765. Tín dụng “đen”: Sợi thòng lọng ‘siết cổ’ con nợ

(NĐT) – Những cái bắt tay và chữ ký chớp nhoáng của các thoả thuận tín dụng “có một không hai” đã để lại sự âu lo đè nặng lên cuộc sống của mỗi con nợ.

Nguyễn Anh Tuấn run run cầm trên tay chiếc điện thoại đã cũ khi tôi xin số. Hôm sau, tôi chủ động hẹn gặp và trò chuyện tại nhà riêng của anh, ngôi nhà nằm sâu trong con ngõ thuộc phường Ngọc Thuỵ (Long Biên, Hà Nội) – nơi mà có khả năng lớn anh sẽ không thể quyết định được số phận tương lai của nó.

Là một người sửa chữa đồ điện gia dụng, đơn giản chỉ vì giúp đỡ một người bạn trong nghề mà anh quyết định đi vay trả nợ hộ bạn, đơn giản chỉ vì muốn mở rộng hoạt động kinh doanh nhỏ mà rồi anh dính vào cạm bẫy của tín dụng “đen”.

135 triệu là tổng số tiền anh nhận được từ bên cho vay, đánh đổi với đó là giá trị ngôi nhà ước tính hơn 2,8 tỷ đồng đã bị sang tên cho chủ nợ, sự lừa trớ trêu dẫn tới nguy cơ mất trắng cả một gia tài mà có thể suốt phần đời còn lại nai lưng tích góp anh cũng không dám mơ tới nữa.

Anh Tuấn là một trong số các nạn nhân của tín dụng “đen”. Do cần tiền kinh doanh mà không vay vốn được từ ngân hàng, trong năm 2013, gia đình anh đã tìm đến một công ty có trụ sở tại Nguyễn Chí Thanh (Đống Đa, Hà Nội) để vay tiền. Anh bị lừa rồi giao sổ đỏ và ký vào hợp đồng chuyển nhượng nhà đất chỉ để được nhận số tiền vay. Sau đó, ngôi nhà anh bị sang tên cho người khác và đã được thế chấp lại ở ngân hàng vay hơn 2 tỷ đồng.

Trớ trêu thay, anh hoàn toàn chưa phải nộp một đồng tiền lãi nào thì công ty nêu trên đóng cửa. Tại thời điểm nóng nhất của vụ việc là khoảng tháng 09/2014, sự việc vỡ lở, khi anh Tuấn liên tục đòi nhà, anh thậm chí còn bị bên cho vay cử các đối tượng “xã hội đen” đến dằn mặt, thị uy ngay tại ngôi nhà của chính mình suốt một thời gian dài. Ngôi nhà bỗng nhiên trở thành tài sản tranh chấp.

Tuấn là lao động chính, anh nuôi một mẹ già đã ngoài 60 tuổi và 2 con nhỏ, đứa bé mới sinh chưa đầy 1 tháng tuổi trong khi vợ anh vẫn đang phải ở nhà nghỉ sinh. Gia đình 5 người này hiện đang sống ngôi nhà của chính họ nhưng họ lại không hề có quyền quyết định số phận ngôi nhà của mình.

Anh Nguyễn Anh Tuấn – một nạn nhân của tín dụng “đen”

Cạm bẫy của một mô hình tội phạm

Theo phân tích từ phía Cơ quan chức năng và lời khai của các nạn nhân thì nhiều hộ gia đình, cá nhân cần vay vốn để kinh doanh, nhưng do thiếu hiểu biết về thủ tục vay vốn ở ngân hàng nên họ đã chọn con đường vay tín dụng “đen” để có vốn kinh doanh nhanh chóng và kịp thời.

Thủ tục tín dụng “đen” thường rất nhanh gọn, thậm chí không cần hợp đồng, chỉ cần ký vào sổ, không cần thế chấp, không phương án sản xuất kinh doanh…. để có thể nhận được tiền từ bên cho vay. Đổi lại bên vay phải ký: hợp đồng mua, bán, chuyển nhượng quyền sở hữu nhà ở, quyền sử dụng đất ở cho đối tượng cho vay tín dụng với giá chuyển nhượng bằng số tiền vay (thấp hơn rất nhiều so với giá trị thực tế của tài sản chuyển nhượng).

Ngoài ra, các nạn nhân còn ký vào hợp đồng ủy quyền hoặc giấy ủy quyền cho bên cho vay toàn quyền định đoạt tài sản nhà đất của mình (mua bán, chuyển nhượng, tặng cho, thế chấp). Các hợp đồng trên được dùng với mục đích là hình thức để làm tin, xem như một hình thức thế chấp tài sản cho bên cho vay tín dụng. Trên thực tế không có việc giao nhận tiền và giao nhận nhà, đất mua bán.

Được biết, các thủ tục công chứng và chứng thực, đều được bên cho vay có sẵn đơn vị cung cấp thậm chí việc công chứng chứng thực được thực hiện ngay ở quán cà phê, quán cóc vỉa hè, tại nhà, tại chợ….

Sau khi có hợp đồng, những kẻ cho vay đã thế chấp tài sản nhà đất của người đi vay cho ngân hàng để vay vốn hoặc bán lại cho người khác, rồi lại lấy chính số tiền vốn đó tiếp cận và sử dụng cách thức tương tự đối với các “con mồi” khác. Trong khi đó thì người đi vay vẫn chiếm hữu, sử dụng nhà đất của mình. Lúc này, tín dụng đã “đen” xuất hiện.

Khi các đối tượng tín dụng “đen” vay và rút tiền ngân hàng để sử dụng vào mục đích riêng, với số tiền lên tới hàng tỷ đồng, không có khả năng thanh toán hợp đồng tín dụng, ngân hàng sẽ yêu cầu phát mại tài sản bảo lãnh, Tòa án triệu tập giải quyết tranh chấp. Khi đó, người có tài sản mới biết là nhà đất của mình đã được sang tên cho người khác hoặc bị thế chấp cho ngân hàng, còn trước đó họ chỉ biết ký hợp đồng theo yêu cầu của bên cho vay để được nhận tiền vay, thậm chí nhiều người chỉ hiểu là cho mượn giấy tờ nhà trong một khoảng thời gian, rồi bên mượn trả lại.

“Bên cho vay đã lừa chúng tôi để được cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng nhà đất, sau đó đem tài sản của chúng tôi đi thế chấp cho ngân hàng, qua mặt các ngân hàng để vay tiền sau đó chiếm đoạt số tiền này, hậu quả để lại cho chúng tôi và ngân hàng phải gánh chịu. Chúng tôi trở thành người phải có trách nhiệm trả nợ với ngân hàng, mất cả nhà cửa”, nạn nhân Tuấn nói.

“Mỡ người nghèo rán người nghèo”

Tuấn chỉ là một trong số hàng chục các nạn nhân có mặt tại một buổi toạ đàm với tên gọi “Giải cứu người nghèo thoát khỏi bẫy tín dụng đen”. Anh may mắn vào được gian phòng của hội thảo để thuật lại câu chuyện của mình trong khi các nạn nhân khác phải đứng bên ngoài lắng nghe mọi thông tin do sức chứa có hạn của gian phòng, và ngoài kia cũng còn không biết bao nhiêu nạn nhân nữa đang phải cầm lá đơn tố cáo tín dụng “đen” cầu cứu tới các cơ quan chức năng. Và đã có những giọt nước mắt đã lăn dài trên má của các nạn nhân khi họ trả lời phỏng vấn cơ quan thông tấn.

Theo ông Trần Nhật Minh, Giám đốc Trung tâm nghiên cứu truyền thông phát triển (RED) – đơn vị tổ chức toạ đàm, nên dùng từ “nghiệt ngã” để miêu tả cho câu chuyện của những nạn nhân tín dụng “đen” này.

Chúng ta đang giải quyết một vấn đề mà chẳng cần đi đâu xa, ra ngoài ngõ cũng có thể nhìn thấy ngay. Những số điện thoại khoan cắt bê tông nay đã xưa rồi mà thay vào đó bây giờ ra đường ra ngõ chỉ toàn quảng cáo cho vay tín dụng với lãi suất ưu đãi và ai cũng có thể nhìn thấy.

“Khi chúng tôi tiếp cận vấn đề thì chúng tôi khỏi cần mời Luật sư vì văn phòng Luật nào cũng có vài chục vụ việc tương tự như thế này. Thật lạ là tại sao một vấn đề như thế lại tồn tại bao lâu trong xã hội chúng ta?”, ông Minh thắc mắc.

Đứng sau gia đình các nạn nhân là một hệ thống các đại lý tín dụng xuống tận cấp phường, xã. Lực lượng tội phạm này có hẳn cả một hệ thống ở địa phương theo dõi mọi động tĩnh từ gia đình xem họ có khả năng trả nợ được không ? Có thể lừa được không ?

“Đây là một mô hình tội phạm đang phát triển quá mạnh. Qua các tầng cấp lãi suất khác nhau, chúng tôi khẳng định có bảo kê, có người đầu tư cho mô hình này. “Mỡ người nghèo rán người nghèo”, rõ ràng anh cho vay có 100 triệu mà anh đưa được vào ngân hàng ngôi nhà của người ta đáng giá tiền tỷ. Sang tên trong một ngày, vay trong một ngày, chuyện đó đương nhiên cứ như không trong hàng năm trời”, Giám đốc RED nhấn mạnh.

Tín dụng “đen” giăng bẫy khắp mọi nơi (ảnh: RED)

Nhà báo Ngọ Văn Anh, Trưởng phòng sản xuất 1 Trung tâm tin tức Đài truyền hình Kỹ thuật số VTC, người đã thực hiện khá nhiều các phóng sự phản ánh về tín dụng “đen” thì cho biết đa số người dân khi được hỏi tại sao vay nặng lãi, họ đều có chung câu trả lời: Thủ tục hoạt động tín dụng “đen” đơn giản, mà các cơ quan tín dụng chính thức có cải cách hành chính cả chục năm nữa cũng khó theo kịp.

Còn theo Luật sư Trương Thanh Đức, Giám đốc Công ty Luật ANVI, có nhiều yếu tố để các giao dịch vay tiền biến thành tín dụng “đen” nhưng yếu tố chính là lãi suất ngất ngưởng, tưởng như “cắt cổ”. Nguyên nhân đẩy người ta trở thành thủ phạm và nạn nhân của cái bẫy tín dụng “đen” không thể bỏ qua nguyên nhân do pháp luật thiếu minh bạch, rõ ràng và hợp lý.

Ông Đức dẫn chứng việc trong thực tế từ năm 2011 đến nay nhiều tổ chức tín dụng đang “đứng ngoài” quy định khi có rất nhiều khoản vay đã vượt mức trần lãi suất, vượt cả ngưỡng được luật cho phép là 13,5% nhưng vẫn không bị xử lý.

“Theo quy định của pháp luật hiện hành không lẽ liệt hoạt động cho vay của ngân hàng và các tổ chức tín dụng khác cũng là tín dụng “đen”? Do đó khó có thể xử lý các cá nhân ngoài tổ chức tín dụng cho vay lãi suất cao”, Luật sư nêu quan điểm.

Về phía đại diện Ngân hàng, bà Trần Thị Hồng Hạnh, Tổng Thư ký Hiệp hội Ngân hàng Việt Nam cũng chia sẻ với các nạn nhân trong hoạt động cho vay tín dụng ngoài luồng. Nếu tất cả các tổ chức tín dụng mà tuân thủ các quy định của Ngân hàng Nhà nước trong hoạt động cho vay thì sẽ không có vấn đề gì xảy ra.

Tuy nhiên, bà Hạnh cũng thừa nhận trong ngành Ngân hàng cũng không thể không có những “con sâu làm rầu nồi canh”, những “con sâu” thuộc phạm trù rủi ro đạo đức, thiếu tinh thần trách nhiệm dẫn đến việc thông đồng và tiếp tay cho một số cá nhân, tổ chức thực hiện trót lọt hoạt động tín dụng “đen” phi pháp.

Thượng tá Trần Thị Thúy, Tổng cục Cảnh sát phòng chống tội phạm (Bộ Công an):

Theo thống kê chưa đầy đủ từ Tổng Cục cảnh sát, từ năm 2010 đến năm 2014, ở nước ta liên tiếp xảy ra hàng trăm vụ vỡ nợ lớn với thiệt hại lên tới hàng ngàn tỷ đồng, ảnh hưởng đến nhiều cá nhân, gia đình, tổ chức và liên quan với nó là 6.367 vụ việc, trong đó có: 41 vụ giết người, 318 vụ cố ý gây thương tích, 588 vụ cướp tài sản, 1.089 vụ cưỡng đoạt tài sản, 1.707 vụ lừa đảo chiếm đoạt tài sản, 2.496 vụ lạm dụng tín nhiệm chiếm đoạt tài sản, 104 vụ huỷ hoại tài sản…

Quảng Định

—————————————-

Người đưa tin (Thời sự) 09-9-2015:

http://www.nguoiduatin.vn/tin-tuc-24h-tin-dung-den-soi-thong-long-siet-co-con-no-a205497.html

(181/2.059)

Bài viết 

311. Hãy nhìn từ mục tiêu của việc đánh thuế...

Hãy nhìn từ mục tiêu của việc đánh thuế bất động sản. [caption id="attachment_42152"...

Bình luận 

437. Cải cách thể chế và tôn trọng thị trường...

Chùm 3 bài Việt Nam - Khát vọng hùng cường: Cải cách thể chế và tôn...

Phỏng vấn 

4.427. Gần tết cảnh giác với tội phạm ngân hàng.

Gần tết cảnh giác với tội phạm ngân hàng. (HTV1) - Chương trình có...

Trích dẫn 

3.976. Cảnh giác hiện tượng rao bán bất động...

Cảnh giác hiện tượng rao bán bất động sản kiểu "phông bạt". (DV) -...

Tám luật 

334. ANVI xì luật hay Lạm bàn tám luật.

(ANVI) - “Lạm bàn tám luật” hay còn gọi là “ANVI xì luật”Chuyên...

Số lượt truy cập: 237,468