821. Bảo vệ người đi vay thế nào đây?

(TT) – Vấn đề gây tranh cãi nhất và được kỳ vọng là sự thay đổi lớn nhất trong Bộ luật dân sự (BLDS) kỳ này là vấn đề lãi suất. Vấn đề này hiện nay vẫn chưa có ý kiến thống nhất, song giải pháp đã bắt đầu hé lộ.

Người đi vay thường nằm ở “thế dưới” đầy rủi ro -HỮU KHOA

Điều 476 BLDS hiện hành quy định lãi suất vay do các bên thỏa thuận, nhưng không được vượt quá 150% lãi suất cơ bản do Ngân hàng (NH) Nhà nước công bố đối với loại cho vay tương ứng. Quy định này để hạn chế việc cho vay nặng lãi hay còn gọi là tín dụng đen.

Nghịch lý

Từ năm 2010 đến nay, NH Nhà nước không ban hành điều chỉnh lãi suất cơ bản, 9% năm. Như vậy lãi suất cho vay tối đa 13,5%/năm. Theo luật sư Trương Thanh Đức, lãi suất này không bằng lãi suất huy động mà nhiều NH công bố trong những năm 2010, 2011, 2012 (21 – 22%).

Nếu theo thông tư 02/2011/TT-NHNN của NH Nhà nước thì lãi suất huy động tối đa trong hệ thống tổ chức tín dụng thời kỳ đó đã là 14,5%/năm. Lãi suất trần tối đa sẽ dẫn đến việc những người đi vay không có tài sản bảo đảm không được NH cho vay, mặc dù sẵn sàng chấp nhận vay với lãi suất cao hơn lãi suất trần và chỉ có đường duy nhất là tìm đến tín dụng đen.

Có người cho rằng quy định trần lãi suất để trừng phạt tội cho vay nặng lãi. Điều này không đúng. Theo điều 163 Bộ luật hình sự, tội cho vay nặng lãi chỉ áp dụng với người cho vay với lãi suất ít nhất là gấp 10 lần mức lãi suất cao nhất mà pháp luật quy định và có tính chất bóc lột… chuyên nghiệp.

Như vậy những người cho vay từ gấp đôi đến gấp chín lần lãi suất trần sẽ không bị xử lý. Điều này còn dẫn đến hệ quả hết sức vô lý là một người công khai vi phạm pháp luật vẫn được pháp luật bảo vệ tối đa.

Người theo đúng luật thì không được áp dụng mức lãi suất cao hơn mức trần. Còn người cố tình làm trái luật vẫn được hưởng lãi bằng mức trần. Kiểu như một người chạy xe quá tốc độ, cảnh sát giao thông chỉ nhắc nhở chứ không xử phạt.

Kết quả là tổ chức tín dụng không thể cho vay với mức lãi suất phi thị trường. Người dân gặp khó khăn không tiếp cận được hệ thống tín dụng, trong khi tín dụng đen vẫn hoành hành.

Hai phương án

Dự thảo BLDS đề xuất hai phương án: thứ nhất là áp dụng lãi suất trần cho vay 20%/năm hay 0,05%/ngày. Thứ hai là nâng trần lãi suất từ 150% lên 200% lãi suất cơ bản.

Phương án 2 khả thi nếu NH Nhà nước đồng ý tiếp tục ban hành lãi suất cơ bản. Phương án 1 có ưu điểm dễ áp dụng, và tương đồng với lãi suất chậm trả khi chậm nộp thuế. Tuy nhiên, nó có thể dẫn đến tình hình không sát với tính năng động của thị trường và lãi suất luôn thay đổi theo thời kỳ.

Phương án 1 dành được sự đồng tình trong dư luận nhiều nhất vì những ưu điểm nói trên. Nhiều nước như Đức, Pháp, Hà Lan đều đi theo phương án 1. Tuy nhiên, họ quy định mức lãi suất cho vay tiêu dùng và các loại cho vay khác. Trung Quốc, Ba Lan, Nga làm theo phương án 2, tức là quy định lãi suất cơ bản do NH trung ương ban hành.

Các nước theo phương án 1 là những nước có lạm phát thấp và nền kinh tế ổn định. Những nước theo phương án 2 là những nước có nền kinh tế chưa vững vàng và đồng tiền chưa tự do chuyển đổi, lạm phát có thể biến động.

Nếu quy định lãi suất cơ bản phải quy định khác biệt giữa lãi suất cho vay tiêu dùng và các loại lãi suất khác. Có một thực tế là các NH có thể áp dụng lãi suất trong trường hợp chậm thanh toán thẻ tín dụng lên đến 25 – 31%/năm mà không bị coi là trái pháp luật. Bởi vì các khoản vay này mang tính chất nhỏ và không phải quá ảnh hưởng đến tài sản của bên đi vay như các khoản vay phục vụ sản xuất kinh doanh. Tuy nhiên phải quy định rõ thế nào là cho vay tiêu dùng.

Quan điểm cho rằng không nên áp dụng trần lãi suất cũng không chứng minh được rằng nếu áp dụng trần lãi suất, các tổ chức tín dụng không thể cạnh tranh trong lĩnh vực tín dụng phi chính thức. Kinh nghiệm tại Đức cho thấy sau khi áp dụng trần lãi suất, các NH tiếp xúc được với người đi vay nhiều hơn và nạn tín dụng đen bị thu hẹp.

Vấn đề là phải tìm mức lãi suất phù hợp nhất. Do nhiệm vụ phải kiềm chế lạm phát, nên NH Nhà nước ban hành lãi suất cơ bản căn cứ trên lãi suất cho vay trung bình của các tổ chức tín dụng và chủ động thay đổi khi tình hình thị trường thay đổi. Nếu không làm được điều này thì buộc lòng Quốc hội phải chọn phương án 1, tức là áp dụng một lãi suất “cứng”.

Giải pháp cuối cùng dung hòa nhất có thể là sự kết hợp của hai giải pháp trên. Đó là bên cho vay có quyền chọn lãi suất cho vay tối đa 20%/năm hoặc nếu NH Nhà nước ban hành lãi suất cơ bản thì lãi suất cho vay không cao quá 200% lãi suất cơ bản. ■

LÊ NẾT

——————————————————

Tuổi trẻ (Vấn đề – Sự kiện) 13-11-2015:

http://tuoitre.vn/tin/tuoi-tre-cuoi-tuan/van-de-su-kien/ban-doc-va-ttct/20151113/bao-ve-nguoi-di-vay-the-nao-day/1002052.html

(29/1.031)

Bài viết 

311. Hãy nhìn từ mục tiêu của việc đánh thuế...

Hãy nhìn từ mục tiêu của việc đánh thuế bất động sản. [caption id="attachment_42152"...

Bình luận 

437. Cải cách thể chế và tôn trọng thị trường...

Chùm 3 bài Việt Nam - Khát vọng hùng cường: Cải cách thể chế và tôn...

Phỏng vấn 

4.427. Gần tết cảnh giác với tội phạm ngân hàng.

Gần tết cảnh giác với tội phạm ngân hàng. (HTV1) - Chương trình có...

Trích dẫn 

3.976. Cảnh giác hiện tượng rao bán bất động...

Cảnh giác hiện tượng rao bán bất động sản kiểu "phông bạt". (DV) -...

Tám luật 

334. ANVI xì luật hay Lạm bàn tám luật.

(ANVI) - “Lạm bàn tám luật” hay còn gọi là “ANVI xì luật”Chuyên...

Số lượt truy cập: 237,531