(NB&CL) – Những năm gần đây, quy mô các vụ án về tín dụng đen, tín dụng ngân hàng ngày càng lớn. Tính chất các vụ án về tín dụng đen, tín dụng ngân hàng ngày càng phức tạp. Theo thống kê của Tổng Cục cảnh sát Phòng chống Tội phạm (Bộ Công an), từ năm 2010 đến nay, cả nước có hơn 4.900 vụ việc liên quan đến tội phạm “tín dụng đen”. Vậy ” Tín dụng đen” là gì ? Tại sao vẫn tồn tại và sống khỏe ?
Tín dụng tiêu dùng: Từ xâm phạm sẽ tiến đến xâm hại
Tín dụng đen đang bùng phát bởi những “lợi thế riêng” của loại hình này.
“Tín dụng đen” là gì ?
Trong từ điển Tiếng Việt không định nghĩa về tín dụng đen, song có thể hiểu tín dụng đen là dạng huy động và cho vay tín dụng không thông qua hệ thống Ngân hàng, không đăng ký kinh doanh cũng như chưa được cấp phép và chịu sự quản lý chính thức bởi bất cứ cơ quan quản lý Nhà nước nào.
Tín dụng đen có lãi suất huy động và cho vay cao, thủ tục thực hiện đơn giản so với các hoạt động tín dụng của các Ngân hàng. Trong bối cảnh nền kinh tế bước vào giai đoạn suy thoái, hệ thống các Ngân hàng thiếu tin tưởng trong vấn đề cho vay tiền đối với người dân với tâm lý lo ngại sự gia tăng nợ xấu, thậm chí là mất vốn, cùng với các thủ tục, điều kiện khắt khe dẫn đến không ít người dân đã tìm đến “tín dụng đen” thay vì tìm đến Ngân hàng.
Vì sao “tín dụng đen” sống khỏe ?
Thủ tục cho vay đơn giản, chủ yếu dựa vào lòng tin, thậm chí không cần tài sản thế chấp, đặc biệt không bị ràng buộc bởi thủ tục pháp lý, Chính từ sự không ràng buộc về mặt pháp lý này mà quy trình kinh doanh của các tổ chức “tín dụng đen” trở nên đơn giản khi xem xét “cấp phép” cho vay, “huy động vốn vay” khi khách hàng có nhu cầu. Sự đơn giản này đã đẩy cao khả năng được vay vốn và làm thời gian “nhận được tiền” của khách hàng cũng sẽ vì thế mà rút gọn hơn rất nhiều so với các ngân hàng, tổ chức tín dụng chân chính.
Người nghèo, ngưới có thu nhập thấp, người không tiếp xúc nhiều với hệ thống hành chính Nhà nước thậm chí doanh nghiệp gặp khó khăn cần nguồn vốn để thoát khó ngay lập tức đều là những khách hàng tiềm năng của các tổ chức tín dụng đen. Nếu những đối tượng này đến gặp các cơ quan tín dụng Nhà nước thì có lẽ họ sẽ phải tiến hành một loạt thủ tục hành chính “đồ sộ” từ chính minh thu nhập đến chứng minh khả năng hoàn trả vốn vay, kê khai tài sản hiện thời, tài sản có thể mang ra thế chấp… Trong khi cái họ cần là sự nhanh chóng và khả năng được vay vốn cao để giải quyết được khó khăn trước mắt. Nhìn nhận từ điều này, dễ hiểu vì sao tín dụng đen lại phát triển nhanh và “chiều lòng” được hầu hết mọi đối tượng khách hàng đến như vậy. Hình thức “vay nóng” hay sự bùng phát của các gói vay tín dụng tiêu dùng được quảng cáo khắp nơi hiện nay là minh chứng khá rõ ràng.
Những tờ rơi quảng cáo như thế này….… đã không còn là hình ảnh lạ lẫm gì trên các tuyến phố của Hà Nội
Như vậy, sức hút từ sự ‘linh động” trong việc cho vay của tín dụng đen là điều không thể phủ nhận. Chỉ cần có nhu cầu, bất kỳ ai cũng có thể “kết nối” với các tổ chức này bằng một cuộc gọi. Dù lãi suất phải trả thường lớn đồng thời tiềm ẩn nhiều rủi ro về tài chính, tính mạng nhưng khách hàng vẫn quyết định “hợp tác” bởi lợi ích nhanh chóng mà họ nhận được. Đặc biệt, tín dụng đen còn có thể trở thành “phao cứu sinh” trong lúc nguy cấp.
Đâu là nguyên nhân ?
Tại hội thảo “Giải cứu người nghèo khỏi bẫy “tín dụng đen” vừa được tổ chức mới đây tại Hà Nội, Luật sư Trương Thanh Đức cho hay “Trong những năm qua, mọi người đều nghe nhiều, nói nhiều, viết nhiều về “tín dụng đen” nhưng về pháp lý thì không dễ gì khẳng định thế nào là “tín dụng đen”, vì chưa có quy định hay giải thích của pháp luật”.
Phải chăng đây là nguyên nhân tạo ra kẽ hở pháp luật để tín dụng đen bùng phát ? Đã có rất nhiều tờ báo đưa tin về thực trạng tín dụng này như: trang báo Vneconomy thuộc Thời báo kinh tế có bài viết “Tín dụng đen sống khoẻ nhờ đứng ngoài luật”; tờ Tài chính điện tử có đăng “Luật thiếu minh bạch, tín dụng đen bùng phát; tờ Thời báo Tài chính thì có bài viết “Bẫy tín dụng đen: Người vay thiếu hiểu biết, ngân hàng thiếu trách nhiệm”… Hầu hết tất cả các bài viết đều thể hiện rằng, hệ thống luật pháp về tín dụng của nước ta hiện nay còn lỏng lẻo, thiếu minh bạch, thiếu rõ ràng nên các tổ chức tín dụng đen cứ “vô tư” hoạt động.
Nhưng có lẽ cần phải suy nghĩ lại vấn đề này bởi một khi coi đây là hình thức “tín dụng đen” thì vốn dĩ đã xem hình thức này “nằm ngoài” sự quản lý của luật pháp. Và khi đã ‘nằm ngoài” vòng pháp lý, tín dụng đen sẽ không chịu bất kỳ sự ràng buộc vào về chính sách, về luật pháp từ luật cho vay tín dụng đến luật kinh tế… nên đương nhiên, dù luật pháp có minh bạch, có kín kẽ, có tổng quát đến đâu thì vẫn không thể “động” đến hoạt động của các tổ chức này. Nhà nước có muốn xử lý cũng chẳng thể xử lý nổi bởi không hề có bất kỳ giấy tờ liên quan nào có thể đem ra làm “vật chứng minh”.
Giải pháp nào cho vấn đề này, tại hội thảo “Giải cứu người nghèo khỏi bẫy “tín dụng đen” các chuyên gia cho rằng cõ lẽ không phải là “gia cố” thêm cho hệ thống luật pháp hiện hành mà chính là đưa người dân đến gần hơn với tín dụng chân chính bằng cách đơn giản hóa hệ thống hành chính, mở thêm cơ hội được vay vốn và hướng tín dụng đến với nhiều đối tượng, nhiều tầng lớp dân chúng hơn.
Các chuyên gia cũng khuyến cáo người dân cần nâng cao nhận thức, tìm hiểu kỹ lưỡng các thông tin liên quan khi đặt bút ký bất cứ hợp đồng vay mượn nào
“Tín dụng đen” là cụm từ dùng để chỉ các dạng huy động và cho vay tín dụng không qua hệ thống ngân hàng, không đăng ký kinh doanh, cũng như chưa được cấp phép và chịu sự quản lý chính thức bởi bất cứ cơ quan quản lý Nhà nước hữu quan nào. Đặc trưng cơ bản của “tín dụng đen” là giao dịch ngầm, nội bộ, không ồn ào, có lãi suất huy động và cho vay cao, trong khi thủ tục thực hiện thì đơn giản hơn so với các hoạt động tín dụng ngân hàng chính thức đương thời. Tín dụng đen có hình thức khá đa dạng và tồn tại từ lâu ở Việt Nam cũng như ở nhiều quốc gia khác trong khu vực và trên thế giới.
Quỳnh Liên
—————————————
Nhà bào & Công luận (Bạn đọc) 09-9-2015:
http://congluan.vn/tin-dung-den-vi-sao-bung-phat/
(72/1.345)