(KTĐT) – Trao đổi với báo Kinh tế & Đô thị về một số hành vi gian lận để trục lợi từ gói tín dụng ưu đãi 30.000 tỷ đồng, Luật sư Trương Thanh Đức – Giám đốc Công ty Luật ANVI cho biết: Những hoạt động này của DN BĐS không chỉ dừng ở mức “lách luật”, mà đây rõ ràng là “trái luật” để trục lợi.
Trường hợp này rủi ro lớn nhất rơi vào người mua, vì sau này nếu các cơ quan chức năng phát hiện sẽ thu hồi khoản chênh lệch do hỗ trợ lãi suất. Thậm chí buộc phải chấm dứt hợp đồng để chuyển sang gói vay thương mại. Không những vậy, việc làm sai trái này của các DN BĐS còn làm ảnh hưởng trực tiếp đến quyền lợi của chủ đầu tư khác, không được tham gia bán hàng theo gói này, đồng thời làm mất cơ hội của những người mua nhà hội đủ điều kiện được vay nhưng họ lại không tiếp cận được gói vay do những người không đủ điều kiện trước đó đã vay hết rồi.
Trong trường hợp những hợp đồng có khoản tiền chênh nộp trao tay cho chủ đầu tư xảy ra tranh chấp, khiếu kiện thì người mua nhà chỉ có thể được nhận lại số tiền đã ký kết trên hợp đồng, còn số tiền chênh nộp ngoài đương nhiên sẽ mất trắng vì không có hóa đơn chứng tờ chứng minh đã trao tiền cho chủ đầu tư. Về nguyên tắc những hoạt động không minh bạch của chủ đầu tư còn sai phạm ở khâu ghi chép, theo dõi sổ sách đầu ra, đầu vào, không hóa đơn chứng từ khi nhận tiền của khách hàng có thể xem là hành vi trốn thuế.
Gia Tuấn ghi
——-
Kinh tế & Đô thị (Bất động sản) 10-9-2015:
http://www.ktdt.vn/bat-dong-san/thi-truong/2015/09/8102eaeb/rui-ro-lon-nhat-roi-vao-nguoi-mua/
(331/331)