756. “Luật theo kiểu nhờ nhờ” dung túng cho “tín dụng đen”?

(ANTT) – Chiều 7/9, tại trụ trở Liên hiệp các hội khoa học kỹ thuật Việt Nam, Trung tâm Nghiên cứu truyền thông phát triển (RED) đã phối hợp với Công ty Luật Trường Lộc tổ chức hội thảo: “Giải cứu người nghèo khỏi bẫy “tín dụng đen””.

Cho vay ngân hàng cũng như “tín dụng đen”?

Ngay từ mở đầu hội thảo, khái niệm thế nào là “tín dụng đen” đã nhanh chóng làm nóng hội trường với nhiều ý kiến.

Luật sư Trương Thanh Đức, Giám đốc Công ty Luật ANVI nhấn mạnh rằng đã thấy nghe nhiều, nói nhiều, viết nhiều về “tín dụng đen” nhưng về pháp lý thì không dễ gì khẳng định thế nào là “tín dụng đen” bởi chưa có quy định hay giải thích của pháp luật.

Làm rõ điều này, ông phân tích: Nếu hiểu rằng “tín dụng đen” cũng là một hoạt động bất hợp pháp, cũng tương tự như “xã hội đen”, “băng đĩa đen”… thì tức là không được phép hoạt động cho vay nhưng vẫn tiến hành cho vay. Nhưng nếu chỉ dừng lại ở việc cho vay được phép hay cho vay không có giấy phép, thì lại khó có thể gọi đó là “tín dụng đen”.

LS. Trương Thanh Đức, Giám đốc Công ty Luật ANVI

Để nhận diện “tín dụng đen”, hiện, người ta chỉ căn cứ vào mức lãi suất cho vay; hay, nói đến “tín dụng đen” là nhắc đến lãi suất cho vay bất hợp pháp.

“Nhưng nếu cứ lãi suất cho vay bất hợp pháp, mà đều bị coi là “tín dụng đen”, thì chẳng hóa ra, mọi hoạt động cho vay vượt trần lãi suất 13,5% theo quy định của pháp luật hiện hành đều là “tín dụng đen”, thậm chí không loại trừ cả việc cho vay của các ngân hàng và tổ chức tín dụng khác?” – ông Đức đặt câu hỏi.

Lý giải điều này, vị luật sư kiêm trọng tài viên VIAC viện dẫn, theo quy định của Bộ Luật Dân sự 2005 thì “lãi suất do các bên thoả thuận và không vượt quá 150% của lãi suất cơ bản do Ngân hàng Nhà nước công bố đối với loại cho vay tương ứng”. Và suốt từ 2010 đến nay, mức lãi suất cơ bản vẫn được Ngân hàng Nhà nước Việt Nam (NHNN) công bố và áp dụng ở mức 9%/năm (Quyết định số 2619/QĐ-NHNN). Như vậy, tính ra trần lãi suất tương ứng sẽ là 13,5%/năm.

Tuy nhiên, trong thực tế, suốt từ những năm 2011, nhiều tổ chức tín dụng đang “đứng ngoài” quy định này khi có rất nhiều khoản vay đã vượt mức trần lãi suất, vượt cả ngưỡng được luật cho phép là 13,5% nhưng vẫn không bị xử lý.

“Do đó, muốn xử lý các cá nhân ngoài tổ chức tín dụng cho vay lãi suất cao cũng là rất khó” – ông Đức nói.

“Luật theo cái kiểu nhờ nhờ”

Thêm nữa, theo quy định tại Điều 163 của Bộ luật Hình sự, hành vi cho vay lãi nặng bị xem là phạm tội khi: lãi suất cho vay cao hơn mức lãi suất mà pháp luật quy định từ 10 lần trở lên và có tính chất chuyên bóc lột.

Nhưng để xác định và xử lý các đối tượng cho vay nặng lãi theo Điều 163 nêu trên thì cũng không đơn giản, bởi, theo luật sư Nguyễn Thế Truyền (Công ty Luật hợp danh Thiên Thanh), thực tế các giao dịch cho vay ngoài không bao giờ ghi “mức lãi suất” mà đó chỉ là giao dịch miệng nên rất khó chứng minh. Ngoài ra, việc chứng minh “có tính chất chuyên bóc lột” là điều khó khăn vì bản thân các giao dịch này thường được thể hiện dưới dạng thoả thuận dân sự như uỷ quyền, đặt cọc, vay tài sản… và đều được tự nguyện thực hiện, không lừa dối, cưỡng ép…

“Luật chưa minh bạch, luật theo cái kiểu nhờ nhờ”, LS Trương Thanh Đức nhận định không ngần ngại.

Tổng thư ký VNBA, Trần Thị Hồng Hạnh (đang phát biểu) và TS, Giảng viên Luật Kinh tế, Trần Quang Vũ (bên phải)

Tương tự, trước độ “vênh” của các văn bản quy phạm, Tiến sĩ Trần Quang Vũ, giảng viên Luật kinh tế đặt câu hỏi cho các nhà làm luật: “Vậy khoảng giữa 150% lãi suất cơ bản (theo Điều  476, Bộ Luật Dân sự) và trên 10 lần mức lãi suất cao nhất mà pháp luật quy định (Điều 163, Bộ luật Hình sự) thì là gì? Và trong cái khoảng cách đấy, công dân có được bảo vệ hay không được bảo vệ?”.

TS. Vũ cũng thẳng thắn bày tỏ, yếu tố lãi suất cơ bản đã không còn giá trị thực tiễn nhưng không hiểu sao luật dân sự vẫn bám vào điều ấy. “Bản chất của luật pháp đã không điều chỉnh được vấn đề tín dụng” – ông nói.

TS. Vũ khuyến nghị, nên áp dụng mức mà Bộ luật Hình sự đưa ra là trên 10 lần mức lãi suất cao nhất mà pháp luật quy định thì phải chịu trách nhiệm hình sự, không nên bó hẹp trong “mức lãi suất không quá 150% của lãi suất cơ bản do Ngân hàng Nhà nước công bố…” như Bộ Luật dân sự.

Nguyên tắc pháp lý cao nhất phải được đặt ra là “tôn trọng sự tự nguyện thoả thuận của bên cho vay và bên vay” – ông Vũ nhấn mạnh.

Nhận diện “tín dụng đen”, vị giảng viên này cho rằng, về mặt bản chất, đó là những hành vi dùng hình thức vay – cho vay để lừa đảo, chiếm đoạt tài sản.

“Riêng văn phòng tôi đã có 400 bộ hồ sơ…”

Có mặt tại hội thảo, bà Trần Thị Hồng Hạnh, Tổng thư ký Hiệp hội Ngân hàng Việt Nam (VNBA) đồng tình rằng hành lang pháp lý đã có những lỗ hổng và thừa nhận hoạt động ngân hàng đôi khi cũng xảy ra những “rủi ro đạo đức”. Tuy nhiên,theo bà, không được đánh đồng và cần thiết phải phân biệt rõ ràng “tín dụng đen” với các hành vi lừa đảo.

Bà Hạnh định nghĩa, “tín dụng đen” là quan hệ tín dụng được thiết lập trên quan hệ phi pháp, không bình đẳng, không minh bạch, được thỏa thuận ngầm giữa người đi vay và người cho vay; với các đặc điểm như: Hành động cho vay và đi vay được thỏa thuận ngầm giữa người cho vay và người vay; Các thủ tục giao dịch có thật và không có thật; Thủ tục đơn giản; Lãi suất cao nhưng không được công bố công khai; Quan hệ điều chỉnh giữa người vay và người vay là “luật rừng”,…

Tổng thư ký VNBA cũng đánh giá, xét trên tổng thể nền kinh tế, hệ thống mạng lưới các tổ chức tín dụng đã khá hoàn thiện, kể cả các tổ chức tài chính vi mô và quỹ tín dụng nhân dân, đáp ứng phần lớn nhu cầu vay vốn cho công chúng. Do đó, hoạt động cho vay – đi vay theo hình thức “tín dụng đen” thực chất chỉ chiếm một tỷ trọng rất nhỏ trong nền kinh tế.

Còn về các trường hợp lãi suất cho vay cao vượt trần dân sự 13,5% ở một số ngân hàng, công ty tài chính, bà Hạnh lý giải điều này xuất phát từ đặc điểm của hoạt động cho vay tiêu dùng, không có tài sản bảo đảm khiến bên cho vay phải chịu một mức rủi ro mất vốn lớn, thêm vào đó, chi phí cho vay, chi phí thẩm định… cũng rất cao. Tuy nhiên, hoạt động cho vay này được ngân hàng NHNN cũng như các cơ quan thanh tra, giám sát quản lý rất chặt.

LS. Nguyễn Thế Truyền, Công ty Luật hợp danh Thiên Thanh

Khác với ý kiến của TTK VNBA, Luật sư Nguyễn Thế Truyền lại cho rằng hoạt động “tín dụng đen” đang ngày càng phát triển và chiếm một tỷ trọng không hề nhỏ trong đời sống xã hội. Thậm chí, còn có những ý kiến lo ngại hoạt động này ở đâu đó còn đang được dung túng, bảo kê.

“Ngày trước, bước ra khỏi nhà là đập ngay vào mắt “khoan cắt bê tông”, còn bây giờ, không phải là “khoan cắt bê tông” nữa mà thay vào đó là “cho vay không cần thế chấp”. “Tín dụng đen” đang giăng bẫy khắp nơi” – vị luật sư nêu ra một ví dụ gần gũi mà hình tượng.

Bổ sung cho luận điểm, ông Truyền còn tiết lộ tại văn phòng luật của mình, ông và các cộng sự đã và đang phải thụ lý tới gần 400 bộ hồ sơ liên quan tới các hoạt động “tín dụng đen”. Đồng thời, theo vị luật sư này có nhiều nguyên nhân khiến người dân phải tìm đến “tín dụng đen”, tuy nhiên, thủ tục xin vay khó khăn tại các tổ chức tín dụng và các quỹ vi mô cũng lại là một lý do.

Giải pháp nào?

Để hạn chế sự phát triển của “tín dụng đen”, ông Truyền kiến nghị phải thực hiện nhiều giải pháp cũng như cần các cơ quan chính phủ phải có giải pháp cụ thể. Trong đó, điểm then chốt là nâng cao khả năng quản trị tài chính cá nhân, giúp cho người dân có được kiến thức cơ bản về quản lý dòng tiền, quản trị rủi ro, cân bằng được khả năng cũng như nhu cầu tài chính của bản thân dù chỉ ở mức rất nhỏ.

Kiên quyết đấu tranh với những công ty, tổ chức, cá nhân sử dụng “xã hội đen” tham gia vào những việc liên quan đến vay mượn, giao dịch dân sự. Đây chính là nhân tố chính tạo nên sự bất bình đẳng, đẩy người yếu thế vào con đường cùng cực hơn khi tham gia các giao dịch dân sự.

Bên cạnh đó, cũng cần thiết phải minh bạch hóa, công khai hóa các điều kiện, trình tự, thủ tục và phát triển rộng rãi cách tiếp cận các nguồn tín dụng lành mạnh từ các ngân hàng và tổ chức tài chính có uy tín.

Trong khi đó, đại diện cho Công an Tp. Hà Nội, trung tá Lê Khắc Sơn khuyến cáo người dân nên mạnh dạn tố giác hành vi của các đối tượng “tín dụng đen”, đừng sợ sệt, âm thầm trả nợ, âm thầm trả lãi… để rồi cuối cùng phải chịu những hậu quả đau lòng. Hành động tố giác của người dân cũng sẽ góp phần định hướng, hỗ trợ cơ quan bảo vệ pháp luật điều tra, triệt phá những tổ chức lừa đảo, núp bóng tín dụng.

Cuối cùng, hoàn thiện hệ thống các văn bản pháp luật, khắc phục các lỗ hổng trong hành lang pháp lý là điều mà toàn bộ các chuyên gia, đại biểu và người tham dự hội thảo “Giải cứu người nghèo khỏi bẫy “tín dụng đen”” đặc biệt mong mỏi.

Ninh Giang

———————————–

An ninh Tiền tệ (Tài chính – Ngân hàng) 08-9-2015:

http://antt.vn/luat-theo-kieu-nho-nho-dung-tung-cho-tin-dung-den-0112073.html

(414/1.910)

Bài viết 

311. Hãy nhìn từ mục tiêu của việc đánh thuế...

Hãy nhìn từ mục tiêu của việc đánh thuế bất động sản. [caption id="attachment_42152"...

Bình luận 

437. Cải cách thể chế và tôn trọng thị trường...

Chùm 3 bài Việt Nam - Khát vọng hùng cường: Cải cách thể chế và tôn...

Phỏng vấn 

4.427. Gần tết cảnh giác với tội phạm ngân hàng.

Gần tết cảnh giác với tội phạm ngân hàng. (HTV1) - Chương trình có...

Trích dẫn 

3.976. Cảnh giác hiện tượng rao bán bất động...

Cảnh giác hiện tượng rao bán bất động sản kiểu "phông bạt". (DV) -...

Tám luật 

334. ANVI xì luật hay Lạm bàn tám luật.

(ANVI) - “Lạm bàn tám luật” hay còn gọi là “ANVI xì luật”Chuyên...

Số lượt truy cập: 237,465