796. Nan giải quản lý lãi suất cho vay tiêu dùng

(NB&CL) – Với dân số trên 90 triệu người, Việt Nam là một thị trường giàu tiềm năng cho phát triển và mở rộng tín dụng tiêu dùng. Lợi ích, tiềm năng là rất lớn, nhưng dường như các quy định về luật pháp liên quan tới hoạt động tín dụng tiêu dùng vẫn còn chưa đầy đủ, đặc biệt trong vấn đề lãi suất.  

Lãi suất cao có phạm luật ?

Hiện nay, tại các khu đô thị tại Việt Nam đâu đâu cũng thấy các tờ quảng cáo cho vay tiêu dùng, vay tín chấp với lãi suất ưu đãi, thủ tục nhanh gọn. Điều này cho thấy, cho vay tiêu dùng cá nhân đang phát triển nở rộ và được ví như chiếc bánh ngọt mà các tổ chức tài chính, ngân hàng tranh nhau đẩy mạnh thị phần.

Tại Việt Nam, hiện các luật quy định về trần lãi suất cho tín dụng tiêu dùng vẫn còn đang “rối bời”. Khoản 1 Điều 476 Bộ luật Dân sự (BLDS) năm 2005 quy định: “Lãi suất vay do các bên thoả thuận nhưng không được vượt quá 150% của lãi suất cơ bản do Ngân hàng Nhà nước công bố đối với loại cho vay tương ứng”.

Dự thảo Bộ luật Dân sự đang sửa đổi tiếp tục lấy cơ sở để xác định trần lãi suất vay là lãi suất cơ bản. Khoản 3 Điều 491 quy định “Trường hợp các bên có thỏa thuận về lãi suất thì lãi suất theo thỏa thuận không được vượt quá 200% theo lãi suất cơ bản do Ngân hàng Nhà nước công bố đối với loại vay tương ứng, trừ trường hợp luật có quy định khác”.

Như vậy, dù có nâng mức vượt 150% lên 200% thì quy định này vẫn còn gây nhiều tranh cãi. Nếu cứ đúng theo luật áp dụng thì rất nhiều hợp đồng tín dụng bị vô hiệu phần lãi suất. Lãi suất cơ bản (LSCB) áp dụng từ ngày 5.11.2010 đến nay vẫn là 9%. Đã có những thời điểm lãi suất cho vay lên đến 23-25%/năm (vượt xa mốc 150% so với LSCB). Nhiều chuyên gia cho rằng việc áp dụng trần lãi suất tại BLDS đối với hoạt động kinh doanh của các tổ chức tín dụng là hoàn toàn không cần thiết và không hợp lý.

Nói về vấn đề này, luật sư Trương Thanh Đức, Giám đốc Công ty Luật ANVI, Chủ nhiệm Câu lạc bộ Pháp chế Hiệp hội ngân hàng cho biết: “Các công ty tài chính không hề vi phạm pháp luật, thậm chí họ còn được khuyến khích cho vay”.

Ông Trương Thanh Đức cho biết, khác với hoạt động cho vay tín dụng của các ngân hàng thương mại, cho vay tiêu dùng của các công ty tài chính là các thỏa thuận dân sự và không bị giới hạn về lãi suất. Ở đây, giữa bên đi vay và cho vay có quyền thỏa thuận về một mức lãi suất phù hợp. Và nếu hai bên đã đồng ý ký vào hợp đồng rồi thì đương nhiên phải có trách nhiệm thực hiện theo các điều khoản thỏa thuận đã ký.

Các công ty tài chính tiêu dùng đã giúp xã hội hạn chế nạn tín dụng đen đang hoành hành. (Ảnh nguồn: Internet)

Hành lang pháp lý chưa rõ ràng

Sự mâu thuẫn giữa Luật Các tổ chức tín dụng (TCTD) và Luật Dân sự đang là mấu chốt gây nhiều tranh cãi cho bên đi vay và cho vay. Theo khoản 2 điều 91 trong Luật các TCTD năm 2010, TCTD và khách hàng có quyền thỏa thuận về lãi suất, phí cấp tín dụng trong hoạt động ngân hàng của tổ chức tín dụng theo quy định của pháp luật. Tuy nhiên, theo Điều 476 Bộ Luật Dân sự quy định về việc không được cho vay quá 150% lãi suất cơ bản (lãi suất cơ bản được Ngân hàng Nhà nước áp dụng là 9%/năm suốt từ 2010 tới nay – nghĩa là không cho vay quá 13,5%/năm).

Thực tế, đã có trường hợp người đi vay không còn khả năng trả nợ và cảm thấy vô lý khi phải trả lãi suất cao hơn so với ngân hàng thương mại, họ đã đâm đơn khiếu kiện các công ty cho vay tài chính căn cứ trên nền tảng là Luật Dân sự có quy định về trần lãi suất.

Đây là vấn đề nan giải và bất cập bấy lâu nay giữa người đi vay – người cho vay và ở giữa là pháp luật. “Các công ty tài chính cho vay, rủi ro rõ ràng cao hơn hẳn ngân hàng, do đó lãi suất khó có thể đòi hỏi thấp hơn hoặc thậm chí bằng mức lãi suất của hệ thống ngân hàng (13,5%/năm)”, ông Đức bày tỏ quan điểm.

Ông Đức cho rằng, mức lãi suất đối với tín dụng tiêu dùng hiện nay khoảng 30-50% là hợp lý, không thể là 13,5% và cũng khó có thể nâng lên 18-20% như dự thảo Bộ luật Dân sự hiện nay, bởi nó vẫn quá xa vời với thực tế.

Theo giới chuyên gia, mặc dù hiện nay vẫn còn tồn tại những băn khoăn về mức lãi suất cho vay tiêu dùng, song điều đó không thể cản trở sự phát triển tất yếu của loại hình sản phẩm tài chính này, bởi lợi ích mà nó mang lại đáp ứng được được nhu cầu cá nhân trong tiêu dùng trước khi có thu nhập. Lợi ích này chắc chắn lớn hơn mức chênh lệch lãi suất phải trả cao hơn cho vay thương mại.

Nên để thị trường quyết định?

Theo các chuyên gia kinh tế, việc đẩy mạnh phát triển thị trường cho vay tiêu dùng không những mang đến cơ hội giải quyết nhu cầu tài chính cho một bộ phận khách hàng là những người dân có thu nhập thấp, không có lịch sử tín dụng (đây là nhóm khách hàng dưới chuẩn thường bị từ chối bởi các Ngân hàng Thương mại truyền thống), mà còn góp phần làm giảm dần những hoạt động vay mượn từ “tín dụng đen” và hạn chế cho vay nặng lãi.

Tuy nhiên, sự thiếu hụt về hành lang pháp lý điều tiết đối với hoạt động cho vay tiêu dùng đang khiến cho thị trường này chưa phát triển được hết mức tiềm năng của nó, và do vậy, cũng chưa phát huy được đầy đủ vai trò của cho vay tiêu dùng trong việc gia tăng khả năng tiếp cận dịch vụ tài chính cho người dân, bổ sung các phân ngách nhỏ mà các Ngân hàng Thương mại chưa vươn tới nhằm phát triển đa dạng, phong phú thị trường tài chính.

Bình luận về vấn đề này, TS Nguyễn Trí Hiếu cho biết: “Trong nền kinh tế thị trường, càng ít rào cản càng tốt, nên để cho cung – cầu và sự phán đoán của thị trường trong từng thời điểm quyết định”.

Ông Trương Thanh Đức nhấn mạnh: “Thực tế khi chưa có các công ty tài chính tiêu dùng,  30-40 năm nay, người dân vẫn chấp nhận mức lãi suất “cắt cổ” trên thị trường “chợ đen” do những nhu cầu thực sự phát sinh trong cuộc sống, họ coi mức lãi suất vài chục phần trăm/năm là chuyện bình thường. Rõ ràng, việc xuất hiện các công ty tài chính tiêu dùng đã giúp xã hội hạn chế nạn tín dụng đen đang hoành hành, tất nhiên khi thị trường này phát triển tạo được sự cạnh tranh sòng phẳng thì lãi suất sẽ do thị trường quyết định, đó chính là điều hợp lý nhất mà cả xã hội cần quyết tâm hướng tới”.

Thanh Tân (TH)

—————————————-

Nhà bào & Công luận (Kinh tế) 14-10-2015:

http://congluan.vn/nan-giai-quan-li-lai-suat-cho-vay-tieu-dung/

(142/1.339)

Bài viết 

311. Hãy nhìn từ mục tiêu của việc đánh thuế...

Hãy nhìn từ mục tiêu của việc đánh thuế bất động sản. [caption id="attachment_42152"...

Bình luận 

433. Bình luận về Chủ sở hữu hưởng lợi của...

Bình luận về Chủ sở hữu hưởng lợi của doanh nghiệp Tham luận Hội...

Phỏng vấn 

4.391. Bẫy nạn nhân với 'miếng mồi' lãi suất cao.

Bẫy nạn nhân với 'miếng mồi' lãi suất cao.(TT) - Vụ GFDI ở Đà Nẵng...

Trích dẫn 

3.908. Ngăn chặn những "văn phòng bất động sản...

Ngăn chặn những "văn phòng bất động sản di động" đẩy giá đất. (VTV.vn)...

Tám luật 

334. ANVI xì luật hay Lạm bàn tám luật.

(ANVI) - “Lạm bàn tám luật” hay còn gọi là “ANVI xì luật”Chuyên...

Số lượt truy cập: 231,847