754. Luật thiếu minh bạch, “tín dụng đen” bùng phát

(TCĐT) – Chiều ngày 7/9, Trung tâm nghiên cứu truyền thông phát triển (RED) tổ chức Hội thảo “Giải cứu người nghèo khỏi bẫy “tín dụng đen””. Tại Hội thảo, nhiều ý kiến cho rằng, “tín dụng đen” vẫn tồn tại, thậm chí còn bùng phát trong những năm gần đây là do pháp luật của chúng ta thiếu minh bạch, chưa rõ ràng, hợp lý.

Những năm gần đây, quy mô các vụ án về tín dụng đen, tín dụng ngân hàng ngày càng lớn. Tính chất các vụ án về tín dụng đen, tín dụng ngân hàng ngày càng phức tạp. Theo thống kê của Tổng cục cảnh sát phòng chống tội phạm, từ năm 2010 đến nay, cả nước có hơn 4.900 vụ việc liên quan đến tội phạm “tín dụng đen”, trong đó có gần 2.300 vụ liên quan đến lạm dụng tín nhiệm chiếm đoạt tài sản với số tiền thiệt hại gần 5.500 tỷ đồng. Chỉ tính riêng 6 tháng đầu năm 2014 cả nước đã xảy ra 141 vụ lừa đảo, 125 vụ lạm dụng tín nhiệm chiếm đoạt tài sản liên quan tới “tín dụng đen”. Tội phạm từ “tín dụng đen” có 5 vụ giết người, 31 vụ cướp tài sản, 92 vụ cưỡng đoạt tài sản. Điều này không chỉ gây bất ổn về an ninh trật tự mà còn gây thiệt hại lớn về kinh tế xã hội.

Tham dự buổi Hội thảo, luật sư Nguyễn Thế Truyền – Công ty Luật Hợp danh Thiên Thanh cho rằng:“Việc tín dụng đen trong những năm qua bùng phát, một phần là do pháp luật thực định còn nhiều vấn đề tạo tiền đề cho tín dụng đen có đất sống và phát triển”.

Luật sư Trương Thanh Đức, Giám đốc Công ty Luật ANVI, Trọng tại viên VIAC (Trung tâm trọng tài quốc tế Việt Nam) cũng cho rằng, pháp luật của Việt Nam thiếu minh bạch.

“Trong những năm qua, mọi người đều nghe nhiều, nói nhiều, viết nhiều về “tín dụng đen” nhưng về pháp lý thì không dễ gì khẳng định thế nào là “tín dụng đen”, vì chưa có quy định hay giải thích của pháp luật”. – Luật sư Trương Thanh Đức nhấn mạnh.

Để nhận diện “tín dụng đen” vì thế cũng không dễ dàng. Nói đến “tín dụng đen” mọi người đều nghĩ đó là một hoạt động bất hợp pháp, tương tự như “xã hội đen”, “băng đĩa đen”… Nghĩa là không được phép hoạt động cho vay nhưng vẫn tiến hành cho vay. Tuy nhiên nếu chỉ dừng lại ở việc cho vay không được phép hay cho vay không có giấy phép thì lại khó có thể gọi đó là “tín dụng đen”. Hoặc có người khi nói đến “tín dụng đen” lại nghĩ đến lãi suất “cắt cổ”- một lãi suất cho vay bất hợp pháp. Nhưng nếu cứ lãi suất cho vay bất hợp pháp đều bị coi là “tín dụng đen” thì mọi hoạt động cho vay vượt trần lãi suất 13,5% theo quy định của pháp luật hiện hành đều là “tín dụng đen”. Ông Đức đã phân tích về sự hợp pháp và bất hợp pháp của 2 yếu tố “hoạt động cho vay” và “lãi suất cho vay” trong các quan hệ pháp luật dân sự, pháp luật ngân hàng, pháp luật hành chính và pháp luật hình sự. Từ những phân tích đó, ông Đức đã chỉ ra nhiều điểm chưa hợp lý, thiếu minh bạch khiến cho “tín dụng đen” vẫn còn “nhờ nhờ” trong các bộ luật. Đây cũng là nguyên nhân đẩy người ta trở thành thủ phạm và nạn nhân của bẫy “tín dụng đen” trong những năm vừa qua.

Luật sư Nguyễn Anh Tuấn – Công ty Luật Trường Lộc cho biết: “Trong quá trình hành nghề, chúng tôi đã gặp rất nhiều hộ gia đình, cá nhân cần vay vốn nhưng vì thiếu hiểu biết về thủ tục vay vốn ở ngân hàng, thủ tục mua bán chuyển nhượng nhà đất nên đã chọn con đường vay tín dụng đen. Vay tiền theo con đường này rất nhanh gọn, thậm chí không cần hợp đồng, chỉ cần ký vào sổ vay tiền và thực hiện biện pháp bảo đảm trả tiền cho bên cho vay bằng cách ký hợp đồng mua bán, chuyển nhượng quyền sở hữu nhà ở hoặc ký hợp đồng ủy quyền, giấy ủy quyền cho bên cho vay tín dụng đen toàn quyền định đoạt tài sản nhà đất của mình… Sau khi ký các hợp đồng này, bên cho vay đã làm thủ tục đăng ký thay đổi, sang tên trở thành người sử dụng đất, sở hữu nhà rồi bán tiếp cho đối tượng khác, hoặc thế chấp cho ngân hàng để vay hàng tỷ đồng. Trong khi đó người đi vay “tín dụng đen” không hề biết được nhà đất của mình đã trở thành nhà đất của người khác”.

Từ đó cho thấy trong các thủ tục công chứng, thủ tục thế chấp vay vốn ngân hàng, thủ tục đăng ký sang tên chủ sử dụng sở hữu nhà đất hiện nay còn rất nhiều lỗ hổng, góp phần cho “tín dụng đen” có thể “sống” khỏe trong suốt một thời gian dài.

Trước thực trạng nêu trên, các đại biểu tham dự hội thảo đã kiến nghị một số giải pháp chính sách cho cơ quan có thẩm quyền. Đồng thời, các đại biểu cũng khuyến cáo người dân cần nâng cao nhận thức, tìm hiểu kỹ lưỡng các thông tin liên quan khi đặt bút ký bất cứ hợp đồng vay mượn nào.

(Thúy Ngà)

——————————–

Tài chính điện tử (Tài chính trong nước) 08-9-2015:

http://www.taichinhdientu.vn/Home/Luat-thieu-minh-bach-tin-dung-den-bung-phat/20159/146236.dfis

(338/976)

Bài viết 

311. Hãy nhìn từ mục tiêu của việc đánh thuế...

Hãy nhìn từ mục tiêu của việc đánh thuế bất động sản. [caption id="attachment_42152"...

Bình luận 

433. Bình luận về Chủ sở hữu hưởng lợi của...

Bình luận về Chủ sở hữu hưởng lợi của doanh nghiệp Tham luận Hội...

Phỏng vấn 

4.391. Bẫy nạn nhân với 'miếng mồi' lãi suất cao.

Bẫy nạn nhân với 'miếng mồi' lãi suất cao.(TT) - Vụ GFDI ở Đà Nẵng...

Trích dẫn 

3.908. Ngăn chặn những "văn phòng bất động sản...

Ngăn chặn những "văn phòng bất động sản di động" đẩy giá đất. (VTV.vn)...

Tám luật 

334. ANVI xì luật hay Lạm bàn tám luật.

(ANVI) - “Lạm bàn tám luật” hay còn gọi là “ANVI xì luật”Chuyên...

Số lượt truy cập: 231,832