770. Đi tìm giải pháp loại trừ “tín dụng đen”

(TBNH) – Hội trường trụ sở Liên hiệp các hội khoa học và kỹ thuật Việt Nam (VUSTA), ngày 7/9/2015, không còn chỗ trống dù Ban tổ chức đã phải kê thêm hàng chục chiếc ghế. Tại đây, diễn ra Hội thảo “Giải cứu người nghèo khỏi bẫy tín dụng đen” do Trung tâm Truyền thông Phát triển (RED) thuộc VUSTA tổ chức.

Thương nhưng cũng… giận

Nhiều nạn nhân của hoạt động “tín dụng đen” muốn được ngồi nghe, nhưng chỉ một người trong số họ được kể câu chuyện cụ thể của mình trước đại diện các cơ quan bảo vệ pháp luật, cơ quan thi hành án, Hiệp hội Ngân hàng và một số luật sư…

Bà Trần Thị Hồng Hạnh (thứ ba từ phải sang), Tổng thư ký VNBA phát biểu tại Hội thảo

Ông Vũ Anh Tuấn, đại diện cho hơn một chục nạn nhân phải đứng ngoài hành lang, kể: Do thiếu tiền kinh doanh, năm 2013, cả chục hộ gia đình trong đó có gia đình tôi tìm đến CTCP Cát Nam Phong, có trụ sở tại tòa nhà M3 và M4 đường Nguyễn Chí Thanh (Hà Nội) để vay tiền.

Chúng tôi đã phải giao sổ đỏ và ký hợp đồng chuyển nhượng nhà đất với bà Nguyễn Thị Hải Yến là Chủ tịch HĐQT và anh Hoàng Phúc Cường là Phó giám đốc công ty và đổi lại, được họ cho vay từ 300 – 500 triệu đồng, lãi tính theo ngày.

Khi đó, chị Yến nói với chúng tôi là việc ký giấy tờ chỉ là để “bảo đảm chúng tôi có nghĩa vụ trả lãi và gốc” và chúng tôi cũng tin là như vậy. Đột nhiên, năm 2014, chúng tôi được tiếp một số cán bộ ngân hàng đến xem xét để thu hồi nhà, hỏi chuyện thì mới được biết là nhà đất của chúng tôi đã bị bà Nguyễn Thị Hải Yến sang tên và đem thế chấp cho ngân hàng để vay tiền.

“Bà Yến và người của CTCP Cát Nam Phong đã lừa chúng tôi” – ông Tuấn cay đắng thừa nhận sai sót vì thiếu cảnh giác, cả tin dễ dãi trong việc ký các loại giấy tờ khi vay tiền trước đây.

Số liệu của đại diện Tổng cục cảnh sát (Bộ Công an) tại Hội thảo cho biết: Từ năm 2010 – 2014, đã khởi tố 5.839 vụ, 10.885 bị can liên quan đến hoạt động “tín dụng đen”. Trong đó có: 41 vụ giết người, 301 vụ cố ý gây thương tích, 527 vụ cướp tài sản, 961 vụ cưỡng đoạt tài sản, 1.475 vụ lừa đảo chiếm đoạt tài sản… Bên cạnh đó, đã bắt giữ xử lý 56 băng nhóm gồm 287 đối tượng đòi nợ thuê, cố ý gây thương tích, bắt giữ người trái pháp luật.

Tuy nhiên tại Hội thảo, trung tá Lê Khắc Sơn đến từ Phòng cảnh sát hình sự Công an Hà Nội bày tỏ sự bức xúc: Nhiều vụ chúng tôi cảm nhận được bản chất vấn đề là liên quan đến cho vay nặng lãi, muốn bênh vực nạn nhân. Nhưng căn cứ vào hồ sơ và chứng cứ mà nạn nhân cung cấp thì không đủ điều kiện để đưa ra truy tố theo quy định của Luật Hình sự.

Trong 41 vụ liên quan đến hoạt động “tín dụng đen” vừa qua, tội danh khởi tố lại là “Chiếm đoạt tài sản trái phép”, “Bắt giữ người trái pháp luật”, “Gây rối trật tư an ninh công cộng”…

Ý kiến của các luật sư từ các công ty luật như: Trương Thanh Đức (ANVI), Nguyễn Thế Truyền (Thiên Thanh), Nguyễn Anh Tuấn (Trường Lộc), Nguyễn Hoàng Nam (Suối Hoa) đều có chung nhận định rằng, hoạt động “tín dụng đen” đang ngày càng diễn ra phổ biến, gây tác động xấu đến trật tự an ninh xã hội, xuất hiện các “băng; nhóm” chuyên đòi nợ bằng biện pháp đe dọa, khủng bố tinh thần gia đình các nạn nhân, làm nhiều hộ dân đứng trước nguy cơ mất căn nhà đang ở, tài sản của các NHTM bị thất thoát do khó thu hồi dù cả trong trường hợp đã có quyết định của tòa án.

Và, mặc dù biết vụ việc tranh chấp là hoạt động “tín dụng đen” nhưng rất khó để đưa vào truy tố hay đề nghị khởi tố tội phạm trong lĩnh vực này theo Điều 163 Bộ luật Hình sự “Tội cho vay nặng lãi”, bởi theo Khoản 1 của Điều này thì việc có căn cứ chứng minh yếu tố “có tính chất chuyên bóc lột” theo quy định là rất khó khăn.

Ngay cả căn cứ vào mức lãi suất “từ 10 lần trở lên so với mức lãi suất cao nhất mà pháp luật quy định” cũng không chứng minh được vì phần lớn trong các thỏa thuận khi cho vay thì chủ nợ luôn thuyết phục được người vay chấp nhận… không ghi vào giấy xác nhận nợ?

Luật sư Đức cho biết, theo Bộ luật Dân sự năm 2005 và Luật Doanh nghiệp năm 2014, thì “giao dịch vay và cho vay giữa các cá nhân và pháp nhân với nhau là hợp pháp và không cần phải đăng ký kinh doanh”. Thậm chí tiền lãi cho vay còn được miễn thuế giá trị gia tăng theo quy định tại Điểm b, Khoản 8, Điều 5 về “Đối tượng không chịu thuế”.

Với căn cứ lãi suất để pháp luật can thiệp, các ý kiến tham dự Hội thảo đều cho rằng, không nên quy định trần lãi suất trong giao dịch vay – cho vay ngoài xã hội dân sự, bởi cần tôn trọng quyền “thỏa thuận” của các chủ thể tham gia: “Trong thực tiễn, mức cho vay vượt quá 13,5%/năm – tức mốc “ngưỡng” 150% của lãi suất cơ bản do NHNN công bố – mà Bộ luật Dân sự quy định về trần lãi suất được phép thỏa thuận đã không còn phù hợp”.

Cần làm minh bạch tiêu chí “lừa đảo”

Tại Hội thảo trên, nhiều ý kiến thống nhất cho rằng, yếu tố để làm căn cứ xác định hoạt động “tín dụng đen” là phải có căn cứ chứng minh mục đích và thủ đoạn của bên cho vay có dấu hiệu “lừa đảo”. Với các trường hợp mà nạn nhân đến kể tại Hội thảo này, yếu tố lừa đảo thể hiện rõ khi nhu cầu vay tiền cấp bách, nhất thời của người dân đã bị người cho vay lợi dụng để thực hiện các thủ tục pháp lý không minh bạch, giả mạo giấy tờ nhằm chiếm đoạt tài sản có giá trị gấp nhiều lần khoản cho vay.

Có ý kiến cho rằng, thực ra, các chủ nợ không chỉ nhằm lừa người vay “tín dụng đen”, mà mục đích cuối cùng của loại tội phạm này là giả mạo chứng từ pháp lý, hợp thức hóa thủ tục để lừa cán bộ tín dụng, chiếm đoạt những khoản tiền lớn của ngân hàng.

Hồ sơ mà các văn phòng luật sư đưa ra tại Hội thảo đều cho thấy, đích đến cuối cùng của những “sổ đỏ” của các chủ nợ  – được hình thành sau khi bỏ vài trăm triệu đồng cho vay và làm thủ tục – đều nằm tại các NHTM với khoản vay đã giải ngân lên tới hàng chục tỷ đồng.

Bà Trần Thị Hồng Hạnh, Tổng thư ký Hiệp hội ngân hàng Việt Nam (VNBA) cho rằng, “tín dụng đen” là quan hệ tín dụng được thiết lập trên quan hệ phi pháp, không bình đẳng, không minh bạch, được thỏa thuận ngầm giữa người cho vay và người đi vay. Định nghĩa này đã bao quát được các dấu hiệu cơ bản của hoạt động “tín dụng đen” với chủ thể tham gia là những người kinh doanh tiền tệ trái pháp luật và những người yếu thế trong xã hội.

Đưa ra giải pháp, bà Hạnh khuyến nghị: Trước hết, người dân nên tìm đến các NHTM và chứng minh trung thực, chính xác về mục đích nhu cầu sử dụng vốn với bộ phận tín dụng. Có thể thời gian xét duyệt hồ sơ của ngân hàng chưa đáp ứng được yêu cầu cấp bách của người dân, nhưng nếu người đi vay làm chủ được kế hoạch tài chính, cùng với nỗ lực nâng cao chất lượng dịch vụ của các NHTM, chắc chắn nhu cầu vay vốn hợp pháp của người dân sẽ được đáp ứng.

Hiện nay, các TCTD đang hoạt động thực sự hiệu quả và có khả năng đáp ứng nhu cầu vốn nhanh nhất, với thủ tục gọn nhẹ, cho người dân.

Với những hoàn cảnh không thể chờ vốn tín dụng ngân hàng, bà Hạnh đưa ra lời khuyên với các nạn nhân có mặt tại Hội thảo: các vị nên tìm đến các văn phòng luật sư khi thương thảo và ký tên vào các văn bản mà phía cho vay đưa ra. Đừng quá cả tin, bức bách vì cần tiền mà tự đưa chân vào “thòng lọng” của chủ nợ đã giăng sẵn.

Ông Chu Quang Tiến, Phó cục trưởng Cục thi hành án thành phố Hà Nội “mách” cho các nạn nhân một chi tiết để lột trần bản chất của những vụ “tín dụng đen” nhằm chiếm đoạt tài sản: Hãy lưu giữ tất cả các bằng chứng trong quá trình giao dịch vay tiền để chứng minh không có ý chí và thực hiện hành vi “mua – bán tài sản”.

“Đã có 2 vụ chúng tôi kiến nghị thành công thay đổi nội dung bản án từ mua – bán tài sản sang quan hệ vay – nợ nhờ phía nạn nhân đưa ra được bằng chứng là những tin nhắn, những cuộc gặp thỏa thuận giữa bên cho vay và người dân vay tiền”, ông Tiến nói.

Lắng nghe các ý kiến tham luận và phân tích nguyên nhân của hoạt động “tín dụng đen” từ nhiều bên, Giám đốc RED – ông Trần Nhật Minh dường như vẫn thấy các cơ quan bảo vệ pháp luật cần làm rõ: “Vì sao chủ nợ có thể làm thủ tục công chứng quá dễ dãi. Công chứng viên chứng thực một giao dịch mua – bán tài sản mà lại chấp thuận trong nội dung công chứng rằng “Việc giao tiền và nhận nhà giữa hai bên không cần có sự chứng kiến của công chứng viên”?

Đáng lưu ý là có phòng công chứng làm thủ tục với nội dung như trên cho hàng chục trường hợp mua – bán nhà cho một chủ chuyên hoạt động “tín dụng đen”. Hai là, việc chuyển tên chủ sở hữu giấy chứng nhận quyền sử dụng đất và sở hữu tài sản trên đất cũng không cần sự có mặt của chủ nhà? “

Phải chăng đây là chứng cứ của dấu hiệu “lừa đảo” trong quan hệ vay – mượn tiền này” – ông Minh nêu vấn đề và kiến nghị: “Hoàn chỉnh nội dung quy phạm pháp luật trên văn bản là cần thiết, nhưng kiểm soát hoạt động công chứng, sang tên chuyển chủ sở hữu tài sản là nhà, đất và quy trình thẩm định tài sản cần được các cơ quan có liên quan coi trọng.

Ông Vũ Duy Hà ở Nghi Tàm, Hà Nội (trong ảnh) có mảnh đất 50m² mặt phố Nghi Tàm do cha mẹ để lại, trị giá khoảng 10 tỷ đồng. Năm 2012, một người quen tên Sơn đã giới thiệu vợ chồng ông Hà vay 200 triệu đồng để xây sửa lại căn nhà cấp 4 đang dựng tạm trên mảnh đất đó để cho thuê kinh doanh. Lãi suất người này đưa ra chỉ 1,2%/tháng. Hàng tháng, ông Hà đều mang 2,4 triệu đồng theo thỏa thuận đến trả lãi. Nhưng được 10 tháng, bỗng nhiên ngân hàng đến hỏi thăm, lúc đó ông Hà mới tá hỏa khi biết ngôi nhà ông đang ở đã bị Nguyễn Thị Hồng Nhung mang đi ngân hàng thế chấp để vay 4,8 tỷ đồng.

Đến nay, Nhung không trả được nợ và bỏ trốn nên ngân hàng đến “xem xét tài sản thế chấp” để phát mãi. Ông Hà có nguy cơ mất trắng tài sản hơn 10 tỷ đồng.

Thuận Hải

———————————–

Thời báo Ngân hàng (Xã hội) 11-9-2015:

http://thoibaonganhang.vn/di-tim-giai-phap-loai-tru-tin-dung-den-39228.html

(71/2.105)

Bài viết 

311. Hãy nhìn từ mục tiêu của việc đánh thuế...

Hãy nhìn từ mục tiêu của việc đánh thuế bất động sản. [caption id="attachment_42152"...

Bình luận 

437. Cải cách thể chế và tôn trọng thị trường...

Chùm 3 bài Việt Nam - Khát vọng hùng cường: Cải cách thể chế và tôn...

Phỏng vấn 

4.427. Gần tết cảnh giác với tội phạm ngân hàng.

Gần tết cảnh giác với tội phạm ngân hàng. (HTV1) - Chương trình có...

Trích dẫn 

3.976. Cảnh giác hiện tượng rao bán bất động...

Cảnh giác hiện tượng rao bán bất động sản kiểu "phông bạt". (DV) -...

Tám luật 

334. ANVI xì luật hay Lạm bàn tám luật.

(ANVI) - “Lạm bàn tám luật” hay còn gọi là “ANVI xì luật”Chuyên...

Số lượt truy cập: 237,468