751. Bẫy ‘tín dụng đen’: Người vay thiếu hiểu biết, ngân hàng thiếu trách nhiệm

(TBTC) – Vấn nạn tín dụng đen những năm gần đây đã tăng lên khá nghiêm trọng cả về quy mô, hậu quả và tính chất tinh vi, phức tạp. Không ít người dân vì cả tin, thiếu kiến thức về pháp luật đã rơi vào “bẫy” tín dụng đen dẫn đến mất cơ nghiệp, thậm chí ảnh hưởng cả về tính mạng…

Bà Nguyễn Thị Lệ, một trong nhiều nạn nhân của tín dụng đen có mặt tại buổi hội thảo.

Vay vài chục triệu, ký giấy bán nhà

Tại hội thảo “Giải cứu người nghèo khỏi bẫy tín dụng đen” của Trung tâm nghiên cứu truyền thông phát triển tổ chức chiều 7/9, các chuyên gia đã phân tích, mổ xẻ nhiều khía cạnh về nguyên nhân khiến tín dụng đen tồn tại và hoành hành, cho dù hệ thống ngân hàng đã phát triển mạnh thời gian qua. Một trong những nguyên nhân đầu tiên được kể đến có lẽ xuất phát từ chính sự thiếu thông tin, mất cảnh giác của những người bị hại.

Bà Nguyễn Thị Lệ, một trong nhiều nạn nhân của tín dụng đen có mặt tại hội thảo cho biết, cách đây hai năm, do cần tiền cho con kinh doanh, bà đã vay vài chục triệu của một người quen. Người này đề nghị bà ký vào giấy tờ chuyển nhượng ngôi nhà đang ở và bàn giao sổ đỏ để đảm bảo nghĩa vụ trả nợ. Do tin tưởng, bà cùng gia đình đã ký kết các giấy tờ người này đưa, giao sổ đỏ và thậm chí cả hộ khẩu, chứng minh thư.

Một năm sau, bà Lệ bất ngờ khi thấy cán bộ ngân hàng đến xem xét thu hồi nhà và được biết đối tượng Nguyễn Thị Hải Yến (người cho bà vay tiền) đã lừa bà ký giấy tờ bán nhà, mang tài sản đó vào thế chấp ngân hàng.

Qua tìm hiểu được biết, gia đình bà cùng với nhiều hộ gia đình khác đã bị Công ty Cát Nam Phong (do Nguyễn Thị Hải Yến là Chủ tịch Hội đồng quản trị) lừa đảo ký giấy bán nhà để thế chấp tại ngân hàng. Bà cho biết, đã nhiều lần tìm gặp người cho vay để trả nợ nhưng đối tượng này đã bỏ trốn và sổ đỏ của bà vẫn do ngân hàng giữ.

Đây chỉ là một trong rất nhiều trường hợp điển hình của việc người dân bị rơi vào bẫy tín dụng đen, nói đúng hơn là hình thức lừa đảo tín dụng do cả tin, thiếu hiểu biết.

Theo luật sư Nguyễn Thế Truyền, đa số người đi vay mắc bẫy tín dụng đen không có kiến thức tối thiểu về tài chính cá nhân, đôi khi sẵn sàng đi vay nóng vì những lý do chưa thiết yếu như vay làm đám cưới cho con, hay tìm việc làm… Cùng với kiến thức pháp luật không đầy đủ, nhiều người để được vay đã sẵn sàng ký mọi giấy tờ, không để ý đến hậu quả.

Trung tá Lê Khắc Sơn, Phòng Cảnh sát Hình sự, Công an Hà Nội cho biết, trong rất nhiều trường hợp cơ quan bảo vệ pháp luật muốn bảo vệ người dân bị lừa đảo. Tuy nhiên, các tài liệu, chứng cứ đều phản bác lại lập luận đó, nên dù muốn bảo vệ cũng khó. Có những gia đình, tất cả các thành viên đều đồng tình ký vào hợp đồng chuyển nhượng nhà cho đối tượng cho vay tín dụng đen, vì vậy, khi đưa ra toà xét xử thì người vay vẫn là bên yếu thế.

Tại hội thảo, ông Chu Quang Tiến, Phó Cục trưởng Cục Thi hành án dân sự cũng cho biết, quá trình xử lý nhiều vụ án cho thấy, hiểu biết của người dân rất hạn chế, dẫn đến không rõ nội dung giấy tờ mình ký. Thậm chí có tâm lý chủ quan, ký bừa, cho rằng không ai lấy được nhà của họ. Vì vậy, việc xét xử, thi hành án gặp nhiều khó khăn.

Ngân hàng cũng “cả tin”

Tuy vậy, không chỉ mình người dân bị lừa gạt bởi tín dụng đen mà cũng không ít ngân hàng là nạn nhân do “cả tin”.

Như trong trường hợp của bà Nguyễn Thị Lệ, bà cũng nhiều người khác đã bị Nguyễn Thị Hải Yến lừa ký giấy bán đất để đem thế chấp ngân hàng. Tuy nhiên, chỉ khi đối tượng này không trả nợ, bỏ trốn, cán bộ ngân hàng mới đến xem xét, thông báo với người đang cư trú tại đây. Trước đó, bà Lệ cho biết, không có bất kỳ ai đến đo đạc, xem xét, đánh giá việc thế chấp ngôi nhà tại ngân hàng.

Theo ông Chu Quang Tiến, nhiều trường hợp vỡ nợ tín dụng đen có nguyên nhân từ quy trình thẩm định, đánh giá của các tổ chức tín dụng còn nhiều kẽ hở, chưa chặt chẽ.

“Nhiều trường hợp đề án vay có dấu hiệu lừa đảo, mà ngân hàng vẫn cho vay dễ dàng. Điều này rõ ràng xuất phát từ quy trình thẩm định thiếu chặt chẽ, minh bạch của ngân hàng. Nhiều trường hợp, việc thẩm định chỉ kiểm tra trên giấy. Nếu kiểm tra chặt chẽ, sẽ không xảy ra các vụ lừa đảo này”, ông Tiến cho biết. Thậm chí, nhiều vụ việc có sự tiếp tay của cán bộ ngân hàng.

Cùng ý kiến này, luật sư Trương Thanh Đức cho rằng, trong khi pháp luật chưa rõ ràng, thì ngân hàng cũng làm ăn không kỹ, tắc trách, tiếp tay khiến cho người dân bị mất nhà, mất sổ đỏ. Nếu ngân hàng làm đúng thì đối tượng lừa đảo cũng khó qua mặt. 

Về vấn đề này, đại diện phía ngân hàng, bà Trần Thị Hồng Hạnh, Tổng thư ký Hiệp hội ngân hàng Việt Nam thừa nhận, trong khi người vay thiếu sự hỗ trợ pháp lý từ các luật sư để bảo vệ tài sản của mình, thì phía ngân hàng cũng có những “con sâu bỏ rầu nồi canh”.

“Nếu các ngân hàng tuân thủ đúng quy định của Nhà nước về cho vay thì cũng không có điều gì xảy ra. Ví dụ, xác định đúng tư cách pháp nhân, vay đúng mục đích, có khả năng tài chính để chi trả… Thực hiện đúng quy định thì các khoản cho vay của ngân hàng không có rủi ro. Tuy nhiên, vì yếu tố lợi nhuận, một số ngân hàng đã chạy đua về tín dụng, một số cán bộ ngân hàng thiếu tinh thần trách nhiệm. Ví dụ, không kiểm tra, xác minh tận nơi, cán bộ ngân hàng ăn chia chênh lệch lãi suất… Tuy nhiên, đó là rủi ro đạo đức, lĩnh vực nào cũng có”, bà Hạnh nói thêm./.

Hoàng Yến

———————————

Thời báo Tài chính (Tiền tệ – Bảo hiểm) 08-9-2015:

http://thoibaotaichinhvietnam.vn/pages/tien-te-bao-hiem/2015-09-07/bay-tin-dung-den-nguoi-vay-thieu-hieu-biet-ngan-hang-thieu-trach-nhiem-24194.aspx

(54/1.194)

Bài viết 

311. Hãy nhìn từ mục tiêu của việc đánh thuế...

Hãy nhìn từ mục tiêu của việc đánh thuế bất động sản. [caption id="attachment_42152"...

Bình luận 

433. Bình luận về Chủ sở hữu hưởng lợi của...

Bình luận về Chủ sở hữu hưởng lợi của doanh nghiệp Tham luận Hội...

Phỏng vấn 

4.391. Bẫy nạn nhân với 'miếng mồi' lãi suất cao.

Bẫy nạn nhân với 'miếng mồi' lãi suất cao.(TT) - Vụ GFDI ở Đà Nẵng...

Trích dẫn 

3.908. Ngăn chặn những "văn phòng bất động sản...

Ngăn chặn những "văn phòng bất động sản di động" đẩy giá đất. (VTV.vn)...

Tám luật 

334. ANVI xì luật hay Lạm bàn tám luật.

(ANVI) - “Lạm bàn tám luật” hay còn gọi là “ANVI xì luật”Chuyên...

Số lượt truy cập: 231,832