(ANTĐ) – Sau khi Báo ANTĐ ra ngày 19-11 đăng bài “Tiền ảo IL Coin – thêm một cái bẫy được giăng ra”, nhiều bạn đọc đã gọi điện đến tòa soạn bày tỏ sự lo ngại và đề nghị cơ quan chức năng cần sớm kiểm tra các hoạt động kinh doanh trong lĩnh vực này. Đáng chú ý, một bạn đọc đã kể lại quá trình tham gia đầu tư vào loại tiền ảo này.
Minh họa: Thuần Thư
Lạc vào mê hồn trận
… Qua rất nhiều “kênh” giới thiệu, đảm bảo, cuối cùng chúng tôi cũng tiếp cận được một địa chỉ kinh doanh tiền ảo IL Coin trên đường Phạm Hùng, quận Nam Từ Liêm. Đó là chuỗi các phòng được thuê trên cùng mặt bằng ở một khối nhà cao tầng, trông rất khang trang. Có lẽ, đây là yếu tố đầu tiên mà các cá nhân điều hành “doanh nghiệp tiền ảo IL Coin” tính đến khi chọn thuê địa điểm, nhằm làm “mờ mắt” khách hàng.
Sau khi giới thiệu được ông H, chị K mách đến đây, một nam thanh niên khoảng hơn 30 tuổi tự giới thiệu là giám đốc nhóm, đề nghị tôi ngồi cùng nhóm khoảng 5, 6 người để nghe anh ta diễn thuyết. Theo tìm hiểu, lần lượt mỗi nhóm được vị giám đốc này dành cho khoảng 15-20 phút để thuyết trình tính ưu việt và chủ yếu là nghe còn hạn chế tối đa việc thắc mắc.
Trong 15 phút ấy, quả thực, mọi người rất dễ bị đưa vào mê hồn trận, bị hút bởi siêu lợi nhuận mà vị giám đốc đưa ra. Người tham gia kinh doanh tiền ảo IL Coin có thể lựa chọn các “gói đầu tư” từ vài chục đến trên 100 triệu đồng. Vị giám đốc khẳng định, ở nhiều nước trên thế giới, đặc biệt là Hoa Kỳ, việc kinh doanh này rất phát triển.
Không rõ hình thức kinh doanh, sử dụng tiền của các nhà đầu tư vào việc gì, nhưng vị giám đốc này quả quyết: “Tiền lãi sẽ được trả theo năm, với mức cao nhất trên 1 tỷ đồng”. Nhóm khách hàng chưa hết hoa mắt vì con số trên thì vị giám đốc trẻ tuổi đã bồi thêm: “Các vị hãy tự tin, quyết đoán đi. Tôi cũng có sự khởi đầu như các vị với thời gian chừng 9 tháng và giờ tôi đã có 5 công ty, cùng số vốn vài triệu euro”.
Tiền ảo không phải tiền hợp pháp
Liên quan đến vấn đề trên, Ngân hàng Nhà nước (NHNN) cho biết, theo các quy định pháp luật hiện hành, tiền ảo không phải là tiền tệ hợp pháp và cũng không phải phương thức thanh toán hợp pháp tại Việt Nam. Do đó, việc sử dụng tiền ảo như một loại tiền tệ hay phương thức thanh toán không được pháp luật thừa nhận và bảo vệ. Cơ quan này cũng khuyến cáo người dân không nên đầu tư, nắm giữ, thực hiện các giao dịch liên quan đến tiền ảo.
Theo Luật sư Trương Thanh Đức – Giám đốc Công ty Luật ANVI, Chủ nhiệm Câu lạc bộ Pháp chế Ngân hàng (Hiệp hội Ngân hàng Việt Nam), tại Việt Nam tiền ảo không nằm trong danh mục hàng hóa kinh doanh bị cấm. Mặc dù vậy, NHNN khẳng định, tiền ảo không phải là phương tiện thanh toán hợp pháp tại Việt Nam. Đây là đồng tiền ảo, dùng để trao đổi, tính toán thành tiền khi có giao dịch nên nếu xảy ra tranh chấp sẽ không có cơ sở pháp lý nào để phân xử, như vậy người sử dụng sẽ chịu thiệt thòi.
“Đồng tiền này còn tiềm ẩn rủi ro khi giá cả quy đổi không hình thành trên bất kỳ cơ sở pháp lý nào. Do đó, nếu người sử dụng chỉ tham gia quy mô nhỏ với tính chất thử nghiệm một hình thức thanh toán qua mạng thì không thành vấn đề nhưng nếu đổ vào số tiền lớn thì không khác gì đánh bạc”, ông Đức phân tích.
Nhìn nhận rõ những rủi ro của kinh doanh tiền ảo, luật sư Trương Thanh Đức cho rằng, cần nhanh chóng đưa vấn đề này vào các văn bản pháp lý để xử lý các phát sinh xảy ra. Để tránh rủi ro cho nhà đầu tư, các cơ quan chức năng cần quản lý chặt chẽ hơn xu thế đầu tư này. Bên cạnh đó, luật sư Trương Thanh Đức khuyến cáo, để bảo vệ chính mình, mỗi nhà đầu tư cần cân nhắc thiệt hơn trước khi bỏ vốn đầu tư vào các đồng tiền ảo.
“NHNN chưa công nhận tiền điện tử là đơn vị tiền tệ nên chưa có hành lang pháp lý để điều chỉnh. Vì vậy khi xảy ra rủi ro hay tranh chấp thì nhà đầu tư không được pháp luật bảo vệ. Tôi hy vọng, Bộ luật Dân sự sửa đổi trong thời gian tới sẽ đưa vấn đề này vào”, luật sư Trương Thanh Đức nói.
Có thể bị truy cứu trách nhiệm hình sự
Còn luật sư Nguyễn Thanh Hà – Giám đốc Công ty Luật S&B cho biết, thời gian qua, một số vụ kinh doanh tiền ảo đã bị cơ quan công an phát hiện, song việc xử lý còn gặp nhiều khó khăn. Đặc biệt là với hệ thống mạng lưới chi trả tiền hoa hồng cao theo kiểu đa cấp, những người đã lỡ tham gia, khi biết mình sai lầm thường có tâm lý “đâm lao phải theo lao”, tìm cách lôi kéo người khác tham gia cùng để thu hồi vốn thay vì đi tố cáo. Bên cạnh đó, việc xử lý kinh doanh tiền ảo không đơn giản vì các công ty này thường núp dưới dạng tư vấn, dịch vụ, thương mại với các gói đầu tư mang danh nghĩa chi phí học tập, đào tạo.
Tiền ảo hàm chứa nhiều rủi ro. Bên cạnh đó, khi tham gia hình thức kinh doanh này, tùy theo tính chất, mức độ hành vi, nhà đầu tư có thể bị xử lý hành chính do vi phạm quy định về quản lý ngoại hối của Nhà nước, hoặc bị truy cứu trách nhiệm hình sự về tội kinh doanh trái phép hay chiếm đoạt tài sản… nếu đủ dấu hiệu cấu thành tội phạm với mức án cao nhất là chung thân hoặc tử hình. Để ngăn chặn, kiểm soát tiền ảo nhằm hạn chế những thiệt hại về kinh tế cho người dân, cơ quan chức năng cần sớm kiểm tra các hoạt động kinh doanh trong lĩnh vực này, đồng thời nhanh chóng bổ sung các quy định cụ thể, tránh tình trạng “mất bò mới lo làm chuồng”…
Nguy cơ trở thành công cụ để tội phạm lợi dụng
Theo đánh giá của đại diện Cục An ninh Tài chính, Tiền tệ, Đầu tư (Bộ Công an), các hoạt động giao dịch, thanh toán tiền ảo trên mạng Internet không thông qua hệ thống tổ chức tín dụng, không được kiểm soát sẽ tác động tiêu cực đến vai trò quản lý Nhà nước đối với thị trường tiền tệ và hoạt động thanh toán của Ngân hành Nhà nước; ảnh hưởng đến việc điều hành kinh tế vĩ mô của Chính phủ và Ngân hàng Nhà nước.
Bên cạnh đó, nó tiềm ẩn nhiều nguy cơ đối với công tác đảm bảo an ninh tiền tệ như: giao dịch bằng tiền điện tử có tính “ẩn danh” cao, có thể trở thành công cụ để tội phạm lợi dụng che giấu hành vi phạm tội hoặc rửa tiền. Đối tượng khủng bố và các loại tội phạm có thể lợi dụng để chuyển tiền tài trợ cho các hoạt động chống đối ở trong nước và nước ngoài. Người tham gia hoạt động giao dịch, thanh toán tiền điện tử nếu gặp rủi ro hoặc xảy ra tranh chấp không những không được pháp luật bảo vệ, thậm chí còn liên đới chịu trách nhiệm pháp lý khi giao dịch với tội phạm mà chính họ không biết.
Minh Hà – Huệ Linh – Anh Tú
—————————————————–
An ninh Thủ đô (Bạn đọc) 20-11-2015:
http://anninhthudo.vn/ban-doc/canh-giac-keo-tien-mat-tat-mang/645631.antd
(342/1.429)