(SGGP) – Theo thống kê chưa đầy đủ của Bộ Công an, từ năm 2010 đến nay trên địa bàn cả nước liên tiếp xảy ra hàng trăm vụ vỡ nợ lớn liên quan đến “tín dụng đen” với thiệt hại lên đến hàng ngàn tỷ đồng, ảnh hưởng đến nhiều cá nhân, gia đình, tổ chức…
Từ “tín dụng đen” đã xảy ra 6.367 vụ việc, gồm giết người, cướp tài sản, cưỡng đoạt tài sản, lừa đảo, chiếm đoạt tài sản. Thiếu tướng Nguyễn Phong Hòa, Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Cảnh sát, cho biết hoạt động “tín dụng đen” hiện nay diễn ra khá phổ biến và ngày càng phức tạp, hậu quả gây ra cho xã hội rất nghiêm trọng. Trong đó, đáng lo ngại nhất là sự an toàn của hệ thống ngân hàng, ảnh hưởng trực tiếp đến an ninh tài chính quốc gia; là nguyên nhân, điều kiện thúc đẩy các loại tội phạm hình sự, ảnh hưởng trực tiếp đến sự phát triển kinh tế – xã hội và việc đảm bảo an ninh, trật tự an toàn xã hội.
Trước tình trạng trên, liên tiếp trong thời gian gần đây Bộ Công an đã phối hợp với ngành ngân hàng tổ chức hai hội thảo liên quan đến vấn đề này để tìm giải pháp ngăn chặn “tín dụng đen”. Thông tin từ các hội thảo này cho thấy các quy định hiện hành vẫn chưa đủ hiệu lực để mang lại hiệu quả cho công tác đấu tranh, ngăn chặn “tín dụng đen”.
Đặc điểm cơ bản của “tín dụng đen” là cho vay với lãi suất rất cao, thông thường cao hơn lãi suất ngân hàng 3 – 9 lần, cá biệt có trường hợp cao gấp 10 – 20 lần. Hụi trong tín dụng đen gồm có hụi ngày, hụi tháng, hụi quý, hụi năm… và được vay dưới các hình thức: vay nóng (trong vòng 3 – 10 ngày) và vay nguội (tính bằng tháng); với mức lãi suất không cố định và bất thành văn, thông thường là vay nguội 5 – 7%/tháng; vay nóng lãi suất dao động 3.000 – 10.000 đồng/1 triệu đồng/ngày. Lãi suất lớn, thu hút đông người tham gia nên hậu quả của “tín dụng đen” rất lớn. Những vụ vỡ nợ đã trực tiếp gây thiệt hại tới những người rơi vào vòng xoáy nợ nần, làm tan nát nhiều gia đình; ảnh hưởng đến quan hệ anh em, họ hàng, làng xóm…
Tại cuộc hội thảo vừa được Hiệp hội Ngân hàng tổ chức ở Hà Nội, Trung tá Lê Khắc Sơn, Phòng Cảnh sát điều tra tội phạm về trật tự xã hội (Công an Hà Nội), chia sẻ: “Nhiều vụ chúng tôi cảm nhận được bản chất vấn đề là cho vay nặng lãi, muốn bênh vực nạn nhân, nhưng căn cứ vào hồ sơ và chứng cứ mà nạn nhân cung cấp thì không đủ điều kiện để đưa ra truy tố theo quy định của Bộ luật Hình sự”. Cùng quan điểm này, luật sư Trương Thanh Đức phân tích: mặc dù biết vụ việc tranh chấp là hoạt động “tín dụng đen” nhưng rất khó để đưa vào truy tố hay đề nghị khởi tố tội phạm trong lĩnh vực này theo Điều 163 Bộ luật Hình sự “Tội cho vay nặng lãi”, bởi theo điều này thì việc có căn cứ chứng minh yếu tố “có tính chất chuyên bóc lột” theo quy định là rất khó khăn. Ngay cả căn cứ vào mức lãi suất “từ 10 lần trở lên so với mức lãi suất cao nhất mà pháp luật quy định” cũng không chứng minh được vì phần lớn trong các thỏa thuận khi cho vay thì chủ nợ luôn thuyết phục được người vay chấp nhận… không ghi vào giấy xác nhận nợ?
Để ngăn chặn “tín dụng đen”, các chuyên gia cho rằng cần sớm có các văn bản pháp luật quy định về xử phạt hành chính trong lĩnh vực này với những chế tài cụ thể, nghiêm minh và rõ ràng hơn. Bên cạnh đó, tăng cường thông tin tuyên truyền về pháp luật và các vụ việc đã và đang xảy ra, để người dân hiểu biết và tự bảo vệ tài sản của mình. Ngành ngân hàng cũng cần đổi mới chính sách cho vay theo hướng thông thoáng về thủ tục, tăng cường tự chủ, tự chịu trách nhiệm của tổ chức tín dụng. Qua đó, tạo điều kiện cho doanh nghiệp, cá nhân tiếp cận được các nguồn vốn vay chính thống, hạn chế tình trạng vay nóng, tín dụng đen.
HÀM YÊN
———————————–
Sài Gòn Giải phóng (Xã hội) 13-9-2015:
http://sggp.org.vn/xahoi/2015/9/395963/
(139/803)