782. Tín dụng đen lộng hành: Cần chế tài đủ sức răn đe

(TH&CL) – Theo thống kê của Tổng cục Cảnh sát phòng, chống tội phạm (Bộ CA), từ năm 2010 đến nay, cả nước đã có hơn 4.900 vụ việc liên quan đến tội phạm tín dụng đen, trong đó gần 2.300 vụ liên quan đến lạm dụng tín nhiệm chiếm đoạt tài sản với số tiền thiệt hại gần 5.500 tỷ đồng…

“Bẫy” tín dụng đen

Nhiều gia đình, cá nhân cần vay vốn để kinh doanh, nhưng vì thiếu hiểu biết về thủ tục vay vốn NH nên họ đã chọn con đường vay tín dụng đen.

Đa số người dân khi được hỏi vì sao lại vay theo cách này, đều có chung câu trả lời là thủ tục hoạt động tín dụng đen đơn giản và thuận tiện. Các giao dịch được hoàn tất có khi chỉ trong vài phút, thế chấp chỉ cần một CMND, thẻ sinh viên, xe máy… Một bản photo không cần công chứng ủy quyền về nhà đất, thậm chí một lời hứa và thỏa thuận miệng và khả năng tín chấp luôn mở rộng cho những khách quen có giao dịch với nhau đủ uy tín từ 2 lần trở lên. Vì khó khăn, nhiều người dân trong khi chưa có sự tìm hiểu kỹ càng đã lao vào, dẫn đến nhiều hậu quả.

Theo quy trình, hai bên thống nhất khi nào bên vay trả tiền vay cho bên tín dụng đen thì sẽ hủy HĐ mua bán, chuyển nhượng quyền sở hữu nhà ở, quyền sở hữu đất ở và HĐ ủy quyền. Việc ký kết HĐ chỉ là hình thức, không có việc giao nhận nhà đất và tiền chuyển nhượng.

Nhưng thực chất các HĐ này được ký nhằm che giấu giao dịch vay vốn giữa hai bên. Sau khi ký HĐ mua bán chuyển nhượng, bên cho vay tín dụng đen đã làm thủ tục đăng ký thay đổi người sử dụng đất, sở hữu nhà rồi bán tiếp cho đối tượng khác hoặc dùng làm tài sản thế chấp cho NH để vay vốn. Trong khi đó, người đi vay tín dụng đen vẫn chiếm hữu, sử dụng nhà đất của mình.

Khi các đối tượng tín dụng đen vay và rút tiền NH để sử dụng vào mục đích riêng với số tiền lên đến nhiều tỷ đồng, không có khả năng thanh toán HĐ tín dụng, NH đã yêu cầu phát mại tài sản bảo lãnh, thế chấp, tòa án triệu tập giải quyết tranh chấp. Lúc này, người có tài sản mới biết là nhà đất của mình đã được sang tên cho người khác hoặc bị thế chấp cho NH. Trước đó, họ chỉ biết ký HĐ theo yêu cầu của bên cho vay tín dụng đen để được vay tiền, thậm chí, nhiều người chỉ hiểu là cho mượn giấy tờ nhà trong một khoảng thời gian ngắn rồi bên mượn trả lại…

Luật còn nhiều kẽ hở

Theo các chuyên gia, pháp luật hiện hành đang có nhiều kẽ hở, từ thủ tục công chứng HĐ, sang tên chuyển nhượng đến các chế tài xử lý vẫn chưa nghiêm cả về hành chính lẫn hình sự, bởi vậy, người cho vay “tín dụng đen” đã lợi dụng để vi phạm mà không bị xử lý.

Đề cập tới vấn đề này, Luật sư Nguyễn Anh Tuấn, Công ty luật TNHH Trường Lộc cho hay: “Trong quá trình nghiên cứu các vụ việc, chúng tôi nhận thấy, những người đi vay thường thiếu kiến thức về pháp luật, họ chỉ biết một nguyên tắc cơ bản là mua bán, chuyển nhượng nhà đất thì phải có việc giao nhà cho người mua, nhận tiền của người mua đúng như quy định của Điều 428 Bộ luật Dân sự: “HĐ mua bán tài sản là sự thỏa thuận giữ các bên, theo đó, bên bán có nghĩa vụ giao tài sản cho bên mua và nhận tiền, còn bên mua có nghĩa vụ nhận tài sản và trả tiền cho bên bán”. Vì thế, những người này đã ký HĐ chuyển nhượng nhà đất mà không lường đến hậu quả xảy ra”.

Bên cạnh đó, Bộ luật Dân sự quy định nếu lãi suất cho vay vượt quá 150% lãi suất cơ bản do NHNN công bố thì gọi là “cho vay nặng lãi”. Trong khi đó, Điều 163 Bộ luật Hình sự quy định, hành vi cho vay lãi nặng bị xem là phạm tội khi: lãi suất cho vay cao hơn mức lãi suất mà pháp luật quy định từ 10 lần trở lên và có tính chất chuyên bóc lột.

Theo Luật sư Trương Thanh Đức, Giám đốc Công ty Luật ANVI thì: Có nhiều nguyên nhân đẩy nhiều người trở thành thủ phạm và nạn nhân của bẫy tín dụng đen, nhưng không thể thiếu nguyên nhân do pháp luật thiếu minh bạch, thiếu hợp lý.

Việc cho vay nặng lãi trên 150% lãi suất cơ bản của NHNN, nhưng vẫn chưa cao quá gấp 10 lần lãi suất mà pháp luật quy định thì hiện nay không có chế tài xử phạt. Thực tế, từ năm 2011 đến nay, nhiều tổ chức tín dụng đang “đứng ngoài” quy định này khi có rất nhiều khoản vay đã vượt mức trần lãi suất, vượt cả ngưỡng được luật cho phép là 13,5% nhưng vẫn không bị xử lý? Do đó, khó có thể xử lý các cá nhân ngoài tổ chức tín dụng cho vay lãi suất cao.

Các nhà làm luật cho rằng tội phạm cho vay nặng lãi gây nguy hiểm không lớn, hình phạt đối với tội phạm này chỉ dừng lại ở mức độ ít nghiêm trọng, có mức hình phạt tối đa là 03 năm tù (Điều 8 Bộ luật Hình sự) là chưa đánh giá đúng tính chất, mức độ nguy hiểm để có biện pháp xử lý thích đáng, bảo đảm tính răn đe, ngăn ngừa tội phạm.

Đoàn Huế

————————————–

Thương hiệu & Công luận (Tài chính – Ngân hàng) 18-9-2015:

http://thuonghieucongluan.com.vn/kinh-te/tai-chinh-ngan-hang/25392-tin-dung-den-long-hanh-can-che-tai-du-suc-ran-de.html

(149/1.033)

Bài viết 

311. Hãy nhìn từ mục tiêu của việc đánh thuế...

Hãy nhìn từ mục tiêu của việc đánh thuế bất động sản. [caption id="attachment_42152"...

Bình luận 

437. Cải cách thể chế và tôn trọng thị trường...

Chùm 3 bài Việt Nam - Khát vọng hùng cường: Cải cách thể chế và tôn...

Phỏng vấn 

4.427. Gần tết cảnh giác với tội phạm ngân hàng.

Gần tết cảnh giác với tội phạm ngân hàng. (HTV1) - Chương trình có...

Trích dẫn 

3.976. Cảnh giác hiện tượng rao bán bất động...

Cảnh giác hiện tượng rao bán bất động sản kiểu "phông bạt". (DV) -...

Tám luật 

334. ANVI xì luật hay Lạm bàn tám luật.

(ANVI) - “Lạm bàn tám luật” hay còn gọi là “ANVI xì luật”Chuyên...

Số lượt truy cập: 237,468