740. Những mánh lừa tinh vi thời công nghệ cao (Kỳ 2)

(PT) – Tiền ảo được ra đời trong thời đại công nghệ số. Gọi là “tiền ảo” bởi nó là tiền điện tử không được phát hành bởi chính phủ hay một tổ chức tài chính nào, mà được tạo ra và vận hành dựa trên hệ thống các máy tính kết nối mạng Internet.

Hệ thống “tiền ảo” được chia làm 3 loại. Loại thứ nhất là hệ thống “tiền ảo” dùng trong các game online. Loại thứ hai là hệ thống “tiền ảo” có lưu lượng theo duy nhất một hướng, được hiểu là hệ thống “tiền ảo” có thể mua được những sản phẩm ảo, dịch vụ ảo mà không dùng để mua những sản phẩm thật hoặc dịch vụ thật. Loại thứ ba là hệ thống “tiền ảo” có hai hướng, nghĩa là hệ thống tiền ảo có thể mua được những sản phẩm, dịch vụ thật và ảo.

Cơn sốt tiền ảo đã từng lây lan tới Việt Nam khiến nhiều người đổ xô vào đầu tư và không ít người trong số họ đã trắng tay. Những cái chết thật vì tiền ảo là một lời cảnh báo cho những người lao vào kênh đầu tư đầy rủi ro này.

Bài 2: TIỀN ẢO – CHẾT THẬT 

Bẫy siêu lợi nhuận

Đầu năm 2014, Công an TP Hà Nội đã điều tra khám phá một vụ kinh doanh tiền điện tử trái phép tại Việt Nam với số tiền thật đã giao dịch lên tới nhiều tỉ đồng.

Đối tượng chính trong vụ việc là Nguyễn Văn Bình (SN 1983) ở quận Hải Châu, Đà Nẵng. Tháng 4-2013, Bình ký hợp đồng trị giá 80 triệu đồng, thuê Công ty CP Thương mại và dịch vụ trực tuyến Nencer (trụ sở tại phố Trần Thái Tông, quận Cầu Giấy, Hà Nội) thiết kế cho Bình một chương trình phục vụ việc kinh doanh tiền điện tử dưới dạng một website. Đến tháng 7-2013, Công ty Nencer bàn giao phần mềm kinh doanh tiền điện tử Bank24h.vn cho Bình trực tiếp quản lý và sử dụng.

Mark Karpeles – CEO sàn giao dịch bitcoin Mt.Gox – người vừa bị Cảnh sát Nhật bắt giữ đầu tháng 8

Với số vốn ban đầu là 1,1 tỉ đồng, Nguyễn Văn Bình đã sử dụng để mua bán loại tiền điện tử Webmony (WMZ) được cung cấp trên www.wmtransfer.com do Công ty CJSC Computing Forces, địa chỉ tại thành phố Irkutskaya st, 17-04, Liên bang Nga phát hành. Tỷ giá quy đổi tiền WMZ do Bình tự ý điều chỉnh tùy theo từng thời điểm, tính trung bình khoảng 21.000VNĐ/1WMZ.

Khách có nhu cầu mua hoặc bán tiền điện tử WMZ phải mở tài khoản tại website Webmoney.ru (máy chủ đặt tại Nga), đồng thời phải khai báo đầy đủ những thông tin theo yêu cầu trên giao diện của Bank24h.vn. Sau khi nhấp chuột vào biểu tượng trên giao dịch để khớp lệnh mua hoặc bán, số tiền điện tử mà khách đã mua sẽ tự động được chuyển đến tài khoản của họ mở tại Webmoney.ru; còn số tiền Việt Nam khách dùng để thanh toán việc mua tiền WMZ sẽ được chuyển vào 1 trong 5 tài khoản của Bình mở tại các ngân hàng: Á Châu Bank, Đông Á Bank, Vietcombank, Vietinbank.

Sau một thời gian theo dõi, lần tìm ra “ông chủ” của trang web Bank24h.vn, ngày 17-12-2013, tại phố Lý Thường Kiệt, Hà Nội, Nguyễn Văn Bình đã bị Đội 3 – Phòng Cảnh sát phòng chống tội phạm công nghệ cao Công an Hà Nội (PC50) bắt quả tang khi đang sử dụng máy tính cá nhân để thực hiện lệnh chuyển tiền điện tử bán cho khách 10.000WMZ với giá trị 216 triệu đồng.

Cơ quan Công an làm rõ trong thời gian 6 tháng kể từ khi đi vào hoạt động, trang web Bank24h.vn do Nguyễn Văn Bình quản lý đã thực hiện giao dịch mua bán khoảng 360.000WMZ tương đương 7,56 tỉVNĐ. Nguyễn Văn Bình thừa nhận việc kinh doanh tiền điện tử trên mạng Internet trên không có chứng nhận đăng ký kinh doanh cũng như không nộp thuế cho cơ quan Nhà nước. Bước đầu, PC50 đã chuyển hồ sơ và đối tượng Bình tới Cơ quan điều tra để điều tra, xử lý về hành vi kinh doanh trái phép.

Nhưng WMZ chỉ là một loại tiền ảo. Ngoài WMZ  còn có các loại tiền ảo khác như libertyreserve (viết tắt là LR), paypal (PP), e-gold, moneybookers, perfectMoney, bitcoin (BTC), onecoin… Trong đó có loại như bitcoin chẳng hạn, đã tạo nên cơn sốt đầu tư ở Việt Nam. Nhiều người đổ xô vào đầu cơ loại tiền này  giống như chơi chứng khoán OTC thời điểm trước khi lên sàn.

Lợi nhuận khủng được vẽ ra chính là miếng mồi nhử khiến các nhà đầu tư lao vào cuộc chơi mà không lường hết được rủi ro. “Chiếc bánh vẽ” khổng lồ về lợi nhuận từ việc đầu tư đồng tiền ảo onecoin đầy rẫy trên các diễn đàn, các trang mạng xã hội tại Việt Nam. Đồng tiền điện tử onecoin được quảng cáo với những câu slogan hấp dẫn như: “Onecoin Việt Nam – nơi hội tụ triệu phú”; “Cơ hội trong thời kỳ kinh tế khủng hoảng”, hay “Cơ hội đầu tư làm giàu thông minh”…  Những diễn đàn này đã vẽ ra cho các nhà đầu tư một viễn cảnh về xu thế mới của đồng tiền điện tử trong kinh doanh thời đại Internet và khẳng định, từ đầu năm 2015, đồng tiền điện tử onecoin ra đời tiếp nối sự thành công của đồng bitcoin.

Website mời chào hấp dẫn cơ hội kiếm tiền từ tiền ảo

Việc kinh doanh tiền điện tử onecoin được quảng cáo sinh lợi nhuận nhanh chóng không khác gì phương thức kinh doanh đa cấp. Theo đó, nhà đầu tư lần đầu  phải  bỏ ra ít nhất 130euro để tham gia kinh doanh, trong đó 30euro là phí kích hoạt tài khoản. Ngoài ra, các diễn đàn này còn  quảng cáo rằng  nhà đầu tư onecoin  còn được trả thưởng bằng các chuyến du lịch định kỳ hoặc đổi điểm thưởng bằng những hiện vật giá trị như đồng hồ Rolex, điện thoại Iphone, máy tính Macbook… “Tham gia các gói kinh doanh cùng onecoin bạn có cơ hội nhận thưởng vàng. Trên mỗi gói tham gia bạn nhận được một tỷ lệ đồng vàng Aurum Gold tương ứng. Mỗi một điểm Aurum Gold tỷ lệ bằng 1mg vàng thực. Và khi bạn tích lũy đủ khối lượng vàng, chúng tôi sẽ trao thưởng cho bạn một lượng vàng tương ứng… Sẽ rất thú vị nếu bạn đang sinh sống tại Việt Nam nhưng có cơ hội thu nhập hàng ngàn euro như những công dân châu Âu khác”…

Theo quảng cáo của những tư vấn viên, giá trị của onecoin mà nhà đầu tư được hưởng cao hơn nhiều số tiền thật bỏ ra. Không chỉ có thế, giá onecoin sẽ tăng từ mức dưới 1 euro/coin hiện nay lên 50-100USD/coin trong vài ba năm tới, nên chả mấy chốc, nhà đầu tư sẽ 1 lãi 10, thậm chí lãi 100 số tiền bỏ ra. “Đầu tư 5.000euro, tức gần 150 triệu đồng từ tháng 4/2015, tới tháng 1/2016 bạn sẽ được 1-2 tỉ đồng, tháng 1/2017 bạn được 3-4 tỉ đồng, tháng 1/2018 bạn sẽ được 10-15 tỉ đồng”. Đó còn chưa kể bên cạnh việc thu lợi từ đầu tư, người tham gia khi giới thiệu người mới cũng sẽ nhận được 10% lợi nhuận…

Trong bối cảnh khủng hoảng kinh tế còn kéo dài, các kênh đầu tư như nhà đất, chứng khoán… vẫn còn mịt mùng, không sinh lợi thì trước những lời mời chào hấp dẫn kiểu “hốt ra bạc” trên, nhiều nhà đầu tư đã lao vào onecoin  với hy vọng tham gia sớm sẽ được hưởng lợi từ những người đến sau như cách hưởng lợi  của đa cấp. Theo thống kê của một diễn đàn “đầu tư tài chính onecoin” thì số thành viên tham gia kinh doanh onecoin tại Việt Nam đã lên tới trên 400 nghìn người.

Cái chết được báo trước

Một trinh sát thuộc PC50 phân tích, đầu tư vào tiền ảo, nhà đầu tư đứng trước nguy cơ bị trắng tay bởi các lý do sau:

Thứ nhất, giá trị tiền điện tử không được điều tiết bởi ngân hàng hay chính phủ, mà bị chi phối bởi  người điều hành hoạt động giao dịch tiền “ảo”, gọi nôm na là “nhà cái”. “Nhà cái” bởi thế sẽ vừa đá bóng vừa thổi còi trong cuộc chơi này. Giá trị tiền ảo tăng hay giảm là hoàn toàn do nhà cái điều tiết theo ý muốn. Cơ quan Công an đã từng xử lý vụ website “xchange.vn” do Đỗ Tuấn Anh ở phường Yên Hòa, quận Cầu Giấy lập ra để kinh doanh trái phép các loại tiền điện tử. Theo khai nhận của Tuấn Anh, việc tăng hay giảm tỷ giá quy đổi từ tiền điện tử sang tiền Việt Nam trên website “xchange.vn” do Tuấn Anh tự điều chỉnh và sửa trên giao diện. Cơ quan Công an xác định, riêng loại tiền điện tử WMZ, tổng số tiền giao dịch trên website xchange.vn tương đương giá trị quy đổi là trên 17 tỉ đồng.

Thứ hai, cũng do “nhà cái” vừa đá bóng vừa thổi còi nên mạng giao dịch có thể được nhà cái chủ động đánh sập bất cứ lúc nào mà “nhà cái” muốn. Đồng nghĩa với việc nhà đầu tư sẽ mất toàn bộ số tiền tham gia giao dịch. Rất có thể, sau khi phía quản lý sàn giao dịch bán ra một lượng lớn tiền “ảo” và không muốn nhà đầu tư có cơ hội rút vốn, “nhà cái” sẽ tìm cách “xóa sổ” diễn đàn cũng như loại tiền “ảo” đã tạo ra. Lúc này, khả năng đòi lại tài sản đã đầu tư khó như chuyện “bắc thang lên hỏi ông trời”.

Thứ ba, “nhà cái” hoàn toàn có  khả năng can thiệp điều chỉnh bằng kỹ thuật khiến cho nhà đầu tư mất tiền. Đã từng có trường hợp một nhà đầu tư mất trắng 40 triệu đồng khi đầu tư tiền “ảo”. Trình báo với cơ quan chức năng, nhà đầu tư này cho biết đã đặt lệnh, chuyển tiền theo hướng dẫn nhưng phía bán bitcoin trả lời giao dịch bị lỗi, không nhận được tiền nên từ chối nạp tiền “ảo” vào tài khoản.

Cảnh báo về những rủi ro khi đầu tư vào tiền ảo, Luật sư Trương Thanh Đức, Công ty Luật ANVI, cho biết, pháp luật Việt Nam chưa bảo hộ tiền điện tử, bởi vậy nếu đầu tư vào các loại tiền như bitcoin, onecoin nhà đầu tư sẽ phải tự chịu rủi ro giống như đi đánh bạc. 

Nguy cơ tiềm ẩn từ tiền ảo

Theo Thiếu tá Vũ Đức Thành, Đội phó Đội 3 – PC50,  tuy mới chỉ xuất hiện khoảng 4-5 năm trở lại đây nhưng việc kinh doanh tiền điện tử đã thu hút được rất nhiều người tham gia, mặc dù không hề hiểu biết về đồng tiền này. Việc mua bán tiền điện tử diễn ra trên mạng, lại chưa được pháp luật Việt Nam công nhận  nên phát sinh rất nhiều rủi ro mà người tham gia kinh doanh không lường hết được. Thời điểm năm 2014, khi đồng bitcoin đang “làm mưa làm gió”, Cơ quan Công an cũng nhận được nhiều đơn trình báo của nhà đầu tư tố cáo bị đối tác mua bán trên mạng lừa đảo chiếm đoạt tài sản, sau khi chuyển tiền mặt vào tài khoản của đối tượng nhưng không nhận được tiền điện tử quy đổi. Đầu tháng 6 vừa qua, Công an quận Hoàng Mai (Hà Nội) đã bắt giữ 2 cha con có hành vi cướp tài sản mà nguyên nhân cũng  xuất phát từ  việc lừa đảo khi mua bán tiền điện tử.

Bên cạnh đó, do đồng tiền điện tử chưa được thừa nhận tại Việt Nam nên chưa được pháp luật bảo vệ. Trong quá trình kinh doanh, khi xảy ra các vấn đề như tranh chấp, bị hacker xâm nhập, chiếm tài khoản,  sẽ không có cơ quan nào giải quyết.

Một rủi ro khác là tỷ giá  của đồng  tiền điện tử lên xuống thất thường, không có sự điều tiết của Ngân hàng Nhà nước nên nhà đầu tư sẽ mất nhiều hơn là được. Giá trị đồng tiền ảo do cá nhân sáng lập ra đồng tiền chi phối nên kinh doanh tiền ảo giống như cuộc chơi của nhà cái, vừa đá bóng vừa thổi còi. Hoạt động đến thời điểm nào đó, “nhà cái” đánh sập mạng, các nhà đầu tư sẽ trắng tay không khác gì rủi ro đã xảy ra ở các sàn vàng ảo. Trong khi đó, hiện  Bộ luật Hình sự chưa có quy định về tội danh mua bán tiền điện tử nên việc xử lý vi phạm hiện mới chỉ dừng ở các chế tài xử lý hành chính.

MỘT SỐ VỤ VI PHẠM PHÁP LUẬT LIÊN QUAN ĐẾN TIỀN ẢO

– Vụ cảnh sát Nhật bắt giữ ông Karpelès, chủ một sàn giao dịch tiền điện tử lớn nhất thế giới vừa qua gây chấn động giới kinh doanh.

Ra đời năm 2009, tiền ảo bitcoin không do ngân hàng trung ương nào phát hành, mà được tạo ra trên mạng bằng cách cho máy tính giải các thuật toán phức tạp. Quá trình này gọi là “đào”.

Tại Tokyo, sàn giao dịch bitcoin Mt.Gox của ông Karpelès  từng là sàn tiền ảo bitcoin có giá trị giao dịch lớn nhất thế giới.

Ông Karpelès rời Pháp tới Nhật năm 2009 và bắt đầu gây dựng của mình vào năm 2011 tại Tokyo.

Những bê bối của Mt.Gox bị đưa ra ánh sáng đầu năm ngoái đã gây rúng động trong cộng đồng bitcoin. Tháng 2/2014, sàn giao dịch này tuyên bố đóng cửa, do đánh mất 750.000bitcoin của khách hàng và 100.000bitcoin của công ty, tương đương 500 triệu USD tại thời điểm đó. Sau này, Mt.Gox cho biết đã tìm lại được 200.000bitcoin.

Khách hàng tức giận đã tới trụ sở của Mt.Gox tại quận Shibuya của Tokyo để biểu tình phản đối.

Ông Karpelès tuyên bố rằng hacker là thủ phạm đánh cắp bitcoin và thừa nhận hệ thống an ninh yếu kém của công ty. Sau đó công ty tuyên bố đã tìm lại một phần số bitcoin bị mất nhưng tung tích của số còn lại vẫn là một bí ẩn. Và số tiền mà khách hàng có khả năng lấy lại hiện vẫn chưa rõ.

Đầu tháng 8 vừa qua, truyền thông Nhật đã công bố một đoạn phim ghi lại hình ảnh Karpelès bị cảnh sát áp giải từ nhà riêng. Phát ngôn viên của cảnh sát cho biết ông Karpelès bị nghi ngờ đã truy cập vào hệ thống giao dịch và làm tài khoản của mình tăng thêm 1 triệu USD. Mối liên hệ giữa việc này và số bitcoin bị mất tích hiện vẫn chưa được làm rõ.

Cảnh sát còn nghi ngờ số bitcoin được ông Karpelès báo mất thực chất không tồn tại. về phía ông Karpelès khi nhận được thông tin sẽ bị bắt giữ từ Nikkei, ông lập tức trả lời Wall Street Journal rằng cáo buộc trên là sai và ông “đương nhiên sẽ không nhận tội”.

– Tại Việt Nam, đầu tháng 6 vừa qua, Công an quận Hoàng Mai (Hà Nội)  đã bắt giữ 2 cha con có hành vi cướp tài sản mà nguyên nhân cũng  xuất phát từ  việc lừa đảo khi mua bán tiền điện tử. Các đối tượng bị bắt gồm Nguyễn Văn Trường (46 tuổi) và Nguyễn Tiến Đạt (23 tuổi) ở phường Định Công, quận Hoàng Mai.  Trước đó, Đạt lên mạng giao dịch với một người tên Quang để bán 10.000 vcoin với giá 8,5 triệu đồng. Số tiền điện tử này đã được chuyển vào tài khoản cho Quang. Quang hẹn sẽ cho một người tên Toàn đến trả tiền mặt. Tuy nhiên, đây chỉ là một mánh lừa đảo của đối tượng Quang.

Sau khi chiếm đoạt được tiền vcoin, Quang thuê anh Nguyễn Văn Toàn là lái xe taxi đến gặp Đạt để “lấy tài liệu” mang lên sân bay cho anh ta. Khi anh Toàn đến, tưởng anh Toàn là đồng bọn với Quang, hai bố con Trường và Đạt đã đòi tiền và đánh đập, dọa dẫm, ép anh Toàn phải gọi điện thoại vay mượn người thân tiền để đưa cho Đạt. Mặc dù là nạn nhân của vụ lừa đảo mua bán tiền điện tử nhưng hành vi của hai bố con Đạt đã phạm vào tội “cướp tài sản”.

Duy Hương

——————————-

Petro Times (Phóng sự – Điều tra) 12-8-2015:

http://petrotimes.vn/nhung-manh-lua-tinh-vi-thoi-cong-nghe-cao-ky-2-313546.html

(59/2.888)

Bài viết 

311. Hãy nhìn từ mục tiêu của việc đánh thuế...

Hãy nhìn từ mục tiêu của việc đánh thuế bất động sản. [caption id="attachment_42152"...

Bình luận 

437. Cải cách thể chế và tôn trọng thị trường...

Chùm 3 bài Việt Nam - Khát vọng hùng cường: Cải cách thể chế và tôn...

Phỏng vấn 

4.427. Gần tết cảnh giác với tội phạm ngân hàng.

Gần tết cảnh giác với tội phạm ngân hàng. (HTV1) - Chương trình có...

Trích dẫn 

3.976. Cảnh giác hiện tượng rao bán bất động...

Cảnh giác hiện tượng rao bán bất động sản kiểu "phông bạt". (DV) -...

Tám luật 

334. ANVI xì luật hay Lạm bàn tám luật.

(ANVI) - “Lạm bàn tám luật” hay còn gọi là “ANVI xì luật”Chuyên...

Số lượt truy cập: 237,463