(DĐDN) – Kế hoạch xây dựng phương án điều chỉnh mức lương tối thiểu vùng năm 2016, trong đó có đề nghị tăng mức lương tối thiểu vùng lên 16,8% của Hội đồng Tiền lương Quốc gia đang thu hút sự quan tâm của dư luận.
DĐDN đã có cuộc trao đổi với Luật sư Trương Thanh Đức – Giám đốc Công ty Luật ANVI về vấn đề này.
Theo LS Trương Thanh Đức, yêu cầu tăng lương tối thiểu có vẻ đúng đắn, hợp lý: Phải đảm bảo được thu nhập tối thiểu giúp người lao động ổn định cuộc sống, tái tạo sức lao động và tích tụ vốn… Điều đó khỏi có gì bàn cãi nhưng vấn đề ở chỗ doanh nghiệp lấy đâu ra tiền để chi lương cho người lao động trong bối cảnh còn rất khó khăn, chỉ mong tồn tại chứ không mong gì phát triển. Đối với một số doanh nghiệp có sẵn tiềm lực, vốn sống khỏe lâu nay, mức lương tối thiểu đặt ra một họ sẵn sàng trả gấp ba để giữ chân lao động và thu hút nhân tài. Điều này hiển nhiên họ đã làm lâu rồi, không phụ thuộc vào yêu cầu tăng lương của Nhà nước vì họ hiểu rằng đồng lương quyết định tới sự thành bại của doanh nghiệp. Còn với hơn 70% doanh nghiệp đang “sống dở, chết dở”, vật vã trong khó khăn, sản xuất kinh doanh chỉ mang tính chất cầm cự, thua lỗ, họ sẽ đáp ứng ra sao? Nếu đề xuất tăng lương được áp dụng, giới cần lao mừng một, doanh nghiệp sẽ phải lo gấp 3- 4. Hậu quả này liệu có ai gánh nổi?
– Vậy quan điểm của ông về mức kiến nghị điều chỉnh lương tối thiểu vùng năm 2016 tăng 16,8% từ phía đại diện người lao động?
Quan hệ lao động luôn cần phải bảo đảm sự hài hòa. Người lao động luôn luôn muốn lương càng cao càng tốt còn người sử dụng lao động thì ngược lại, càng ít chi phí càng tốt. Cuối cùng, chắc chắn sẽ phải đi đến một sự thỏa hiệp, nhưng có nguy cơ không theo đúng quy luật: Nếu cung nhiều thì giá sẽ rẻ, cầu nhiều thì giá sẽ đắt, tức thừa lao động thì lương thấp, thiếu lao động thì lương cao. Đây là một cơ chế rất hành chính, nhưng vì luật định nên buộc phải chấp nhận. Điều quan trọng nhất của hệ thống pháp luật là phải tạo ra một môi trường giúp cho lao động tự do dịch chuyển, sao cho phù hợp nhất với khả năng, chuyên môn, nghề nghiệp, môi trường, địa bàn, lĩnh vực ngành nghề,… tạo ra hiệu quả cao nhất cho cả việc mua và bán sức lao động.
Quan điểm cá nhân của riêng tôi là: Nhà nước nên xem xét lại việc quy định và điều chỉnh mức lương tối thiểu theo hướng hãy để thị trường tự điều tiết. Nếu người lao động đáp ứng tốt yêu cầu của doanh nghiệp sẽ được hưởng mức lương cao. Ngược lại, khi không đáp ứng, có nghĩa rằng họ không được giao kết hợp đồng hoặc chỉ được hưởng mức lương thấp tương xứng.
– Có ý kiến cho rằng, hiện đang có sự đối xử mất cân đối trong việc trả lương giữa hai chủ thể là nhà nước và doanh nghiệp. Nếu mức lương tối thiểu vùng năm 2016 tăng 16,8% sẽ khiến nhiều doanh nghiệp rơi vào cảnh phá sản. Ông có đồng tình với quan điểm này?
Khi so sánh mối quan hệ giữa việc nhà nước và doanh nghiệp trả lương tối thiểu cho người lao động sẽ thấy quá vô lý! Nhà nước là ông chủ lớn nhất, đảm bảo quyền lợi nhất cho người dân nhưng lại chỉ trả cho người lao động mức lương tối thiểu là 1.050.000 đồng/người/tháng, trong khi doanh nghiệp đã phải trả lương tối thiểu cho lao động cao gấp 2-3 lần.
Chỉ cần tăng lương tối thiểu lên hơn 10%, với những doanh nghiệp có hàng ngàn lao động đang trả lương sát mức tối thiểu thì chi phí tăng thêm là vô cùng lớn.
Chưa nói, đặt ra mức lương tối thiểu, kể cả sự nhiều lần điều chỉnh nhưng vẫn là quá thấp, dưới xa mức sống tối thiểu.
– Chính sách tăng lương tối thiểu vùng lần này liệu có tạo ra sự đối phó của doanh nghiệp không, thưa ông?
Bên cạnh mức lương tối thiểu (tăng thêm) theo quy định của Nhà nước thì còn nhiều vấn đề khác ảnh hưởng đến người lao động như: Môi trường, độc hại, số giờ làm việc, phúc lợi… Bao nhiêu những thứ này nếu doanh nghiệp không thực hiện nghiêm túc thì người lao động cũng không được lợi gì hơn. Khi đó, vấn đề tăng lương tối thiểu sẽ trở thành “lợi bất cập hại”. Người lao động được it, mất nhiều. Khi đó, doanh nghiệp sẽ ban hành những quy định phạt lỗi người lao động hoặc tìm mọi cách “lách luật” để tồn tại. Đơn cử như doanh nghiệp sẽ tính tới bài toán kinh doanh có lợi nhất, thay vì một giờ chỉ làm ra được 10 sản phẩm, họ sẽ ép lao động phải tăng lên 12 sản phẩm/giờ.
Hơn nữa, cho dù có tăng mức lương tối thiểu vùng lên vài chục phần trăm cũng không thật sự cải thiện được đời sống cho người lao động. Nhìn lại lịch sử tiền lương của Việt Nam, trong vòng 10 năm qua, chúng ta đã điều chỉnh tăng lương không dưới 10 lần từ mức 350.000 đồng/người/tháng của năm 2005 lên mức thấp nhất 2.150.000 – 3.100.000 đồng vào năm 2015 nhưng đời sống của người lao động vẫn gần như không có cải thiện gi. Thậm chí, nhiều nơi, đời sống của giai cấp công nhân ngày càng mòn mỏi, teo tóp. Điều này chứng minh thực tế, tại sao ở nhiều doanh nghiệp hiện nay, người lao động cứ lao vào làm thêm giờ, bất chấp vượt quá giới hạn luật định, bởi nếu không làm thêm giờ thì sẽ không có đủ tiền lo cho cuộc sống tối thiểu nhất.
– Ở góc độ một luật sư, ông có kiến nghị giải pháp gì cho vấn đề tiền lương để hài hòa giữa chính sách của Nhà nước và lợi ích của doanh nghiệp cũng như người lao động?
“Cần can thiệp ở mức cần thiết nhất, hợp lý nhất và tối thiểu nhất vào thị trường lao động.”
Tôi cho rằng đề xuất tăng lương tối thiểu vùng chỉ mang tính hình thức. Thực chất chưa có lương tối thiểu, vi không đảm bảo được cuộc sống tối thiểu cho người lao động. Có doanh nghiệp luôn phải lo sẽ tìm mọi cách, trong đó có việc tăng lương để giữ lao động. Khi đó, không ai quan tâm đến mức lương tối thiểu. Ngược lại, nhiều lao động sẵn sàng chấp nhận mức lương thấp hơn tối thiểu, vì nếu không thì không có nguồn sống. Tự khắc thị trường sẽ điều chỉnh, quyết định mức lương tối thiểu và tối đa. Ví dụ: Đối với khu vực nội thành Hà Nội, Sài Gòn thì mức lương tối thiểu phải là chừng 5 triệu đồng/tháng. Nhưng nếu ai đó chi trả 3 triệu mà người lao động vẫn chấp nhận, thì đó là điều hợp lý. Quan trọng là thỏa thuận tự nguyện, “thuận mua vừa bán”. Trong tình trang hiện nay, thì việc tăng lương tối thiểu sẽ không hiệu quả, không linh hoạt, không tạo ra sự cạnh tranh tốt cho thị trường lao động. Còn nếu cứ phải tăng lương tối thiểu lên như đề nghị của Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam là 16% thì rất có thể doanh nghiệp không đủ tiền thuê lao động và người lao động cũng bớt đi cơ hội có việc làm.
Quy luật của thị trường, chỗ nào thu hút thì lao động sẽ dồn vào đấy và ngược lại lao động sẽ bỏ đi. Còn nếu mặt bằng của nền kinh tế không cho phép, nếu đa số doanh nghiệp không có khả năng đáp ứng được, thì tăng lương tối thiểu sẽ gây phản tác dụng. Ấn định lương tối thiểu chỉ có ý nghĩa thực sự nếu như, doanh nghiệp không trả được mức lương đó, thì người lao động được hưởng lương hay trợ cấp thất nghiệp bằng mức lương tối thiểu.
Thị trường cạnh tranh sẽ hình thành nên mặt bằng tiền lương tốt nhất, doanh nghiệp muốn thuê lao động thì không thể trả quá thấp so với thị trường. Nếu vẫn có nhiều lao động chỉ có mức lương quá thấp, không đảm bảo cuộc sống tối thiểu, thì Nhà nước phải đưa vào diện chính sách hỗ trợ cho họ, như trợ cấp khó khăn, miễn bảo hiểm y tế, cho vay hỗ trợ mua nhà ở…
Cuối cùng, vì vẫn phải thực hiện quy định của Bộ luật Lao động, nên vẫn phải tăng lương tối thiểu vùng, nhưng theo tôi, chỉ nên tăng 10%.
Cần tiếp tục khẳng định rằng đang có một thị trường lao động, thì cần tôn trọng và thúc đẩy thị trường phát triển. Vì vậy, cần can thiệp ở mức cần thiết nhất, hợp lý nhất và tối thiểu nhất vào thị trường.
– Xin cảm ơn ông!
Tăng khoảng từ 10% đến 12% là hợp lý
Việc xem xét mức tiền lương tối thiểu – về nguyên lý – cần phải được dựa trên 3 yếu tố theo quy định của pháp luật lao động bao gồm: Nhu cầu sống tối thiểu của người lao động và gia đình họ, điều kiện kinh tế – xã hội (mức tăng năng suất lao động) và mức tiền lương trên thị trường lao động (quan hệ cung – cầu lao động). Nhưng để có thể xác định được đầy đủ các yếu tố tác động tới việc điều chỉnh tiền lương tối thiểu hằng năm, cần xem xét thêm cả các yếu tố về sự phát triển của thị trường lao động, tình trạng, cơ hội về việc làm, trình độ tay nghề, năng suất lao động hiện nay…
Trên cơ sở dự báo tốc độ tăng chỉ số giá tiêu dùng (CPI) năm 2015 dưới 5% và mức tăng năng suất lao động bình quân khoảng 3,7% thì cần phải có điều chỉnh tiền lương ở mức hợp lý hơn. Với mức tăng lương tối thiểu vùng theo đề xuất của Tổng LĐLĐ VN lên khoảng 16%, đời sống của người lao động sớm được cải thiện, nhưng sẽ có những tác động như làm tăng giá thành sản phẩm của các doanh nghiệp. Doanh nghiệp có thể phải thu hẹp sản xuất. Còn nếu, mức tăng thấp dưới 10% như đề xuất của VCCI, thì đời sống của người lao động sẽ tiếp tục gặp khó khăn, không khuyến khích được tăng năng suất lao động, chậm thực hiện lộ trình đảm bảo mức tiền lương tối thiểu bằng nhu cầu sống tối thiểu.
Do đó, mức tăng tiền lương tối thiểu cho 4 vùng trong năm 2016 tăng khoảng từ 10% đến 12% là hợp lý. Điều này nhằm đảm bảo hài hòa lợi ích của người lao động, doanh nghiệp, nhà đầu tư và đảm bảo thực hiện các mục tiêu phát triển kinh tế – xã hội của Nhà nước đặt ra. Đặc biệt, mức tăng này còn đảm bảo lộ trình thực hiện mức tiền lương tối thiểu bằng nhu cầu sống tối thiểu của người lao động và gia đình họ vào năm 2018.
Nên quy định thêm thang lương phải có ít nhất 8 – 12 bậc
Rõ ràng, sau nhiều năm đổi mới và phát triển với những quy định của Chính Phủ về mức lương tối thiểu, thang lương áp dụng trong doanh nghiệp đã nảy sinh nhiều vấn đề xã hội. Chẳng hạn, về tiền lương hưu, nhiều người thấp hơn lương tối thiểu vùng, nhất là những người trước đây làm ở doanh nghiệp FDI và doanh nghiệp tư nhân. Dù đã nâng mức lương tối thiểu vùng, nhưng nếu Chính Phủ, Bộ LĐTBXH không thay đổi quy định về xây dựng thang lương thì sẽ vẫn tiếp tục xẩy ra vấn đề lương hưu thấp hơn lương tổi thiểu vùng.
Hiện nay, vấn đề xây dựng thang lương là do doanh nghiệp chủ động xây dựng và đăng ký với cơ quan lao động địa phương để thực hiện. Theo quy định thì chỉ cần đảm bảo mức lương tối thiểu không thấp hơn mức lương tối thiểu vùng, lương có qua đào tạo thì cộng thêm 5%, lương nghề nặng nhọc thì cộng thêm 7%. Khoảng cách giữa 2 bậc liền kề không nhỏ hơn 5%. Theo tôi, với quy định này, nhiều doanh nghiệp chỉ xây dựng thang lương 3 bậc mỗi bậc cách nhau đúng 5%, nhất là doanh nghiệp FDI. Như vậy, bậc cuối (bậc 3) sẽ bằng 1,1025 bậc đầu (bậc 1). Như vậy không hề sai luật, nhưng giảm rất nhiều tiền đóng BH so với các doanh nghiệp có nguồn gốc từ doanh nghiệp nhà nước, áp dụng thang lương nhiều bậc, hệ số bậc cuối và bậc đầu lớn hơn 2. Như vậy, không những giúp doanh nghiệp giảm tiền đóng BH và phí Công đoàn mà còn sẽ dẫn đến việc khi người lao động về hưu sẽ có mức lương hưu thấp hơn lương tối thiểu. Vì lương tối đa khi họ đóng bảo hiểm chỉ bằng 1,1025 mức lương tối thiểu.
Để giải quyết vấn đề này, tôi đề nghị, ngoài những quy định hiện hành Bộ LĐTBXH nên quy định thêm thang lương phải có ít nhất 8 – 12 bậc (tùy mức độ phức tạp để quy định số bậc cho từng ngành). Bậc cuối ít nhất cũng phải bằng 2 – 2,5 lần bậc 1 tùy theo số bậc trong thang lương. Người lao động nếu không có lỗi gì thì ít nhất 3 năm phải lên lương 1 bậc. Có như vậy mới giải quyết được vấn đề lương hưu không thấp hơn lương tối thiểu và nguồn thu quỹ bảo hiểm, quỹ công đoàn sẽ đều tăng.
M.Thanh, T.Anh ghi
Nguyễn Thành thực hiện
——-
Diễn đàn Doanh nghiệp (Tăng lương tối thiểu vùng) 30-8-2015:
http://enternews.vn/de-xuat-tang-luong-toi-thieu-vung-2016-hay-de-thi-truong-tu-dieu-tiet.html
(1.667/2.529)