790. “Pháp luật hiện hành chưa bảo vệ những người làm tín dụng”!

(TC+) – Đây là chia sẻ của Tổng thư ký Hiệp hội Ngân hàng Việt Nam, bà Trần Thị Hồng Hạnh khi bà góp ý về dự thảo Bộ luật Hình sự đang được đưa ra lấy ý kiến đóng góp, sửa đổi.

Nhiều ý kiến cho rằng nên bỏ hình sự hóa đối với lĩnh vực ngân hàng.

Tại Hội thảo lấy ý kiến góp ý dự thảo Bộ luật Hình sự (BLHS) sửa đổi do Hiệp hội Ngân hàng và CLB Pháp chế ngân hàng tổ chức ngày 29/09/2015, bà Trần Thị Hồng Hạnh, Tổng thư ký Hiệp hội Ngân hàng đã thúc giục các thành viên của Hiệp hội tích cực đóng góp ý kiến cho dự thảo.

Bà Trần Thị Hồng Hạnh cho rằng nếu không xây dựng bộ khung ngay từ đầu sẽ rất khó có thể thay đổi sau này khi Luật đã được thông qua. Phải xây dựng luật ngay từ đầu để không bị vướng sau này, việc các ngân hàng gặp khó khăn hay thuận lợi sau này phụ thuộc vào việc xây dựng Luật ngay từ bây giờ.

Ngân hàng vốn được xem là lĩnh vực nhạy cảm, liên quan đến mọi lĩnh vực trong đời sống xã hội. Nếu nguồn vốn ngân hàng không khơi thông, các hoạt động kinh tế sẽ đình trệ. Tiền phục vụ cho luân chuyển hàng hóa nếu cứ ứ đọng sẽ khiến sản xuất bị đình đốn, liên quan đến cả hệ thống kinh tế và uy tín quốc gia.

Theo bà Trần Thị Hồng Hạnh, với việc hình sự hóa các hoạt động ngân hàng như hiện nay, cán bộ ngân hàng luôn sống trong sợ hãi bởi chỉ cần “linh hoạt” với khách hàng thôi đã có thể vi phạm quy định về cho vay. Do vậy, pháp luật hiện hành chưa bảo vệ những người làm tín dụng.

Pháp luật hình sự hóa các hoạt động kinh tế nên không ai muốn làm cán bộ tín dụng. Pháp luật chưa bảo vệ người làm tín dụng như chúng ta. Vậy làm thế nào để bảo vệ chúng ta? Phải góp ý cho dự thảo luật để tạo khung khổ pháp lý, môi trường kinh doanh thuận lợi, để để luật tuân theo cơ chế thị trường,” bà Trần Thị Hồng Hạnh nói với các thành viên của Hiệp hội.

Đồng tình với bà Hạnh, Luật sư Trương Thanh Đức, Giám đốc Công ty Luật ANVI, Chủ nhiệm CLB Pháp chế Ngân hàng, cho rằng, việc hình sự hóa các hoạt động tín dụng là một trong những vấn đề nhức nhối nhất của ngành ngân hàng, nó đe dọa nguy cơ cán bộ ngân hàng chạy ra khỏi ngành hết vì sợ trách nhiệm.

“Ngân hàng cũng là doanh nghiệp, về nguyên lý đầu tiên là doanh nghiệp được tự do làm những gì pháp luật không cấm, được tự do quyết định về thị trường và khách hàng về cho vay, đầu tư… Tất cả những gì cấm, những gì không được làm mà cố tình vi phạm có nghĩa là phạm tội. Vi phạm quy đinh về giới hạn nhưng không làm thất thoát thì có thể chỉ phạt hành chính chứ không thể xử lý hình sự được,” Luật sư Trương Thanh Đức nói.

Đối với các ngân hàng, nhiều người bị khởi tố, bị truy tố về tội cố ý làm trái, tội vi phạm quy định về cho vay. Đến ngày khởi tố, tất nhiên chưa thu hồi được nợ, nhưng đến khi ra tòa, tài sản đã phát mại, ngân hàng đã lấy lại được tài sản, hoàn cả gốc và lãi rồi nhưng vẫn bị kết tội cố ý làm trái hoặc vi phạm quy định về cho vay. Theo Luật sư Trương Thanh Đức, đó là quy định “cực kỳ bất công, cực kỳ vô lý và cũng cực kỳ nguy hiểm cho cán bộ tín dụng”.

“Có đến 90% số người bị kết tội oan về quy định này. Không phải cố tình, không phải vi phạm, không phải tham nhũng nhưng thời thế, sức ép công việc buộc họ phải làm vậy”, Luật sư Trương Thanh Đức nói.

Tại kỳ họp vào tháng 10 này, Quốc hội dự kiến sẽ bấm nút thông qua 4 bộ luật quan trọng gồm: Bộ luật Dân sự, Bộ luật Tố tụng dân sự, Bộ luật Hình sự, Bộ luật Tố tụng hình sự. Do vậy, luật sư Trương Thanh Đức đề xuất hoãn ban hành BLHS vì còn quá nhiều vấn đề chưa rõ ràng.

Còn bà Trần Thị Hồng Hạnh cho rằng, nếu trong trường hợp thuận lợi, không rủi ro chính sách, ngân hàng vẫn kinh doanh bình thường. Ngược lại, có những quy trình một số tổ chức tín dụng không thực hiện chặt chẽ vì “phải” linh hoạt với khách hàng.

Quy định pháp luật còn mập mờ sẽ ảnh hưởng đến hoạt động của cán bộ tín dụng. Bởi có người vì tạo điều kiện cho khách hàng vay vốn nên thực hiện thủ tục nhanh gọn, nhưng khi vấn đề xảy ra lại phải vào tù vì tội làm tắt,” bà Trần Thị Hồng Hạnh e ngại nói.

Tại Hội thảo, ông Trần Văn Đạt, Phó Vụ trưởng Vụ Pháp luật chung (Bộ Tư pháp) cho rằng, bất kỳ quốc gia nào cũng cần phải có BLHS để bảo vệ chế độ, phục vụ mọi mặt trong đời sống xã hội.

Ở Việt Nam, BLHS lần đầu tiên được xây dựng từ năm 1975 và lần đầu tiên được Quốc hội thông qua vào năm 1985. Qua nhiều lần bổ sung, sửa đổi, BLHS năm 1999 gần như thay thế toàn bộ cho BLHS năm 1985. Trong lần sửa đổi lần này, BLHS năm 2015 dự kiến cũng sẽ thay thế hoàn toàn BLHS năm 1999.

 

Ngân Giang

————————————-

Tài chính Plus (Ngân hàng) 01-10-2015

http://taichinhplus.vn/TIEN-TE/Ngan-hang/Phap-luat-hien-hanh-chua-bao-ve-nhung-nguoi-lam-tin-dung-post155624.html

(373/1.009)

Bài viết 

311. Hãy nhìn từ mục tiêu của việc đánh thuế...

Hãy nhìn từ mục tiêu của việc đánh thuế bất động sản. [caption id="attachment_42152"...

Bình luận 

437. Cải cách thể chế và tôn trọng thị trường...

Chùm 3 bài Việt Nam - Khát vọng hùng cường: Cải cách thể chế và tôn...

Phỏng vấn 

4.430. Giá nhà đất "trên trời", ngoại thành Hà...

Giá nhà đất "trên trời", ngoại thành Hà Nội có nơi hơn 600 triệu đồng/m2. (VTV)...

Trích dẫn 

3.980. Hoàn thiện khung pháp lý, thị trường bất...

Hoàn thiện khung pháp lý, thị trường bất động sản sẽ có cuộc...

Tám luật 

334. ANVI xì luật hay Lạm bàn tám luật.

(ANVI) - “Lạm bàn tám luật” hay còn gọi là “ANVI xì luật”Chuyên...

Số lượt truy cập: 238,055