775. Chuyên gia pháp lý bàn chuyện “giải cứu” người nghèo khỏi bẫy tín dụng đen

(PL&XH) – Người vay tiền do không phải bàn giao nhà, đất, nên khá “vững tin” với thống nhất giữa hai bên là khi nào bên vay trả tiền thì bên cho vay sẽ hủy hợp đồng, việc ký kết hợp đồng chỉ là hình thức. Nhưng trên thực tế, đây thường là cái bẫy, sau khi ký hợp đồng, bên cho vay đã làm thủ tục đăng ký thay đổi người sử dụng đất, sở hữu nhà, rồi bán tiếp cho đối tượng khác, hoặc dùng làm tài sản thế chấp cho ngân hàng để vay vốn.

Vì nhanh, gọn?

Đây là thông tin được các chuyên gia pháp lý đưa ra nhằm cảnh báo cho người vay “tín dụng đen” biết để tránh mất nhà, đất tại hội thảo “Giải cứu người nghèo khỏi bẫy tín dụng đen” do Liên hiệp các Hội Khoa học và Kỹ thuật Việt Nam vừa tổ chức. Trên thực tế, khá nhiều người sau khi vay với lãi suất “cắt cổ” cứ mải lo trả nợ và chỉ đến khi có thông báo của Ngân hàng sẽ phát mại tài sản, hoặc “chủ mới” đến xem, đòi bàn giao nhà đất thì mới hay biết tài sản mình đang quản lý, sử dụng đã thuộc quyền sở hữu của người khác. Cạm bẫy từ vay “tín dụng đen” không còn là chuyện mới, nhưng số nạn nhân cũng không ngừng gia tăng, chủ yếu do thiếu hiểu biết pháp luật, cả tin.

Sức hấp dẫn của “tín dụng đen” có từ nhiều nguyên nhân, nhưng nổi bật là rất nhanh và gọn, thậm chí không cần hợp đồng, chỉ cần ký vào sổ, không cần thế chấp, không phương án sản xuất kinh doanh… cũng vay được tiền ngay. Một số nạn nhân cho hay, để vay được vốn của ngân hàng, theo qui định, phải khá nhiều thủ tục trong đó, với các hộ gia đình, cá nhân thì việc đưa ra được phương án sản xuất kinh doanh hợp lý, khả thi để được ngân hàng chấp thuận giải ngân không hề đơn giản, nên đành chọn con đường vay “tín dụng đen” để có vốn kinh doanh, hoặc tiêu dùng trong những trường hợp cấp thiết.

Người vay không biết rằng, để vay tiền, họ phải ký hợp đồng mua, bán, chuyển nhượng quyền sở hữu nhà ở, quyền sử dụng đất ở cho đối tượng cho vay “tín dụng đen”, với giá chuyển nhượng bằng số tiền vay, thấp hơn rất nhiều so với giá trị thực tế để làm tin, xem như một hình thức thế chấp. Dù thống nhất với nhau việc ký hợp đồng này chỉ để làm tin, bên vay sẽ nhận lại giấy tờ nhà đất khi trả xong số nợ, nhưng khi cầm được giấy tờ này bằng hợp đồng chuyển nhượng có công chứng rất “hợp pháp” trong tay, các chủ nợ đã nhanh chóng đem đi thế chấp nơi khác để vay tiền, hoặc thậm chí bán luôn.

Luật sư Trương Thanh Đức phát biểu tại hội thảo.

Vì khó vay “hợp pháp”?

Từ thực trạng này, các chuyên gia pháp lý đã chỉ ra nhiều lỗ hổng trong việc quản lý hoạt động vay vốn ngân hàng. Vì, để thế chấp tài sản cho ngân hàng, bên thế chấp phải là chủ sở hữu, sử dụng tài sản thế chấp, phải có quyền chiếm hữu, sử dụng, định đoạt tài sản thế chấp. Khi nhận được tài sản thế chấp, theo quy định, phía ngân hàng phải tiến hành xác minh, định giá tài sản, trực tiếp xem xét định giá tài sản nhưng thực tế đã xảy ra tình trạng phía ngân hàng, một số cá nhân thực thi đã không xem xét thực tế ai là người đang chiếm hữu, sử dụng tài sản thế chấp hoặc đã bỏ qua việc xác minh, định giá tài sản nên đã không phát hiện ra người thế chấp không có quyền sử dụng, chiếm giữ tài sản thế chấp mà vẫn giải ngân.

Luật sư Nguyễn Thế Truyền, Công ty Luật Hợp danh Thiên Thanh cho biết, đa phần khách hàng cá nhân liên quan đến “tín dụng đen” đều bắt nguồn sâu xa từ các khoản nợ tín dụng của các doanh nghiệp, do thân quen cho mượn tài sản bảo đảm. “Họ phải chi ra một khoản chi phí rất lớn để các đối tượng trên làm thủ tục vay tiền, đến hạn chưa kịp thanh toán còn phải chi trả khoản phí đáo hạn với lãi xuất cắt cổ, thường là 5000 đồng/1 triệu/ngày có những trường hợp cá biệt còn lên tới 10.000 đồng/1 triệu/ngày. Khi các công ty, cá nhân kinh doanh tín dụng đen không trả được nợ lúc này các Ngân hàng tiến hàng phát mại, khởi kiện để thu hồi tài sản bảo đảm và người dân/chủ nhà lúc đó mới biết khoản nợ của mình ở những con số khá cao, việc không có khả năng thanh toán dẫn đến mất căn nhà duy nhất là hoàn toàn có thể”, LS Truyền cho biết.

Không dễ xử lý “tín dụng đen”!

Đáng quan tâm, Luật sư Trương Thanh Đức, Cty Luật ANVI, Trọng tài viên Trung tâm trọng tài quốc tế VIAC cho hay, ngoài 3 trường hợp bị xử phạt vi phạm hành chính với một số hành vi cho vay của các công ty kinh doanh chứng khoán (theo Nghị định số 108/2013/NĐ-CP), xử phạt với hành vi cho vay tại sòng bạc, nơi đánh bạc (theo Nghị định số 167/2013/NĐ-CP), xử phạt hoạt động cho vay của các tổ chức tín dụng (theo Nghị định số 96/2014/NĐ-CP) thì hoạt động cho vay của pháp nhân và các cá nhân, không phải là hoạt động ngân hàng thì vẫn là hợp pháp mà không cần phải có giấy phép cũng như đăng ký kinh doanh hoạt động vay.

Đồng thời, theo qui định của Điều 476 Bộ luật Dân sự năm 2005 thì lãi suất vay do các bên thoả thuận nhưng không được vượt quá 150% của lãi suất cơ bản do Ngân hàng Nhà nước công bố đối với loại cho vay tương ứng và lãi suất cơ bản áp dụng từ ngày 05-11-2010 đến nay vẫn là 9%/năm. Như vậy, giao dịch cho vay nào vượt mức 13,5%/năm là giao dịch bất hợp pháp về lãi suất, là bắt đầu có dấu hiệu của “tín dụng đen”. “Nhưng trên thực tế thì đại đa số giao dịch cho vay có mức lãi suất cao hơn, bao gồm cả giao dịch cho vay của các ngân hàng và tổ chức tín dụng khác, hiếm có ai lại nghĩ rằng, lãi suất cho vay dân sự hiện nay trên 13,5%/năm là “tín dụng đen”, mặc dù đó là bất hợp pháp”, ông Đức nói.

Bộ luật Dân sự  hiện hành quy định, nếu lãi suất cho vay vượt quá 150% lãi suất cơ bản do Ngân hàng Nhà nước công bố thì gọi là “cho vay nặng lãi”. Trong khi đó, Điều 163 của Bộ luật Hình sự hiện hành lại quy định, hành vi cho vay lãi nặng bị xem là phạm tội khi lãi suất cho vay cao hơn mức lãi suất mà pháp luật quy định từ 10 lần trở lên và “có tính chất chuyên bóc lột”. Như vậy “nếu người nào không thuộc trường hợp cho vay có “tính chất chuyên bóc lột” thì dù có cho vay lãi suất đến vài nghìn phần trăm thì cũng không có tội và cũng không hề bị xử phạt hành chính”, LS Đức cho biết. LS Truyền thì nhìn nhận, việc chứng minh “có tính chất chuyên bóc lột” sẽ là vô cùng khó khăn cho bất kỳ cơ quan tiến hành tố tụng nào vì bản thân, các giao dịch đều được thể hiện dưới dạng thỏa thuận dân sự như ủy quyền, đặt cọc, vay tài sản… chứ không phải bị cưỡng ép.

Vì vậy, để tránh dính vào bẫy “tín dụng đen”, các chuyên gia pháp lý cho rằng, cần hoàn thiện các qui định pháp luật về cho vay, minh bạch các thủ tục để người dân có thể tiếp cận được nguồn vốn từ các tổ chức tín dụng một cách dễ dàng. Đồng thời, người dân cần nâng cao vốn hiểu biết pháp luật, để trước khi đặt bút ký giao giấy tờ chủ quyền nhà đất cho người khác, hiểu rõ được hậu quả pháp lý liên quan.

Theo thống kê của Tổng cục Cảnh sát phòng, chống tội phạm, từ năm 2010 đến tháng 8-2014, cả nước đã có hơn 4.900 vụ việc liên quan đến tội phạm “tín dụng đen”, trong đó, có gần 2.300 vụ liên quan đến lạm dụng tín nhiệm chiếm đoạt tài sản… với số tiền thiệt hại gần 5.500 tỷ đồng. Tội phạm từ “tín dụng đen” có 05 vụ giết người, 31 vụ cướp tài sản, 92 vụ cưỡng đoạt tài sản.

Phương Thảo

————————————

Pháp luật & Xã hội (Xã hội) 12-9-2015:

http://phapluatxahoi.vn/xa-hoi/chuyen-gia-phap-ly-ban-chuyen-giai-cuu-nguoi-ngheo-khoi-bay-tin-dung-den-97960

(487/1.550)

Bài viết 

311. Hãy nhìn từ mục tiêu của việc đánh thuế...

Hãy nhìn từ mục tiêu của việc đánh thuế bất động sản. [caption id="attachment_42152"...

Bình luận 

433. Bình luận về Chủ sở hữu hưởng lợi của...

Bình luận về Chủ sở hữu hưởng lợi của doanh nghiệp Tham luận Hội...

Phỏng vấn 

4.391. Bẫy nạn nhân với 'miếng mồi' lãi suất cao.

Bẫy nạn nhân với 'miếng mồi' lãi suất cao.(TT) - Vụ GFDI ở Đà Nẵng...

Trích dẫn 

3.908. Ngăn chặn những "văn phòng bất động sản...

Ngăn chặn những "văn phòng bất động sản di động" đẩy giá đất. (VTV.vn)...

Tám luật 

334. ANVI xì luật hay Lạm bàn tám luật.

(ANVI) - “Lạm bàn tám luật” hay còn gọi là “ANVI xì luật”Chuyên...

Số lượt truy cập: 231,842