769. Nhiều người mất nhà vì “tín dụng đen”

(PL&XH) – Cần gấp vốn làm ăn, bà Thủy ở Hà Nội chọn vay vốn của Cty theo hình thức ký hợp đồng mua bán, chuyển nhượng quyền sử dụng đất nhưng không giao tiền và giao nhà. Kết quả là dù giấy tờ “khống” nhưng bà Thủy lại bị ngân hàng hỏi thăm vì căn nhà bà đang ở đang được mang đi thế chấp để vay vốn. Bà chỉ là một trong rất nhiều nạn nhân của hiện tượng này…

Thiệt hại hàng nghìn tỷ do “tín dụng đen”

Bên lề Hội thảo Giải cứu người nghèo khỏi bẫy “tín dụng đen” do Trung tâm nghiên cứu truyền thông phát triển tổ chức, bà Thủy chia sẻ: Tôi vốn không phải là người thiếu hiểu biết. Trước khi đi vay cũng đã tìm hiểu rất kỹ, thấy Cty có treo biển đàng hoàng, giấy tờ, tư cách pháp nhân chứng nhận nên tin tưởng. Sau khi làm hợp đồng công chứng bán nhà để vay 500 triệu đồng (hợp đồng này được thỏa thuận chỉ là hình thức làm tin chứ bên Cty không được bán, thế chấp nhà của tôi), tôi đã được nhận số vốn rất nhỏ giọt. Vòng vèo qua nhiều lần tôi nhận được tổng số 230 triệu đồng. Đến khi thấy Cty có nhiều dấu hiệu không minh bạch, tôi tìm tới để mong trả lại tiền và nhận lại giấy tờ thì không gặp ai, Cty trống trơn, tấm biển cũng không còn…

Những trường hợp như bà Thủy không phải ít mà có rất nhiều người cũng trở thành nạn nhân của quỹ “tín dụng đen”. Thượng tá Trần Thị Thúy, Tổng cục Cảnh sát, Bộ Công an cho biết: Từ năm 2010-2014, cả nước xảy ra hơn 6.300 vụ việc vỡ nợ lớn, với tổng các thiệt hại lên tới hàng nghìn tỉ đồng, ảnh hưởng đến nhiều cá nhân, gia đình, tổ chức… Hệ lụy từ quỹ tín dụng đen đã dẫn đến các hành vi vi phạm khác như bắt giữ người trái pháp luật, hủy hoại tài sản, gây rối trật tự công cộng, tệ nạn xã hội, vi phạm về cầm cố thế chấp tài sản…

Lực lượng cảnh sát đã điều tra, làm rõ và khởi tố 5.839 vụ với 10.885 bị can liên quan đến “tín dụng đen”.  Kết thúc điều tra hơn 5.500 vụ, hơn 9.700 bị can; đã phát hiện, bắt giữ, phối hợp điều tra, xử lý nhiều vụ việc vi phạm có tính chất đặc biệt nghiêm trọng… Tuy nhiên, quá trình điều tra, xử lý tội phạm, vi phạm pháp luật liên quan đến “tín dụng đen”, quy định của pháp luật về hoạt động của các tổ chức tín dụng còn vướng mắc, chế tài xử lý hành vi vi phạm chưa rõ ràng, cụ thể, gây khó khăn cho cơ quan chức năng; nhiều hành vi vi phạm nghiêm trọng xảy ra nhưng không đủ căn cứ để xử lý hình sự; việc xử lý chưa nghiêm do chế tài còn nhẹ nên không đủ sức răn đe, ngăn chặn các đối tượng có hành vi vi phạm. Hiện nay chưa có văn bản pháp lý nào quy định, quản lý hoạt động của các hình thức tín dụng phi chính thức cũng như về lãi suất cho vay tối đa nên lực lượng chức năng chưa có cơ sở pháp lý để thực hiện các biện pháp phòng ngừa, ngăn chặn và xử lý hành vi vi phạm, Thượng tá Thúy nhấn mạnh.

Thượng tá Trần Thị Thúy: Cần bổ sung chế tài xử phạt với hành vi liên quan đến “tín dụng đen”         Ảnh:Vân Hà

Còn thiếu nhiều chế tài xử phạt

Chung quan điểm này, LS. Trương Thanh Đức, Giám đốc Cty Luật ANVI đã phân tích sâu về những vướng mắc trong quy định. Cụ thể, Bộ luật Hình sự không có quy định về việc cho vay trái phép mà chỉ có quy định về tội “Kinh doanh trái phép”. Hoạt động cho vay trái phép cũng có thể bị xử phạt theo tội kinh doanh trái phép. Khi đó, hành vi cho vay trái phép có thể phạm tội kinh doanh trái phép nếu không có đăng ký kinh doanh hoặc không có đăng ký kinh doanh cho vay, hay không có giấy phép hoạt động ngân hàng… Việc cho vay của cá nhân, pháp nhân vẫn được phép và hợp pháp mà không cần có giấy phép hoặc đăng ký kinh doanh nên nhìn chung không thể xử phạt được hành vi cho vay thông thường về tội kinh doanh trái phép.

Theo Bộ luật Hình sự năm 2009 quy định tội phạm đối với hoạt động cho vay: “Người nào cho vay với mức lãi suất cao hơn mức lãi suất cao nhất mà pháp luật quy định từ 10 lần trở lên có tính chất chuyên bóc lột thì bị phạt tiền từ 1-10 lần số tiền lãi hoặc phạt cải tạo không giam giữ đến 1 năm…”. Như vậy, nếu người nào không thuộc trường hợp “có tính chất chuyên bóc lột” thì dù vay lãi suất đến vài nghìn phần trăm cũng không có tội và cũng chẳng hề bị xử phạt vi phạm hành chính. Với hệ thống pháp luật hiện nay chỉ có trường hợp phạm tội cho vay lãi nặng thì mới được gọi là “tín dụng đen”. Còn sai trái trong hầu hết các trường hợp khác khó gọi là “tín dụng đen” và cũng không hề bị xử phạt hành chính.

Thượng tá Trần Thị Thúy kiến nghị Nhà nước, Chính phủ chỉ đạo cơ quan chức năng khẩn trương rà soát, nghiên cứu, hoàn thiện hệ thống pháp luật hình sự, hành chính, dân sự về xử lý hành vi phạm tội, vi phạm pháp luật liên quan đến hoạt động tín dụng. Bổ sung chế tài xử phạt với hành vi vi phạm liên quan đến “tín dụng đen”, cho vay nặng lãi để có cơ sở pháp lý khi xử lý trong thực tế. Tăng cường quản lý, có quy định cụ thể siết chặt hoạt động cho vay, huy động vốn tự phát; đẩy mạnh truyên truyền giúp tổ chức, doanh nghiệp và nhân dân nâng cao hiểu biết pháp luật, nhận biết và có ý thức cảnh giác cao trước những phương thức, thủ đoạn của các đối tượng…

Các hình thức mà “tín dụng đen” thường áp dụng khi cho vay vốn thường là: Không cần hợp đồng chỉ cần ký vào sổ; không cần thế chấp; không phương án sản xuất kinh doanh… Các loại hợp đồng mua bán, chuyển nhượng quyền sở hữu nhà ở, quyền sử dụng đất ở với đối tượng cho vay thấp hơn rất nhiều so với giá thực tế của tài sản coi như để “làm tin”, trên thực tế không có việc giao nhận tiền và giao nhận nhà, đất mua bán.
Hợp đồng ủy quyền hoặc giấy ủy quyền cho bên vay toàn quyền quyết định tài sản nhà hoặc đất của mình; thủ tục công chứng, chứng thực bên cho vay có sẵn đơn vị cung cấp dịch vụ-thậm chí việc công chứng, chứng thực có thể thực hiện ngay ở quán café, tại nhà, tại chợ. Hai bên thống nhất khi nào bên vay trả tiền vay cho bên tín dụng thì sẽ hủy hợp đồng mua bán, chuyển nhượng. Nhưng trên thực tế bên cho vay đã làm thủ tục đăng ký thay đổi người sử dụng đất, sử hữu nhà rồi bán cho đối tượng khác hoặc dùng làm tài sản thế chấp cho ngân hàng để vay vốn.
“Để hạn chế quỹ “tín dụng đen” phát triển cần thực hiện nhiều giải pháp, các cơ quan của Chính phủ cần có những quyết sách chủ trương cụ thể trong đó nâng cao khả năng quản trị tài chính cá nhân, giúp người dân có những kiến thức cơ bản về quản lý dòng tiền, quản trị rủi ro, cân bằng được khả năng cũng như nhu cầu tài chính của bản thân dù chỉ ở mức rất nhỏ”, LS. Nguyễn Thế Truyền, Cty Luật Hợp danh Thiên Thanh cảnh báo.

Vân Hà

———————————

Pháp luật & Xã hội (Xã hội) 10-9-23015:

http://phapluatxahoi.vn/xa-hoi/nhieu-nan-nhan-mat-nha-vi-tin-dung-den-97879

(313/1.407)

Bài viết 

311. Hãy nhìn từ mục tiêu của việc đánh thuế...

Hãy nhìn từ mục tiêu của việc đánh thuế bất động sản. [caption id="attachment_42152"...

Bình luận 

437. Cải cách thể chế và tôn trọng thị trường...

Chùm 3 bài Việt Nam - Khát vọng hùng cường: Cải cách thể chế và tôn...

Phỏng vấn 

4.427. Gần tết cảnh giác với tội phạm ngân hàng.

Gần tết cảnh giác với tội phạm ngân hàng. (HTV1) - Chương trình có...

Trích dẫn 

3.976. Cảnh giác hiện tượng rao bán bất động...

Cảnh giác hiện tượng rao bán bất động sản kiểu "phông bạt". (DV) -...

Tám luật 

334. ANVI xì luật hay Lạm bàn tám luật.

(ANVI) - “Lạm bàn tám luật” hay còn gọi là “ANVI xì luật”Chuyên...

Số lượt truy cập: 237,468