(PTT) – Hàng loạt băn khoăn liên quan đến phần mềm kết nối vận tải Uber và Grab đã được giải đáp tại buổi tọa đàm trực tuyến “Những vấn đề nóng trong quản lý xe hợp đồng điện tử Grab, Uber” do Báo Giao thông tổ chức vào sáng 24/11 tại Hà Nội.
Phát biểu tại buổi tọa đàm, Thứ trưởng Bộ Giao thông Vận tải Lê Đình Thọ cho rằng, thời gian qua ở Việt Nam đã ứng dụng phần mềm hỗ trợ kết nối vận tải. Cụ thể là loại hình kinh doanh vận tải hành khách bằng taxi có ứng dụng phần mềm Uber và Grab. Đây là sự bắt nhịp, đổi mới trong ứng dụng công nghệ thông tin, nhằm nâng cao chất lượng, tiện ích phục vụ người dân.
“Ứng dụng phần mềm hỗ trợ kết nối vận tải Grab và Uber trong kinh doanh taxi có nhiều ưu điểm, như: giảm thời gian, giảm chi phí khẩu trung gian, giảm giá cước và khách hàng đi lại thuận lợi” – Thứ trưởng Lê Đình Thọ nói.
Bên cạnh những tiện ích, Thứ trưởng Lê Đình Thọ cho rằng, phần mềm hỗ trợ kết nối vận tải cũng có những bất cập nhất định. Cụ thể, theo quy định về kinh doanh vận tải, trong đó có loại hình taxi thì đối tượng phải là tổ chức, đảm bảo kinh doanh lành mạnh, phục vụ hành khách tốt nhất, an toàn nhất. Tuy nhiên, một số xe cá nhân dùng phần mềm này để kinh doanh vận tải, tạo ra sự lộn xộn trong vấn đề kinh doanh, tạo nên một môi trường cạnh tranh không lành mạnh, trốn thuế.
Mặt khác, cơ quan quản lý Nhà nước cũng gặp khó khăn trong quản lý. Nhiều tuyến phố nội đô Hà Nội và TP Hồ Chí Minh cấm taxi hoạt động trong khung giờ cao điểm, thế nhưng taxi Uber hoặc Grab vẫn vô tư hoạt động vì không có mào hiệu. Còn xe taxi truyền thống không được hoạt động. Như vậy là không công bằng, kinh doanh không lành mạnh.
Thứ trưởng Bộ GTVT Lê Đình Thọ. |
Tuy nhiên ông Trần Bảo Ngọc – Vụ trưởng Vụ Vận tải (Bộ Giao thông Vận tải) cho rằng, Uber là đơn vị kinh doanh công nghệ đã được Ủy ban Nhân dân TP. Hồ Chí Minh cấp phép, đây không phải là đơn vị kinh doanh vận tải. Còn Grab, đơn vị này là dịch vụ công nghệ thông tin và dịch vụ vận tải hành khách công cộng trừ xe bus. Tuy nhiên, Grab có chức năng kinh doanh vận tải khách đường bộ, nhưng họ vẫn đang hoạt động như nhà cung cấp phần mềm kết nối là chính.
Trước hàng loạt câu hỏi về việc, Grab taxi và taxi Uber có phải là taxi trá hình, ông Trần Bảo Ngọc nói, đối với loại hình Grab taxi, Bộ Giao thông Vận tải đã có văn bản báo cáo Thủ tướng Chính phủ cho thí điểm vận tải khách theo hợp đồng điện tử. Trên xe bắt buộc phải có hợp đồng vận tải và danh sách hành khách. Do đó, không có sự nhầm tưởng và có sự trá hình. Còn đối với taxi Uber, đơn vị này không thuộc đối tượng quản lý của Bộ Giao thông Vận tải. Tuy nhiên có liên quan đến lĩnh vực kinh doanh vận tải nên Bộ Giao thông Vận tải rất quan tâm và tạo điều kiện để doanh nghiệp hoạt động.
Đến nay, Bộ Giao thông Vận tải đã yêu cầu Uber chỉ ký hợp đồng với đơn vị vận tải có giấy phép, đủ điều kiện kinh doanh vận tải theo đúng quy định. Bộ Giao thông Vận tải cũng đã yêu cầu Sở Giao thông Vận tải Hà Nội và thành phố Hồ Chí Minh thanh kiểm tra định kỳ, đột xuất đối với các đơn vị kinh doanh phần mềm ứng dụng trong vận tải.
Liên quan đến cơ sở pháp lý về quản lý giá và sử dụng dịch vụ điện tử, Luật sư Trương Thanh Đức (Đoàn Luật sư TP Hà Nội) cho rằng, Luật Thương mại 2005 quy định, hợp đồng giao dịch có rất nhiều hình thức khác nhau. Nghị định 86 lại không nói rõ ngoài văn bản hình thức dữ liệu khác có được coi là hợp đồng hay không? Trong trường hợp này, thông tin về dữ liệu điện tử có giá trị ngang văn bản. Hợp đồng tự đặt giá có thể rẻ, có thể đắt tại các khung giờ khác nhau. Đó cũng là chuyện được cho là hợp lý. Với phần mềm Grap tạo điều kiện cho người dân tự đặt vé. Hành vi này không hề vi phạm pháp luật.
Nói về việc Grab và Uber tự xây dựng khung giá có vi phạm các quy định về quản lý giá của Nhà nước, ông Trần Bảo Ngọc khẳng định, trong trường hợp này cần có sự phân biệt rõ sự quản lý giá của Nhà nước với taxi và xe hợp đồng. Thông tư 152 quy định, kinh doanh vận tải khách bằng taxi thì phải kê khai giá cước. Tuy nhiên, đối với xe hợp đồng thì lại quy định việc doanh nghiệp có phải kê khai giá hay không là do Ủy ban Nhân dân tỉnh, thành đó quy định nếu cần thiết. Hiện nay, hầu hết các tỉnh, thành thấy không cần thiết vì chuyện đó là do thỏa thuận giữa người vận tải và người thuê xe.
Cũng tại buổi tọa đàm, đại diện các cơ quan quản lý Nhà nước đều bảy tỏ quan điểm không lo sợ độc quyền trong sân chơi cung cấp phần mềm kết nối vận tải taxi. Bởi trong thời gian thí điểm nếu các đơn vị khác cũng đưa ra phần mềm tốt như Grab hoặc hơn Grab… thì Bộ Giao thông Vận tải sẽ xem xét rồi đề xuất Chính phủ cho thí điểm.
Kết luận buổi tọa đàm, Thứ trưởng Lê Đình Thọ khẳng định, dứt khoát các đơn vị kinh doanh taxi, xe hợp đồng hay các đơn vị kinh doanh vận tải khác sẽ chuyển đổi mô hình quản lý và phải ứng dụng các công nghệ thông tin vào quản lý để phù hợp với quy luật của thị trường.
“Vấn đề ứng dụng phần mềm trong kinh doanh vận tải taxi lâu nay không ai nghĩ, không ai làm, đến nay mới có Grab đề xuất kiến nghị làm. Từ thực tiễn vừa qua, để áp dụng đồng bộ và vì đây là cái mới nên cần thí điểm để đánh giá kỹ lưỡng xem chúng ta được gì, chưa được gì. Xu thế của phát triển là chúng ta phải ứng dụng công nghệ thông tin đạt mục tiêu thuận lợi nhất cho dân, chi phí thấp nhất cho dân, đảm bảo an toàn giao thông, an ninh trật tự trên địa bàn” – Thứ trưởng Lê Đình Thọ nói.
Bên cạnh đó, Thứ trưởng Lê Đình Thọ cũng nhấn mạnh, kể cả Grab hay Uber hay các đơn vị khác nếu có phần mềm ứng dụng này khi vào hoạt động trong lĩnh vực kinh doanh vận tải hành khách đều phải tuân thủ theo quy định về kinh doanh. Trong quá trình thực hiện nếu thấy có gì không phù hợp thì chúng ta có thể loại bỏ và sửa đổi bằng các văn bản quy phạm pháp luật để tạo môi trường thông thoáng những, vẫn đảm bảo sự quản lý Nhà nước trong lĩnh vực này.
Quang Dương
Petrotimes (Kinh doanh) 24-11-2015:
http://petrotimes.vn/grab-hay-uber-deu-phai-tuan-thu-quy-dinh-kinh-doanh-353711.html
(136/1.313)