba NH kể trên mà hiện nay, rất nhiều NH cũng gặp hoàn cảnh tương tự và cảm thấy bế tắc trong xử lý nợ xấu bởi sự thiếu thiện chí, bất hợp tác của khách hàng. Nhận xét về thực trạng này, Luật sư Trương Thanh Đức, Giám đốc Công ty Luật ANVI cho rằng, thực tế đang có nhiều khách hàng chọn lựa cách chây ỳ. Bởi lẽ, chính các quy định của pháp luật chưa chặt chẽ dẫn đến tình trạng khuyến khích cách hành xử chây ỳ, thậm chí càng chây ỳ càng có lợi. Quy định của pháp luật về lãi suất chậm thi hành án là một thí dụ điển hình. Chẳng hạn, lãi suất nợ vay ngân hàng trong hạn là 10%/năm, thì lãi suất quá hạn cao nhất là 15%/năm hoặc 19%/năm. Phần lớn nợ quá hạn có “nguồn gốc” từ một số năm trước, thì lãi suất quá hạn thường cao, thậm chí lên đến cỡ 30%/năm. Trong khi đó, nếu đã kiện ra Tòa, thì sau khi có bản án, con nợ phải trả lãi suất chậm thi hành án 9%/năm. Vậy là lãi suất này rẻ hơn cả lãi suất vay trong hạn và tất nhiên càng thấp so với lãi suất khi bị quá hạn. Hậu quả nhãn tiền của việc chậm thi hành án là đương nhiên, vì càng chây ỳ, trì hoãn càng có lợi (so với trước khi có bản án).

Rào cản từ cơ chế chính sách

Sự bất hợp lý trong các quy định pháp luật không những là kẽ hở khiến không ít con nợ lợi dụng để cố tình chây ỳ, mà đó còn là một trong những rào cản khiến việc xử lý, thu hồi nợ của hệ thống ngân hàng gặp nhiều khó khăn. Trong đó, rào cản đầu tiên cần kể đến là vướng mắc trong quá trình xử lý TSBĐ.

Theo Trưởng phòng thu hồi và xử lý nợ Vietcombank Chu Châu Hạnh, quy định của Luật là bên thế chấp phải giao TSBĐ cho bên nhận thế chấp để xử lý. Nếu không, bên nhận thế chấp có quyền thu giữ TSBĐ. Nhưng thực tế thì việc xử lý TSBĐ phụ thuộc hoàn toàn thiện chí bên thế chấp. “Trong quá trình đàm phán, chúng tôi phải vừa mềm dẻo, vừa cương quyết thì câu chuyện xử lý TSBĐ mới được thực thi. Còn nếu vẫn không xong thì buộc phải thu giữ” – bà Hạnh cho biết. Nhưng sau đó, các NH lại gặp không ít khó khăn trong việc thực hiện quyền thu giữ TSBĐ này. Bởi lẽ, cơ quan công an chỉ có trách nhiệm giữ gìn an ninh trật tự mà không có biện pháp hoặc chế tài xử lý nếu bên thế chấp TSBĐ bất hợp tác, chây ỳ. Cùng với đó là pháp luật cũng chưa có quy định các biện pháp hoặc chế tài xử lý các đối tượng bất hợp tác, chây ỳ, trì hoãn việc chuyển giao tài sản cho NH để xử lý thu hồi nợ.

Ngoài ra, các NH còn gặp vướng mắc trong thực hiện thủ tục tố tụng. Cụ thể là việc khách hàng vay, bên thế chấp bỏ trốn khỏi nơi cư trú, cố tình giấu địa chỉ nhằm trốn tránh thực hiện nghĩa vụ đã cam kết với NH. Khi NH khởi kiện khách hàng ra Tòa án, mặc dù trong đơn khởi kiện đã ghi rõ họ tên, địa chỉ của bị đơn, bên có quyền lợi nghĩa vụ liên quan, nhưng nhiều Tòa án yêu cầu NH phải xác minh tình trạng cư trú hiện tại của khách hàng hoặc phải có xác nhận của chính quyền địa phương mới thụ lý hồ sơ. Nếu NH không thực hiện được yêu cầu này, Tòa án từ chối thụ lý vụ án, trả lại đơn khởi kiện với lý do chưa đủ điều kiện khởi kiện hoặc đã thụ lý vụ án thì Tòa án ra quyết định đình chỉ giải quyết vụ án.

Thực tế, khi xảy ra nợ xấu, trường hợp khách hàng vay cố tình trốn tránh, bỏ đi khỏi nơi cư trú thì yêu cầu liên lạc, xác minh của Tòa án như trên là quá khó khăn đối với các NH. Trường hợp khách hàng của Vietcombank chi nhánh Hải Phòng là Công ty TNHH Nam Đô, chính là một thí dụ. Theo đó, NH đã nộp đơn khởi kiện DN từ cuối năm 2013 nhưng đến nay Tòa án vẫn chậm trễ thụ lý vụ án. “Tòa án yêu cầu xác minh địa chỉ kinh doanh của DN nhưng do DN không hợp tác và thay đổi địa chỉ kinh doanh nhiều lần cho nên khi NH nộp đơn khởi kiện tại Tòa án quận Ba Đình và Cầu Giấy là những nơi có đăng ký kinh doanh gần nhất của DN, thì khi hai Tòa án này xác minh, DN lại không có hoạt động trên địa bàn, nên vẫn chưa thể thụ lý được,” đại diện Vietcombank Hải Phòng bày tỏ vướng mắc.

Như vậy có thể thấy, để công tác xử lý nợ xấu nhanh, dứt điểm và hiệu quả thì bên cạnh nỗ lực của riêng ngành NH, cũng cần sự tham gia tích cực của các tổ chức, đơn vị có liên quan, từ hoàn thiện khuôn khổ pháp lý, quy trình thủ tục đến thực thi pháp luật liên quan tín dụng ngân hàng, nhất là liên quan xử lý tài sản bảo đảm, tài sản thế chấp. Có như vậy, những rào cản, vướng mắc như đã nêu ở trên sẽ phần nào sớm được khắc phục, và nợ xấu sẽ không còn là “cục máu đông” gây tắc nghẽn lưu thông của nền kinh tế.

Thủ tục tố tụng hiện chưa tạo điều kiện thuận lợi cho tổ chức tín dụng (TCTD) xử lý tài sản để thu hồi nợ. Cụ thể, một số Tòa án yêu cầu TCTD cung cấp Biên bản làm việc giữa TCTD và khách hàng có nội dung chủ sở hữu tài sản thế chấp không đồng ý bàn giao tài sản thế chấp hoặc không đồng ý ủy quyền cho TCTD bán tài sản thế chấp để thu hồi nợ. Thực tế, đối với các trường hợp TCTD đã phải khởi kiện ra Tòa án thì chủ sở hữu tài sản thế chấp luôn bất hợp tác, không chịu ký Biên bản làm việc với TCTD. Yêu cầu nêu trên của Tòa án địa phương đã gây rất nhiều khó khăn cho TCTD.

TS TRẦN THỊ HỒNG HẠNH Tổng Thư ký Hiệp hội Ngân hàng Việt Nam

 

Bài và ảnh: HỒNG ANH

————————————–

Nhân Dân (Tin tức) 05-8-2015:

http://www.nhandan.com.vn/mobile/_mobile_kinhte/_mobile_tintuc/item/27074302.html

(209/1.525)

Bài viết 

311. Hãy nhìn từ mục tiêu của việc đánh thuế...

Hãy nhìn từ mục tiêu của việc đánh thuế bất động sản. [caption id="attachment_42152"...

Bình luận 

433. Bình luận về Chủ sở hữu hưởng lợi của...

Bình luận về Chủ sở hữu hưởng lợi của doanh nghiệp Tham luận Hội...

Phỏng vấn 

4.391. Bẫy nạn nhân với 'miếng mồi' lãi suất cao.

Bẫy nạn nhân với 'miếng mồi' lãi suất cao.(TT) - Vụ GFDI ở Đà Nẵng...

Trích dẫn 

3.908. Ngăn chặn những "văn phòng bất động sản...

Ngăn chặn những "văn phòng bất động sản di động" đẩy giá đất. (VTV.vn)...

Tám luật 

334. ANVI xì luật hay Lạm bàn tám luật.

(ANVI) - “Lạm bàn tám luật” hay còn gọi là “ANVI xì luật”Chuyên...

Số lượt truy cập: 231,832