Cổ phần cần phép
(ANVI) – Kinh tế thị trường định hướng gì thì cũng luôn khuyến khích các doanh nghiệp và cá nhân đầu tư nói chung, mua cổ phần, cổ phiếu nói riêng.
Ngoại trừ một vài trường hợp cá biệt như với doanh nghiệp tư nhân hay tổ chức tín dụng,… các luật từ xưa cũ cho tới mới toanh đều không cấm đoán 1 nhà đầu tư thoải mái sở hữu đến 100% doanh nghiệp hay thành lập, góp vốn, mua cổ phần, làm chủ 39.000 công ty. Tất cả chỉ là tuỳ theo sức của mình, liệu bài toán kinh doanh.
Nếu cho rằng việc mua cổ phần, cổ phiếu là một hoạt động kinh doanh, nên phải đăng ký kinh doanh mới hợp pháp, thì hàng chục vạn cá nhân và doanh nghiệp đã có dấu hiệu phạm tội kinh doanh trái phép vì chưa và không thể thực hiện đăng ký kinh doanh món này theo quy định của Luật Doanh nghiệp (!?). Nếu đó là hoạt động kinh doanh phải có giấy phép thì chẳng lẽ thị trường chứng khoán là nơi đang tổ chức hoạt động kinh doanh trái phép (!?). Liệu có phải, nếu doanh nghiệp mua một vài cổ phần thì được, còn mua nhiều quá hay chỉ mua cổ phần, mà chưa tiến hành các hoạt động kinh doanh khác, thì sẽ bị coi là kinh doanh trái phép?
Rồi công ty TNHH nếu hiểu là không bị cấm thì đương nhiên được quyền phát hành trái phiếu. Nhưng nếu cứ bám vào câu chữ xin – cho mờ ảo trong Luật Doanh nghiệp thì cũng có thể kết tội bán trái phiếu trái luật[1].
Tưởng rõ như ban ngày mà hoá ra tù mù với cái bẫy chết người kinh doanh trái phép.
Ngày 03-12-2014
[1] Đến Luật Doanh nghiệp năm 2020 mới quy dịnh rõ điều này.