808. Câu chuyện mua ngân hàng giá 0 đồng và tái cơ cấu ngân hàng

(CT) – Mặc dù họp vào tối muộn ngày 26/10, khi các đại biểu Quốc hội đã có cả một ngày trên nghị trường nhưng cuộc tọa đàm về chủ đề hoàn thiện pháp luật nhằm thúc đẩy tái cơ cấu hệ thống ngân hàng, xử lý nợ xấu và đáp ứng nhu cầu hội nhập do Viện Nghiên cứu lập pháp (Ủy ban Thường vụ Quốc hội) tổ chức vẫn diễn ra rất sôi nổi. Câu chuyện Ngân hàng Nhà nước mua lại 3 ngân hàng thương mại cổ phần với giá 0 đồng đã làm nóng buổi tọa đàm.

  1. Tại tọa đàm, chuyên gia kinh tế, TS. Lê Xuân Nghĩa kể lại câu chuyện khi thực hiện yêu cầu của Thủ tướng Chính phủ về đề án tái cơ cấu ngành ngân hàng là cần phải có những nghiên cứu sâu hơn nữa, ông có trao đổi với Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Nguyễn Văn Bình là liệu nên làm theo lối “du kích” hay thế nào thì theo lời ông Nghĩa, ông Bình đã tỏ ra gay gắt và nói, phải kiên định thực hiện cả đề án chứ không thể đánh theo lối du kích.

Câu chuyện mà TS. Nghĩa kể phần nào cho thấy tính bức bách khó mà chờ thêm được nữa khi bước vào thực hiện đề án tái cơ cấu hệ thống các ngân hàng thương mại theo Quyết định số 254/QĐ-TTg ngày 1/3/2012 của Thủ tướng Chính phủ. Qua mấy năm thực hiện, kết quả như hình ảnh của đại biểu Quốc hội (ĐBQH) Trần Hoàng Ngân của TP. Hồ Chí Minh đưa ra, “đích đến đã rất gần”. Ông Ngân cho biết, trước khi tái cơ cấu, hệ thống ngân hàng của Việt Nam có 42 ngân hàng thương mại. Sau các thương vụ sáp nhập, hiện con số này rút xuống còn 34 ngân hàng. Nợ xấu, vốn được coi là “cục máu đông”của nền kinh tế đã được xử lý đáng kể với con số trên 400 nghìn tỷ đồng trong đó các tổ chức tín dụng tự xử lý được gần 60%, còn lại là thuộc về “anh” VAMC tức Công ty Quản lý tài sản. Như vậy có thể nói chuyện nợ xấu đã được giải quyết trước thời hạn khi nó được đưa về mức 2,9% (mục tiêu cuối năm 2015 là 3%).

Chuyên gia Nghĩa đã không ngần ngại dẫn chứng thêm một ví dụ cho thấy thành công bước đầu của việc tái cơ cấu ngân hàng với việc đã có đến 14 tổ chức tín dụng của Việt Nam được các tổ chức xếp hạng danh tiếng quốc tế xếp hạng ở mức BB hoặc B2 với triển vọng ổn định. “Cái này có ý nghĩa lắm bởi nhiều ông lớn đầu tư nước ngoài chỉ chuyên hóng cái này mà ra quyết định” ông Nghĩa nói.

  1. Câu chuyện Ngân hàng Nhà nước mua lại 3 ngân hàng thương mại cổ phần là Xây dựng (VNCB), Đại dương (Ocean bank) và Dầu khí toàn cầu (GP bank) với giá 0 đồng đã hâm nóng không khí buổi tọa đàm với nhiều câu hỏi được chính người trong cuộc trả lời tại chỗ về một giải pháp được nhiều diễn giả tại tọa đàm cho là sáng tạo trong điều kiện đặc thù của nền kinh tế Việt Nam hiện tại.

Trên thực tế vào thời điểm Ngân hàng Nhà nước buộc phải “ra tay”, các ngân hàng nói trên nói như ông Lê Xuân Nghĩa, sau khi không thể tự sáp nhập tự nguyện đã dẫn đến nguy cơ gia tăng mất an toàn hệ thống ngân hàng một cách nguy hiểm. Hơn nữa việc mua lại này giúp kết thúc nhanh quá trình xử lý ngân hàng yếu kém, thường bị các chủ ngân hàng chây ỳ, mặc cả, tìm cách kéo dài hoặc tìm cách rút vốn ngân hàng.

Câu hỏi thứ nhất liên quan đến việc mua ngân hàng giá 0 đồng là dựa trên cơ sở pháp lý nào? ĐBQH Lê Thị Nga, Phó Chủ nhiệm UB Tư pháp của Quốc hội cho rằng, nó đã được quy định rất rõ và cụ thể tại Luật Ngân hàng Nhà nước, Luật Các tổ chức tín dụng, Quyết định 254 và Quyết định 48/2013/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ.

Câu hỏi thứ hai là tại sao không cho phá sản trong khi đã có Luật phá sản. Theo bà Nga, Luật phá sản 2014 hiện mới có 8 điều quy định sơ lược về thủ tục phá sản tín dụng có hiệu lực từ 1/1/2015 nhưng văn bản hướng dẫn thi hành hầu như chưa có. Trong bối cảnh đó thì giải pháp phù hợp và khả thi nhất tại thời điểm này, theo bà Nga, là Ngân hàng Nhà nước mua bắt buộc các ngân hàng được kiểm soát đặc biệt.

Sâu hơn nữa theo luật gia Trương Thanh Đức, các giải pháp duy trì, hợp nhất, sáp nhập, giải thể đều tỏ ra không khả thi. Ông Đức cũng lưu ý thêm là việc Ngân hàng Nhà nước mua lại  3 ngân hàng với giá 0 đồng không phải là “quốc hữu hóa” hay “trưng mua, trưng thu tài sản”.

Câu hỏi cuối cùng là liệu có chuyện Ngân hàng Nhà nước phải bỏ tiền ra hay không? Chuyên gia Lê Xuân Nghĩa thẳng thừng bác bỏ chuyện đó khi ông nói rằng ở đây là xử lý bằng cơ chế chứ không phải là Ngân hàng Nhà nước bỏ tiền ra mua lại. Bởi theo ông Nghĩa ở đây không chỉ là vấn đề của 3 ngân hàng đó mà là cách Ngân hàng Nhà nước hướng tới việc xử lý tình trạng sở hữu chéo, lũng đoạn ngân hàng một cách hiệu quả nhất, nhanh nhất mà không gây xáo trộn, đổ bể hệ thống. Ông Trần Du Lịch, ĐBQH TP. Hồ Chí Minh khẳng định thêm, Ngân hàng Nhà nước đi mua 3 ngân hàng bằng cơ chế chứ không bỏ tiền ra và trả nợ thay. Bởi, “nếu Ngân hàng Nhà nước đi xin tiền để xử lý thì chắc đại biểu Quốc hội sẽ lắc đầu hết. Mà ở Việt Nam hiện nay, ngoài Ngân hàng Nhà nước, không tổ chức kinh tế nào đủ tiềm lực và uy tín để mua lại 3 ngân hàng như thế để rồi củng cố và người dân vẫn gửi tiền vào” ông Lịch nói.

  1. Chuyện mua ngân hàng 0 đồng và xa hơn là tái cơ cấu hệ thống ngân hàng, một trong 3 trụ cột cần tái cơ cấu bên cạnh hai trụ cột đầu tư công và doanh nghiệp nhà nước, mặc dù được các chuyên gia đánh giá là đạt được thành công cả về chất và lượng đúng theo kịch bản đề ra nhưng vẫn còn rất nhiều việc phải làm. Ngay như chuyện giải quyết êm thấm 3 ngân hàng trên mà không gây chuyện rút tiền ồ ạt, cũng chỉ nên được coi là giải pháp tình thế, trước mắt ít ra là dưới góc độ pháp lý theo nhận định của bà Lê Thị Nga. Điều này cũng phù hợp với khuyến nghị của Quỹ Tiền tệ quốc tế, theo đó đây chỉ là bước đi đầu tiên hướng đến khuôn khổ phù hợp về thanh lý và phá sản ngân hàng. Để từ đó nguyên tắc kỷ luật thị trường được tăng cường với các cổ đông và người gửi tiền.

Cụ thể hơn, dưới góc độ một chuyên gia hàng đầu về giao dịch dân sự, Thứ trưởng Bộ Tư pháp Đinh Trung Tụng trong khi đánh giá cao chuyện mua ngân hàng với 0 đồng cho rằng Ngân hàng Nhà nước cần xây dựng được hệ thống cảnh báo rủi ro với các tổ chức tín dụng để từ đó kịp thời chấn chỉnh. Chuyện VAMC có tư cách pháp nhân trong khi pháp luật dân sự Việt Nam chỉ chấp nhận chuyện cá nhân mới được ủy quyền trước tòa đã hạn chế đáng kể hiệu quả xử lý nợ xấu của công ty này. “Đáng mừng là Bộ luật dân sự trình ra kỳ họp hiện tại của Quốc hội đã bổ sung thêm việc chấp nhận pháp nhân được nhận ủy quyền trước tòa”.

Một câu hỏi được nhiều đại biểu Quốc hội quan tâm là khi Ngân hàng Nhà nước mua lại cổ phần của các tổ chức tín dụng thì quyền lợi của các cổ đông thiểu số sẽ ra sao. Bởi với các tổ chức tín dụng này vốn là công ty không niêm yết, chuyện kiểm soát nội bộ, kỷ luật công bố thông tin vốn thói “à uôm”, đến khi Ngân hàng Nhà nước tuyên bố tổ chức tín dụng này lỗ lớn cùng giá trị đầu tư của cổ đông bằng không thì cổ đông nhỏ lẻ mới biết. Theo bà Lê Thị Nga, chính Ngân hàng Nhà nước cần chủ động đề xuất thiết chế pháp lý giải quyết vấn đề này.

Thêm nữa theo bà Nga việc tái cơ cấu hệ thống các tổ chức tín dụng cần thiết phải đề cập đến vai trò trách nhiệm của Bảo hiểm tiền gửi. “Rà soát lại quy định của Luật Bảo hiểm tiền gửi cho thấy phải kéo Bảo hiểm tiền gửi vào đây”, bà Nga nói.

“Tái cấu trúc ngân hàng là một trong những chương trình tái cấu trúc cam go nhất, có thể nói xương máu, nước mắt và cả tù tội” chuyên gia Lê Xuân Nghĩa nhìn nhận.

Quang Lộ

———————————————————————–

Công thương (Tài chính – Ngân hàng) 27-10-2015:

http://baocongthuong.com.vn/cau-chuyen-mua-ngan-hang-gia-0-dong-va-tai-co-cau-ngan-hang.html

(60/1.644)

Bài viết 

311. Hãy nhìn từ mục tiêu của việc đánh thuế...

Hãy nhìn từ mục tiêu của việc đánh thuế bất động sản. [caption id="attachment_42152"...

Bình luận 

437. Cải cách thể chế và tôn trọng thị trường...

Chùm 3 bài Việt Nam - Khát vọng hùng cường: Cải cách thể chế và tôn...

Phỏng vấn 

4.427. Gần tết cảnh giác với tội phạm ngân hàng.

Gần tết cảnh giác với tội phạm ngân hàng. (HTV1) - Chương trình có...

Trích dẫn 

3.976. Cảnh giác hiện tượng rao bán bất động...

Cảnh giác hiện tượng rao bán bất động sản kiểu "phông bạt". (DV) -...

Tám luật 

334. ANVI xì luật hay Lạm bàn tám luật.

(ANVI) - “Lạm bàn tám luật” hay còn gọi là “ANVI xì luật”Chuyên...

Số lượt truy cập: 237,469