Tại sao cần “tiếp máu” cho thị trường chứng khoán?
Thị trường chứng khoán – có phải là một mình một chợ?
Có thể ví, thị trường chứng khoán là một sân khấu biểu diễn kết quả tổng hợp của các hoạt động kinh tế, chính trị và tâm lý. Ngoài ba yếu tố chủ yếu này, thì còn có thể kể đến pháp luật, báo chí, môi trường và nhiều thứ khác nữa. Vì vậy, quá khó để có thể dự đoán đúng được thị trường chứng khoán. Nếu nhiều người dự đoán đúng, thì sẽ không còn ý nghĩa và sự hấp dẫn của thị trường chứng khoán. Trong vòng hơn một năm nay, khi thị trường lên, cũng ngoài sự phỏng đoán, khi thị trường xuống, cũng nằm ngoài mọi sự tưởng tượng của hầu hết mọi người, kể cả các chuyên gia giàu kinh nghiệm.
Thị trường bình thường luôn có xu hướng cân bằng nhịp nhàng giữa hai bên mua và bán. Trong thời kỳ thị trường chứng khoán đang suy giảm đến mức thê thảm như hiện nay, sự cân bằng bị loạn nhịp, tai hoạ cho người bán, nhưng lại là cơ hội lớn cho người mua. Thị trường là của chung, mà lại chỉ thoả mãn cho một số rất ít người, thì là thị một thị trường lệch lạc, méo mó.
Thị trường chứng khoán có tính liên thông, tác động qua lại nhanh nhạy với các thị trường khác, mà đặc biệt là thị trường tiền tệ. Nếu để xảy ra tình trạng nghiêm trọng, thì không phải chỉ là bi đát với thị trường chứng khoán, mà sẽ rất gần gần với khả năng khủng hoảng thị trường tài chính – tiền tệ. Do vậy giữ ổn định và phát triển thị trường chứng khoán là việc làm tất yếu, khách quan trong nền kinh tế thị trường.
“Tiếp máu” cho thị trường chứng khoán là cứu nhà đầu tư?
Cứu chứng khoán là cứu thị trường tài chính – tiền tệ, cứu nền kinh tế, cứu xã hội, cứu mọi người, chứ không cứu riêng ai cả. Nếu cứu được thị trường chứng khoán, thì nhiều người sẽ được hưởng lợi, cả trực tiếp và gián tiếp, trong đó các nhà đầu tư chứng khoán và các đại gia đương nhiên trở thành “ngư ông đắc lợi”. Không thể nói rằng, thị trường chứng khoán sống chết chỉ là câu chuyện của vài trăm ngàn nhà đầu tư có tài khoản trên sàn. Điều này chỉ đúng với những khu vực tương đối độc lập và đơn giản, như kiểu hội chơi chim cảnh sụp đổ thì chỉ ảnh hưởng đến hội viên và một số ít người tham gia cung cấp dịch vụ nuôi chim. Hay ngành trồng tiêu suy sụp, thì chủ yếu chỉ ảnh hưởng trực tiếp đến người trồng trọt, kinh doanh mặt hàng này. Còn sàn chứng khoán thì lại là sự phản chiếu (tuy mới chỉ là một phần nào tại Việt Nam) tình hình cổ phần của các công ty. Mà hoạt động của các công ty thì lại là rường cột của toàn bộ nền kinh tế, xã hội, của mọi ngành nghề, mọi doanh nghiệp, mọi gia đình.
Như vậy, mặc dù thị trường chứng khoán của chúng ta vẫn rất nhỏ bé, nhưng cũng đã trở thành một đại biểu bắt buộc của thị trường, một phần không thể thiếu của nền kinh tế và một phần tất yếu của đời sống kinh doanh.
Muốn duy trì cái “chợ”chứng khoán (chỉ số của nền kinh tế), thì phải bảo đảm được lợi ích của hai bên mua và bán, mà gọi chung là nhà đầu tư. Phải duy trì được sự cân bằng tương đối về lợi ích chung. Một trong những việc quan tâm hàng đầu là phải phòng tránh, kiểm soát được tình trạng bán tháo chứng khoán (phá giá hàng hoá). Vậy, ai là người bán tháo và tại sao lại phải bán tháo chứng khoán?
Thị trường chứng khoán đi lên, thì nhiều người mua vào, thị trường đi xuống thì đua nhau bán ra. Đó là quy luật chung, là dòng chảy kinh tế và tâm lý tất yếu của mọi thị trường. Khó có thể lý giải được rằng, thị trường xuống dốc, dẫn đến nhà đầu tư bán ra mạnh, hay là do chính nhà đầu tư bán ra nhiều đã dẫn đến thị trường lao dốc. Không cần phải soi xét tận cùng, vì dường như cũng không khác gì bài toán con gà – quả trứng. Chỉ biết rằng, nhiều nhà đầu tư chịu thiệt (thậm chí thiệt hại nặng nề) khi rút chạy khỏi thị trường, thì ắt là phải có lý do hợp lý. Đừng trách nhà đầu tư rời bỏ thị trường, bán tháo chứng khoán khi chính họ đang rơi vào hoàn cảnh bắt buộc, trước nguy cơ tiền mất, tật mang, ngân hàng thúc nợ. Vì vậy, để ổn định và phát triển thị trường, thì trước mắt cũng như lâu dài phải giữ chân các nhà đầu tư, tránh tình trạng tháo chạy.
Nhà đầu tư mua chứng khoán bằng vốn tự có, thì thường sẵn sàng chấp nhận rủi ro về chính đồng tiền của mình. Đáng ngại là tâm lý và hậu quả từ hành động của các nhà đầu tư vay vốn, trong đó có một phần rất lớn là vốn vay ngân hàng. Không những người vay vốn phải bán tháo cổ phiếu, mà chính Ngân hàng (người cho vay cầm cố chứng khoán lớn nhất) cũng bán tháo để thu hồi nợ. Như vậy, ngân hàng là một trong những “thủ phạm” quan trọng dẫn đến tình trạng bán tháo chứng khoán. Tuy nhiên, hành động của các ngân hàng có thể khác với các nhà đầu tư. Vào thời kỳ chứng khoán xuống giá ít, thì đúng là các ngân hàng sẽ bán chứng khoán cầm cố để thu hồi nợ. Nhưng khi giá chứng khoán đã xuống tới mức giá trị thấp hơn số tiền cho vay, thì vấn đề này lại trở lên khó tiên đoán. Vì nếu bán chứng khoán để thu hồi vốn, thì sẽ phải đối mặt với nguy cơ thiếu hụt trầm trọng số tiền gốc và lãi. Vì sợ trách nhiệm, vì hy vọng vào một tương lai đổi khác (hoàn toàn có cơ sở), rất có thể nhiều ngân hàng sẽ tìm cách trì hoãn việc xiết nợ.
Dùng ngân hàng để cứu thị trường chứng khoán?
Điều lo ngại là ở chỗ, các ngân hàng nếu không bán tháo chứng khoán, thì cũng buộc phải ráo riết thúc ép đòi nợ nhà đầu tư, bắt họ phải bán tháo chứng khoán cầm cố và chứng khoán được mua từ vốn vay của ngân hàng. Nếu đi sâu vào thực tế, sẽ thấy số tiền vay ngân hàng để đầu tư cho chứng khoán chắc chắn lớn hơn rất nhiều con số đã được công bố chính thức. Tiền từ ngân hàng là “nguồn máu” quan trọng nuôi dưỡng thị trường, nếu ngân hàng rút tiền về một cách từ từ, thì thị trường sẽ dần dần “thay máu” và thích ứng, nhưng nếu ngân hàng rút gấp gáp, thì thị trường sẽ bị “sốc phản vệ”, nhanh chóng “cạn máu và tê liệt”.
Lo ngại thứ hai là các ngân hàng chặn đứng dòng vốn cho vay cầm cố chứng khoán. Không phải do vượt quá giới hạn cho vay chứng khoán, mà còn lài xu thế hạn chế cấp tín dụng với mọi lĩnh vực sản xuất, kinh doanh, tiêu dùng nói chung, do nguồn vốn khó khăn cũng như chính sách hạn chế tăng tưởng tín dụng của Nhà nước. Thị trường đang thời phập phồng, chồi sụt (thậm chí là “thập tử nhất sinh”), mà lại thấy chắc là không còn được “tiếp máu”, thì “bệnh trọng” sẽ càng thêm “nan y’. Tất nhiên, vẫn còn nhiều “nguồn máu” khác, trong đó có các giải pháp cứu thị trường của Nhà nước, nhưng lại không đủ liều hoặc thậm chí có “máu” nhưng lại là “máu khác nhóm”, “máu chữa bệnh” này nhưng lại mang “mầm bệnh” khác, thì có khi lại là hoạ vô đơn chí.
Để cứu thị trường tiền tệ, đôi khi khó tránh khỏi tình trạng phạm luật. Ví dụ, việc Ngân hàng Nhà nước cho ngân hàng thương mại vay vốn với lãi suất vượt quá giới hạn 150% lãi suất cơ bản là đã vi phạm quy định trong Bộ luật Dân sự. Việc Ngân hàng Nhà nước ra công điện chỉ đạo các ngân hàng thương mại huy động với lãi suất không được vượt quá 12%/năm cũng không có cơ sở pháp lý. Việc Hiệp hội Ngân hàng dàn xếp để các ngân hàng thống nhất giảm lãi suất huy động xuống không quá 11%/năm cũng là vi phạm nghiêm trọng Luật Cạnh tranh,…
Trong bối cảnh hiện nay, chứng khoán đang tác động lớn đến thị trường tài chính – tiền tệ – ngân hàng. Ngược lại, ngân hàng cũng đang ảnh hưởng rất lớn đến thị trường chứng khoán và giá cả. Do đó, mỗi đợt “tiếp máu”cho thị trường chứng khoán và cứu lạm phát vừa qua, dù vô tình hay hữu ý, đã “rút máu” của thị trường tiền tệ. Và phản ứng ngược lập tức xuất hiện.
Để cứu giá (lạm phát), các ngân hàng thương mại phải hy sinh bằng việc giảm dư nợ cho vay, tăng dự trữ bắt buộc, mua trái phiếu bắt buộc,… Tức là ngân hàng chịu thua thiệt lớn khi đi vay dân chúng với lãi suất cao để phải gửi lại Nhà nước với lãi suất thấp. Gây “tổn thương” cho ngân hàng, nền kinh tế lập tức chịu “đau”. Trong trường hợp nay, vẫn có thể tìm ra một giải pháp cân đối lợi ích chung. Đó là hút bớt tiền trong lưu thông nhưng trả lãi suất cho các ngân hàng hoà vốn (bằng lãi suất huy động bình quân của các ngân hàng), thậm chí có thể cao hơn một chút. Như vậy, một mũi tên trúng sẽ trúng hai đích.
Để cứu chứng khoán, Nhà nước yêu cầu các ngân hàng không bán tháo chứng khoán cho vay cầm cố. Nếu thế thì ai chịu trách nhiệm về nợ xấu của các ngân hàng, ai chịu trách nhiệm về việc thua lỗ khi chứng khoán xuống nữa, ai chịu trách nhiệm về việc mất khả năng thanh toán của các ngân hàng khi không thu được nợ đến hạn để trả tiền cho người gửi? Và nếu các ngân hàng cứ làm ngược lại yêu cầu kia thì sao? Liệu có làm mất niềm tin của công chúng vào cả Chính phủ và ngân hàng? Nếu cần thiết phải ngăn chặn sức ép bán tháo chứng khoán của các ngân hàng, thì tại sao lại không mạnh dạn cho phép khoanh nợ đối với các khoản cho vay đầu tư kinh doanh chứng khoán, tạm thời không tính vào nợ xấu, như đã từng áp dụng đối với Ngân hàng thương mại Nhà nước?
Đó chỉ là hai vấn đề đi xa hơn hai giải pháp đáp đang được Nhà nước áp dụng để cứu thị trường chứng khoán. Làm như vậy, vừa cứu thị trường chứng khoán, đồng thời cũng cứu cả ngân hàng, tránh dẫn đến vòng lặp luẩn quẩn giáng vào nền kinh tế.
Tóm lại, cần phải dùng ngân hàng để cứu thị trường chứng khoán, nhưng vẫn có thể đạt tới một tổng thể hợp lý, minh bạch, khả thi hơn, mà không cần phải “hy sinh” một trong hai lợi ích.
Luật sư Trương Thanh Đức, Giám đốc Công ty Luật ANVI, Trọng tài viên VIAC.
——
Bài viết đăng trên Tạp chí Nhà Quản lý số 58 tháng 4-2008