766. Tín dụng đen chui lọt lỗ hổng pháp lý?

(TBTC) – Những năm gần đây, cùng với sự phát triển kinh tế, các vụ việc về tín dụng đen cũng tăng dần cả về quy mô và tính phức tạp, nguy hiểm, gây ra nhiều hệ lụy về kinh tế xã hội và an ninh trật tự.

Tuy nhiên, việc xử lý các vụ án này hầu như không rõ ràng do một loạt bất cập, trong đó nổi bật nhất là thiếu quy định pháp lý phù hợp.

Khó xử lý

Theo Tổng cục cảnh sát, về pháp lý thì không dễ khẳng định thế nào “tín dụng đen”, vì chưa có quy định hay giải thích của pháp luật. Trên thực tế, có nhiều cách hiểu khác nhau về “tín dụng đen”, nhưng điểm chung  đều là các hoạt động tín dụng bất hợp pháp, thường gắn với các khoản vay lãi suất rất cao, cùng các hành vi vi phạm pháp luật.

Theo quy định của pháp luật hiện hành, giao dịch cho vay giữa cá nhân và pháp nhân là hợp pháp. Để hạn chế cho vay nặng lãi, Bộ luật Dân sự (BLDS) đã đưa ra mức trần lãi suất cho vay này ở mức 150% lãi suất cơ bản, tương đương với mức 13,5% (theo lãi suất cơ bản Ngân hàng Nhà nước công bố năm 2009 là 9%).

Tại Bộ luật Hình sự (BLHS), quy định về tội phạm trong hoạt động cho vay là do yếu tố “nặng lãi”. Cụ thể là người nào cho vay với mức lãi suất cao hơn mức lãi suất cao nhất pháp luật quy định từ 10 lần trở lên, có tính chất chuyên bóc lột, thì bị phạt tiền từ 1 đến 10 lần số tiền lãi, hoặc phạt cải tạo không giam giữ đến một năm. Phạm tội thu lợi bất chính lớn thì bị phạt từ 6 tháng đến 3 năm.

Luật sư Trương Thanh Đức, Giám đốc Công ty Luật ANVI cho rằng, pháp luật hiện hành về hoạt động cho vay mới ràng buộc ở lãi suất, còn các vi phạm khác về cho vay chưa bị xử phạt và cũng khó có thể coi là “tín dụng đen”.

Hơn nữa, nếu áp dụng đúng như quy định tại BLDS, hoạt động cho vay của tất cả các ngân hàng trong những năm qua có lẽ đều vi phạm. Còn với xử lý hình sự, theo Trung tá Lê Khắc Sơn, Phòng Cảnh sát hình sự (CA TP. Hà Nội), trong nhiều năm qua hầu như không có vụ việc nào xử lý tín dụng đen theo Điều 163 của BLHS, mà chỉ xử các tội khác liên quan, chỉ là “cái đuôi của vấn đề”. Việc cho vay nặng lãi dưới mức gấp 10 lần lãi suất quy định hiện chưa có chế tài để xử lý. Và cho dù lãi suất có gấp 10 quy định, việc chứng minh “có tính chất chuyên bóc lột” cũng rất khó khăn.

Hình phạt chưa đủ sức răn đe

Theo quan điểm của các nhà làm luật, tội phạm cho vay nặng lãi gây nguy hại không lớn nên hình phạt chỉ dừng lại ở mức độ thấp, có hình phạt tối đa là 3 năm tù (Điều 8, BLHS). Tuy nhiên, theo các chuyên gia, các quy định hiện hành chưa đánh giá đúng tính chất mức độ nguy hiểm của hành vi này. Việc xử lý chưa thực sự nghiêm khắc do chế tài còn nhẹ nên không đủ sức răn đe, nhiều hành vi vi phạm nghiêm trọng xảy ra nhưng không có đủ căn cứ xử lý hình sự.

Theo Luật sư Nguyễn Thế Truyền, Đoàn LS Hà Nội, đa số các trường hợp xử lý hình sự liên quan đến tín dụng đen chỉ được xử lý với các tội danh như cưỡng đoạt tài sản, cố ý gây thương tích, gây rối trật tự công cộng… là những tội không phải tội cho vay nặng lãi, không đi được vào bản chất của vấn đề và không có tác dụng ngăn ngừa tội phạm. Thậm chí, các ông chủ tín dụng đen hầu như không bao giờ bị liên quan đến những loại tội trên.

Đề xuất các giải pháp để ngăn ngừa, đấu tranh chống tội phạm, Thượng tá Trần Thị Thúy, Tổng cục Cảnh sát phòng chống tội phạm (Bộ Công an) cho rằng các cơ quan chức năng cần khẩn trương rà soát, hoàn thiện hệ thống pháp luật hình sự, hành chính, dân sự về xử lý hành vi phạm tội, vi phạm pháp luật liên quan đến hoạt động tín dụng.

Cụ thể, cần sớm nghiên cứu ban hành Thông tư liên ngành hướng dẫn các Điều 139, 140, 163 BLHS để làm căn cứ cho công tác điều tra, truy tố, xét xử tội phạm lừa đảo, lạm dụng tín nhiệm chiếm đoạt tài sản, cho vay nặng lãi, xử lý nghiêm hành vi phạm tội liên quan đến tín dụng đen. Hoàn thiện văn bản pháp luật với những chế tài xử lý cụ thể và nghiêm khắc, trong đó quy định xử phạt hành chính về an ninh trật tự cần bổ sung nhóm hành vi vi phạm liên quan đến tín dụng đen, cho vay nặng lãi để có cơ sở pháp lý khi xử lý trong thực tế…

Theo Tổng cục Cảnh sát Phòng chống tội phạm, thống kê chưa đầy đủ cho thấy, từ năm 2010 đến năm 2014, ở nước ta liên tiếp xảy ra hàng trăm vụ vỡ nợ lớn với thiệt hại lên đến hàng ngàn tỷ đồng, gây ảnh hưởng lớn đến xã hội. Liên quan với đó là 6.367 vụ việc, trong đó có 41 vụ giết người, 318 vụ cố ý gây thương tích, 588 vụ cướp tài sản, 1089 vụ cưỡng đoạt tài sản, 1.707 vụ lừa đảo chiếm đoạt tài sản, 2.496 vụ lạm tín dụng nhiệm chiếm đoạt tài sản… Tính bình quân, mỗi ngày trên cả nước có 4 vụ việc liên quan đến tín dụng đen. Đi kèm theo đó là các hệ lụy từ các hành vi vi phạm khác như: bắt giữ người trái pháp luật, hủy hoại tài sản, gây rối trật tự công cộng, làm nhục người khác, tệ nạn xã hội, vi phạm pháp luật về cầm cố, thế chấp tài sản…

Hoàng Yến

———————————–

Thời báo Tài chính (Tiền tệ – Bảo hiểm) 09-9-2015:

http://thoibaotaichinhvietnam.vn/pages/tien-te-bao-hiem/2015-09-09/tin-dung-den-chui-lot-lo-hong-phap-ly-24245.aspx

(49/1.098)

Bài viết 

311. Hãy nhìn từ mục tiêu của việc đánh thuế...

Hãy nhìn từ mục tiêu của việc đánh thuế bất động sản. [caption id="attachment_42152"...

Bình luận 

437. Cải cách thể chế và tôn trọng thị trường...

Chùm 3 bài Việt Nam - Khát vọng hùng cường: Cải cách thể chế và tôn...

Phỏng vấn 

4.427. Gần tết cảnh giác với tội phạm ngân hàng.

Gần tết cảnh giác với tội phạm ngân hàng. (HTV1) - Chương trình có...

Trích dẫn 

3.976. Cảnh giác hiện tượng rao bán bất động...

Cảnh giác hiện tượng rao bán bất động sản kiểu "phông bạt". (DV) -...

Tám luật 

334. ANVI xì luật hay Lạm bàn tám luật.

(ANVI) - “Lạm bàn tám luật” hay còn gọi là “ANVI xì luật”Chuyên...

Số lượt truy cập: 237,468