758. Mất nhà, mất đất từ bẫy “tín dụng đen”

(ĐBND) – Những khó khăn kinh tế và sự kém hiểu biết pháp luật đã đẩy người dân vào vòng xoáy của “tín dụng đen”. Rồi một ngày họ trở nên trắng tay khi không còn nhà, không còn đất vì những thủ đoạn cho vay. Điều đáng nói là, một trong những nguyên nhân của tình trạng tín dụng đen gia tăng là có sự tiếp tay của một số nhân viên các tổ chức tín dụng, sự buông lỏng quản lý hoạt động công chứng và chính từ sự thiếu chặt chẽ của hệ thống pháp luật.

Chuyển nhượng khống, mất nhà thật

Có người đã ví von rằng, giờ ra ngõ là gặp “tín dụng đen”, chỗ nào cũng có quảng cáo vặt là “cho vay không cần thế chấp”. Chính vì tin vào những dịch vụ kiểu này đã đẩy nhiều người dân đã khó lại càng khó hơn, lâm vào tình trạng mất đất, mất nhà.

Nhiều hộ gia đình, cá nhân vay vốn để kinh doanh nhưng vì thiếu hiểu biết về thủ tục vay vốn ở ngân hàng mà họ đã chọn con đường vay tín dụng đen để có vốn kinh doanh. Từ thực tiễn hoạt động của mình, Luật sư Nguyễn Anh Tuấn cho biết, thủ tục “tín dụng đen” rất nhanh và gọn, thậm chí không cần hợp đồng, chỉ cần ký vào sổ vay tiền và thực hiện biện pháp bảo đảm trả tiền vay cho bên vay bằng cách ký: Hợp đồng mua bán, chuyển nhượng quyền sở hữu nhà ở, quyền sử dụng đất ở cho bên cho vay, với giá chuyển nhượng bằng số tiền vay thấp hơn rất nhiều so với giá trị thực tế của tài sản chuyển nhượng, hoặc bên vay ký Hợp đồng ủy quyền cho bên cho vay “tín dụng đen” toàn quyền định đoạt tài sản nhà đất của mình để làm tin, xem như một hình thức thế chấp tài sản.

Điều đáng chú ý là, thủ tục công chứng hợp đồng do bên vay liên hệ có khi được thực hiện ngay ở quán cà phê, quán cóc vỉa hè, hoặc tại chợ, Luật sư Tuấn cho biết.

Trong quá trình đó, hai bên thống nhất khi nào bên vay trả tiền cho bên cho vay thì sẽ hủy hợp đồng. Việc ký kết chỉ là hình thức, không có việc giao nhận nhà đất và tiền chuyển nhượng. Nhưng trên thực tế, sau khi nắm được hợp đồng mua bán chuyển nhượng trong tay, bên cho vay “tín dụng đen” đã làm thủ tục đăng ký thay đổi sang tên để trở thành người sử dụng đất, sở hữu nhà, rồi bán tiếp cho đối tượng khác, hoặc dùng làm tài sản thế chấp cho ngân hàng để vay vốn. Luật sư Tuấn cho biết, hậu quả của tín dụng đen đã làm cho người đi vay lâm vào cảnh mất nhà, mất đất, ngân hàng mất tiền cho vay, Tòa án và cơ quan thi hành án gặp nhiều khó khăn trong việc giải quyết các tranh chấp, thi hành án.

Theo thống kê của Tổng cục Cảnh sát phòng, chống tội phạm, từ năm 2010 đến nay cả nước có hơn 4.900 vụ việc liên quan đến “tín dụng đen” trong đó có gần 2.300 vụ việc liên quan đến lạm dụng tín nhiệm chiếm đoạt tài sản với số tiền thiệt hại gần 5.500 tỷ đồng. Chỉ tính riêng 6 tháng đầu năm 2014, cả nước đã xảy ra 141 vụ lừa đảo, 125 vụ lạm dụng tín nhiệm chiếm đoạt tài sản liên quan đến tín dụng đen. Điều đáng chú ý là, có 05 vụ giết người, 31 vụ cướp tài sản, 92 vụ cưỡng đoạt tài sản đều có nguyên nhân từ tín dụng đen. 

Kẽ hở quản lý và chính sách… 

Thực tế cho thấy, một trong những nguyên nhân đẩy người dân đến bẫy “tín dụng đen” ngoài sự nhận thức pháp luật còn hạn chế của người dân còn có nguyên nhân từ kẽ hở quản lý, trong đó có việc buông lỏng hoạt động công chứng. Với những kiểu công chứng vỉa hè, tại chợ lại do bên cho vay tự liên hệ đã tạo không ít hệ lụy. Nhiều hợp đồng công chứng nhưng nội dung của hợp đồng lại không xác định được thời gian, địa điểm của việc giao nhận tài sản, giao nhận tiền chuyển nhượng, nội dung của hợp đồng cũng không quy định sau khi các bên bàn giao tài sản, nhận tiền phải lập với nhau một biên bản xác nhận các bên đã thực hiện việc này, để từ đó xác định các bên giao dịch trên thực tế thực hiện xong giao dịch mua bán chuyển nhượng, chuyển giao quyền sử dụng nhà đất.

Cùng với sơ hở của việc công chứng các hợp đồng này thì có cả kẽ hở của thủ tục đăng ký thay đổi chủ sở hữu, sử dụng nhà ở, là khi thực hiện việc sang tên đã không có căn cứ vào kết quả thực hiện hợp đồng chuyển nhượng, mua bán nhà đất nên đã sang tên, công nhận quyền sở hữu, sử dụng nhà đất cho bên cho vay khi những người này chưa được bên vay chuyển giao quyền chiếm hữu, sử dụng tài sản.

Để thế chấp tài sản cho ngân hàng, bên thế chấp phải là chủ sở hữu, sử dụng tài sản thế chấp, phải có quyền chiếm hữu, sử dụng, định đoạt tài sản thế chấp. Khi nhận được tài sản thế chấp, theo quy định, phía ngân hàng phải tiến hành xác minh, định giá tài sản, trực tiếp xem xét định giá tài sản nhưng thực tế đã xảy ra tình trạng phía ngân hàng, một số cá nhân thực thi đã không xem xét thực tế ai là người đang chiếm hữu, sử dụng tài sản thế chấp hoặc đã bỏ qua việc xác minh, định giá tài sản nên đã không phát hiện ra người thế chấp không có quyền sử dụng, chiếm giữ tài sản thế chấp.

… Hay lợi dụng lách luât

Nhìn nhận về tín dụng đen, Luật sư, Giám đốc Công ty Luật ANVI, trọng tài viên VIAC Trương Thanh Đức cho rằng, hiện tượng phổ biến nhất của tín dụng đen là sự kết hợp của hai yếu tố cho vay bất hợp pháp đi đôi với áp đặt một mức lãi suất cao trái với quy định của pháp luật. Tuy nhiên, hiện nay giữa các quy định của pháp luật vẫn còn  khoảng trống, vô hình trung đã tạo những cơ hội để những kẻ hám lợi căn cứ vào đó để lách một cách an toàn.

Chỉ ra trong pháp luật xử phạt hành chính đối với một số hành vi cho vay trái pháp luật trong một số lĩnh vực về chứng khoán, ngân hàng và tệ nạn xã hội, LS Trương Thanh Đức cho rằng, Nghị định số 108/2013/NĐ-CP quy định xử phạt vi phạm vi phạm hành chính trong một số lĩnh vực chứng khoán và thị trường chứng khoán có quy định xử phạt đối với một số hành vi cho vay của các công ty kinh doanh chứng khoán; Nghị định số 167/2013/NĐ-CP quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực an ninh, trật tự an toàn xã hội, phòng chống tệ nạn xã hội trong đó có quy định xử phạt với hành vi cho vay tại sòng bạc, nơi đánh bạc. Hay Nghị định số 96/2014/NĐ-CP ngày 17.10.2014 quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực tiền tệ và ngân hàng, trong đó chỉ quy định xử phạt vi phạm hành chính đối với hoạt động cho vay của các tổ chức tín dụng. Như vậy, ngoài 3 trường hợp trên, hoạt động cho vay của pháp nhân và các cá nhân, không phải là hoạt động ngân hàng thì vẫn là hợp pháp mà không cần phải có giấy phép cũng như đăng ký kinh doanh hoạt động vay, ông Đức lập luận.

Ngoài ra, Bộ luật Dân sự  hiện hành quy định, nếu lãi suất cho vay vượt quá 150% lãi suất cơ bản do Ngân hàng Nhà nước công bố thì gọi là “cho vay nặng lãi”. Trong khi đó, Điều 163 của Bộ luật Hình sự hiện hành lại quy định, hành vi cho vay lãi nặng bị xem là phạm tội khi: lãi suất cho vay cao hơn mức lãi suất mà pháp luật quy định từ 10 lần trở lên và có tính chất chuyên bóc lột. Về vấn đề này, Luật sư Trương Thanh Đức cho rằng, theo quy định trên, nếu người nào không thuộc trường hợp cho vay có “tính chất chuyên bóc lột” thì dù có cho vay lãi suất đến vài nghìn phần trăm thì cũng không có tội và cũng không hề bị xử phạt hành chính.

Trong khi đó, Luật sư Trần Thế Truyền, Công ty Luật Hợp danh Thiên Thanh thì cho rằng, việc chứng minh lãi suất cao gấp 10 lần chỉ có ý nghĩa lượng hóa phần lãi suất nhưng còn việc chứng minh “có tính chất chuyên bóc lột” sẽ là vô cùng khó khăn cho bất kỳ cơ quan tiến hành tố tụng nào vì bản thân, các giao dịch đều được thể hiện dưới dạng thỏa thuận dân sự như ủy quyền, đặt cọc, vay tài sản lại đều thể hiện giấy trắng mực đen rằng không bị lừa dối hay cưỡng ép…

Để bảo vệ cho người nghèo không dính vào bẫy tín dụng đen rất cần đến sự tuyên truyền pháp luật của các cơ quan truyền thông, sự cởi mở và minh bạch các thủ tục để người dân có thể tiếp cận được nguồn vốn từ các tổ chức tín dụng một cách dễ dàng. Ngoài ra, các chuyên gia pháp luật cũng cho rằng, việc hoàn thiện một hành lang pháp lý chặt chẽ là điều hết sức cần thiết để không còn cơ hội cho những kẻ hám lợi, làm giàu một cách bất hợp pháp trên số phận của những người dân nghèo.

Hà An

————————————

Đại biểu Nhân dân (Pháp luật) 08-9-2015:

http://www.daibieunhandan.vn/default.aspx?tabid=81&NewsId=357844

(476/1.749)

Bài viết 

311. Hãy nhìn từ mục tiêu của việc đánh thuế...

Hãy nhìn từ mục tiêu của việc đánh thuế bất động sản. [caption id="attachment_42152"...

Bình luận 

433. Bình luận về Chủ sở hữu hưởng lợi của...

Bình luận về Chủ sở hữu hưởng lợi của doanh nghiệp Tham luận Hội...

Phỏng vấn 

4.391. Bẫy nạn nhân với 'miếng mồi' lãi suất cao.

Bẫy nạn nhân với 'miếng mồi' lãi suất cao.(TT) - Vụ GFDI ở Đà Nẵng...

Trích dẫn 

3.908. Ngăn chặn những "văn phòng bất động sản...

Ngăn chặn những "văn phòng bất động sản di động" đẩy giá đất. (VTV.vn)...

Tám luật 

334. ANVI xì luật hay Lạm bàn tám luật.

(ANVI) - “Lạm bàn tám luật” hay còn gọi là “ANVI xì luật”Chuyên...

Số lượt truy cập: 231,836