787. Dự thảo Bộ Luật hình sự (sửa đổi): Nguy cơ hình sự hóa quan hệ tín dụng

(TBTC) – Các tội phạm hình sự chưa rành mạch, chưa lượng hóa được các vấn đề vi phạm phải nâng lên mức hình sự, tiềm ẩn nhiều nguy cơ hình sự hóa quan hệ tín dụng…

Đây là một số bất cập tại dự thảo có thể gây khó khăn cho hoạt động ngân hàng, cản trở việc cấp tín dụng cho nền kinh tế”.  Hiệp hội Ngân hàng Việt Nam đã đánh giá như vậy tại hội thảo góp ý cho dự thảo Bộ luật Hình sự (sửa đổi) về những vấn đề liên quan đến lĩnh vực tài chính ngân hàng ngày 29/9/2015.

Làm rõ các đối tượng không được cho vay tín chấp

Một trong những vấn đề được đóng góp ý kiến nhiều nhất tại hội thảo là Điều 210: “Tội vi phạm quy định trong hoạt động  của các tổ chức tín dụng”. Theo dự thảo, các hành vi bị xử lý hình sự trong hoạt động ngân hàng là: Cấp tín dụng cho những trường hợp không được cấp tín dụng trừ trường hợp cấp dưới hình thức phát hành thẻ tín dụng; cấp tín dụng không có bảo đảm hoặc cấp tín dụng với điều kiện ưu đãi cho những đối tượng không được cấp phép tín dụng theo quy định; cấp tín dụng vượt quá giới hạn quy định; vi phạm quy định về góp vốn, giới hạn góp vốn, mua cổ phần; giả mạo chứng từ thanh toán; phá hủy hoặc làm thay đổi trái phép chứng từ thanh toán; mở hoặc sử dụng phương tiện thanh toán không đúng quy định pháp luật; hành vi khác vi phạm quy định của pháp luật trong hoạt động ngân hàng.

Theo đại diện các ngân hàng, việc xử lý hình sự đối với cấp tín dụng không có bảo đảm hoặc cấp tín dụng ưu đãi với các đối tượng không được cấp tín dụng cần được cân nhắc, xem xét cho phù hợp với Luật Các tổ chức tín dụng (TCTD), nhất là khi việc cho vay tín chấp đang được khuyến khích. Hơn nữa, theo đại diện Ngân hàng TMCP Quốc dân, trong các đối tượng hạn chế cấp phép tín dụng theo quy định của Luật TCTD bao gồm các cán bộ thẩm định. Tuy nhiên, hiện nay nhiều ngân hàng có cấp tín dụng ưu đãi, thấu chi với cán bộ của mình, nhằm khuyến khích sự gắn bó với ngân hàng, tăng hiệu quả làm việc. Tuy nhiên, việc làm này rất có thể bị xử lý hình sự nếu áp dụng theo quy định trên.

Chuyên gia pháp chế của nhiều ngân hàng đề nghị, dự thảo nên bổ sung rõ các đối tượng không được cấp tín dụng theo nguyên tắc, cán bộ ngân hàng không được vừa thẩm định vừa được vay chính khoản vay đó. Còn lại nếu không tham gia thẩm định, xét duyệt khoản vay đó thì vẫn được vay.

Vẫn tồn tại những quy định dễ vận dụng tùy tiện

Đồng tình với nhiều nội dung mới sửa đổi của dự thảo, trong đó có việc bỏ tội cố ý làm trái (Điều 165 Bộ luật Hình sự 2009), tuy nhiên Luật sư Trương Thanh Đức, Chủ nhiệm Câu lạc bộ Pháp chế ngân hàng nhấn mạnh: Việc duy trì điều khoản “quét” là “hành vi vi phạm quy định khác trong hoạt động ngân hàng” chính là một hạn chế, một hình thức tồn tại khác của Điều 165. Việc duy trì quy định này làm tăng nguy cơ hình sự hóa các quan hệ tín dụng trong lĩnh vực ngân hàng. Thực tế, nhiều vụ án xử lý hình sự ngân hàng gần đây đều quy về các hành vi vi phạm khác. Tương tự như tội thiếu trách nhiệm gây hậu quả nghiêm trọng, theo luật sư Trương Thanh Đức, đây cũng là một “cái rọ” có thể đưa ra để xử lý một loạt các tội trong hoạt động ngân hàng.

“Ngân hàng là ngành kinh doanh rủi ro, không có ngân hàng nào an toàn 100%. Nếu cứ có mất mát là ngân hàng bị tội thì không hợp lý. Khi cho vay, ngân hàng đã chấp nhận rủi ro, có quỹ dự phòng, do vậy không nên dựa vào đó để hình sự hóa các quan hệ tín dụng”, luật sư Trương Thanh Đức bình luận.

Liên quan đến việc hình sự hóa các quan hệ kinh tế, bà Trần Thị Hồng Hạnh, Tổng thư ký Hiệp hội Ngân hàng Việt Nam cho rằng dự thảo luật chưa xác định rạch ròi thế nào là xử lý hành chính, thế nào là hình sự, do vậy cần bổ sung nguyên tắc xác định tội phạm hình sự.

Tại Điều 210, các khung hình phạt cho vi phạm trong lĩnh vực ngân hàng cũng phân biệt bằng các mức độ gây hậu quả “nghiêm trọng”, “rất nghiêm trọng”, “đặc biệt nghiêm trọng”, đây cũng là vấn đề được cho là chưa rạch ròi, không lượng hóa được, dễ vận dụng tùy tiện. Ông Trần Văn Đạt, Phó Vụ trưởng Vụ Các vấn đề chung về xây dựng pháp luật (Bộ Tư pháp) cho rằng mức quy định hình phạt nên theo mức vi phạm, có thể gấp 2, 3 lần mức độ vi phạm để tăng tính răn đe.

Với rất nhiều nội dung còn nhiều bất cập và có thể ảnh hưởng lớn đến đời sống kinh tế, xã hội, các chuyên gia tại hội thảo cho rằng dự thảo Bộ luật Hình sự cần được xem xét lại nhiều vấn đề lớn, giải quyết thấu đáo các vướng mắc trước khi thông qua.

Hoàng Yến

——————————–

Thời báo Tài chính (Tiền tệ – Bảo hiểm) 29-9-2015:

http://thoibaotaichinhvietnam.vn/pages/tien-te-bao-hiem/2015-09-29/nguy-co-hinh-su-hoa-quan-he-tin-dung-24810.aspx

(232/992)

Bài viết 

311. Hãy nhìn từ mục tiêu của việc đánh thuế...

Hãy nhìn từ mục tiêu của việc đánh thuế bất động sản. [caption id="attachment_42152"...

Bình luận 

433. Bình luận về Chủ sở hữu hưởng lợi của...

Bình luận về Chủ sở hữu hưởng lợi của doanh nghiệp Tham luận Hội...

Phỏng vấn 

4.391. Bẫy nạn nhân với 'miếng mồi' lãi suất cao.

Bẫy nạn nhân với 'miếng mồi' lãi suất cao.(TT) - Vụ GFDI ở Đà Nẵng...

Trích dẫn 

3.908. Ngăn chặn những "văn phòng bất động sản...

Ngăn chặn những "văn phòng bất động sản di động" đẩy giá đất. (VTV.vn)...

Tám luật 

334. ANVI xì luật hay Lạm bàn tám luật.

(ANVI) - “Lạm bàn tám luật” hay còn gọi là “ANVI xì luật”Chuyên...

Số lượt truy cập: 231,846