(CAND) – Bên cạnh đó, về lãi suất, Luật Hình sự tuy có chế tài đối với người cho vay lên tới gấp 10 lần “trần” trở lên, nhưng lại đi kèm điều kiện là mang “tính chất chuyên bóc lột”.
Ngân hàng tiếp tay cho tín dụng đen?
Theo số liệu từ Tổng cục Cảnh sát (Bộ Công an), trước thực trạng tín dụng đen hoành hành, trung bình cứ một ngày xảy ra 4 vụ vỡ nợ, lực lượng Công an đã điều tra và khởi tố 5.839 vụ, 10.855 bị can liên quan đến tín dụng đen, trong đó có 41 vụ giết người, 301 vụ cố ý gây thương tích, 527 vụ cướp tài sản, 961 vụ cưỡng đoạt tài sản, 1.475 vụ lừa đảo chiếm đoạt tài sản, 2.059 vụ lạm dụng tín nhiệm chiếm đoạt tài sản, 97 vụ hủy hoại tài sản…
Kết thúc điều tra 5.567 vụ, 9.739 bị can; hiện đang tiếp tục điều tra 272 vụ, 1.146 bị can. Bên cạnh đó, đã bắt giữ xử lý 56 băng nhóm gồm 287 đối tượng đòi nợ thuê, cố ý gây thương tích, bắt giữ người trái pháp luật.
Vỡ nợ nhiều, xử lý cũng nhiều, vậy tại sao số người “dính” vào tín dụng đen cứ liên tục tăng mà không có dấu hiệu giảm? Bà Trần Thị Hồng Hạnh, Tổng thư ký Hiệp hội Ngân hàng cho rằng, tín dụng đen xuất phát từ cả nguyên nhân khách quan và chủ quan. Khách quan là do pháp luật chưa nghiêm, chế tài chưa đủ sức răn đe; hiệu lực quản lý của các cấp chính quyền địa phương còn thấp; công tác giáo dục, tuyên truyền, phổ biến kiến thức pháp luật chưa tốt…
Còn về chủ quan, ngoài nhu cầu vay vốn có thực, còn có một thực tế khác là tư tưởng hưởng thụ của một số người, trong khi hiểu biết của người dân còn rất kém, cùng với đó là rủi ro đạo đức của xã hội. Tuy nhiên, đi sâu vào hậu quả, trước việc nhiều hộ gia đình lâm vào cảnh mất nhà, luật sư Trương Thanh Đức, Giám đốc Công ty Luật ANVI, Chủ nhiệm CLB Pháp chế ngân hàng, cho rằng, lỗi đầu tiên phải thuộc về ngân hàng (NH).
“Nhiều NH làm ăn tắc trách đã tiếp tay cho tín dụng đen hoành hành. Nếu các NH làm đúng nguyên tắc sẽ không dẫn đến tình trạng này. Theo Luật Nhà ở 2015 quy định, các tổ chức, cá nhân chỉ được phép thế chấp nhà ở tại tổ chức tín dụng, đó là căn cứ để người bị hại có thể đưa vào trong việc đòi lại nhà của mình”, luật sư Trương Thanh Đức khẳng định.
Còn luật sư Nguyễn Thế Truyền, Công ty TNHH Luật Thiên Thanh, cho rằng hầu hết các nạn nhân của tín dụng đen đều không có kiến thức tối thiểu về quản trị tài chính cá nhân, nên sẵn sàng đi vay mượn để giải quyết nhu cầu trước mắt, cho dù nhu cầu đó không quá quan trọng, vay chỉ vì tính sỹ diện cá nhân…Thêm vào đó, kiến thức pháp luật không có, khi vay được tiền là sẵn sàng ký các loại giấy tờ mà không cần quan tâm hậu quả.
“Tuy nhiên, nói đi nói lại, lỗi đầu tiên thuộc về NH. Cần kiên quyết loại bỏ tín dụng đen ra khỏi giao dịch dân sự. Minh bạch hóa điều kiện, trình tự, thủ tục tại NH. Tại sao nảy sinh tín dụng đen? Câu chuyện sợ nhất vẫn là thủ tục đi vay NH”, ông Nguyễn Thế Truyền khẳng định.
Thừa nhận lỗi thuộc về NH, bà Trần Thị Hồng Hạnh cho rằng, nếu các tổ chức tín dụng tuân thủ đúng quy định trong việc cho vay, sẽ không có vấn đề gì xảy ra, vì người đi vay phải có tư cách pháp nhân, khoản vay đó phải đúng mục đích, không vi phạm điều cấm. “Nhưng thực tế lại không như vậy, vì ham lợi nhuận nên có những con sâu trong hệ thống NH đã bất chấp tất cả các quy định, dẫn đến rủi ro đạo đức, thiếu tinh thần trách nhiệm. Nếu cán bộ NH đến tận nhà để gặp chủ nhà thì làm gì có chuyện kiện cáo về sau”, bà Hạnh cho biết.
Không ít người nhẹ dạ đã mất nhà vì thế chấp “sổ đỏ” vay tín dụng đen. |
Dân mất nhà vì luật “hở sườn”
Luật sư Trương Thanh Đức, Giám đốc Công ty Luật ANVI cho rằng có nhiều nguyên nhân đẩy người ta trở thành thủ phạm và nạn nhân của bẫy tín dụng đen, nhưng không thể thiếu nguyên nhân do pháp luật thiếu minh bạch.
Theo Bộ luật Dân sự 2005 và Luật Doanh nghiệp năm 2014, thì giao dịch vay và cho vay giữa các cá nhân và pháp nhân với nhau là hợp pháp, và không cần phải đăng ký kinh doanh. Thậm chí tiền lãi cho vay còn được miễn thuế giá trị gia tăng. Thế nên, không dễ khẳng định trường hợp nào là cho vay bất hợp pháp, có dấu hiệu của tín dụng đen. Còn về lãi suất, theo quy định thì do các bên thỏa thuận, nhưng không được vượt quá 150% lãi suất cơ bản Nhà nước quy định.
Tuy nhiên, theo luật sư Đức, không phải chỉ tín dụng đen, mà ngay cả hoạt động cho vay của NH được cấp phép, chuyện “vượt rào” đã trở thành “đương nhiên” mà không hề bị xếp vào tín dụng đen. Luật quy định mức phạt cao nhất đối với vi phạm cho vay “vượt trần” là 15 triệu đồng, song, mức phạt này cũng chỉ mới nằm trên giấy, chứ chưa hề được áp dụng vào thực tiễn để phạt tín dụng đen hay tín dụng… trắng (chính thống).
Còn nếu áp theo Luật Hình sự, hiện không có quy định nào về cho vay trái phép, mà chỉ có quy định về “kinh doanh trái phép”, thế nên không thể xử phạt hình sự đối với hành vi cho vay. Bên cạnh đó, về lãi suất, Luật Hình sự tuy có chế tài đối với người cho vay lên tới gấp 10 lần “trần” trở lên, nhưng lại đi kèm điều kiện là mang “tính chất chuyên bóc lột”.
Thực tế, các giao dịch vay tiền hiện nay, bao gồm cả tín dụng đen, đều là thỏa thuận tự nguyện của cả 2 bên, cái gọi là “tính chất chuyên bóc lột” rất khó để chứng minh, nên dù lãi suất có đến vài nghìn phần trăm, cũng không có tội và cũng chẳng hề bị xử phạt vi phạm hành chính.
Đồng quan điểm pháp luật vẫn còn nhiều chỗ “hở sườn” dẫn đến tình trạng tín dụng đen hoành hành, Thượng tá Trần Thị Thúy, Phó trưởng Phòng 5, Cục Tham mưu Cảnh sát – Tổng cục Cảnh sát cho biết, trong qua trình điều tra, xử lý tội phạm, vi phạm pháp luật liên quan đến tín dụng đen, lực lượng Công an cũng gặp không ít khó khăn, vướng mắc, chế tài xử lý các hành vi vi phạm chưa rõ ràng, cụ thể, gây khó khăn cho các cơ quan chức năng; nhiều hành vi vi phạm nghiêm trọng xảy ra nhưng không đủ căn cứ để xử lý hình sự.
Đi tìm lời giải để xóa tín dụng đen, luật sư Nguyễn Thế Truyền cho rằng cần thực hiện nhiều giải pháp và Chính phủ phải có những quyết sách, chủ trương cụ thể. Trong đó, nâng cao khả năng quản trị tài chính cá nhân là điểm then chốt giúp cho người dân có được những kiến thức cơ bản về quản lý dòng tiền, quản trị rủi ro, cân bằng được khả năng cũng như nhu cầu tài chính của bản thân dù chỉ ở mức rất nhỏ. Cùng với đó, kiên quyết đấu tranh với những công ty, tổ chức, cá nhân sử dụng xã hội đen tham gia vào những việc liên quan đến vay mượn, giao dịch dân sự. Minh bạch hóa, công khai hóa các điều kiện, trình tự, thủ tục và phát triển rộng rãi cách tiếp cận các nguồn tín dụng lành mạnh từ NH và các tổ chức tài chính có uy tín…
“Hiện nay, những vụ việc về tín dụng đen đặc biệt phức tạp và gắn liền với lừa đảo. Tuy nhiên một số vụ việc siết nợ bằng hình thức tinh vi, đúng quy định pháp luật, xuất phát từ sơ hở của người dân khi ký các hợp đồng mua bán nhà đất. Họ có hợp đồng mua bán chặt chẽ, qua phòng công chứng ký kết đàng hoàng. Những trường hợp này, pháp luật có muốn “bênh” cũng không được. Đây là kẽ hở từ khâu công chứng đến đăng ký sang tên của văn phòng đăng ký đất đai, các công việc thực hiện hoàn toàn trên giấy tờ, đến khi tòa xử thì cũng chỉ biết xử trên hợp đồng thế chấp, chủ nhà không hề biết nhà mình đã bị thế chấp. Nhiều trường hợp các đối tượng tín dụng đen còn giả mạo chữ ký của chủ nhà, thuê người đóng giả chủ nhà để ký kết giấy bán nhà”, ông Chu Quang Tiến, Cục phó Cục Thi hành án dân sự TP Hà Nội. (P.V) |
Lệ Thúy – Thu Thủy
———————————-
Công an Nhân dân (Đời sống) 09-9-2015:
http://cand.com.vn/doi-song/Bai-2-Minh-bach-phap-luat-tin-dung-den-het-dat-song-364835/
(513/1.637)