(TNN) – Trước tính chất ngày càng phức tạp của các vụ án liên quan đến “tín dụng đen”, gây ra nhiều hậu quả nghiêm trọng về trật tự xã hội và an ninh tiền tệ, ngày 7/9, Trung tâm nghiên cứu truyền thông phát triển (RED) thuộc Liên hiệp các hội khoa học và kỹ thuật Việt Nam đã tổ chức Hội thảo “Giải cứu người nghèo khỏi bẫy “tín dụng đen””.
Vòng xoáy nhiều hệ lụy
Chia sẻ câu chuyện của mình, bà Nguyễn Thị Lệ, trú tại phố Bắc Cầu, phường Ngọc Thụy, quận Long Biên cho biết, năm 2013, bà đã tìm đến Công ty Cát Nam Phong, trụ sở tại tòa nhà M3+M4 Nguyễn Chí Thanh (Đống Đa – Hà Nội) để vay tiền. Sau khi giao sổ đỏ và ký hợp đồng chuyển nhượng gần 170m2 nhà đất với bà Nguyễn Thị Hải Yến – Chủ tịch HĐQT Công ty, bà được cho vay 500 triệu đồng, tính lãi theo ngày. “Chị Yến nói với tôi là việc ký hợp đồng chuyển nhượng và giao sổ đỏ chỉ là danh nghĩa để đảm bảo chúng tôi có nghĩa vụ trả lãi và gốc cho Công ty chứ không có chuyện bàn giao nhà. Đến năm 2014, bỗng nhiên cán bộ của một số ngân hàng đến xem xét để thu hồi nhà đất của chúng tôi vì theo họ, nhà đất đã bị chị Yến sang tên và thế chấp ngân hàng. Quá bàng hoàng và bức xúc, chúng tôi đã gửi nhiều đơn tố giác đến cơ quan công an, ngân hàng nhưng cho đến nay vẫn chưa được giải quyết”, bà Lệ giãi bày.
Từ câu chuyện của bà Lệ, Thượng tá Trần Thị Thúy – Phó trưởng phòng 5 – Tổng cục cảnh sát – Bộ Công an cho biết: trong thời gian qua, cùng với những diễn biến phức tạp trên thị trường tiền tệ, các hoạt động liên quan đến “tín dụng đen” đã đe dọa đến an toàn hệ thống tổ chức tín dụng, làm suy giảm lòng tin của DN, người dân đối với sự điều hành của Chính phủ và các cơ quan quản lý nhà nước. Theo thống kê chưa đầy đủ của Tổng cục cảnh sát, từ năm 2010 đến nay, cả nước đã có hơn 4.900 vụ việc trực tiếp liên quan đến tội phạm “tín dụng đen”. Riêng trong 6 tháng đầu năm 2015, đã xảy ra 141 vụ lừa đảo, 125 vụ lạm dụng tín nhiệm chiếm đoạt tài sản, gây bất ổn về an ninh trật tự và thiệt hại lớn về kinh tế xã hội. “Qua thống kê cho thấy, tội phạm liên quan đến hoạt động “tín dụng đen” xảy ra liên tiếp ở nhiều địa bàn trong cả nước với các đặc điểm cơ bản là cho vay với lãi suất cao, thông thường cao hơn từ 3 – 9 lần so với lãi suất ngân hàng, cá biệt có trường hợp cao gấp 10 – 20 lần. Các khoản cho vay dưới các hình thức vay nóng 3 – 10 ngày với mức lãi suất 3.000 – 10.000 đồng/triệu/ngày; vay nguội theo tháng với lãi suất thông thường từ 5 – 7%/tháng. Nhiều hệ lụy xấu đã phát sinh do “tín dụng đen” như: bắt giữ người trái pháp luật, hủy hoại tài sản, gây rối trật tự công cộng, làm nhục người khác…”, Thượng tá Trần Thị Thúy cho biết thêm.
Luật sư Trương Thanh Đức – Giám đốc Công ty Luật ANVI cho biết: khoản 1, điều 476 về “lãi suất” của Bộ luật dân sự năm 2005 có quy định “lãi suất vay do các bên thỏa thuận nhưng không được vượt quá 150% của lãi suất cơ bản do Ngân hàng Nhà nước công bố cho từng loại vay nhất định”. Tuy nhiên trên thực tế, từ năm 2011 đến nay, nhiều khoản vay của các tổ chức tín dụng đã vượt mức trần lãi suất 150%, tức là vượt 13,5%/năm. Do đó nếu áp dụng Bộ luật dân sự đối với cả ngân hàng thì việc cho vay vượt trần của các tổ chức tín dụng cũng có dấu hiệu của “tín dụng đen”. Trong khi đó, điều 163 của Bộ luật hình sự quy định: “người nào cho vay với mức lãi suất cao hơn mức lãi suất mà pháp luật quy định từ 10 lần trở lên và có tính chất chuyên bóc lột thì bị phạt tiền từ một lần đến mười lần số tiền lãi; phạm tội thu lợi bất chính lớn thì bị phạt tù từ sáu tháng đến ba năm”. “Với hệ thống pháp luật như hiện nay, tội phạm cho vay nặng lãi chỉ dừng lại ở mức độ ít nghiêm trọng và có mức hình phạt tối đa 3 năm tù là chưa đánh giá đúng mức độ nguy hiểm để có biện pháp xử lý thích đáng, đảm bảo răn đe và ngăn ngừa tội phạm. Do đó, các đối tượng cho vay “tín dụng đen” đã lợi dụng kẽ hở này để hoạt động”, luật sư Đức phân tích.
Khẩn trương điều chỉnh chế tài
Theo Thượng tá Trần Thị Thúy, để góp phần phòng ngừa, đấu tranh ngăn chặn tội phạm, vi phạm pháp luật liên quan đến “tín dụng đen”, Nhà nước cần chỉ đạo các cơ quan chức năng khẩn trương rà soát, nghiên cứu, hoàn thiện hệ thống pháp luật hình sự, dân sự, hành chính về xử lý hành vi phạm tội liên quan đến hoạt động tín dụng, trong đó nghiên cứu, ban hành thông tư liên ngành hướng dẫn các điều 139, 140, 163 của Bộ luật hình sự để làm căn cứ phục vụ công tác điều tra, truy tố, xét xử tội phạm lừa đảo, lạm dụng tín nhiệm chiếm đoạt tài sản, cho vay nặng lãi. Cùng với đó cần hoàn thiện các quy định về giao dịch dân sự; về thế chấp, cầm cố. Cụ thể hơn, quy định của BLDS cần bắt buộc mức giao dịch nhất định phải có thế chấp để đảm bảo; quy định chặt chẽ dịch vụ cầm đồ bởi đây là biến tướng của cho vay nặng lãi, là nguồn gốc của “tín dụng đen”.
Về phía Ngân hàng, bà Trần Thị Hồng Hạnh – Tổng thư ký hiệp hội Ngân hàng Việt Nam cho rằng: do “tín dụng đen” hoạt động ở thị trường phi chính thức nên việc phát hiện, xử lý rất khó khăn. Do đó, phương án chủ yếu vẫn là phòng chống, ngăn ngừa, trong đó tập trung ưu tiên phân loại đối tượng cụ thể để có biện pháp ứng xử phù hợp.
Trong khi đó, luật sư Nguyễn Thế Truyền – Công ty Luật Thiên Thanh lại cho rằng, điều then chốt là nâng cao khả năng quản trị tài chính cá nhân, qua đó giúp người dân có được những kiến thức cơ bản về quản lý dòng tiền, quản trị rủi ro, đồng thời cân bằng được khả năng và nhu cầu tài chính của bản thân, tránh rơi vào vòng xoáy “tín dụng đen”. “Bên cạnh đó cần kiên quyết đấu tranh với những công ty, tổ chức, cá nhân, sử dụng xã hội đen tham gia vào những việc liên quan đến vay mượn dân sự. Ngoài ra, hệ thống ngân hàng cần minh bạch hóa, công khai các điều kiện, trình tự, thủ tục cho vay; mở rộng cách tiếp cận các nguồn tín dụng lành mạnh”.
Bài và ảnh: Nguyễn Tiến Dũng
—————————————-
Thuế Nhà nước (Doanh nghiệp – Thị trưởng) 08-9-2015:
http://tapchithue.com.vn/doanh-nghiep-thi-truong/7739-tin-dun-g-den.html
(281/1.289)