823. Làm giàu từ bán hàng đa cấp: Chưa thấy tiền đã ôm nợ

(PNTĐ) -Thiếu kinh nghiệm sống, cả tin, rất nhiều sinh viên bị những lời đường mật của những người tự xưng là chuyên viên bán hàng dẫn dụ vào mạng lưới bán hàng đa cấp.

Thu nhập kiếm thêm để tự nuôi thân học hành không thấy đâu, nhiều bạn trẻ phải đối mặt với những khoản nợ chồng chất, học hành bê trễ trong khi chủ nợ liên tục thúc ép, gọi điện đe dọa… 

Liên minh đa cấp đến tận cổng trường đại học tuyển nhân viên

bán hàng, lương 200 triệu đồng/tháng

Những ngày sống trong sợ hãi

Hơn 1 năm trước, từ Bắc Giang, Nguyễn Thu H tay nải lên TP nhập học mang theo biết bao kỳ vọng, niềm tin của gia đình và người thân. Cuộc sống của gia đình H chỉ trông vào mấy sào ruộng và chăn nuôi nhỏ lẻ. Để có tiền cho cô con gái đầu học đại học là cả sự cố gắng lớn của bố mẹ H. Nhắc đến gia đình, hai hàng nước mắt lăn dài trên má H. “Sau kỳ học đầu tiên, em đã bắt đầu kiếm việc làm thêm để có đồng ra đồng vào, giảm bớt gánh nặng cho bố mẹ. Giá như em cứ bằng lòng với thu nhập ít ỏi của công việc gia sư dạy Toán…” – H nghẹn lời.

Năm 2014 – thời điểm cơn bão đa cấp “ùa” vào các khu nhà trọ sinh viên. H và 3 bạn cùng nhà trọ cũng không phải là ngoại lệ. Cánh cửa của tòa biệt thự ở khu đô thị mới Yên Hòa – trụ sở văn phòng World – Nets Việt Nam chào đón H và hàng trăm bạn sinh viên khác đến từ nhiều trường ĐH đến tham dự các buổi hội thảo, thuyết trình, tập huấn. Nửa ngày bị những lời đường mật rót bên tai, bị choáng ngợp bởi khoản thu nhập hàng chục triệu đồng/tháng từ việc tham gia bán thực phẩm chức năng, bán càng nhiều lãi càng tăng theo cấp số cộng khiến sinh viên nào cũng háo hức và nhiệt tình.

Cũng như rất nhiều bạn trẻ khác, để trở thành nhân viên chính thức của mạng lưới bán hàng đa cấp, H bỏ tiền mua gói sản phẩm ban đầu với giá 18 triệu đồng rồi đi tiếp thị. Tuy nhiên, để có tiền làm vốn, giống như H, đa phần sinh viên đều được hướng dẫn đến “địa chỉ ruột” của World – Nets là một cửa hàng cầm đồ để đặt chứng minh thư, thẻ sinh viên cầm cố. Số tiền phải trả lãi hàng ngày từ 3.000 – 5.000 đồng/1 triệu đồng. Tất cả thủ tục vay mượn được thực hiện rất chóng vánh với sự hỗ trợ rất nhiệt tình của nhân viên công ty.

H trở thành nhân viên kinh doanh sau 2 ngày tham gia khóa đào tạo. Tất cả các mối quan hệ của H từ thân thiết đến quen sơ sơ đều được cô sinh viên này chào mua hàng và tỉ tê tham gia mạng lưới để đạt lợi nhuận kép: vừa có lãi từ hoạt động bán hàng vừa nâng cấp thứ hạng (level) của mình. Thứ hạng càng cao, lợi nhuận ròng hàng tháng càng lớn. Tuy nhiên, chỉ sau gần 1 tháng, H đã bắt đầu lo lắng khi thực phẩm chức năng không bán được lọ nào trong khi “lãi mẹ đẻ lãi con”, số tiền vốn 18 triệu ban đầu đã tăng hơn 20 triệu đồng. “Không có tiền trả nợ, chủ nợ thúc ép suốt ngày, em thực sự hoảng loạn và lo sợ, bị đánh đập, bị siết nợ, không có tâm trí đâu mà học hành nữa”. Bước đường cùng, khi khoản nợ lên đến 30 triệu đồng, H phải về quê cầu cứu bố mẹ. Chạy vạy vay nợ họ hàng, H mới có được đủ tiền để trả nợ gốc.

“Kinh tế gia đình kiệt quệ, ngoài giờ học, em xin thêm đủ việc, từ chạy bàn ăn, dọn dẹp nhà cửa để lấy tiền ăn học”. Vừa học vừa căng sức làm thêm, H mệt mỏi nhưng em tự thấy mình vẫn may mắn, còn được đến trường. Nhiều người bạn của H đã phải bỏ học đi làm thuê để trả nợ hoặc biệt xứ về quê. Thậm chí có nữ sinh vì không chịu được áp lực đã tính đến chuyện quyên sinh hoặc có những hành động tiêu cực như giả bị bắt cóc để lừa cha mẹ, lấy tiền trả nợ…

Kiếm bội tiền từ bán hàng đa cấp: chuyện không tưởng

Luật sư Trương Thanh Đức – Chủ nhiệm Câu lạc bộ Pháp chế ngân hàng cho biết, bán hàng đa cấp là hình thức bán hàng hiện đại và phát triển tại các nước nhưng khi vào Việt Nam, hình thức này đã bị một số đối tượng trục lợi và biến tướng thành một trò lôi kéo, lừa đảo. Nhiều chuyên gia luật đã ví von hình thức bán hàng đa cấp có dấu hiệu lừa đảo giống như con tắc kè hoa với đủ chiêu trò biến đổi khôn lường: khi thì dụ sinh viên kinh doanh thực phẩm chức năng, hàng gia dụng nhưng khi gặp bà con nông dân lại chuyển sang kinh doanh phân bón vi sinh… Vì thế, cái này bị phát hiện vi phạm, chấm dứt hoạt động thì cái khác lại mọc lên và “sống khỏe”.

Theo phân tích của LS Đức, sở dĩ có tình trạng trên một phần cũng do sự nhẹ dạ, cả tin của người dân, trong đó đối tượng sinh viên, kinh nghiệm sống còn thiếu, vừa cả tin vừa bị đánh trúng vào tâm lý hám lợi, bằng cách cho “ăn bánh vẽ” từ những khoản lợi nhuận lớn, trị giá hàng chục, hàng trăm triệu đồng mỗi tháng. Phần khác, lợi nhuận thu được không đến từ việc bán sản phẩm mà đến từ việc lôi kéo được nhiều người tham gia bán hàng đa cấp. Tiền ký quỹ, các loại lệ phí mà người tham gia lần đầu phải nộp và khoản tiền chênh lệch mà người tham gia mạng lưới bỏ ra khi mua sản phẩm giá đắt hơn nhiều lần giá trị thực chính là thu nhập nuôi sống các công ty đa cấp và trả lợi nhuận ngược lại cho người tham gia chứ không phải doanh số bán hàng.

Trên thực tế, không có hoạt động kinh doanh chân chính nào lại dễ dàng mang lại lợi nhuận nhanh, thậm chí lên đến vài trăm phần trăm lợi nhuận trong một thời gian ngắn. Điều đáng nói, có không ít sinh viên là nạn nhân của các liên minh bán hàng đa cấp, thay vì lên tiếng nói tố cáo hành vi lừa đảo thì các em lại “đâm lao phải theo lao”, cố tình “đưa” chị em họ, người thân, bạn bè vào “bẫy” với hy vọng có thể gỡ gạc được chút nào tốt chút đó. Chuyện tham gia bán hàng đa cấp mà mất bạn bè, tình thâm cũng xuất phát từ thực trạng này và khó cho việc xử lý dứt điểm. Vì vậy, trong thông báo ngày 2/11/2015, lãnh đạo trường Đại học Đại Nam đã gọi hiện tượng này là “ảo tưởng làm giàu vô lý” và cảnh báo sinh viên toàn trường, nhất là sinh viên năm thứ nhất cần tỉnh táo trước những lời mời hấp dẫn của các công ty bán hàng đa cấp.

Việt Bách – Nguyễn Hương

—————————————————————

Phụ nữ Thủ đô (Kinh tế – Xã hội) 19-11-2015:

http://baophunuthudo.vn/sites/epaper/PNTD/Detail.aspx?ArtId=22329&CatId=169

(128/1.302)

Bài viết 

311. Hãy nhìn từ mục tiêu của việc đánh thuế...

Hãy nhìn từ mục tiêu của việc đánh thuế bất động sản. [caption id="attachment_42152"...

Bình luận 

433. Bình luận về Chủ sở hữu hưởng lợi của...

Bình luận về Chủ sở hữu hưởng lợi của doanh nghiệp Tham luận Hội...

Phỏng vấn 

4.391. Bẫy nạn nhân với 'miếng mồi' lãi suất cao.

Bẫy nạn nhân với 'miếng mồi' lãi suất cao.(TT) - Vụ GFDI ở Đà Nẵng...

Trích dẫn 

3.908. Ngăn chặn những "văn phòng bất động sản...

Ngăn chặn những "văn phòng bất động sản di động" đẩy giá đất. (VTV.vn)...

Tám luật 

334. ANVI xì luật hay Lạm bàn tám luật.

(ANVI) - “Lạm bàn tám luật” hay còn gọi là “ANVI xì luật”Chuyên...

Số lượt truy cập: 231,849