82. Luật lệ lắt léo, bóp méo thị trường.

Luật lệ lắt léo, bóp méo thị trường.

(NQL) – Lãi suất không chỉ là “món chính” của các ngân hàng, mà còn là “thực đơn” của một nền kinh tế 80 triệu dân. Thế nhưng, luật lệ liên quan đến lãi suất đã bao lần rơi vào tình cảnh lắt léo, tréo ngoe và bất khả thi. Nhà quản lý đau đầu, dân chúng hoang mang, ngân hàng lo sợ.
Bộ luật ngã vật trước… Bộ, Ngành (!?)

Lãi suất là chỉ số đo lường hoạt động và hiệu quả của nền kinh tế. Bộ luật Dân sự, Bộ luật Lao động, Bộ luật Hình sự và nhiều văn bản khác đều có những quy định lấy mức lãi suất do Ngân hàng Nhà nước (NHNN) làm căn cứ trong nhiều trường hợp. Tuy nhiên, trong nhiều năm qua, căn cứ mà các Bộ luật đã dựa vào hoá ra là ảo. Chẳng hạn, theo Luật Lao động, nếu doanh nghiệp chậm trả lương, phải đền bù cho người lao động một khoản tiền ít nhất bằng lãi suất tiền gửi tiết kiệm không kỳ hạn do NHNN công bố. Bộ luật Dân sự năm 1995 cũng quy định về nghĩa vụ trả chậm của bên vay là phải trả lãi theo lãi suất tiết kiệm do NHNN quy định. Các điều luật quy định thật cụ thể, rõ ràng, nhưng nếu phải áp dụng vào thực tế, thì cho ngay một đáp án: Bế tắc. Vì từ năm 1996 đến nay, hoàn toàn không có cơ sở pháp lý để xác định và áp dụng theo mức lãi suất tiết kiệm do NHNN công bố. NHNN cho mình là “vô can” trước việc “khai tử” các điều luật nói trên.

Một loạt quy định về lãi suất cho vay, lãi suất quá hạn, lãi suất chậm trả, lãi suất chậm thi hành án,… trong Pháp lệnh Hợp đồng kinh tế năm 1989, Bộ luật Hình sự năm 1985, Bộ luật Dân sự năm 1995, Luật Thương mại năm 1997,… cũng bất ngờ bị “tuyên án tử hình”, vì NHNN đã bỏ hẳn việc quy định về lãi suất tiết kiệm từ 01-1996, bỏ ấn định cụ thể lãi suất nợ quá hạn từ 6-1999 và bỏ quy định về lãi suất cho vay từ 6-2002 (xem biểu đồ trần lãi suất cho vay).

Như vậy, văn bản của cấp bộ đã vô hiệu hoá một loạt quy định của các Bộ luật cùng với văn bản dưới luật.

Điều rất lạ là ở chỗ, dù không còn căn cứ pháp lý, nhưng cả hệ thống toà án và các cơ quan thi hành án vẫn cứ ấn định được các mức lãi suất trong hàng vạn bản án và quyết định thi hành án trong suốt nhiều năm trời. Ba cơ quan điều tra, truy tố và xét xử vẫn kết tội được người cho vay lãi nặng, dù chẳng đào đâu ra “mức lãi suất cao nhất mà pháp luật quy định” trong quy phạm hình sự bắt buộc: “cho vay với mức lãi suất cao hơn mức lãi suất cao nhất mà pháp luật quy định từ mười lần trở lên”. Luật Nhà ở năm 2005, lại “đẻ” thêm một quy định “bắt vạ” NHNN: Đó là quy định hoàn trả tiền mua nhà xã hội “có tính lãi suất theo quy định của Ngân hàng nhà nước

Ai làm cho lãi suất cơ bản mất vai trò cơ bản?

Luật NHNN đã quy định: Lãi suất cơ bản làm cơ sở cho các tổ chức tín dụng ấn định lãi suất kinh doanh. Song, từ tháng 6-2002 đến hết năm 2005, lãi suất cơ bản không còn giá trị pháp lý và cũng không hề có ý nghĩa thực tế. NHNN đã thực hiện cơ chế lãi suất tự do, cho phép các tổ chức tín dụng không phải chịu bất kỳ một giới hạn nào về mức lãi suất huy động và cho vay. Cơ chế điều hành lãi suất này là một chìa khoá rất đúng đắn và thành công đối với kinh tế thị trường. Nhưng, trái ngược với việc bộ ngành “quật” Bộ luật như nói trên, đến lượt luật lại “khinh suất” chấm dứt chính sách tự do hoá lãi suất đã ổn định trong nhiều năm. Kể từ năm 2006 trở đi, Bộ luật Dân sự mới đã có một loạt quy định lấy lãi suất cơ bản làm căn cứ pháp lý. Vượt khỏi ý đồ của NHNN, lãi suất cơ bản bỗng nhiên được khoác cho ý nghĩa pháp lý quan trọng để: Xác định giới hạn lãi suất vay vốn, cho vay và lãi suất chậm trả… trong các hợp đồng tín dụng, bảo hiểm, kinh doanh thương mại, dân sự cho đến hợp đồng thuê đất; xác định lãi suất chậm thanh toán trong việc thi hành án về tài sản và xác định lãi suất làm căn cứ để truy tố, xét xử đối với tội cho vay nặng lãi….

Như vậy, lãi suất cơ bản mà NHNN chỉ mong “rũ bỏ” khi có cơ hội (sửa Luật NHNN) đã đàng hoàng trở thành một căn cứ pháp lý quan trọng để áp dụng tính lãi cho các quan hệ mua bán, vay mượn, thanh toán và trong nhiều hoạt động kinh tế, xã hội khác.

Khi Bộ luật Dân sự có hiệu lực, với tình thế quay ngoắt 180 độ, lẽ ra NHNN cần phải nâng mức lãi suất cơ bản lên 12%/năm. Có ý kiến còn chỉ rõ: “gánh nặng trách nhiệm pháp lý về vấn đề lãi suất cơ bản đang đè nặng lên NHNN”. Tiếc thay, Ngân hàng Trung ương đã bỏ qua trọng trách được uỷ thác suốt hơn 2 năm qua.

Hậu quả là tình trạng vi phạm Bộ luật Dân sự đã xảy ra khá phổ biến và sau đó lãi suất thị trường bị méo mó chưa từng thấy: Lãi suất huy động của hàng chục kỳ hạn dài ngắn khác nhau đều được niêm yết một con số 12%/năm. Đó là một trong những thủ phạm nguy hiểm đẩy cả hệ thống ngân hàng lâm vào tình trạng tê liệt, khủng hoảng, với nguy cơ mất khả năng thanh toán, do không huy động được vốn kịp thời.

Lãi suất cơ bản tác động nhiều hơn mong muốn?

Bộ luật Dân sự đã quy định: Lãi suất cho vay không được vượt quá 150% lãi suất cơ bản. Tức là, trước ngày 19/5 năm nay, lãi suất không được vượt quá 13,125%/năm. Nhưng trên thực tế, cả NHNN lẫn các ngân hàng thương mại đều vô tư công bố lãi suất cho vay cao hơn mức trên. Không có ai bị xử lý vì phạm luật, dù chỉ là bị lưu ý, nhắc nhở.

Đến ngày 19-5-2008, lãi suất cơ bản đột ngột tăng từ 8,75 lên 12%/năm (tăng 37% theo Quyết định số 16/2008/QĐ-NHNN). Như vậy, lãi suất cho vay cao nhất đã tăng từ sấp sỉ 13% lên 18%/năm. Lãi suất quá hạn theo quy định của Bộ luật Dân sự sẽ được phép cộng thêm 12%/năm (bằng mức lãi suất cơ bản). Các khoản nợ quá hạn có thể phải chịu mức lãi suất tới 30%/năm. Tại sao lại cao như vậy? Vì đây là lãi suất phạt, do vậy có cao thì mới có tác dụng răn đe, hạn chế bớt hành động bội ước, vi phạm cam kết.

Những trường hợp cho vay với mức lãi cao gấp 10 lần lãi suất cao nhất do NHNN quy định, tức là bằng 132%/năm, có thể trở thành tội phạm cho vay lãi nặng, đến nay được phép tăng lên đến 179%/năm vẫn cứ vô tội. Như thế, lãi suất cơ bản không chỉ còn là để tham khảo như nhận định của NHNN gần đây, mà có thể dẫn đến việc đưa nhiều người “vào tù, ra tội”. Về pháp lý, tăng lãi suất cơ bản để cho thị trường cân bằng hơn, lành mạnh hơn, minh bạch hơn và đúng luật hơn. Tăng lãi suất cơ bản, cũng góp phần quan trọng vào việc hút bớt tiền trong lưu thông, hỗ trợ đáng kể cho mục tiêu kiềm chế và đẩy lùi lạm phát.

Còn những gì dang dở?

Cuối cùng thì lãi suất cơ bản cũng đã tăng lên như mức nhiều ý kiến đề nghị từ mấy năm trước. Chỉ có điều, nó đang đuổi theo kinh doanh, chạy sau cuộc sống. Câu hỏi đặt ra là, việc tăng lãi suất nhiều như vậy, có chặn đứng tình trạng vi phạm pháp luật? Xin thưa: “cuộc chiến” thương trường vẫn còn tiếp diễn. Lãi suất ấy chỉ hạn chế một phần vi phạm, vì vẫn chưa phù hợp với thực tế, nhất là đối với các giao dịch vay vốn ngoài ngân hàng. Quy luật cung cầu, quy luật thị trường sẽ buộc phải phá vỡ những ràng buộc bất hợp lý, dù là khuôn khổ của luật hay văn bản dưới luật.

Vì mức lãi suất trên vẫn chưa “thâu tóm” được vấn đề, nên thị trường sẽ phải gánh thêm những chi phí vay vốn ngoài lãi công bố. Ngân hàng sẽ tiếp tục phát huy các công cụ nhà nghề để gia tăng giá trị với lãi suất cho vay. Đó là việc tính lãi không đổi trên toàn bộ nợ gốc cao nhất, dù khách hàng đã trả gần hết nợ gốc; đó là việc tận thu và nâng cao các loại phí tín dụng như: Phí hồ sơ, phí thẩm định, phí phê duyệt, phí thế chấp, phí thu xếp vốn, phí giải ngân, phí gia hạn, phí tư vấn,… Nếu không vì đòi hỏi khách quan, các ngân hàng chẳng dại gì tham gia cuộc đua đẩy mức lãi suất huy động tiệm cận trần lãi suất cho vay. Thị trường cho vay bên ngoài, nhất là cho vay cầm đồ, vẫn tha hồ ép người vay chịu mức lãi suất gấp nhiều lần lãi suất của các ngân hàng. Muôn vạn vụ việc diễn ra, chưa đến vài ba vụ bị xử lý. Xác xuất an toàn cao.

Để thể hiện vai trò quản lý của mình, NHNN sẽ tìm cách ngăn cấm tình trạng vượt rào. Tuyên bố xử phạt các ngân hàng vượt trần lãi suất đã được ban ra. Chỉ có điều, về luận lý thì có thể là không sai, nhưng về pháp lý thì lại là không đúng. Vì quy định về xử phạt hành chính trong lĩnh vực ngân hàng chỉ có hành vi “không công khai các mức lãi suất cho vay cho khách hàng biết” là bị phạt, chưa có chế tài xử lý vi phạm cho vay vượt mức lãi suất. Còn phí tín dụng, thì lại càng thoải mái. Lẽ nào, luật buộc thì cho qua, luật tha thì lại bắt?

Với chiều hướng bất lợi của nền kinh tế và thực trạng lạm phát như hiện nay, lãi suất cơ bản rất có thể còn “tăng trưởng” hơn nữa. Để chống lạm phát thành công trong thời kỳ 1987-1989, NHNN đã từng tăng lãi suất huy động lên tới 144%/năm (12%/tháng), lãi suất cho vay lên tới 119%/năm (9,9%/tháng) và lãi suất nợ quá hạn lên tới 252%/năm (21%/tháng).

Quyết định công bố lãi suất cơ bản áp dụng bắt buộc đối với muôn người, ảnh hưởng rất lớn đến gần như toàn bộ hoạt động sản xuất, kinh doanh, dịch vụ, tín dụng và giao dịch dân sự khác. Nhưng trong mấy năm qua, NHNN đã không coi đó là văn bản quy phạm pháp luật, do vậy nó không còn được “xếp chỗ” trong Công báo theo quy định. Các cơ quan, tổ chức và người dân không được tiếp cận các quy định này bằng con đường chính thống. Đến nay NHNN đã tái thừa nhận đó là văn bản quy phạm pháp luật. Tuy nhiên, nếu vẫn cứ duy trì việc công bố lãi suất cơ bản hằng tháng, thì lại nảy sinh một bất cập khác: Đó là việc văn bản có hiệu lực pháp lý trước khi được đăng Công báo, trái với Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật. Vì vậy, NHNN nên bỏ việc công bố lãi suất cơ bản hằng tháng, chỉ công bố và đăng Công báo khi nào cần có sự thay đổi. Hằng ngày cũng như sau hàng chục năm nữa, hàng vạn vụ việc vẫn còn phải căn cứ vào các quyết định này của NHNN.

Cuối cùng, vẫn cần tiếp tục xem xét sửa đổi Điều 476 của Bộ luật Dân sự, nâng giới hạn lãi suất cho vay từ 150% lên ít nhất 200% mức lãi suất cơ bản. Cùng là giới hạn lãi suất gấp 1,5 lần, nhưng ngày xưa là căn cứ vào lãi suất trần, còn hiện nay dựa vào lãi suất cơ bản, gần như là dựa vào lãi suất sàn.

Luật sư Trương Thanh Đức, Giám đốc Công ty Luật ANVI, Trọng tài viên VIAC. 

——————————————————

Tạp chí Nhà Quản lý số 60 tháng 6-2008

Là 1 trong 5 bài được giới thiệu trên bìa 1

(2.220)

————–

  • Đăng lại
  1. http://romalaw.com.vn/index.php?option=com_content&view=article&id=973%3Aluat-le-lat-leo-bop-meo-thi-truong&catid=55%3Atin-tuc&Itemid=5&lang=vi
  2. http://sanduan.vn/help.php?self=detail&id=764
  3. http://thongtinphapluatdansu.wordpress.com/2010/03/02/4717-4/
  4. http://vanbanphapluat.com.vn/news/luat-le-lat-leo–bop-meo-thi-truong.aspx
  5. http://vst.vista.gov.vn/home/item_view?objectPath=home/database/Folder.2004-04-19.4917/MagazineName.2007-08-29.3105/2008/2008_00060/MArticle.2008-07-29.0755 (Cơ sở dữ liệu toàn văn – Trung tâm Thông tin KH&CN Quốc gia).
  6. http://www.giadattoanquoc.com/help.php?self=detail&id=764
  7. http://www.lawdata.com.vn/news/luat-le-lat-leo–bop-meo-thi-truong.aspx
  8. http://www.luatsuvn.net/news/luat-le-lat-leo–bop-meo-thi-truong.aspx
  9. http://www.romelaw.com.vn/index.php?option=com_content&view=article&id=973%3Aluat-le-lat-leo-bop-meo-thi-truong&catid=55%3Atin-tuc&Itemid=5&lang=vi
  10. http://www.thesunlaw.com/news/luat-le-lat-leo–bop-meo-thi-truong.aspx

Bài viết 

311. Hãy nhìn từ mục tiêu của việc đánh thuế...

Hãy nhìn từ mục tiêu của việc đánh thuế bất động sản. [caption id="attachment_42152"...

Bình luận 

436. Bình luận về Luật siêu dễ - Luật Quản lý tài...

Bình luận về Luật siêu dễ - Luật Quản lý tài sản công. Cố vấn: Luật...

Phỏng vấn 

4.415. Ngân hàng 'nước rút' xác thực sinh trắc...

Ngân hàng 'nước rút' xác thực sinh trắc học trước giờ G. (NĐT) -...

Trích dẫn 

3.969. Không gia hạn Thông tư số 02/2023/TT-NHNN, nợ...

Không gia hạn Thông tư số 02/2023/TT-NHNN, nợ xấu gia tăng nhưng tốt...

Tám luật 

334. ANVI xì luật hay Lạm bàn tám luật.

(ANVI) - “Lạm bàn tám luật” hay còn gọi là “ANVI xì luật”Chuyên...

Số lượt truy cập: 235,789