(ANVI) – Theo đề nghị của Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam, tôi xin tham gia một số ý kiến về Dự thảo Thông tư của Bộ Tài chính Hướng dẫn phát hành trái phiếu doanh nghiệp như sau:
- Về kỳ hạn của trái phiếu chuyển đổi:
- Điểm 1.2, khoản 1 (Trái phiếu chuyển đổi), Mục I, Phần II của Dự thảo quy định “Trái phiếu chuyển đổi có kỳ hạn từ 02 năm trở lên” cần xem xét rút xuống mức tối thiểu là 1 năm để tạo ra khả năng năng lựa chọn tốt hơn cho các doanh nghiệp (đúng ra điều này phải được quy định trong Nghị định).
- Về số tiền đạt cọc để tham gia đầu thầu trái phiếu:
- Điểm 8.3 (Đối tượng tham gia), khoản 8, Mục III, Phần II của Dự thảo quy định “Đối với đấu thầu tại doanh nghiệp và đấu thầu qua tổ chức trung gian tài chính, đối tượng tham gia là các tổ chức, cá nhân Việt Nam; người Việt Nam định cư ở nước ngoài; các tổ chức và cá nhân nước ngoài. Đối tượng tham gia phải nộp tiền đặt cọc bằng 1% giá trị trái phiếu dự kiến mua trước ngày tổ chức đấu thầu ít nhất là 5 ngày làm việc”. Việc ấn định mức 1% là quá thấp, hạn chế ý nghĩa, tác dụng của biện pháp đặt cọc. Do vậy, cần quy định mức 1% nói trên là mức tối thiểu (có thể quy định mức tối đa là 5-10%), để các doanh nghiệp có quyền chủ động quyết định cho phù hợp với yêu cầu và thực tế trong từng trường hợp.
- Đây là số tiền đặt cọc, nên theo quy định tại khoản 2, Điều 358 của Bộ luật Dân sự năm 2005 “nếu bên đặt cọc từ chối việc giao kết, thực hiện hợp đồng dân sự thì tài sản đặt cọc thuộc về bên nhận đặt cọc”. Do vậy, nếu người trúng thầu trái phiếu không mua, thì họ chỉ bị phạt trong phạm vi số tiền đã đặt cọc (mất số tiền đặt cọc), chứ không thể “bị phạt 5% trên số tiền huỷ bỏ” như quy định tại đoạn cuối của tiết b, điểm 8.8 (Thanh toán tiền mua trái phiếu), khoản 8, Mục III, Phần II của Dự thảo Thông tư.
- Về hình thức thông báo đầu thầu trái phiếu:
- Điểm 8.5 (Thông báo đấu thầu), khoản 8, Mục III, Phần II quy định: “Đối với đấu thầu tại doanh nghiệp và đấu thầu qua tổ chức trung gian tài chính, trước ngày tổ chức đấu thầu ít nhất 10 ngày làm việc, tổ chức phát hành phải thông báo tới ít nhất 5 nhà đầu tư (trường hợp đấu thầu hạn chế) hoặc công bố trên các phương tiện thông tin đại chúng (trường hợp đấu thầu rộng rãi) các thông tin liên quan đến phát hành trái phiếu”.
- Đây là một Thông tư, cần phải xác định thật cụ thể “công bố trên các phương tiện thông tin đại chúng” là những phương tiện nào, số lượng, thời lượng tổi thiếu (Ví dụ như điểm 11.1, khoản 11, Mục IV, Phần II đã quy định rõ: “Trước ngày phát hành trái phiếu ít nhất 10 ngày làm việc, tổ chức phát hành thực hiện công bố thông tin về việc phát hành trái phiếu ít nhất trên 3 số báo liên tiếp của 01 tờ báo Trung ương hoặc 01 tờ báo địa phương nơi tổ chức phát hành đặt trụ sở chính”.
- Về thời hạn thanh toán tiền mua trái phiếu:
- Tiết a, điểm 8.8 (Thanh toán tiền mua trái phiếu), khoản 8, Mục III, Phần II quy định: “Ngày phát hành trái phiếu được ấn định vào ngày làm việc thứ 2 kể từ ngày đấu thầu. Trong phạm vi 2 ngày làm việc tiếp theo ngày đấu thầu, các đối tượng trúng thầu phải chuyển toàn bộ tiền mua trái phiếu theo giá bán đã được xác định trong thông báo trúng thầu vào tài khoản của tổ chức phát hành”. Thời hạn 2 ngày ở đây là quá ngắn, gây khó khăn cho các nhà đầu tư thu xếp tài chính mua trái phiếu trúng thầu, do vậy cần kéo dài lên 5 ngày. Trong khi đó, tiết c, điểm 8.8 lại quy định: “Tổ chức đấu giá có trách nhiệm hoàn trả đầy đủ tiền đặt cọc cho các nhà đầu tư tham gia đấu thầu tại doanh nghiệp hoặc tổ chức tài chính trung gian nhưng không mua được trái phiếu trong 5 ngày làm việc, kể từ ngày kết thúc đấu thầu”. Đây là một sự bất bình đẳng lớn, vì người mua phải nộp tiền trong thời hạn 2 ngày, nhưng người bán lại có 5 ngày để trả lại tiền đặt cọc.
- Trong công thức tính số tiền phạt thanh toán chậm tại tiết b, điểm 8.8 nói trên quy định: “k: Hệ số phạt chậm thanh toán (%), do tổ chức phát hành quy định trong phương án phát hành trái phiếu”. Hệ số này cần được giới hạn mức tối thiếu, tối đa tương như như các tỷ lệ khác để bảo đảm một giới hạn hợp lý.
- Về chế độ báo cáo:
- Khoản 12 (Chế độ báo cáo), Mục IV, Phần II quy định tất cả các doanh nghiệp phát hành trái phiếu phải báo cáo Bộ Tài chính 3 lần đối với việc phát hành trái phiếu, gồm: Báo cáo Kế hoạch phát hành trái phiếu, Báo cáo sau khi kết thúc đợt phát hành trái phiếu và Báo cáo định kỳ hàng năm. Như vậy là báo cáo quá nhiều, không cần thiết. Chế độ báo cáo này chỉ nên áp dụng đối với các công ty nhà nước, còn các công ty khác chỉ nên yêu cầu báo cáo 1 lần sau khi phát hành hoặc vào cuối năm.
- Về kỹ thuật soạn thảo và câu chữ:
- Không nên phân chia Thông tư thành 3 phần I, II và III vì như vậy hoàn toàn không có giá trị pháp lý và thực tiễn (thực chất chỉ còn 2 phần chung và phần cụ thể thì không cần phân biệt). Cần chia thành ít nhất là 4 phần, cụ thể đối với Dự thảo Thông tư này nên phân thành phần như sau:
- Phần I: Những quy định chung;
- Phần II: Các loại trái phiếu;
- Phần III: Điều kiện và thẩm quyền quyết định phát hành trái phiếu;
- Phần IV: Phương thức phát hành, chi phí phát hành, thanh toán gốc, lãi trái phiếu;
- Phần V: Công bố thông tin, chế độ báo cáo;
- Phần VI: Tổ chức thực hiện.
- Các Phụ lục số 2 (Quy trình bảo lãnh phát hành trái phiếu) và Phụ lục số 3 (Quy trình đại lý phát hành trái phiếu) cần đưa thành một phần nội dung trong Thông tư.
- Một số từ ngữ cần sử dụng chuẩn xác hơn như:
- Mục 1, Phần I (Quy định chung) của Dự thảo, cần thêm chữ “việc” vào câu: “Thông tư này hướng dẫn việc phát hành trái phiếu riêng lẻ của các loại hình doanh nghiệp…”;
- Các cụm từ “Đại hội cổ đông” (tại điểm 1.5.2, khoản 1, Mục 1, Phần II; điểm 1, Mục 2, Phần II) phải sửa thành “Đại hội đồng cổ đông” thì mới đúng khái niệm và đúng với Luật Doanh nghiệp (đây là sai sót từ Nghị định).
- Một số từ ngữ cần sử dụng thống nhất:
- Điểm 1.4, khoản 1, Mục 1, Phần II của Dự thảo quy định: “Thời hạn chuyển đổi trái phiếu thành cổ phiếu do tổ chức phát hành quyết định nhưng không nhỏ hơn 15 ngày và không lớn hơn 45 ngày”, cần thống nhất sửa thành ngày làm việc cho thống nhất với các khoản mục khác của Dự thảo.
- Một số chỗ nhắc đến cụm từ “Trung tâm giao dịch chứng khoán” (điểm 5.2 và điểm 1.6, khoản 1, Mục 1, phần II; điểm 8.1 và điểm 8.8, khoản 8, Mục 3, phần II) cần thêm đoạn mở ngoặc đơn “Sở giao dịch chứng khoán” cho thống nhất với phần khác của Dự thảo (điểm 8.3 và điểm 8.5, khoản 8, Mục 3, Phần II) và phù hợp với dự kiến nâng cấp Trung tâm Giao dịch Chứng khoán TP HCM thành Sở Giao dịch Chứng khoán trong thời gian tới.
- Cuối dòng của các đoạn sau khi có các từ liệt kê như “bao gồm”, “như sau”, “dưới đây” trong Dự thảo viết dấu phảy hoặc dấu chấm hoặc không có dấu, cần phải được thống nhất viết dấu chấm phẩy (;).
- Cần sửa chữ “điểm 3” thành “khoản 3” trong đoạn “Trước ngày phát hành trái phiếu ít nhất là 5 ngày tổ chức phát hành (không bao gồm các doanh nghiệp quy định tại điểm 3, Điều 19, Nghị định 52)” tại điểm 12.1, khoản 12 (Chế độ báo cáo), Mục IV, Phần II cho đúng với thuật ngữ pháp lý đã được sử dụng trong Nghị định số 52.
Trân trọng tham gia !
—————————–
Bài được lưu ở đây:
ĐC: Công ty Luật ANVI, tầng 2, Tòa nhà Savina, số 1 Đinh Lễ, phố Tràng Tiền, quận Hoàn Kiếm, HN
FB: Trương Thanh Đức (www.facebook.com/LSTruongThanhDuc)
E-mail: duc.tt @anvilaw.com
Web: www.anvilaw.com
ĐT: 090.345.9070