808. Cần giao thêm quyền chủ động cho DATC

(TCDN) – Để đẩy nhanh công tác xử lý nợ xấu, Công ty TNHH Mua bán nợ Việt Nam (DATC) cần được giao quyền chủ động hơn nữa trong các phương thức và quyết định xử lý nợ, đồng thời bản thân DATC cũng cần linh hoạt, nhanh chóng hơn đối với cả quyết định mua và bán nợ – là quan điểm của Luật sư Trương Thanh Đức, Giám đốc Công ty Luật ANVI, Chủ nhiệm Câu lạc bộ Pháp chế Ngân hàng (Hiệp hội Ngân hàng Việt Nam).

Ông có nhận xét gì về mục tiêu của Ngân hàng nhà nước phải kéo nợ xấu trong các tổ chức tín dụng về dưới 3% trong cuối năm nay, liệu có khả thi? Qua đó, ông có đánh giá gì tới việc xử lý nợ của DNNN bởi chiếm tỷ lệ khá lớn trong số lượng nợ xấu của hệ thống ngân hàng?

Mục tiêu kéo nợ xấu trong các tổ chức tín dụng về dưới 3% trong cuối năm nay là hoàn toàn khả thi, vì đơn giản chỉ là việc mua bán, chuyển nợ sang Công ty Quản lý tài sản của các tổ chức tín dụng Việt Nam (VAMC) trong điều kiện sức ép không thể không làm. Tính từ khi thành lập đến nay, VAMC đã mua được khoảng 150.000 tỷ đồng nợ xấu. Việc đưa khoản nợ xấu nói trên ra khỏi hệ thống sổ sách kế toán của các ngân hàng đã giúp cho các bản báo cáo tài chính của ngân hàng trở nên sạch sẽ hơn. Điều này giúp cho con số nợ xấu của toàn hệ thống hiện đã về mức khoảng 3,49% và đến cuối năm mục tiêu dưới 3% chắc chắn sẽ đạt được.

Theo đó, nợ của DNNN tại các TCTD cũng sẽ được giảm đi một cách nhanh chóng. Mặt khác, trước đây Luật doanh nghiệp cũ quy định DNNN là công ty có từ 51% vốn nhà nước trở lên, nay tính từ ngày 01/07, Luật Doanh nghiệp năm 2014 quy định DNNN là công ty 100% vốn nhà nước, nghĩa là số lượng DNNN hiện nay giảm rất nhiều so với trước, đồng nghĩa với việc nợ của DNNN cũng giảm.

Xử lý nợ xấu của DNNN vay ngân hàng hiện nay chủ yếu do Công ty TNHH Mua bán nợ Việt Nam (DATC) đảm nhiệm, ông có đánh giá gì về cách thức xử lý nợ gắn với tái cơ cấu doanh nghiệp của đơn vị này?

Việc xử lý nợ của DNNN thông qua bán nợ cho DATC vẫn diễn ra đều đặn trong nhiều năm nay. Qua việc mua nợ, chuyển đổi quyền chủ nợ từ các tổ chức tín dụng, DATC đã xử lý làm lành mạnh tài chính của các doanh nghiệp đang lâm vào tình trạng thua lỗ, khôi phục sản xuất kinh doanh, nâng cao năng lực hoạt động và chuyển đổi thành công ty cổ phần có vốn góp của DATC. Sau khi được tái cơ cấu, các doanh nghiệp phục hồi sản xuất kinh doanh, có những đóng góp đáng kể vào ngân sách nhà nước. Tuy nhiên, do quy mô công ty còn nhỏ so với tổng số nợ xấu cần giải quyết nên số lượng nợ xấu được DATC xử lý còn chưa nhiều.

VAMC chủ yếu mua lại nợ của các ngân hàng thương mại, tổ chức tín dụng nhưng mới chỉ giúp cho các tổ chức tín dụng làm sạch bảng tổng kết tài sản chứ chưa thực sự tham gia vào quá trình tái cơ cấu doanh nghiệp.

Thưa ông có ý kiến cho rằng hiện việc xử lý nợ xấu vẫn gặp khó khăn một phần là do chúng ta từ trước đến nay vẫn gần như không có thị trường mua bán nợ? Nếu thị trường này hình thành thì vai trò, vị trí của các tổ chức mua bán nợ chuyên nghiệp như DATC, VAMC thể hiện ra sao?

Hiện nay, việc xử lý nợ xấu được tiến hành bằng 3 cách thức chính, gồm: Bán nợ, bán tài sản và thu hồi nợ từ nguồn khác. Tuy nhiên, riêng việc bán nợ thì gần như chưa có thị trường trong lĩnh vực này. Hiện chỉ có hai đơn vị mua bán nợ chuyên nghiệp là DATC và VAMC và hơn hai chục công ty mua bán nợ thuộc các tổ chức tín dụng, nhưng chủ yếu tập trung xử lý của nội bộ. Còn các công ty có nhu cầu mua bán nợ khác thì gần như không có, vì thường không được phép thành lập hoặc bị gây khó dễ, mặc dù pháp luật không hề cấm đoán hay quy định là ngành nghề kinh doanh có điều kiện.

Thời gian tới, cần hoàn thiện hành lang pháp lý cho DATC, VAMC cũng như các tổ chức mua bán nợ khác để các đơn vị này hoạt động hiệu quả trong việc mua bán nợ. Mặt khác, Nhà nước cần tạo điều kiện, khuyến khích nhiều hơn nữa số lượng các tổ chức giống như DATC được ra đời để tiến tới xây dựng một thị trường mua bán nợ tương xứng với quy mô nợ xấu tại các doanh nghiệp, ngân hàng hiện nay.

Để đẩy nhanh tốc độ xử lý nợ xấu, đặc biệt là nợ xấu của DNNN vay các ngân hàng, theo ông thời gian tới cần có những giải pháp gì? Đối với công ty chuyên mua bán nợ DNNN là DATC thì cần làm gì?

Theo tôi, điều quan trọng nhất hiện nay là cần rút ngắn các thủ tục như: tố tụng, đấu giá, mua bán, sang tên,… Điều đó sẽ giúp vừa đẩy nhanh tiến độ xử lý chính khoản nợ đó, đồng thời sẽ tác động đến mọi con nợ khác đẻ họ thấy rằng cần phải hợp tác với ngân hàng để xử lý nhanh chóng thay vì chây ỳ, trì hoãn, kéo dài như hiện nay.

Đối với công ty chuyên xử lý nợ của DNNN như DATC cần được giao quyền chủ động hơn trong các phương thức và quyết định xử lý nợ. Hiện, hệ thống thể chế cho hoạt động mua bán nợ chưa hoàn thiện đã làm ảnh hưởng đến việc mở rộng phạm vi, đối tượng doanh nghiệp trong nền kinh tế có thể được DATC hỗ trợ tái cơ cấu thông qua xử lý nợ xấu; hạn chế về tính linh hoạt trong việc trong vận dụng phương thức mua bán nợ, các giải pháp thu hồi nợ, xử lý tài sản bảo đảm; hạn chế khả năng hỗ trợ các doanh nghiệp sớm phục hồi, ổn định sản xuất kinh doanh tái cơ cấu. Do đó, trong tương lai DATC cần được trao quyền chủ động hơn, mở rộng ngành nghề kinh doanh, bảo đảm cho đơn vị có cơ sở pháp lý vững vàng, giảm thiểu rủi ro trong quá trình hoạt động.

Mặt khác, bản thân DATC cần linh hoạt hơn, nhanh chóng hơn đối với cả quyết định mua và bán nợ (bán tài sản của khoản nợ). Đặc biệt là doanh nghiệp, nên ngoài việc hoạt động vì mục tiêu lợi nhuận, thời gian tới DATC cần hướng tới hỗ trợ các DNNN và nền kinh tế tốt hơn nữa.

Xin cảm ơn ông!

TRẦN HẢI

——-

Tạp chí Tài chính Doanh nghiệp[1] (Doanh nghiệp – Thị trường) tháng 8-2015

(1.263/1.263)

[1] Thuộc Cục Tài chính Doanh nghiệp – Bộ Tài chính.

Bài viết 

311. Hãy nhìn từ mục tiêu của việc đánh thuế...

Hãy nhìn từ mục tiêu của việc đánh thuế bất động sản. [caption id="attachment_42152"...

Bình luận 

433. Bình luận về Chủ sở hữu hưởng lợi của...

Bình luận về Chủ sở hữu hưởng lợi của doanh nghiệp Tham luận Hội...

Phỏng vấn 

4.391. Bẫy nạn nhân với 'miếng mồi' lãi suất cao.

Bẫy nạn nhân với 'miếng mồi' lãi suất cao.(TT) - Vụ GFDI ở Đà Nẵng...

Trích dẫn 

3.908. Ngăn chặn những "văn phòng bất động sản...

Ngăn chặn những "văn phòng bất động sản di động" đẩy giá đất. (VTV.vn)...

Tám luật 

334. ANVI xì luật hay Lạm bàn tám luật.

(ANVI) - “Lạm bàn tám luật” hay còn gọi là “ANVI xì luật”Chuyên...

Số lượt truy cập: 231,821