(TT) – Tại hội thảo “Giải cứu người nghèo khỏi bẫy Tín dụng đen” do Liên hiệp các Hội Khoa học và Kỹ thuật Việt Nam tổ chức hôm qua (7/9), các chuyên gia pháp lý nhấn mạnh, hậu quả “tín dụng đen” luôn khó lường, đẩy người dân vay “tín dụng đen” vào cảnh đã khó, lại thêm khổ vì “bỗng dưng” mất đất, mất nhà. Còn đối tượng “tín dụng đen” thì chiếm đoạt được tài sản của người dân và cả tiền của ngân hàng.
Các chuyên gia pháp lý cho rằng cần phải thực hiện đồng loạt nhiều giải pháp để ngăn chặn tín dụng đen
Thủ đoạn tinh vi, hệ quá khó lường
Ở Việt Nam cũng như ở nhiều quốc gia khác trong khu vực và trên thế giới, “tín dụng đen” có hình thức khá đa dạng, với quy mô, hệ quả ngày càng khó lường. Tính chất các vụ án về “tín dụng đen”, tín dụng ngân hàng ngày càng phức tạp với thủ đoạn ngày càng tinh vi.
Luật sư Nguyễn Anh Tuấn (Công ty Luật Trường Lộc) cho biết, thủ tục “tín dụng đen” thì rất nhanh và gọn, thậm chí không cần hợp đồng, chỉ cần ký vào sổ, không cần thế chấp, không phương án sản xuất kinh doanh…. Bên vay phải ký hợp đồng mua, bán, chuyển nhượng quyền sở hữu nhà ở, quyền sử dụng đất ở hoặc hợp đồng ủy quyền cho bên cho vay “tín dụng đen” toàn quyền định đoạt tài sản nhà đất của mình để làm tin, xem như một hình thức thế chấp tài sản.
Hai bên thống nhất khi nào bên vay trả tiền vay cho bên “tín dụng đen” sẽ hủy hợp đồng. Việc ký kết chỉ hình thức, không có việc giao nhận nhà đất và tiền chuyển nhượng. Nhưng trên thực tế, sau khi nắm được hợp đồng mua bán chuyển nhượng trong tay, bên cho vay “tín dụng đen” đã làm thủ tục đăng ký thay đổi người sử dụng đất, sở hữu nhà, rồi bán tiếp cho đối tượng khác, hoặc dùng làm tài sản thế chấp cho ngân hàng để vay vốn.
Bà Nguyễn Thị Lệ, một trong những nạn nhân chia sẻ, khi đối tượng “tín dụng đen” vay và rút tiền ngân hàng để sử dụng vào mục đích riêng, không có khả năng thanh toán hợp đồng tín dụng, ngân hàng yêu cầu phát mại tài sản bảo lãnh, tôi mới biết mình bị lừa, nhà đất của mình đã được sang tên cho người khác.
Theo thống kê của Tổng cục Cảnh sát phòng, chống tội phạm, từ năm 2010 đến nay, cả nước đã có hơn 4.900 vụ việc liên quan đến tội phạm “tín dụng đen”, trong đó, có gần 2.300 vụ liên quan đến lạm dụng tín nhiệm chiếm đoạt tài sản… với số tiền thiệt hại gần 5.500 tỷ đồng. Chỉ tính riêng 6 tháng đầu năm 2014, cả nước đã xảy ra 141 vụ lừa đảo, 125 vụ lạm dụng tín nhiệm chiếm đoạt tài sản liên quan đến “tín dụng đen”. Tội phạm từ “tín dụng đen” có 5 vụ giết người, 31 vụ cướp tài sản, 92 vụ cưỡng đoạt tài sản. Không chỉ gây bất ổn về an ninh trật tự mà còn gây thiệt hại lớn về kinh tế, xã hội. Số liệu trên đã bộc lộ rõ những mặt trái của “tín dụng đen”, đặt ra cho chúng ta nhiều vấn đề cấp thiết cần có biện pháp điều chỉnh bằng pháp luật. |
“Tôi rất ngạc nhiên vì vẫn ăn ở trong nhà của mình, không có bất kỳ ai đến đo đạc, xem xét, kiểm tra, đánh giá hay ký tá các văn bản giấy tờ để thế chấp ngân hàng”, ông Vũ Anh Tuấn một nạn nhân khác cho biết.
Lách luật vi phạm vẫn… “an toàn”
Theo các chuyên gia, pháp luật hiện hành đang có nhiều kẽ hở từ thủ tục công chứng hợp đồng, sang tên chuyên nhượng đến các chế tài xử lý vẫn chưa nghiêm cả về hành chính lẫn hình sự, nên người cho vay “tín dụng đen” đã lợi dụng để vi phạm mà không bị xử lý. Bộ luật Dân sự quy định, nếu lãi suất cho vay vượt quá 150% lãi suất cơ bản do Ngân hàng Nhà nước công bố thì gọi là “cho vay nặng lãi”. Trong khi đó, Điều 163 của Bộ luật Hình sự quy định, hành vi cho vay lãi nặng bị xem là phạm tội khi: Lãi suất cho vay cao hơn mức lãi suất mà pháp luật quy định từ 10 lần trở lên và có tính chất chuyên bóc lột.
Trọng Tài viên VIAC Trương Thanh Đức phân tích, điều đó có nghĩa, cho vay nặng lãi trên 150% lãi suất cơ bản, những dưới 10 lần lãi suất mà pháp luật quy định, hiện nay không có quy định xử lý, không có chế tài để xử phạt. Thêm vào đó, nếu người nào đó không thuộc các trường hợp “có tính chất chuyên bóc lột” thì có cho vay lãi suất đến vài nghìn phần trăm cũng không có tội và cũng không hề bị xử phạt hành chính.
Nâng cao khả năng quản trị tài chính
Để “tín dụng đen” không có đất tồn tại, các chuyên gia pháp lý, luật sư đều nhấn mạnh đến việc nâng cao khả năng quản trị tài chính, giúp người dân có được những kiến thức cơ bản về quản trị dòng tiền, quản trị rủi ro. “Tín dụng đen làm bần cùng hóa người nghèo”, bà Trần Thị Hồng Hạnh, Tổng thư ký Hiệp hội Ngân hàng nói và lưu ý, khi cầm bút ký bất cứ một giấy tờ nào liên quan đến các khoản vay, hợp đồng thế chấp, chuyển nhượng tài sản cần phải đọc kỹ các điều khoản, nếu không hiểu thì mời luật sư hỗ trợ pháp lý. “Dù có tăng thêm chi phí nhưng sẽ giảm thiểu rủi ro và nếu có rủi ro thì các luật sư cũng có trách nhiệm đến vấn đề này”, bà Hạnh nhấn mạnh.
Theo bà Trần Thị Thúy, Tổng cục Cảnh sát phòng, chống tội phạm, những hệ lụy từ “tín dụng đen” đang gây hại rất lớn cho xã hội. Những đối tượng cho vay “tín dụng đen” thường gây sức ép, có khi truy sát con nợ ngay tại nhà, làm người dân hoang mang, bất bình, giảm lòng tin vào các tổ chức tín dụng, cơ quan nhà nước. Cho nên, cần kiên quyết phòng ngừa, đấu tranh, xử lý với những công ty, tổ chức, cá nhân xử dụng xã hội đen tham gia vào những việc liên quan đến vay mượn, giao dịch dân sự, cho vay “tín dụng đen”.
Cùng với đó, theo các chuyên gia cần tiếp tục hoàn thiện thể chế, thu hẹp đến mức thấp nhất những kẻ hở; tăng cường thanh tra, kiểm tra, minh bạch hóa, công khai hóa các điều kiện, tình tự, thủ tục và phát triển rộng rãi cách tiếp cận các nguồn tín dụng lành mạnh từ ngân hàng và các tổ chức tài chính có uy tín.
Thảo Nguyên
———————————–
Thanh tra (Pháp luật) 08-9-2015:
(91/1.247)