Đời sống của giáo viên và việc dạy thêm.
(GCVN) – Dạy học là một nghề cao quý, là công việc được xã hội tôn vinh lên bậc thầy. Tuy nhiên nhìn chung, cuộc sống vật chất của những bậc danh cao đức trọng ấy thì đang còn ở mức rất hạn chế, nếu không muốn nói là thấp kém. Dù cho thang bảng lương của giáo viên có cao nhất trong số các ngành nghề, thì thực tế thu nhập của họ vẫn cứ thuộc loại thấp nhất. Vì trong thời buổi này, tiền lương và thu nhập trên thực tế là hai khái niệm có khoảng cách khá xa. Trong nền kinh tế thị trường hiện nay, nhất là ở đô thị, nếu chỉ dựa hoàn toàn vào đồng lương hành chính, thì để bảo đảm cho cuộc sống tối thiểu là cả một “bài toán” khó. Làm sao có thể lý giải nổi mâu thuẫn: Thu nhập của giáo viên mới ra trường còn thấp hơn chi phí của giáo sinh.
Một lần, tôi thắc mắc với người bác là, tại sao lại đi bộ mà không đi chợ bằng xe đạp. Bác tôi nói, để khỏi tốn mất 200 đồng tiền gửi xe ở chợ quê. Đó là một “đáp án” đơn giản đến không ngờ. Đó là một lời giải đã làm tôi day dứt suốt mấy năm qua. Vì đó là câu trả lời của một cựu giáo chức đã phục vụ mấy chục năm cho một nghề nghiệp cao quý.
Đại đa số thầy cô giáo của chúng ta không có cơ hội kiếm thêm thu nhập từ tiền thưởng, phong bì, quà cáp, hoa hồng như những ngành nghề, công việc có liên quan đến kinh doanh, chức tước, quyền thế, tiền bạc. Do vậy, để sống với nghề, thì hoặc là phải kiêm thợ thủ công bất đắc dĩ (với việc đan lát, thêu thùa, may vá) hoặc là phải nhuốm màu nông dân (cùng với vườn, ao, chuồng, trại) hoặc là phải dùng chính nghề để nuôi nghiệp, đó là dạy thêm. Cũng chỉ một số ít giáo viên có thể tìm thêm thu nhập bằng việc dạy thêm. Giáo viên dạy các môn không quan trọng đối với việc thi cử và giáo viên ở khu vực nông thôn, thì cũng khó có thể dạy thêm, thậm chí là dạy thêm miễn phí.
Dạy thêm là việc làm không được quan điểm chính thống khuyến khích, thậm chí còn bị người ta kêu ca, lên án. Tuy nhiên, xét về khía cạnh cơm áo gạo tiền của cuộc đời, thì theo tôi, cần phải có cái nhìn khách quan hơn, công bằng hơn. Một trong những lý lẽ đời thường là có “thực” thì mới vực được “đạo”. Cũng như thật khó dạy dỗ nhân nghĩa, đạo lý trong một xã hội khi mà đạo đức suy đồi, con người giả dối.
Một trong những lý do hàng đầu của việc dạy thêm, học thêm là vì nó thực sự cần thiết trong thời đại bùng nổ thông tin và kiến thức ngày nay. Bao nhiêu thứ phải học, quá nhiều vấn đề cần cập nhật để trước hết là theo kịp anh em bạn bè chung quanh, sau đó là khỏi tụt hậu so với thiên hạ. Xin đừng nghĩ rằng, việc học thêm chỉ là nhằm giải quyết “nguyện vọng” của thầy cô giáo. UNESCO đã đưa ra 4 lý do của việc học là: Học để biết sống chung, Học để hiểu, Học để làm và Học để tồn tại (để tự khẳng định mình). Tuyệt nhiên không có lý do học để lấy bằng cấp như thực tế đáng buồn trong xã hội “Lấy văn bằng thay cho thực lực, bỏ thực lực chạy theo bằng cấp…” như nhận định của một cựu giáo chức, Tiến sỹ Hồ Ngọc Đại.
Học thêm là một trong những cách thức khôn ngoan để đầu tư cho tương lai, còn dạy thêm là một trong những biện pháp tốt nhất để nuôi nghề thanh bạch. Nếu xã hội có nhu cầu học thêm và giáo viên có điều kiện dạy thêm, thì đừng cấm cả hai bên làm những điều cần cho cuộc sống. Phải chăng đó cũng là một phần tất yếu của một xã hội học tập, trong lúc nền giáo dục chính thống đang còn nhiều bất cập. Vấn đề là dạy thêm cái gì và dạy như thế nào. Có dạy những điều vô bổ, những nội dung phản khoa học, những vấn đề sai lầm về tư duy nhận thức không; có trù dập học sinh không học thêm và ưu ái cho người học thêm hay không; có cắt xén kiến thức trong giờ chính để dành cho lớp dạy thêm không,…
Nên coi dạy thêm cũng như là việc làm thêm giờ của cán bộ công chức hoặc như việc khám ngoài giờ của bác sỹ. Nếu như giảng viên đại học được khuyến khích đi dạy thỉnh giảng hoặc dạy thêm ở các lớp tại chức (mà phần dạy thêm lại có thu nhập cao hơn là phần chính), thì giáo viên phổ thông cũng cần được phát huy chất xám. Đặc biệt, không có lý do gì để cấm giáo viên đã về hưu hoặc giáo viên nơi này dạy thêm học sinh nơi khác. Tôi cho rằng, cần phải quan tâm chấn chỉnh nhiều việc khác trước khi phản bác việc học thêm, dạy thêm.
––––––––––––––––––––––––
Luật sư Trương Thanh Đức, Giám đốc Công ty Luật ANVI
Bài đăng trên Bản tin Giáo chức Việt Nam số 7-8/2005
(940)