Ngân hàng cứu thị trường chứng khoán.
(DĐDN) – Trong bối cảnh thị trường chứng khoán đi xuống như hiện nay, một biện pháp được đưa ra là “dùng ngân hàng để cứu thị trường chứng khoán”. Nhưng phải cứu thế nào để có thể đạt tới một tổng thể hợp lý, minh bạch, khả thi hơn, mà không cần phải “hi sinh” một trong hai lợi ích của ngân hàng hay thị trường chứng khoán?
Không thể nói rằng chuyện sống chết của thị trường chứng khoán Việt Nam chỉ là câu chuyện của vài trăm ngàn nhà đầu tư có tài khoản trên các sàn giao dịch các Cty chứng khoán. Hiện nay, trong bối cảnh thị trường chứng khoán liên tục giảm điểm, điều đáng quan ngại nhất là tâm lý và hậu quả từ việc nhà đầu tư sử dụng vốn vay, trong đó đa phần vốn vay từ các ngân hàng thương mại để đầu tư cổ phiếu.
Lúc này, không những nhà đầu tư vay vốn phải bán tháo cổ phiếu, mà chính các ngân hàng thương mại cũng phải thực hiện giải chấp chứng khoán để thu hồi nợ. Mặc dù trước đó, khi giá cổ phiếu suy giảm nhẹ, các ngân hàng thương mại có thực hiện bán chứng khoán cầm cố để thu hồi nợ, nhưng trong bối cảnh giá nhiều loại cổ phiếu đã xuống tới mức thấp hơn giá trị mà các ngân hàng tính toán để cho vay cầm cố, thì vấn đề này lại trở nên khó tiên đoán hơn. Nếu các ngân hàng thương mại bán cổ phiếu để thu hồi vốn, thì sẽ phải đối mặt với nguy cơ thiếu hụt trầm trọng số tiền gốc và lãi. Nhưng nếu các ngân hàng thương mại không giải chấp cổ phiếu, thì cũng buộc phải ráo riết thúc ép đòi nợ nhà đầu tư hay buộc họ phải bổ sung thêm tài sản thế chấp hay cầm cố. Nhà đầu tư nếu không đáp ứng được các yêu cầu này buộc phải bán cổ phiếu cầm cố và cổ phiếu được mua từ vốn vay của ngân hàng. Và như vậy, ngân hàng được xem là một trong những “thủ phạm” quan trọng dẫn đến tình trạng “bán tháo” chứng khoán.
Nguồn tiền từ ngân hàng được ví như “nguồn máu” nuôi dưỡng thị trường, nếu ngân hàng rút tiền về một cách từ từ, thì thị trường sẽ dần dần “thay máu” và thích ứng, nhưng nếu ngân hàng rút gấp gáp, thì thị trường sẽ bị “sốc phản vệ”, nhanh chóng “cạn máu và tê liệt”. Trong bối cảnh hiện nay, thị trường chứng khoán đang có tác động lớn đến thị trường tài chính – tiền tệ – ngân hàng. Ngược lại, ngân hàng cũng đang ảnh hưởng rất lớn đến thị thị trường chứng khoán và một số thị trường khác. Do đó, mỗi đợt “tiếp máu” cho thị trường chứng khoán và cứu lạm phát vừa qua, dù vô tình hay hữu ý, đã “rút máu” của thị trường tiền tệ. Và phản ứng ngược lập tức xuất hiện. Để cứu giá (lạm phát), các ngân hàng thương mại phải hi sinh bằng việc giảm dư nợ cho vay, tăng dự trữ bắt buộc, mua trái phiếu bắt buộc… Tức là ngân hàng chịu thua thiệt lớn khi đi vay của dân với lãi suất cao để phải gửi lại ngân hàng nhà nước với lãi suất thấp. Chính điều này đã gây “tổn thương” cho ngân hàng và nền kinh tế lập tức chịu “vạ”. Trong trường hợp này, chúng ta vẫn có thể tìm ra một giải pháp cân đối lợi ích chung. Đó là hút bớt tiền trong lưu thông nhưng trả lãi suất cho các ngân hàng hòa vốn (bằng lãi suất huy động bình quân của các ngân hàng), thậm chí có thể cao hơn một chút. Như vậy, một mũi tên sẽ trúng hai đích.
Để cứu thị trường chứng khoán, Chính phủ và ngân hàng nhà nước yêu cầu các ngân hàng thương mại không giải chấp cổ phiếu. Như vậy, ai sẽ chịu trách nhiệm về nợ xấu của các ngân hàng thương mại, ai chịu trách nhiệm về việc thua lỗ nếu giá cổ phiếu tiếp tục xuống thấp hơn nữa, ai chịu trách nhiệm về việc mất khả năng thanh toán của các ngân hàng thương mại khi không thu được nợ đến hạn để trả tiền cho người gửi?… Nếu cần thiết phải ngăn chặn sức ép giải chấp từ các ngân hàng thương mại, thì tại sao ngân hàng nhà nước không mạnh dạn cho phép khoanh nợ đối với các khoản cho vay đầu tư kinh doanh chứng khoán, tạm thời không tính vào nợ xấu, như đã từng áp dụng đối với ngân hàng thương mại nhà nước?
Đó chỉ là hai vấn đề đi xa hơn hai giải pháp đang được Nhà nước áp dụng để cứu thị trường chứng khoán. Làm như vậy, vừa cứu thị trường chứng khoán, đồng thời cũng cứu cả ngân hàng, tránh dẫn đến vòng lặp luẩn quẩn giáng vào nền kinh tế. Tóm lại, cần phải dùng ngân hàng để cứu thị trường chứng khoán, nhưng vẫn có thể đạt tới một tổng thể hợp lý, minh bạch, khả thi hơn, mà không cần phải “hi sinh” một trong hai lợi ích.
Luật sư Trương Thanh Đức, Giám đốc Công ty Luật ANVI, Trọng tài viên VIAC.
Báo Diễn đàn Doanh nghiệp ngày 22-5-2008
05:17′ AM – Thứ năm, 22/05/2008