739. Khi nào được cầm giữ tài sản?

(ĐĐK) – Cùng với Bộ luật Hình sự sửa đổi, Bộ luật Dân sự sửa đổi hiện đang được lấy ý kiến để hoàn thiện trước khi cho ý kiến tại kỳ họp thứ 10 Quốc hội khóa 13 tới. Xung quanh vấn đề cầm giữ tài sản, nhiều ý kiến đề nghị quy định rõ biện pháp cầm giữ tài sản là biện pháp bảo đảm nghĩa vụ dân sự nói chung chứ không chỉ là biện pháp cầm giữ tài sản trong hợp đồng song vụ.

Có được cầm cố sổ tiết kiệm?

TS Trần Thị Hồng Hạnh, Tổng Thư ký Hiệp hội Ngân hàng Việt Nam cho rằng, biện pháp cầm giữ tài sản không chỉ là biện pháp bảo đảm thực hiện hợp đồng nói riêng mà là biện pháp bảo đảm thực hiện nghĩa vụ dân sự nói chung. Tham khảo pháp luật nhiều nước cũng quy định như vậy do đó chúng tôi cho rằng, tại Điều 343 Dự thảo chỉ quy định biện pháp cầm giữ trong hợp đồng song vụ là chưa phù hợp.

Theo bà Hạnh, tài sản chỉ được phép cầm giữ khi mà tài sản đó có liên quan đến nghĩa vụ bị vi phạm. “Ví dụ, khi người lái xe đưa xe vào xưởng sửa chữa mà chưa trả tiền thì người sửa xe ôtô chỉ có quyền cầm giữ chiếc xe ôtô đó mà không có quyền cầm giữ những tài sản khác của người lái xe. Đây là điều kiện quan trọng không thể thiếu đối với tài sản được cầm giữ”-bà Hạnh phân tích.

Từ đó bà đề nghị, quy định rõ biện pháp cầm giữ tài sản là biện pháp bảo đảm nghĩa vụ dân sự nói chung chứ không chỉ là biện pháp cầm giữ tài sản trong hợp đồng song vụ như quy định của Dự thảo. Đồng thời bổ sung thêm một điều kiện phải có đối với tài sản bị cầm giữ đó là tài sản chỉ được phép cầm giữ khi mà tài sản đó có liên quan đến nghĩa vụ bị vi phạm.

Theo luật sư Trương Thanh Đức, Giám đốc Công ty Luật ANVI về cầm cố bất động sản thì Khoản 2, Điều 336 về “Xác lập quyền cầm cố” Dự thảo Bộ luật có nêu việc cầm cố bất động sản. Điều này mâu thuẫn với Luật Đất đai năm 2013; Luật Kinh doanh bất động sản năm 2014; Luật Nhà ở năm 2014. Vì vậy, cần xem lại đây là sự sai sót kỹ thuật hay chính thức cho phép cầm cố bất động sản?. Nếu cho phép cầm cố bất động sản thì việc chuyển giao tài sản được hiểu khác với quy định hiện hành như thế nào? Xử lý tài sản cầm cố và tài sản thế chấp là bất động sản khác nhau ra sao?

Cũng theo ông Đức, về cầm cố thẻ tiết kiệm (Điều 338) đề nghị không quy định việc cầm cố tài sản không phải là giấy tờ có giá như thẻ tiết kiệm mà là cầm cố số tiền gửi tại các tổ chức tín dụng, trong đó giấy tờ xác nhận quyền sở hữu là thẻ tiết kiệm, chứng chỉ tiền gửi, giấy chứng nhận tiền gửi, hợp đồng tiền gửi”. 

Nên để chủ thể giao dịch tự thoả thuận mức lãi suất

Về lãi suất trong hợp đồng vay tài sản (Điều 491 Dự thảo Bộ luật) luật sư Đặng Thị Dung (Đoàn Luật sư thành phố Hà Nội) bày tỏ quan điểm không đồng tình với Dự thảo bởi nội dung của Dự thảo không thay đổi về mặt bản chất mà chỉ mở rộng biên độ cho phép từ 150% lên 200%. Điều này không giải quyết được vấn đề cốt yếu là lãi suất cơ bản có thực sự là lãi suất phản ánh được đúng quy luật cung-cầu vốn của thị trường hay không?

Từ đó bà Dung cho rằng, nếu phải lựa chọn một lãi suất để chủ thể giao dịch làm cơ sở thoả thuận lãi suất cho vay thì nên lựa chọn lãi suất thị trường liên ngân hàng, và nên để các chủ thể giao dịch tự thoả thuận mức lãi suất nhưng không được vượt quá lãi suất quá hạn đối với loại vay có kỳ hạn tương ứng tại thời điểm xác lập giao dịch của một ngân hàng thương mại mà các bên thoả thuận lựa chọn. Nếu các bên không thoả thuận lãi suất cho vay thì áp dụng lãi suất liên ngân hàng tại thời điểm thanh toán.

Cùng chung quan điểm, PGS.TS Đặng Văn Thanh, Chủ tịch Hội Kế toán và kiểm toán Việt Nam bày tỏ quan điểm, đa số ý kiến cho rằng lãi suất cơ bản của Ngân hàng Nhà nước chỉ là mức lãi suất để điều hành chính sách tiền tệ quốc gia, không mang tính thị trường. Cho nên sử dụng lãi suất cơ bản để điều chỉnh các quan hệ dân sự là không phù hợp nên đề nghị xem xét lại quy định tại Điều 491.

Từ đó ông Thanh kiến nghị, có thể quy định trực tiếp mức lãi trần trong Dự thảo Luật. Như vậy sẽ không lệ thuộc vào lãi suất cơ bản của ngân hàng và cũng đảm bảo rõ ràng minh bạch hơn trong áp dụng, các bên tham gia giao dịch có thể lượng hóa được hậu quả pháp lý khi xác lập hợp đồng vay.

T.Dương

———————————

Đại đoàn kết (Giám sát – Pháp luật) 06-8-2015:

http://www.daidoanket.vn/giam-sat-phap-luat/khi-nao-duoc-cam-giu-tai-san/59462

(202/947)

Bài viết 

311. Hãy nhìn từ mục tiêu của việc đánh thuế...

Hãy nhìn từ mục tiêu của việc đánh thuế bất động sản. [caption id="attachment_42152"...

Bình luận 

437. Cải cách thể chế và tôn trọng thị trường...

Chùm 3 bài Việt Nam - Khát vọng hùng cường: Cải cách thể chế và tôn...

Phỏng vấn 

4.427. Gần tết cảnh giác với tội phạm ngân hàng.

Gần tết cảnh giác với tội phạm ngân hàng. (HTV1) - Chương trình có...

Trích dẫn 

3.976. Cảnh giác hiện tượng rao bán bất động...

Cảnh giác hiện tượng rao bán bất động sản kiểu "phông bạt". (DV) -...

Tám luật 

334. ANVI xì luật hay Lạm bàn tám luật.

(ANVI) - “Lạm bàn tám luật” hay còn gọi là “ANVI xì luật”Chuyên...

Số lượt truy cập: 237,458