(TBNH) – Đối với vấn đề mua NH với giá 0 đồng, TS. Lê Xuân Nghĩa đánh giá đây là cách làm nhanh và thông minh của NHNN trong việc tái cấu trúc những NH có nguy cơ đổ vỡ.
Đề án “Cơ cấu lại hệ thống các TCTD giai đoạn 2011 – 2015” đang dần “cán đích” theo đúng lộ trình. Theo nhận định của phần đông các nhà hoạch định chính sách, cơ quan quản lý, các chuyên gia kinh tế, về cơ bản NHNN đã kiểm soát và từng bước xử lý được các TCTD yếu kém, lành mạnh hóa môi trường kinh doanh NH.
Thời báo Ngân hàng trân trọng gửi tới bạn đọc những ý kiến xung quanh vấn đề này.
PGS-TS. Nguyễn Kim Anh |
PGS-TS. Nguyễn Kim Anh, Phó Thống đốc NHNN:
Giữ vững ổn định hệ thống NH
Sau hơn 3 năm triển khai thực hiện Đề án cơ cấu lại hệ thống các TCTD, có thể nói, các TCTD đã tập trung củng cố, phát triển hoạt động kinh doanh chính, đổi mới quản trị NH phù hợp hơn các thông lệ, chuẩn mực quốc tế.
Những vấn đề nổi cộm như: sở hữu chéo, đầu tư chéo đã được xử lý một bước quan trọng. Vấn đề sáp nhập, hợp nhất, mua lại các TCTD cũng diễn ra mạnh mẽ vừa nhằm xử lý những TCTD yếu kém, vừa tăng quy mô, năng lực cạnh tranh. Trong giai đoạn từ năm 2011 đến nay, số lượng TCTD, chi nhánh NH nước ngoài đã giảm 17 tổ chức thông qua sáp nhập, hợp nhất, giải thể, rút giấy phép.
Triển khai Đề án 254, NHNN đã xây dựng Đề án “Xử lý nợ xấu của hệ thống các TCTD” và Đề án “Thành lập Công ty Quản lý tài sản của các TCTD Việt Nam (VAMC)”. Với tất cả nỗ lực và giải pháp của ngành NH và sự hỗ trợ của các bộ, ngành, địa phương, một khối lượng lớn nợ xấu của các TCTD đã được xử lý và chất lượng tín dụng được cải thiện.
Từ năm 2012 đến hết tháng 8/2015, hệ thống các TCTD đã xử lý được 424,14 nghìn tỷ đồng nợ xấu (tương đương 91,2% tổng số nợ xấu ước tính tại thời điểm tháng 9/2012), trong đó xử lý nợ xấu qua VAMC chiếm 41,3%, còn lại do các TCTD tự xử lý bằng nhiều biện pháp khác nhau như đôn đốc khách hàng trả nợ, sử dụng dự phòng rủi ro, phát mại tài sản đảm bảo, chuyển nợ thành vốn góp; đưa tỷ lệ nợ xấu từ mức rất cao ở những năm trước đây về mức 3,21% vào 31/8/2015, đến 30/9/2015 tỷ lệ nợ xấu đã chạm mức 3% và đến cuối năm NHNN sẽ hoàn thành mục tiêu đề ra về nợ xấu.
Về mặt lý thuyết cũng như thực tiễn đã chỉ rõ: Nợ xấu là người đồng hành bất đắc dĩ của mọi TCTD. Và chúng ta cũng biết rằng, nợ xấu do nhiều nguyên nhân gây nên, trong đó có những nguyên nhân như thiên tai, môi trường kinh doanh biến động xấu, thị trường hàng hóa suy giảm, thị trường bất động sản đóng băng, năng lực quản trị của DN yếu…
Do đó, để giải quyết tốt số nợ xấu tích tụ trong hệ thống NH thì với nỗ lực riêng của hệ thống NH là chưa đủ, mà cần có sự tham gia hỗ trợ tích cực hơn nữa của các bộ, ngành, địa phương và DN, đồng thời cần phải có cơ chế chính sách phù hợp để hỗ trợ xử lý nhanh, dứt điểm nợ xấu của hệ thống các TCTD.
LS. Trương Thanh Đức |
LS. Trương Thanh Đức, Giám đốc Công ty Luật ANVI:
Trước hết phải quy trách nhiệm xử lý nợ xấu cho DN
Để thực hiện nhiệm vụ cấp bách giải quyết nợ xấu, tôi có mấy kiến nghị.
Trước hết phải quy trách nhiệm xử lý nợ xấu cho DN nợ. DN phải chịu trách nhiệm chính về việc không trả được nợ vay, tức về tình trạng nợ xấu của NH. Vì xã hội và các cơ quan chức năng cứ nghiêng nhầm theo hướng rằng, nợ xấu là của NH, nên đẩy hết cho NH phải tự chịu, tự lo và tự “xử”, vì vậy dẫn đến việc xử lý nợ xấu thực chất bị rơi vào tình trạng rất khó, rất chậm và rất xấu.
Xử lý nợ xấu không chỉ là việc giúp cho hệ thống NH, mà là cứu giúp cả nền kinh tế, vì thực chất của việc xử lý nợ xấu, là “cấp cứu, điều trị và dưỡng bệnh” cho DN, cũng như cho cả nền kinh tế.
Tiếp đó là bảo vệ quyền của chủ nợ. Mặc dù, cả hai bên trong quan hệ tín dụng là NH và khách hàng vay, đều cần được pháp luật bảo vệ. Tuy nhiên, quyền sở hữu tài sản là tiền cho vay cần phải được bảo vệ hơn quyền sở hữu là tài sản bảo đảm tiền vay. Không phải vô cớ mà Bộ luật Tố tụng dân sự năm 2004 (được sửa đổi, bổ sung năm 2011), đã quy định: Thời hiệu để khởi kiện đòi tiền bồi thường trong các vụ việc tranh chấp hợp đồng chỉ có 2 năm, nhưng thời hiệu khởi kiện để chủ nợ đòi lại tiền cho vay được kéo dài vĩnh viễn.
Theo đuổi nền kinh tế thị trường, bên cạnh “cuộc chiến” chống “giặc tín dụng đen” bất hợp pháp bóc lột người đi vay, việc căn bản hơn là phải bảo vệ được quyền sở hữu tiền bạc của người cho vay hợp pháp. Khi khoản vay còn là nợ tốt thì khách hàng là “Thượng đế”, nhưng khi đã biến thành nợ xấu thì “Thượng đế” đã trở thành “tội đồ”, vì không còn mang lại lợi nhuận, lợi ích mà mang lại rủi ro, nguy hiểm cho NH cũng như cho nền kinh tế. Khi đó, con nợ không thể cùng vị thế với chủ nợ.
Tuy nhiên, pháp luật hiện hành không những chưa khẳng định rõ vị thế của chủ nợ, không ưu tiên bảo vệ quyền của chủ nợ, bảo vệ quyền sở hữu hợp pháp bị xâm phạm, mà lại coi chủ nợ cũng như con nợ, thậm chí còn nghiêng về phía bảo vệ con nợ.
Điều này được thể hiện ngay từ cách gọi người có quyền đòi nợ là chủ nợ, nhưng lại không gọi người có nghĩa vụ trả nợ là con nợ, mà chỉ gọi là người nợ, người mắc nợ và thậm chí “tôn” lên thành “khách nợ”, tức vẫn giữ ngôi “Thượng đế” (có 14 Nghị định và khoảng trên 50 thông tư, quyết định sử dụng từ “khách nợ”).
TS. Lê Xuân Nghĩa |
TS. Lê Xuân Nghĩa, thành viên Hội đồng tư vấn tài chính tiền tệ quốc gia:
Thanh khoản của toàn hệ thống NH đã được củng cố
Sau 3 năm thực hiện tái cơ cấu hệ thống các TCTD, chúng ta đã củng cố được thanh khoản của toàn hệ thống NH. Ngoài ra, NHNN cũng thực hiện biện pháp mạnh tay như mua lại 0 đồng các NHTM yếu kém. Đồng thời, NHNN tiến hành chương trình lớn là lành mạnh hóa hệ thống tài chính, trong đó đặc biệt quan tâm xử lý nợ xấu.
Trong bối cảnh kinh tế còn nhiều khó khăn, vấn đề xử lý nợ xấu còn thiếu sự đồng thuận trong cách xử lý, nhìn nhận, không được sử dụng ngân sách, không được thay đổi về một số luật liên quan đến trách nhiệm chủ nợ, quyền của chủ nợ, tố tụng, thi hành án… mà vẫn đưa được tỷ lệ nợ xấu từ hơn 17% vào tháng 9/2012 xuống 3% đến cuối tháng 9 vừa rồi, có thể xem là sự nỗ lực lớn của ngành NH.
Đối với vấn đề mua NH với giá 0 đồng, tôi đánh giá đây là cách làm nhanh và thông minh của NHNN trong việc tái cấu trúc những NH có nguy cơ đổ vỡ. Sở dĩ NHNN mua NH với giá 0 đồng vì những NH yếu kém này có nợ bị mất vốn vượt quá vốn tự có của họ, về nguyên tắc phải tuyên bố phá sản. NHTW có nhất thiết phải làm như vậy không?
Thực tiễn, nếu để một NH quốc doanh thôn tính thì rất mất thời gian, niềm tin người gửi tiền bị ảnh hưởng… Chưa kể, những NH bị sáp nhập mua lại đó cũng không dễ dàng bán lại với giá thấp. Như vậy, cách nhanh nhất mà NHTW bất đắc dĩ phải làm là mua lại 0 đồng với những NH yếu kém như vậy. Sau đó kiểm tra lại tài chính, tổ chức, tài sản thế chấp…
Trên cơ sở đó có thông tin, đánh giá thì những NH quan tâm có thể mua lại. Hoặc NHTW giao lại cho NH quốc doanh tham gia tái cấu trúc NH yếu kém đó, nhờ đó có thể nhận ra thực chất của vấn đề.
Ông Nguyễn Hữu Nghĩa |
Ông Nguyễn Hữu Nghĩa, Chánh Thanh tra Cơ quan Thanh tra, giám sát NH:
Đủ cơ sở để mua NH giá 0 đồng
Cơ sở pháp lý để NHNN mua NH trong diện kiểm soát đặc biệt với giá 0 đồng là: Điều 149 Luật Các TCTD nêu rõ, NHNN có quyền trực tiếp mua hoặc chỉ định TCTD khác mua lại NH yếu kém, những NH thuộc diện kiểm soát đặc biệt, nếu NH đó không thực thiện được việc tăng vốn, không thực hiện phương án tăng vốn theo quy định của NHNN.
Trên cơ sở đó năm 2013, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Quyết định số 48, hướng dẫn cụ thể về trình tự thủ tục, các hình thức, biện pháp mua lại các NH trong diện kiểm soát đặc biệt bao gồm định giá cổ phiếu, quyền các bên liên quan.
Việc thực hiện mua NH với giá 0 đồng còn được dựa trên cơ sở Quyết định 254 của Thủ tướng Chính phủ về Cơ cấu lại hệ thống các TCTD giai đoạn 2011-2015, qua đó nêu rõ quyền của NHNN sử dụng các biện pháp theo quy định của pháp luật, trong đó có việc buộc các TCTD yếu kém hợp nhất, sáp nhập, mua lại.
Ngoài ra, Quyết định số 255 của Thủ tướng Chính phủ quy định một số biện pháp bổ sung về tái cơ cấu giai đoạn 2011-2015, trong đó có nêu rõ chưa áp dụng các biện pháp phá sản theo quy định Luật Phá sản để giữ vững thị trường, đảm bảo ổn định kinh tế vĩ mô, ổn định chính trị.
Vấn đề nữa là đã mua lại NH, thì phải có mức giá cụ thể? Trong Quyết định 48 có nêu rõ phải thực hiện thuê các tổ chức tư vấn có chức năng định giá độc lập để xác định giá trị DN của NH, trên cơ sở đó xác định giá trị cổ phiếu của các NH một cách độc lập, khách quan.
Dựa trên giá trị thực về vốn điều lệ của quỹ dự trữ còn lại của các NH trong diện kiểm soát đặc biệt thì NHNN sẽ quyết định mua lại trên cơ sở định giá độc lập. NHNN cũng yêu cầu các chủ sở hữu của các TCTD đó thực hiện việc tăng vốn để đáp ứng chuẩn mực về an toàn vốn tối thiểu. Nếu TCTD không tăng được vốn thì NHNN sẽ mua. Còn mua giá nào thì phải dựa trên cơ sở giá trị DN đã được NHNN quyết định.
Các NH được NHNN mua thời gian vừa qua hoàn toàn do công ty định giá độc lập tính toán định giá. Giá trị cổ phiếu của các NH này thậm chí là âm đồng, chứ không phải 0 đồng. Và việc NHNN mua lại cổ phiếu của các NH yếu kém thời gian qua không phải ép buộc mà hoàn toàn trên cơ sở định giá DN, giá trị cổ phiếu, đánh giá độc lập khách quan và là cơ sở để xác định giá.
Đức Nghiêm – Linh Chi ghi
————————————
Thời báo Ngân hàng (Tài chỉnh – Tiền tệ) 07-10-2015:
http://thoibaonganhang.vn/giu-vung-on-dinh-he-thong-ngan-hang-40221.html
(529/2.113)