767. Cần giúp người dân trước “bẫy tín dụng đen”

(ND) – Thời gian qua, một số người dân có nhu cầu vay vốn, do không tiếp cận được tín dụng ngân hàng, đã tìm cách vay tiền “tín dụng đen” với lãi suất lên đến 150%/tháng, thậm chí cao gấp tới 128 lần so với lãi suất ngân hàng. Những đối tượng cho vay dụ dỗ, bắt ép người vay làm giả thủ tục bán nhà đất (không giao nhà, không giao tiền), tiến hành sang tên người cho vay. Sau đó, những giấy tờ này được sử dụng làm hồ sơ vay vốn ngân hàng lên tới hàng tỷ đồng. Nhiều gia đình lâm vào cảnh mất nhà, nhiều tỷ đồng vốn của ngân hàng có thể bị rủi ro. Nghiêm trọng hơn “mô hình” này đang ngày càng được nhân rộng về quy mô.

“Bỗng dưng” mất nhà

Chiếc quán nước xiêu vẹo trên đường Nghi Tàm, Hà Nội giống như dáng hình chủ nhân của nó. Đôi mắt thất thần, ông Vũ Duy Hà, 56 tuổi phân bua: “Chúng tôi đâu có tham tiền. Chỉ vì năm 2002, Sơn, đối tượng buôn bán loa đài thường tới quán uống nước ra sức thuyết phục chúng tôi vay 200 triệu đồng để sửa nhà rồi cho thuê. Lãi suất Sơn đưa ra chỉ 1,2%/tháng, khá “mềm” so với cái gọi là “tín dụng đen” trên thị trường. “Nghe mãi bùi tai, ông Hà đồng ý vay với mong muốn có cái nhà cho thuê, kiếm thêm thu nhập cho gia đình gần chục miệng ăn. Ngay lập tức, Sơn đưa ông Hà đến gặp đối tượng tự xưng là Nguyễn Thị Hồng Nhung, Giám đốc Công ty TNHH Phần mềm CFA.

Trên đường đi, Sơn đọc cho ông Hà nghe một bản hợp đồng vay vốn, yêu cầu ông ký ngay khi gặp Nhung. Do không hiểu biết, lại nghe lõm bõm, tin Sơn và “công ty làm ăn uy tín”, ông Hà không ngại ngần đặt bút ký và giao sổ đỏ căn nhà để Nhung giữ “làm tin”. Hàng tháng, người đàn ông gầy gò ấy đều đặn đạp xe mang 2,4 triệu đồng đến những địa chỉ cà-phê do Nhung hẹn để trả lãi. Mười tháng sau, cán bộ ngân hàng tới, hỏi lý do ông muốn bán nhà, trời đất sụp dưới chân, ông Hà mới hay căn nhà của ông (trị giá khoảng 10 tỷ đồng) đã bị Nhung thế chấp ngân hàng 4,8 tỷ đồng. Không chỉ “sốc” do “bỗng dưng” mất nhà, vợ chồng ông Hà suy sụp hơn khi nghe làng xóm dè bỉu “tham thì thâm”.

Ông Vũ Anh Tuấn cũng là nạn nhân của “tín dụng đen” kể: Do thiếu tiền kinh doanh, năm 2013, cả chục hộ gia đình, trong đó có gia đình tôi đến Công ty Cổ phần Cát Nam Phong, trụ sở tại tòa nhà M3+M4 Nguyễn Chí Thanh (Đống Đa, Hà Nội) vay tiền. Tại đây, chúng tôi được yêu cầu giao sổ đỏ và ký hợp đồng chuyển nhượng đất với Nguyễn Thị Hải Yến là Chủ tịch Hội đồng quản trị và Hoàng Phúc Đường, Phó Giám đốc, để vay từ 300 đến 500 triệu đồng, lãi tính theo ngày. Chúng tôi đều tin tưởng do giữa chúng tôi và Yến không có bàn giao nhà, không nhận tiền chuyển nhượng. Năm 2014, cán bộ ngân hàng tìm tới xem xét thực trạng nhà, thu hồi nhà. Lúc này, tất thảy ngơ ngác, bàng hoàng, cay đắng nhận ra mình đã bị lừa. Mặc dù các hộ dân nơi này đã gửi đơn tới các cơ quan công an, ngân hàng cho đối tượng Yến vay tiền nhưng chưa thấy ngân hàng nào trả lời. Bởi xem ra, mọi chứng cứ đều khó có thể “bảo vệ” được họ.

Những “nạn nhân” của mô hình “tín dụng đen” mà chúng tôi tiếp xúc đều cho biết họ tìm tới “mô hình” này do thủ tục nhanh gọn, thậm chí không cần hợp đồng, thế chấp, không cần phương án sản xuất kinh doanh, mà chỉ cần ký hợp đồng mua bán, chuyển nhượng quyền sở hữu nhà ở, quyền sử dụng đất cho đối tượng cho vay với giá chuyển nhượng bằng số tiền vay thấp hơn nhiều so với giá trị thực tế của tài sản chuyển nhượng. Hoặc ký vào hợp đồng ủy quyền hoặc giấy ủy quyền cho bên cho vay toàn quyền định đoạt tài sản nhà đất của mình. Sau khi đầy đủ giấy tờ này, đối tượng cho vay sẽ thế chấp tài sản nhà, đất cho ngân hàng để vay vốn hoặc bán cho người khác mà “khổ chủ” không hề biết mình đã mất trắng tài sản.

Ra ngõ gặp “tín dụng đen”

Giám đốc Trung tâm Nghiên cứu truyền thông phát triển Trần Nhật Minh, nơi tổ chức cuộc hội thảo “Giải cứu người nghèo thoát khỏi bẫy tín dụng đen” xót xa thốt lên: Bây giờ ra các ngõ, phố, cột điện những tờ rơi, quảng cáo, số điện thoại quảng cáo khoan cắt bê-tông đã nhường chỗ cho quảng cáo tín chấp ngân hàng nhan nhản. Thật ngạc nhiên khi chúng tồn tại công khai mà không có cơ quan chức năng nào can thiệp. Khởi nguồn của cuộc hội thảo này là khi trung tâm tiến hành sửa chữa thì gặp chàng thanh niên 26 tuổi kể mẹ anh là bà Nguyễn Thị Lệ (Gia Lâm) vì muốn có số tiền 135 triệu đồng cho con trai sắm đồ nghề, dụng cụ hành nghề mà “cắm” sổ đỏ căn nhà cho đối tượng cho vay “tín dụng đen”. Khi chúng tôi tìm tới nhà bà Lệ, người đàn bà nông dân khắc khổ ấy chỉ đưa ra được hai thông tin: đối tượng tên là Yến, đưa tiền tại công ty “gì đó” trên đường Nguyễn Chí Thanh.

Luật sư Nguyễn Thế Truyền, Công ty Luật Hợp danh Thiên Thanh từng trợ giúp pháp lý cho nhiều nạn nhân của “tín dụng đen” cho biết: Hầu hết nạn nhân không có kiến thức tối thiểu về quản trị tài chính cá nhân do nền tảng văn hóa thấp, khả năng cân đối thu chi, sẵn sàng đi vay giải quyết những việc trước mắt. Nhiều khi chỉ một chút sĩ diện của cá nhân, gia đình, như vay 40 triệu đồng với lãi suất cao để tổ chức một đám cưới cho bằng hàng xóm láng giềng nhưng ba năm chưa trả hết nợ. Dĩ nhiên, gánh nặng đó đè lên đôi vai vợ chồng trẻ. Do kiến thức pháp luật hạn chế, họ sẵn sàng ký các loại giấy tờ miễn là vay được tiền, mà không biết mình sẽ lãnh chịu hậu quả gì. Bên cạnh đó, việc “tín dụng đen” bùng phát, để lại hậu quả rất lớn, một phần do pháp luật hiện hành còn nhiều vấn đề tạo cơ hội cho “tín dụng đen” có đất sống và phát triển.

Ông Truyền phân tích: Các đối tượng “tín dụng đen” thường câu kết chặt chẽ với một số đối tượng tội phạm, một số cán bộ tín dụng trong lĩnh vực ngân hàng nên chúng có hạn mức tín dụng, có đội quân tư vấn lập các phương án kinh doanh, móc nối nhằm vay tiền từ ngân hàng, thực hiện các nghiệp vụ để “vay ké” nâng khống giá trị tài sản bảo đảm, để có thể vay nhiều hơn hoặc dùng để sử dụng vào mục đích khác. Lúc này, cá nhân, hộ gia đình đã vô hình trung ký kết vay các khoản tiền lên tới hàng tỷ đồng mà không được sử dụng. Chỉ vay và trả lãi theo lãi suất ngân hàng với số tiền thực lĩnh thì cũng không vấn đề gì nếu các bên kinh doanh bảo đảm trả lãi đúng hạn. Nhưng việc chưa kịp thanh toán đã khiến người vay phải chi trả khoản phí đáo hạn với lãi suất cắt cổ, thường là 5 đến 10 nghìn đồng/một triệu đồng/ngày. Trường hợp này, chúng tôi gọi là “uống thuốc độc để tồn tại”.

Thượng tá Trần Thị Thúy, Phó trưởng Phòng 5 (Tổng cục Cảnh sát, Bộ Công an) cho biết, từ lâu, tín dụng đen có thể được hiểu là “ngân hàng ngầm” hay “tín dụng phi chính thức”. Hoạt động này diễn ra khá phổ biến và ngày càng phức tạp, hậu quả của nó gây ra cho xã hội rất nghiêm trọng. Trong đó, đáng lo ngại nhất là sự an toàn của hệ thống ngân hàng thương mại, ảnh hưởng trực tiếp đến an ninh tài chính quốc gia; là nguyên nhân, điều kiện thúc đẩy các loại tội phạm hình sự, ảnh hưởng trực tiếp đến sự phát triển kinh tế – xã hội và tình hình, công tác bảo đảm an ninh, trật tự, an toàn xã hội. Tuy nhiên, hiện nay chưa có một văn bản pháp lý nào quy định quản lý hoạt động của các hình thức tín dụng phi chính thức cũng như lãi suất cho vay tối đa. Do vậy, lực lượng chức năng chưa có cơ sở pháp lý để thực hiện các biện pháp phòng ngừa, ngăn chặn và xử lý các hành vi vi phạm.

Giải pháp nào cho “tín dụng đen”?

Do “tín dụng đen” là hoạt động ngầm, ở thị trường phi chính thức cho nên cả người đi vay và cho vay đều che giấu, không xuất hiện, bởi vậy việc phát hiện, xử lý rất khó khăn. Theo bà Trần Thị Hồng Hạnh, Tổng Thư ký Hiệp hội Ngân hàng, phương án tối ưu hiện nay là biện pháp phòng chống, ngăn ngừa, trong đó tập trung ưu tiên các giải pháp hạn chế tối đa phát sinh nhu cầu vay tín dụng đen. Cần phân loại đối tượng để có những ứng xử phù hợp. Đối với người nghèo, chú trọng công tác thông tin tuyên truyền, phổ biến pháp luật, hỗ trợ từ cộng đồng với phương châm “lá lành đùm lá rách”, hướng người dân tìm tới các tổ chức tín dụng phù hợp. Đối với các doanh nghiệp, chú trọng đạo đức kinh doanh, sống và làm việc theo hiến pháp và pháp luật. Đối với các đối tượng “xã hội đen” cho vay nặng lãi, lực lượng công an, cấp ủy, chính quyền địa phương cần có biện pháp đồng bộ ngăn chặn từ gốc rễ các hoạt động phi pháp.

Một trong các biện pháp mà Bộ Công an đề nghị là hệ thống ngân hàng cần đẩy nhanh tiến độ cấu trúc hệ thống, đơn giản và minh bạch hóa thủ tục, phát triển đa dạng thị trường tiền tệ – tài chính. Hoàn thiện cơ chế, chính sách về thu hút nguồn tiền nhàn rỗi trong dân, cải cách hành chính,nghiên cứu đa dạng hóa các hình thức, tạo sự thuận lợi trong hoạt động giao dịch chính thức để cá nhân, doanh nghiệp, có hoạt động sản xuất kinh doanh phù hợp được tiếp cận các nguồn vốn vay an toàn, nhanh chóng, thuận tiện. Qua đó hạn chế tình trạng vay nóng, vay tín dụng đen. Theo luật sư Trương Thanh Đức, Giám đốc Công ty Luật ANVI, lâu nay hoạt động “tín dụng đen” thường được xử bằng Bộ luật Hình sự. Tuy nhiên, ngay trong Bộ luật Hình sự cũng không có quy định nào về hoạt động cho vay trái phép, mà chỉ có quy định về tội kinh doanh trái phép. Do đó cần phải hoàn thiện hệ thống pháp luật để có khuôn khổ pháp lý xử lý “tín dụng đen”.

Theo thống kê chưa đầy đủ, từ năm 2010 đến 2014, ở nước ta liên tiếp xảy ra hàng trăm vụ vỡ nợ lớn với thiệt hại lên đến hàng nghìn tỷ đồng, ảnh hưởng đến nhiều cá nhân, gia đình, tổ chức và liên quan với 6.367 vụ việc, trong đó có 41 vụ giết người, 318 vụ cố ý gây thương tích, 558 vụ cướp tài sản, 1.089 vụ cưỡng đoạt tài sản, 1.707 vụ lừa đảo chiếm đoạt tài sản, 2.496 vụ lạm dụng tín nhiệm chiếm đoạt tài sản, 104 vụ hủy hoại tài sản…

DƯƠNG QUÂN

————————————-

Nhân Dân (Tin tức) 09-9-2015:

http://www.nhandan.com.vn/mobile/_mobile_xahoi/_mobile_tintucxh/item/27387802.html

(80/2.086)

Bài viết 

311. Hãy nhìn từ mục tiêu của việc đánh thuế...

Hãy nhìn từ mục tiêu của việc đánh thuế bất động sản. [caption id="attachment_42152"...

Bình luận 

437. Cải cách thể chế và tôn trọng thị trường...

Chùm 3 bài Việt Nam - Khát vọng hùng cường: Cải cách thể chế và tôn...

Phỏng vấn 

4.427. Gần tết cảnh giác với tội phạm ngân hàng.

Gần tết cảnh giác với tội phạm ngân hàng. (HTV1) - Chương trình có...

Trích dẫn 

3.976. Cảnh giác hiện tượng rao bán bất động...

Cảnh giác hiện tượng rao bán bất động sản kiểu "phông bạt". (DV) -...

Tám luật 

334. ANVI xì luật hay Lạm bàn tám luật.

(ANVI) - “Lạm bàn tám luật” hay còn gọi là “ANVI xì luật”Chuyên...

Số lượt truy cập: 237,468