819. Giải pháp bảo đảm an toàn, ổn định hệ thống ngân hàng

(ND) – Trong thời gian qua, chung quanh câu chuyện Ngân hàng Nhà nước Việt Nam (NHNN) mua ba ngân hàng yếu kém là Ngân hàng TMCP Xây dựng (VNCB), Ngân hàng TMCP Đại Dương (OceanBank) và Ngân hàng TMCP Dầu khí Toàn cầu (GPBank), có khá nhiều ý kiến băn khoăn về việc có căn cứ pháp lý không? NHNN sẽ làm gì với ba ngân hàng trên, có sử dụng ngân sách nhà nước không?

Căn cứ pháp lý

Theo TS Lê Xuân Nghĩa – nguyên Phó Chủ tịch Ủy ban Giám sát Tài chính Quốc gia, biện pháp mua ngân hàng 0 đồng là phù hợp các quy định của pháp luật và thông lệ quốc tế. Không chỉ vậy, đó còn là giải pháp sáng tạo của NHNN trong giai đoạn hiện nay vì không để đổ vỡ, bảo đảm an toàn hệ thống, an ninh tiền tệ cũng như an ninh kinh tế. Đồng quan điểm, luật sư Trương Thanh Đức – Giám đốc Công ty Luật ANVI

cũng cho rằng, mua ngân hàng 0 đồng là hoàn toàn có căn cứ pháp lý.

Theo đó, Điều 149 Luật NHNN đã quy định NHNN có thẩm quyền trực tiếp hoặc chỉ định tổ chức tín dụng (TCTD) khác góp vốn, mua cổ phần của TCTD được kiểm soát đặc biệt nếu: TCTD được kiểm soát đặc biệt không thực hiện tăng vốn, xây dựng, thực hiện kế hoạch tái cơ cấu; NHNN xác định số lỗ lũy kế của TCTD đã vượt quá giá trị thực của vốn điều lệ và quỹ dự trữ của TCTD được kiểm soát đặc biệt. Quyết định số 48/2013/QĐ-TTg ngày 1-8-2013 của Thủ tướng Chính phủ hướng dẫn chi tiết các nội dung liên quan góp vốn, mua cổ phần bắt buộc của TCTD bị kiểm soát đặc biệt. Ngoài ra, tại Quyết định số 254/QĐ-TTg và 255/QĐ-TTg ngày 1-3-2012 của Thủ tướng Chính phủ đã quy định rõ chủ trương, quan điểm và các biện pháp xử lý TCTD yếu kém.

Căn cứ quy định pháp luật hiện hành và nguyên tắc mua lại cổ phần bắt buộc của TCTD, NHNN đã thực hiện việc mua cổ phần của ba ngân hàng nói trên theo giá trị thực, hợp lý của cổ phần. Về nguyên tắc, việc mua, bán, chuyển nhượng tài sản phải có giá cả và giá cả phải phù hợp giá trị. Tài sản không có giá trị thì giá cả bằng 0 đồng. Do cổ phần của ba ngân hàng trên đã mất hết giá trị (vốn chủ sở hữu của các ngân hàng này âm), vì vậy NHNN chỉ mua lại với giá 0 đồng/cổ phần. Khi đó, quyền lợi của cổ đông tại ngân hàng đó cần phải chấm dứt, song các nghĩa vụ, trách nhiệm, nhất là trong quan hệ vay mượn với ngân hàng vẫn phải tiếp tục thực hiện theo quy định của pháp luật.

Với quy trình xử lý chặt chẽ, công khai, minh bạch theo quy định của pháp luật, không có sự áp đặt chủ quan, duy ý chí của Nhà nước trong việc xác định giá trị doanh nghiệp, giá trị thực của vốn điều lệ và quỹ dự trữ cũng như giá trị cổ phần của ngân hàng yếu kém cần phải can thiệp bắt buộc.

Cũng theo các chuyên gia, việc NHNN mua lại cổ phần bắt buộc của các ngân hàng thương mại (NHTM) yếu kém nhằm bảo đảm sự an toàn, ổn định, trật tự của hệ thống ngân hàng và thị trường tài chính; bảo vệ quyền lợi của người gửi tiền; bảo đảm quá trình cơ cấu lại ngân hàng yếu kém không ảnh hưởng an ninh chính trị và trật tự an toàn xã hội. Về chủ trương, Bộ Chính trị và Chính phủ cũng thống nhất quan điểm trong giai đoạn hiện nay, chưa áp dụng phá sản TCTD theo quy định của Luật Phá sản để bảo đảm giữ vững ổn định kinh tế vĩ mô, an ninh chính trị và trật tự an toàn xã hội. Do đó, việc NHNN mua lại bắt buộc đối với các NHTM yếu kém là giải pháp cuối cùng, khi không còn giải pháp xử lý khác khả thi hơn để đạt được mục tiêu nói trên.

Ngân hàng Nhà nước sẽ làm gì với các ngân hàng 0 đồng?

Sau khi NHNN mua lại NHTM yếu kém và chuyển đổi mô hình sang công ty trách nhiệm hữu hạn một thành viên do NHNN là chủ sở hữu, NHNN chỉ định NHTMNN tham gia quản trị, điều hành và thực hiện phương án cơ cấu lại được duyệt. Đối với ba NHTM vừa được NHNN mua lại, NHNN chỉ định Vietcombank quản trị, điều hành VNCB và VietinBank quản trị, điều hành OceanBank và GPBank.

Kể từ khi NHNN chính thức tiếp quản VNCB, OceanBank và GPBank, NHNN không phải cho vay đặc biệt để chi trả tiền gửi; hoạt động của ba ngân hàng này đã ổn định và cải thiện hơn: nợ xấu, tài sản không sinh lời bước đầu được xử lý và thu hồi; tiền gửi mới được gia tăng; quản trị điều hành được nâng cao. Được biết, NHNN đang chỉ đạo các NHTMNN triển khai các phương án tái cơ cấu với hai nhiệm vụ trọng tâm là xử lý nợ xấu, thu hồi tài sản không sinh lời và tiếp tục phát triển hoạt động kinh doanh theo hướng an toàn, lành mạnh.

Sau khi những khó khăn, yếu kém được khắc phục một bước quan trọng và hoạt động của ngân hàng được NHNN mua lại về cơ bản ổn định và trở lại bình thường, giá trị doanh nghiệp và vốn chủ sở hữu của ngân hàng được mua lại gia tăng, NHNN sẽ tiến hành thoái vốn thông qua sáp nhập, hợp nhất với ngân hàng khác, cổ phần hóa hoặc bán cho nhà đầu tư tiềm năng…

Ngân hàng Nhà nước có sử dụng ngân sách nhà nước không?

Theo lý giải của TS Lê Xuân Nghĩa, việc NHNN mua ngân hàng 0 đồng tức là NHNN không phải bỏ tiền ra mua ngân hàng. Theo quy định của pháp luật, các khoản cho vay đặc biệt của NHNN đối với ngân hàng được mua lại đến nay được ưu tiên hoàn trả trước so với các khoản nợ khác của ngân hàng; các khoản vay tái cấp vốn (nếu có) phải được bảo đảm bằng tài sản. Do đó, về thiệt hại kinh tế đối với NHNN là hầu như không có.

Các quan hệ kinh tế, tài chính giữa VietinBank, Vietcombank với ba ngân hàng VNCB, OceanBank và GPBank là quan hệ dân sự bình thường giữa hai pháp nhân độc lập và phải tuân thủ theo quy định của pháp luật. VietinBank, Vietcombank không phải gánh chịu các chi phí, tổn thất và không phải cấp vốn đối với ba ngân hàng được mua lại, ngoài việc cử người tham gia quản trị, điều hành tại ngân hàng mua lại; hỗ trợ về cơ hội kinh doanh, khách hàng. Các khoản hỗ trợ vốn của NHNN cho ngân hàng được mua lại là quan hệ tín dụng và ngân hàng mua lại có nghĩa vụ trả nợ NHNN theo đúng quy định của pháp luật.

Như vậy, biện pháp mua lại NHTMCP yếu kém được NHNN phối hợp chặt chẽ với các bộ, ngành liên quan triển khai theo đúng quy định của pháp luật và chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ; không sử dụng tiền của ngân sách nhà nước; không gây thiệt hại kinh tế cho Nhà nước, NHNN và các NHTMNN được chỉ định tham gia quản trị, điều hành. Việc mua lại và tiếp quản các NHTMCP yếu kém trong thời gian qua đã góp phần bảo đảm an toàn hệ thống các TCTD, ổn định thị trường tiền tệ và củng cố niềm tin của người gửi tiền đối với hệ thống ngân hàng và các chủ trương, biện pháp cơ cấu lại các TCTD.

Minh Phương

——————————————-

Nhân Dân (Tin tức) 11-11-2015:

http://www.nhandan.com.vn/mobile/_mobile_kinhte/_mobile_tintuc/item/27942102.html

(338/1.386)

Bài viết 

311. Hãy nhìn từ mục tiêu của việc đánh thuế...

Hãy nhìn từ mục tiêu của việc đánh thuế bất động sản. [caption id="attachment_42152"...

Bình luận 

437. Cải cách thể chế và tôn trọng thị trường...

Chùm 3 bài Việt Nam - Khát vọng hùng cường: Cải cách thể chế và tôn...

Phỏng vấn 

4.427. Gần tết cảnh giác với tội phạm ngân hàng.

Gần tết cảnh giác với tội phạm ngân hàng. (HTV1) - Chương trình có...

Trích dẫn 

3.976. Cảnh giác hiện tượng rao bán bất động...

Cảnh giác hiện tượng rao bán bất động sản kiểu "phông bạt". (DV) -...

Tám luật 

334. ANVI xì luật hay Lạm bàn tám luật.

(ANVI) - “Lạm bàn tám luật” hay còn gọi là “ANVI xì luật”Chuyên...

Số lượt truy cập: 237,504