794. Tán gia bại sản vì sa bẫy tín dụng đen

(CSTC) – Khóc như ri, oan ức ngút trời- đó là cảnh ngộ của hàng loạt gia đình- chủ yếu là người nghèo- thiếu tiền và thiếu luôn cả hiểu biết, nên sa vào bẫy của tín dụng đen.

Bẫy giăng muôn nẻo

Câu chuyện thương tâm vay 200 triệu đồng, mất nhà đất, vàng trị giá 10 tỷ đồng của ông Vũ Duy Hà (SN 1959, trú tại Nghi Tàm- Hà Nội) là một bài học đau lòng. Vốn có một mảnh đất 50m2 mặt phố Nghi Tàm do cha mẹ để lại (định giá theo thị trường vào khoảng 10 tỷ đồng), hai vợ chồng ông cùng với con cháu dựng tạm căn nhà cấp 4, bán quán nước chè dạo kiếm sống. Năm 2012, qua giới thiệu, ông đã vay của Nguyễn Thị Hồng Nhung, tự xưng là Giám đốc Công ty TNHH phần mềm CFA (Thụy Khuê- Tây Hồ) 200 triệu, lãi suất 1,2%/tháng, để sửa nhà, và đồng ý đưa sổ đỏ cho Nhung giữ để “làm tin”.

Chừng 10 tháng thì gia đình ông bỗng “được” đón cán bộ ngân hàng (NH) ghé thăm. Đến lúc này, cả gia đình ông mới tá hỏa khi biết ngôi nhà ông đang ở đã có giấy tờ chuyển nhượng cho người đứng tên là Nguyễn Thị Hồng Nhung, và người này đã mang sổ đỏ đi NH thế chấp để vay 4,8 tỷ đồng cách đây 9 tháng. Đến nay, khi Nhung không trả được nợ, nên NH đến “xem xét tài sản thế chấp” để phát mãi.

Tín dụng đen để lại hậu quả rất nghiêm trọng (ảnh minh họa).

Ngồi nói chuyện với chúng tôi, ông Hà gần như thở không ra hơi. Kể từ ngày NH gõ cửa, biết nguy cơ mất nhà chỉ trong ngày một ngày hai, ông bị sốc nặng, liên tục phải nhập viện. Từ 57kg, bây giờ, ông chỉ còn chưa  đầy 45kg. Không một đêm nào được ngủ yên giấc, không một giờ nào cảm thấy thanh thản. Hàng xóm chê cười, anh em bạn bè nghi ngại, con cái nhiếc móc, khiến cho ông hoảng loạn không dám tiếp xúc với ai, suốt ngày đóng cửa ru rú trong nhà. Hễ nghe tiếng gõ cửa, ông lại giật mình thon thót, hoảng sợ khi nghĩ chỉ cần mở cửa ra, cán bộ NH sẽ vào kê biên và phát mãi ngôi nhà, mảnh đất do cha ông để lại, mà trước đây, dù khó khăn đến đâu, ông cũng không dám nghĩ đến việc bán nó; ngôi nhà- nơi bấu víu cuối cùng của gần chục con người- kẻ gần đất xa trời như vợ chồng ông, người mới chập chững tập đi trứng gà trứng vịt như mấy đứa cháu.

“Tôi tuyệt vọng lắm cô ạ. Nếu đánh đổi để có thể giữ được ngôi nhà, phải chết tôi cũng sẵn sàng”, người đàn ông chưa đầy 60 tuổi mà trông lọm khọm như ông lão 80 đưa tay quệt nước mắt than thở.

Ông Hà chỉ là một trong hàng nghìn nạn nhân của nạn tín dụng đen đang hoành hành trên khắp cả nước. Những vụ vỡ nợ nhỏ lẻ chỉ là một giọt nước trong cái cốc nước lúc nào cũng chực tràn và liên tục phình to mà cả nạn nhân và thủ phạm vẫn đang tăng theo cấp số nhân. Hình thức của tín dụng đen có nhiều loại, trong đó chủ yếu được che đậy dưới hình thức hợp đồng vay mượn, hụi, họ, cầm đồ.

Tội phạm, vi phạm pháp luật có liên quan đến hoạt động tín dụng đen xảy ra liên tiếp ở nhiều địa bàn trong cả nước, từ thành thị đến nông thôn, thậm chí cả những vùng quê hẻo lánh, miền núi. Nạn nhân cũng rất đa dạng, ở nhiều lứa tuổi, trình độ học vấn, tính chất công việc khác nhau; nhiều người với vai trò trung gian huy động, cho vay vốn với lãi suất cao, vừa là nạn nhân, vừa là đối tượng tham gia thực hiện hành vi vi phạm pháp luật. Lãi suất của tín dụng đen thông thường cao hơn lãi suất NH từ 3-9 lần, cá biệt có trường hợp cao gấp 10-20 lần, nên có sức hút rất lớn đối với người hám lời.

Có thể điểm danh những vụ vỡ nợ vì tín dụng đen như vụ Nguyễn Thị Ngừng (Thường Tín- Hà Nội) bỏ trốn sau khi huy động anh em, bạn bè tới 260 tỷ đồng với lãi suất lên đến 12%/tháng. Hay những vụ vỡ nợ kiểu domino như vụ Tạ Việt Quang (Đan Phượng- Hà Nội) vay nợ của hai doanh nghiệp và 26 cá nhân khoảng 90 tỉ đồng và 14 xe ô tô; Nguyễn Thị Cúc (Phú Xuyên- Hà Nội) vay nợ của bảy cá nhân hơn 138 tỉ đồng…

Ngân hàng có tiếp tay cho tín dụng đen?

Trong rất nhiều loại tín dụng đen, thì loại lừa đảo cầm cố sổ đỏ là một trong những hình thức nguy hiểm và đem lại hậu quả rất nặng nề cho nạn nhân. Thủ đoạn chủ yếu là các đối tượng mang tiền ra “nhử” nạn nhân- thường là những nạn nhân nghèo và có nhu cầu vay tiền, rồi yêu cầu họ “các” sổ đỏ làm tin, sau đó làm thủ tục chuyển nhượng trên giấy tờ để mang đến NH vay tiền. Luật sư Nguyễn Thế Truyền, Công ty TNHH Luật Thiên Thanh cho rằng hầu hết các nạn nhân của tín dụng đen kiểu này đều không có kiến thức tối thiểu về quản trị tài chính cá nhân, không cân đối được yêu cầu thu – chi nên sẵn sàng đi vay mượn để giải quyết nhu cầu trước mắt, cho dù nhu cầu đó không quá quan trọng, vay chỉ vì tính sỹ diện cá nhân…

Thêm vào đó, kiến thức pháp luật không có, khi vay được tiền là sẵn sàng ký các loại giấy tờ mà không cần quan tâm hậu quả. Tuy nhiên, LS Truyền cho rằng lỗi đầu tiên thuộc về NH, và thậm chí, chính NH đã tiếp tay cho tín dụng đen hoành hành. Phân tích cụ thể, ông Truyền cho rằng các đối tượng tín dụng đen này thường có câu kết rất chặt chẽ với NH, có hạn mức tín dụng, có đội quân tư vấn để lập các phương án kinh doanh, móc nối với NH để vay tiền, và thực hiện các nghiệp vụ để vay ké, nâng khống giá trị tài sản bảo đảm để vay được nhiều hơn và giữ sử dụng vào mục đích khác.

Để thế chấp tài sản cho NH, bên thế chấp phải là chủ sở hữu, sử dụng tài sản thế chấp, phải có quyền chiếm hữu, sử dụng và định đoạt tài sản thế chấp. Khi nhận tài sản thế chấp, phía NH phải tiến hành xác minh, định giá tài sản, trực tiếp xem xét định giá tài sản, nhưng NH đã không xem xét thực tế ai là người đang chiếm hữu, sử dụng tài sản thế chấp, hoặc đã bỏ qua việc xác minh, định giá tài sản, nên đã không phát hiện ra là người thế chấp không có quyền sử dụng, chiếm giữ tài sản thế chấp.

Các hiệu cầm đồ – một dạng tín dụng đen xuất hiện ngày càng nhiều (ảnh minh họa).

Không phải chỉ móc ngoặc với NH, những đối tượng gài bẫy tín dụng đen còn có “quan hệ rộng” với bên công chứng, nên các thủ tục công chứng, chứng thực rất đơn giản, gọn nhẹ. Thậm chí, chỉ cần 1 cú điện thoại, việc công chứng, chứng thực được thực hiện ngay ở quán café, quán có vỉa hè, đến tại nhà, tại chợ… Cùng với đó, kẽ hở của thủ tục đăng ký thay đổi chủ sở hữu, sử dụng nhà ở, là khi thực hiện việc sang tên đã không có căn cứ vào kết quả của việc thực hiện hợp đồng chuyển nhượng, mua bán nhà đất, chỉ căn cứ vào hợp đồng chuyển nhượng nên đã sang tên, công nhận quyền sở hữu, sử dụng nhà đất cho bên cho vay, khi những người này chưa được bên vay chuyển giao quyền sở hữu, sử dụng tài sản…

Đồng quan điểm, khi đi sâu vào hậu quả, trước việc nhiều hộ gia đình lâm vào cảnh mất nhà, Luật sư Trương Thanh Đức, Giám Công ty Luật ANVI, Chủ nhiệm CLB Pháp chế NH cũng cho rằng, lỗi đầu tiên phải thuộc về NH. “Nhiều NH làm ăn tắc trách đã tiếp tay cho tín dụng đen hoành hành. Nếu các NH làm đúng nguyên tắc sẽ không dẫn đến tình trạng này”, ông Đức khẳng định.

Theo thống kê chưa đầy đủ, từ năm 2010 đến năm 2014, ở nước ta liên tiếp xảy ra hàng trăm vụ vỡ nợ lớn với thiệt hại lên đến hàng nghìn tỷ đồng, ảnh hưởng đến nhiều cá nhân, gia đình, tổ chức và liên quan với nó là 6.367 vụ việc, trong đó có 41 vụ giết người, 318 vụ cố ý gây thương tích, 558 vụ cướp tài sản, 1.089 vụ cưỡng đoạt tài sản, 1.707 vụ lừa đảo chiếm đoạt tài sản, 2.496 vụ lạm dụng tín nhiệm chiếm đoạt tài sản, 104 vụ hủy hoại tài sản… Ngoài ra, những hệ lụy phát sinh từ tín dụng đen đã dẫn đến các hành vi vi phạm khác như bắt giữ người trái pháp luật, hủy hoại tài sản, gây rối trật tự công cộng, làm nhục người khác, tệ nạn xã hội (cờ bạc, mại dâm, nghiện ma túy), các vi phạm pháp luật về cầm cố, thế chấp tài sản…

4 giải pháp trọng tâm để phòng ngừa, ngăn chặn tội phạm tín dụng đen

Một là khẩn trương rà soát, nghiên cứu, hoàn thiện hệ thống pháp luật hình sự, hành chính, dân sự về xử lý hành vi phạm tội, vi phạm pháp luật liên quan đến hoạt động tín dụng để làm căn cứ phục vụ công tác điều tra, truy tố, xét xử tội phạm lừa đảo, lạm dụng tín nhiệm chiếm đoạt tài sản, cho vay nặng lãi, xử lý nghiêm hành vi phạm tội liên quan đến tín dụng đen. Hoàn thiện các văn bản quy phạm pháp luật về xử phạt hành chính trong lĩnh vực vay tín dụng với những chế tài xử lý rõ ràng, nghiêm khắc. Sửa đổi, bổ sung các quy định pháp luật có liên quan đến việc thu hồi nợ, tài sản trong việc thi hành các vụ án hình sự, dân sự, đảm bảo tính khả thi và nâng cao hiệu quả phòng ngừa, răn đe tội phạm, vi phạm pháp luật. Hoàn thiện các quy định về giao dịch dân sự, về thế chấp, cầm cố…

Hai là các bộ, ban ngành chức năng và chính quyền địa phương tăng cường quản lý, có quy định cụ thể, siết chặt các hoạt động cho vay, huy động vốn tự phát; đẩy mạnh công tác tuyên truyền, giúp các tổ chức, doanh nghiệp và nhân dân nâng cao hiểu biết pháp luật, nhận biết và có ý thức cảnh giác trước những phương thức, thủ đoạn của các đối tượng giăng bẫy tín dụng đen

Ba là hệ thống NH đẩy nhanh tiến độ cấu trúc lại hệ thống NH thương mại; phối hợp cung cấp thông tin liên quan đến hoạt động tín dụng bất thường của các tổ chức, cá nhân cho lực lượng Công an và chính quyền các cấp để quản lý. Tập trung phát triển mạnh mẽ, đa dạng thị trường tài chính, tiền tệ, tạo thuận lợi trong hoạt động giao dịch tín dụng chính thức để doanh nghiệp, cá nhân có nhu cầu chính đáng được tiếp cận các nguồn vốn vay an toàn, nhanh chóng, thuận tiện

Bốn là công an các đơn vị, địa phương tiếp tục tập trung thực hiện đồng bộ, hiệu quả những giải pháp, nhiệm vụ trọng tâm, trong đó tập trung rà soát, nắm tình hình tội phạm và vi phạm pháp luật liên quan đến hoạt động tín dụng đen để tập trung các biện pháp đấu tranh, triệt phá, không để kéo dài gây ra những vụ việc phức tạp. Đối với vụ việc đã xảy ra, cần khẩn trương điều tra, xử lý nghiêm minh theo pháp luật, đúng người, đúng tội. Phối hợp với Viện Kiểm sát, Tòa án các cấp đưa ra xét xử công khai, lưu động để phục vụ vông tác tuyên truyền, nâng cao tính răn đe, phòng ngừa tội phạm. Tăng cường phối hợp với các ban, ngành đoàn thể và đơn vị chức năng làm tốt công tác phòng ngừa, đẩy mạnh công tác tuyên truyền, phổ biến, giáo dục pháp luật, nâng cao hiểu biết của người dân về các quy định vay và cho vay, cũng như thủ đoạn và tác hại của tín dụng đen. Tiếp tục thực hiện Chỉ thị của Bộ Công an quản lý đối với các hoạt động kinh doanh dịch vụ cầm đồ, nhằm ngăn chặn những hành vi phạm tội liên quan đến loại hình dịch vụ này như cho vay nặng lãi, bảo kê, đòi nợ thuê, xiết nợ…  (Cục Tham mưu cảnh sát-Tổng cục Cảnh sát)

Hà An

————————————

Cảnh sát Toàn cầu (Phóng sự –  Tiêu điểm) 07-10-2015:

http://cstc.cand.com.vn/Phong-su-Tieu-diem/Tan-gia-bai-san-vi-sa-bay-tin-dung-den-368079/

(80/2.292)

Bài viết 

311. Hãy nhìn từ mục tiêu của việc đánh thuế...

Hãy nhìn từ mục tiêu của việc đánh thuế bất động sản. [caption id="attachment_42152"...

Bình luận 

437. Cải cách thể chế và tôn trọng thị trường...

Chùm 3 bài Việt Nam - Khát vọng hùng cường: Cải cách thể chế và tôn...

Phỏng vấn 

4.427. Gần tết cảnh giác với tội phạm ngân hàng.

Gần tết cảnh giác với tội phạm ngân hàng. (HTV1) - Chương trình có...

Trích dẫn 

3.976. Cảnh giác hiện tượng rao bán bất động...

Cảnh giác hiện tượng rao bán bất động sản kiểu "phông bạt". (DV) -...

Tám luật 

334. ANVI xì luật hay Lạm bàn tám luật.

(ANVI) - “Lạm bàn tám luật” hay còn gọi là “ANVI xì luật”Chuyên...

Số lượt truy cập: 237,468