795. Hình sự hóa tội phạm ngân hàng: Cán bộ tín dụng như “cá nằm trên thớt”?

(ĐT) – Luật sư Trương Thanh Đức, Chủ nhiệm CLB Pháp chế ngân hàng cho rằng, kinh doanh ngân hàng luôn tiềm ẩn rủi ro, song nếu cứ để xảy ra mất tiền đồng nghĩa với nguy cơ có tội thì cán bộ ngân hàng không khác nào “cá nằm trên thớt”.

Giới ngân hàng “ngán” Bộ luật Hình sự

Rất nhiều vụ đại án được xét xử 2 năm qua đều liên quan đến tội phạm ngân hàng. Việc hình sự hóa lĩnh vực ngân hàng khiến giới ngân hàng lo lắng và nhiều ý kiến đề nghị bãi bỏ nhiều tội danh liên quan đến ngân hàng trong dự thảo Bộ luật Hình sự  sửa đổi, dự kiến sẽ được Quốc hội xem xét thông qua tại kỳ họp sắp diễn ra.

Giới ngân hàng muốn bỏ tội hình sự, tăng mức phạt hành chính

Theo Luật sư Trương Thanh Đức, Chủ nhiệm CLB Pháp chế ngân hàng, có đến hơn 70% tội phạm kinh tế liên quan đến ngân hàng, trong đó, có nhiều tội danh không hợp lý như tội cho vay nặng lãi, tội đầu cơ.

Luật sư Đức lập luận, lãi suất cho vay là một loại giá cả hàng hóa, dịch vụ được tự do kinh doanh và do thị trường quyết định. Lãi suất cao hay thấp là do hai bên thỏa thuận tự nguyện, thuận mua, vừa bán. Vì vậy, không có lý do gì để duy trì tội lãi suất cao trong Bộ luật Hình sự. Chỉ khi nào cho vay trái luật, cùng với các yếu tố lừa đảo, gian dối, cưỡng bức, ép buộc, bóc lột… thì mới cần thiết xử tội. Trên thực tế, lãi suất cho vay hiện nay đang cao hơn quy định của Bộ luật Hình sự, song cũng hiển nhiên được thị trường chấp nhận.

Ngoài ra, luật sư Trương Thanh Đức cũng cho rằng, nên bỏ tội đầu cơ, còn tội lập quỹ trái phép chỉ nên áp dụng đối với doanh nghiệp nhà nước…

Ngoài ra, với tội “Tội cố ý làm trái quy định của Nhà nước về quản lý kinh tế gây hậu quả nghiêm trọng” (Điều 165 BLHS 1999), Luật sư Trương Thanh Đức cho rằng, có rất nhiều trường hợp cán bộ nhân viên ngân hàng bị khởi tố nhưng 3 ngày sau, ngân hàng đã thu hồi được tài sản, không còn hậu quả nhưng vẫn có tội, vẫn bị đưa ra xét xử. Do đó, nên quy định, khi đã khắc phục hậu quả thì cần loại bỏ, miễn hình phạt đối với người vi phạm.

Một bất cập nữa của dự thảo Bộ Luật hình sự sửa đổi, theo giới ngân hàng là thiếu rõ ràng và sự chênh lệch quá xa về mức xử phạt đối với tội danh “thực hiện hành vi gây hậu quả nghiêm trọng”. Cụ thể, Điều 210 trong Dự thảo Bộ luật Hình sự sửa đổi quy định: “Người nào trong hoạt động NH mà cố ý thực hiện một trong các hành vi sau đây gây hậu quả nghiêm trọng, thì bị phạt tiền từ 50.000.000 đồng đến 500.000.000 đồng hoặc phạt tù từ 03 năm đến 07 năm”.

Tuy nhiên, đại diện NHNN cho rằng, cần phải quy định rõ “hậu quả nghiêm trọng” là như thế nào. Thực tế, mức phạt tiền từ 50-500 triệu đồng thoạt nhìn có vẻ “to”, nhưng đối với các nhà băng, thì con số này vẫn nhỏ. Bởi vậy, NHNN đề nghị nâng cao mức xử phạt lên để đảm bảo tính răn đe. “Mức phạt tiền tối thiểu trong hình sự phải cao hơn mức phạt tiền trong xử lý vi phạm hành chính”, NHNN nhấn mạnh.

Đề cập khía cạnh khác, bà Trần Hồng Hạnh- Tổng Thư ký Hiệp hội ngân hàng cho rằng, khung hình phạt tiền từ 50 triệu đồng đến 500 triệu đồng, hoặc phạt tù từ 1 năm đến 7 năm là khoảng cách khá xa, dễ dẫn đến rủi ro, tham nhũng.

Cán bộ ngân hàng đối mặt nhiều hệ lụy?

Những năm gần đây, nhiều lãnh đạo ngân hàng đã bị bắt điều tra, bị xét xử, phạt tù… do những vi phạm trong quá trình quản lý. Nhiều lãnh đạo ngân hàng lo ngại, việc hình sự hóa tội phạm ngân hàng sẽ gây ra nhiều hệ lụy.

Bà Nguyễn Thị Hương – Vụ Pháp chế (NHNN) cho rằng cần bỏ điểm e Khoản 1- Điều 210 của dự thảo Bộ luật Hình sự về “Hành vi khác vi phạm quy định của pháp luật trong hoạt động ngân hàng”. Bởi với các cấu thành tội phạm không rõ ràng, chung chung như quy định tại điểm e khoản 1 Điều 210 sẽ dẫn đến tình trạng hình sự hóa quan hệ dân sự, kinh tế; dễ “hình sự hóa” cả những hành vi vi phạm pháp luật trong hoạt động, nhưng mức độ nghiêm trọng không cao, không đến mức xử lý hình sự.

Nói cách khác, Việc quy định chung chung như vậy sẽ tạo ra “khoảng trống” pháp luật trong quá trình điều tra, truy tố, xét xử, khiến cán bộ NH có thể bị truy cứu trách nhiệm hình sự ngay cả sai phạm nhỏ. Việc hình sự hóa các quan hệ này sẽ để lại các hậu quả nghiêm trọng đối với không chỉ cá nhân người bị xử lý hình sự mà ảnh hưởng đến cả nền kinh tế và đời sống xã hội của đất nước.

“Thứ nhất, việc hình sự hóa quan hệ cho vay khiến các cán bộ ngân hàng e ngại khi mở rộng cho vay, một mặt hạn chế hoạt động của tổ chức tín dụng, mặt khác khiến người dân, doanh nghiệp khó tiếp cận nguồn vốn ngân hàng. Thứ hai,việc hình sự hóa quan hệ tín dụng cũng là một trong các nguyên nhân cản trở việc xử lý nợ xấu vì cán bộ ngân hàng lo ngại trước nguy cơ bị truy cứu trách nhiệm hình sự. Thứ ba, việc hình sự hóa quan hệ tín dụng nói riêng và quan hệ dân sự nói chung sẽ xâm hại trực tiếp đến quyền, lợi ích hợp pháp của người có hành vi bị hình sự hóa. Thứ tư, việc hình sự hóa quan hệ tín dụng nói riêng và quan hệ dân sự nói chung sẽ có tác động xấu đến môi trường đầu tư, kinh doanh. Thứ năm, việc hình sự hóa quan hệ tín dụng nói riêng và quan hệ dân sự nói chung sẽ làm giảm lòng tin của nhân dân vào Nhà nước và pháp luật bởi, thực chất “hình sự hoá” là việc làm oan, sai người vô tội. Điều này sẽ dẫn đến những bất ổn trong đời sống chính trị, xã hội”, bà Hương phân tích.

Luật sư Trương Thanh Đức cũng cho rằng, kinh doanh luôn gắn với rủi ro, nhất là kinh doanh ngân hàng. Thế nhưng, rất phi lý nếu cứ rủi ro mất tiền là đồng nghĩa với nguy cơ có tội.

“Thử hỏi còn gì vô lý và nguy hiểm hơn, khi xử lý hai khoản vay y chang nhau, cả ý chí và hành vi đều giống nhau, nhưng hậu quả pháp lý thì lại có thể khác nhau một trời, một vực. Nếu người vay trả được nợ, thì đương nhiên cán bộ ngân hàng không có tội, thậm chí còn có công. Nhưng nếu khách hàng không trả được nợ, dù là nguyên nhân chủ quan hay khách quan, thì tự dưng cán bộ ngân hàng trở thành tội phạm, vì có hậu quả là đã mất, thậm chí mới chỉ là có khả năng mất vốn. Vậy thì cán bộ ngân hàng khác nào như cá nằm trên thớt, như tù nhân dự bị? Ai dám khẳng định rằng mình không phạm tội, nếu chưa thu hồi được vốn vay? Làm sao cán bộ ngân hàng dám mạnh dạn cho vay, và ngân dám chấp nhận rủi ro trong kinh doanh. Hồ sơ cho dù đúng tới 99%, nhưng chỉ cần 1% sai sót là đã có thể thành tội phạm. Đây là câu thực tế nhức nhối. Tôi cho rằng, cần phải xử lý khách quan hơn, tập trung vào trừng trị kẻ trộm cắp thay vì cứ bắt lỗi người mất trộm”- LS Trương Thanh Đức đề nghị.

Trước băn khoăn của giới ngân hàng liên quan đến xu hướng hình sự hóa tội phạm ngân hàng, một thành viên Hội đồng tư vấn chính sách Tài chính – Tiền tệ quốc gia cho rằng, việc tăng hình sự hóa quan hệ tín dụng là không nên. Tuy nhiên, cũng cần phải có quy định nghiêm khắc với tội phạm ngân hàng, bởi đây là lĩnh vực dễ xảy ra rủi ro đạo đức.

————————————-

Đầu tư (Ngân hàng) 09-10-2015:

http://baodautu.vn/can-bo-tin-dung-nhu-ca-nam-tren-thot-d33850.html

(607/1.517)

Bài viết 

311. Hãy nhìn từ mục tiêu của việc đánh thuế...

Hãy nhìn từ mục tiêu của việc đánh thuế bất động sản. [caption id="attachment_42152"...

Bình luận 

433. Bình luận về Chủ sở hữu hưởng lợi của...

Bình luận về Chủ sở hữu hưởng lợi của doanh nghiệp Tham luận Hội...

Phỏng vấn 

4.391. Bẫy nạn nhân với 'miếng mồi' lãi suất cao.

Bẫy nạn nhân với 'miếng mồi' lãi suất cao.(TT) - Vụ GFDI ở Đà Nẵng...

Trích dẫn 

3.908. Ngăn chặn những "văn phòng bất động sản...

Ngăn chặn những "văn phòng bất động sản di động" đẩy giá đất. (VTV.vn)...

Tám luật 

334. ANVI xì luật hay Lạm bàn tám luật.

(ANVI) - “Lạm bàn tám luật” hay còn gọi là “ANVI xì luật”Chuyên...

Số lượt truy cập: 231,847