Lãi chậm trả lương
(ANVI) – Việc chậm trả lương là một thực tế diễn ra phổ biển lâu nay.
Điều 96, Bộ luật Lao động 2012 quy định, doanh nghiệp phải trả thêm cho người lao động một khoản tiền ít nhất bằng lãi suất huy động tiền gửi do Ngân hàng Nhà nước công bố tại thời điểm trả lương.
Tuy nhiên, hiện nay Ngân hàng Nhà nước chỉ quy định trần lãi suất huy động tiền gửi “áp dụng đối với tiền gửi có kỳ hạn từ 1 tháng đến dưới 6 tháng” theo Điều 1, Thông tư số 15/2013/TT-NHNN ngày 27-6-2013 “Quy định lãi suất tối đa đối với tiền gửi bằng đồng Việt Nam của tổ chức, cá nhân tại tổ chức tín dụng, chi nhánh ngân hàng nước ngoài”.
Như vậy, không thể xác định được “lãi suất huy động tiền gửi” để làm cơ sở tính lãi chậm trả tiền lương, vì Ngân hàng Nhà nước chỉ quy định một số trần lãi suất, chứ không quy định cụ thể mức lãi suất huy động là bao nhiêu.
Đặc biệt, nếu chậm trả lương trên 6 tháng, thì sẽ hoàn toàn không có cơ sở nào để áp dụng lãi suất chậm trả, vì không có cả mức trần lãi suất nào được quy định cho thời hạn này[1].
[1] Điều khoản 97.4, Bộ luật Lao động năm 2019 đã sửa lại: Lãi suất chậm trả tiền lương được tính theo lãi suất tiền gửi 01 tháng của ngân hàng thương mại nơi doanh nghiệp mở tài khoản.