(TC) – “Có thể có sự tiêu cực nhất định khi cán bộ ngân hàng thông đồng với các đối tượng lừa đảo nhằm đáp ứng đủ chỉ tiêu cho vay hay đạt mục đích lợi ích nào đó”.
Thưa ông, đâu là lý do khiến hoạt động cho vay theo kiểu tín dụng đen hoành hành như hiện nay mà không bị xử lý?
Bên lề Hội thảo “Giải cứu người nghèo khỏi bẫy tín dụng đen”, Luật sư Trương Thanh Đức (ảnh) – Giám đốc Công ty Luật ANVI – đã có cuộc trao đổi với báo chí xung quanh những bất cập về pháp luật khiến hoạt động cho vay “tín dụng đen” nở rộ.
Luật pháp của chúng ta hiện nay vẫn còn những kẽ hở để các đối tượng lợi dụng. Thậm chí khi tòa án xét xử những vụ kiện tụng từ vay tín dụng đen còn chưa biết phải xử như thế nào thì làm sao người dân biết được hình thức cho vay này hợp pháp hay không hợp pháp.
Đương nhiên, những người thực hiện cho vay nặng lãi sẽ lợi dụng kẽ hở pháp luật để lách luật.
Chẳng hạn, Khoản 1 Điều 476 nói về lãi suất, Bộ luật Dân sự năm 2005 quy định: Lãi suất vay do các bên thỏa thuận nhưng không được vượt quá 150% của lãi suất cơ bản do Ngân hàng Nhà nước công bố đối với loại cho vay tương ứng.
Tuy nhiên, trên thực tế, người cho vay có thể áp mức lãi suất 200% hoặc cao hơn thế rất nhiều với điều kiện lãi nhập gốc… chỉ bằng một vài tiểu xảo rất đơn giản nên khó có thể phát hiện được. Đấy là lý do khiến hoạt động cho vay theo kiểu tín dụng đen diễn ra tràn lan nhưng không xử lý được.
Vậy theo ông, đâu là kẽ hở để hoạt động tín dụng đen bùng phát nhiều như hiện nay?
Ngoài việc người dân không hiểu biết, hoặc cũng có thể có trường hợp họ biết nhưng cố tình nhắm mắt làm liều vì cần khoản vay trước mắt, nhưng cái chính là có hai “cửa” để xảy ra sai sót:
Thứ nhất là ngân hàng, nếu cán bộ ngân hàng thẩm định hồ sơ kỹ lưỡng bằng cách xuống tận địa chỉ nơi đăng ký trên sổ đỏ để xác minh người vay tiền có đúng là chủ hộ thực sự hay không, đồng thời làm rõ mục đích vay vốn của khách hàng rồi mới chấp nhận cho khách hàng thế chấp sổ đỏ thì sẽ không để xảy ra hiện tượng lừa đảo dẫn đến tranh chấp.
Thứ hai, một “cửa” pháp lý rất quan trọng nhưng đã bị bỏ qua đó là phòng công chứng. Về nguyên tắc, bao giờ công chứng viên cũng phải giải thích rõ cho người cam kết hợp đồng công chứng về việc nếu không có nghĩa vụ trả nợ thì họ sẽ chịu mất nhà, cần phải biết rằng họ có tự nguyện đồng ý giao dịch này hay không.
Rất nhiều người nói rằng họ được chủ nợ dẫn đi công chứng nhưng chẳng biết công chứng cái gì và ký những giấy tờ gì. Thậm chí có những nạn nhân cho biết họ ký hàng loạt giấy tờ mà không có mặt công chứng viên.
Như vậy, sự thiếu hiểu biết về pháp luật của người dân, cộng với sự thiếu trách nhiệm của ngân hàng và phòng công chứng đã tạo kẽ hở cho các đối tượng cho vay tín dụng đen lợi dụng.
Liệu có tồn tại sự liên kết giữa một bộ phận cán bộ ngân hàng và các đối tượng cho vay tín dụng đen hay không, thưa ông?
Đáng tiếc là có trường hợp này.
Trước hết, cán bộ ngân hàng có thể không thực sự làm hết trách nhiệm, thậm chí họ không ý thức được mức độ rủi ro. Hoặc có thể có sự tiêu cực nhất định khi cán bộ ngân hàng thông đồng với các đối tượng lừa đảo nhằm đáp ứng đủ chỉ tiêu cho vay hay đạt mục đích lợi ích nào đó.
Trong trường hợp xảy ra tranh chấp, nếu kiện thì người đi vay tiền liệu có thắng kiện không khi chính họ là người đã ký các giấy tờ sang tên nhà đất?
Kể cả pháp luật có ủng hộ người dân thì họ cũng phải theo đuổi kiện tụng rất mất thời gian. Trong trường hợp pháp luật làm đến nơi đến chốn thì hoàn toàn có thể xử lý ít nhất theo hai hướng.
Xử lý theo tội cho vay nặng lãi nếu người bị hại chứng minh được. Nếu không, tòa án cũng có thể không công nhận hợp đồng bởi nó không đúng với ý chí, nguyện vọng của người tham gia hợp đồng nếu người tham gia chứng minh được có yếu tố lừa đảo hoặc bị cưỡng ép.
Với những giao dịch như thế, pháp luật hoàn toàn không thừa nhận.
Xin cảm ơn ông về cuộc trao đổi này!
Nguyễn Tuân (ghi)
——-
Tài chính Plus (Ngân hàng) 11-9-2015:
http://taichinhplus.vn/TIEN-TE/Ngan-hang/Luat-su-Truong-Thanh-Duc-Tin-dung-den-no-ro-tu-hai-cua-post154382.html
(894/894)