828. Ngân hàng gặp khó khi doanh nghiệp tự làm con dấu!

(TC+) – Trong cải cách thủ tục về dấu, doanh nghiệp được tự quyết định số lượng và hình thức con dấu; mày mực dấu, nội dung con dấu, quản lý và sử dụng con dấu.

Luật Doanh nghiệp 2014 cho phép doanh nghiệp được tự do quyết định về con dấu của mình. Ảnh minh họa.

Doanh nghiệp được tự do về dấu

Nếu như trước đây, con dấu là do cơ quan công an cấp kèm với chứng nhân đăng ký mẫu dấu, vai trò của con dấu gần như có thể xem là “người đại diện theo pháp luật” của doanh nghiệp. Nay, với luật Doanh nghiệp 2014 có hiệu lực thi hành từ 01/07/2015, doanh nghiệp sẽ được tự chủ làm con dấu và cơ quan công an sẽ không còn quản lý dấu.

Cụ thể hơn, tự doanh nghiệp sẽ quản lý dấu và quyết định về con dấu của mình. Doanh nghiệp chỉ làm thủ tục thông báo mẫu dấu cho cơ quan đăng ký kinh doanh để cơ quan này đưa lên trang thông tin quốc gia về doanh nghiệp.

Trong cải cách thủ tục về dấu, doanh nghiệp được tự quyết định số lượng và hình thức con dấu; mày mực dấu, nội dung con dấu, quản lý và sử dụng con dấu.

Như vậy, Luật mới đã trả lại vai trò thật của con dấu, nó chỉ đơn thuần là một dấu hiệu chứ không thể đại diện cho doanh nghiệp. Do vậy, đã đến lúc cần thay đổi tư duy về con dấu.

Tại Hội thảo “Triển khai những quy định mới của luật Doanh nghiệp và luật Đầu tư 2014” do Hiệp hội Ngân hàng và CLB Pháp chế Ngân hàng tổ chức ngày 17/09/2015, ông Phan Đức Hiếu, Trưởng ban Môi trường Kinh doanh, Viện Nghiên cứu Kinh tế và Quản lý Trung ương – đơn vị chịu trách nhiệm soạn thảo luật Kinh doanh và luật đầu tư 2014 cho rằng:

“Trong tất cả các giao dịch, quan trọng nhất vẫn là người thực hiện giao dịch. Liệu người đó có phải là người đại diện theo pháp luật của doanh nghiệp, điều quan trọng thứ hai là thẩm quyền của người đại diện, thứ ba là trình tự thủ tục như thế nào. Nếu tuân thủ đúng nguyên tắc này xã hội sẽ an toàn hơn, thay vì chỉ tin vào con dấu”. 

Một số ý kiến cho rằng cải cách con dấu hiện nay chưa triệt để, đồng tình với quan điểm này, ông Phan Đức Hiếu cho rằng cần phải có một tuyên bố rõ ràng là doanh nghiệp không nhất thiết phải có con dấu.

Tuy nhiên, dẫu sao thì luật Doanh nghiệp cũng đã được thông qua, mặc dù chưa tuyên bố một cách rõ ràng là doanh nghiệp không nhất thiết phải có dấu nhưng trên bình diện thực tế, cải cách về con dấu hiện nay cũng đã đạt được 70-80% so với kỳ vọng,” ông Phan Đức Hiếu nhận định.

Cũng theo ông Hiếu, cải cách lớn nhất là đã thay đổi nhận thức về dấu, đưa con dấu về đúng giá trị thật của nó, con dấu chỉ là một cái dấu hiệu của doanh nghiệp.

Trước đây, doanh nghiệp chỉ có một con dấu và bị quản lý rất chặt chẽ bởi cơ quan công an thì nay cũng đã được giải tỏa. Luật Doanh nghiệp 2014 tạo ra nhiều thuận lợi cho doanh nghiệp khi doanh nghiệp được tự quyền quyết định về số lượng, mẫu mã, màu mực, kích thước dấu.

Tuy nhiên, trong thời gian trước mắt, doanh nghiệp vẫn cần phải có con dấu, đối với các giao dịch dân sự thì doanh nghiệp tự thỏa thuận, nhưng do một số cơ quan nhà nước và các quy định pháp luật hiện hành quy định một số giao dịch vẫn phải đóng dấu một số giấy tờ.

“Con dấu đã ăn sâu vào thói quen của tất cả doanh nghiệp và toàn xã hội nên từ bỏ quan niệm về con dấu không phải chuyện một sớm một chiều. Nhưng về mặt lâu dài, với sự thay đổi của các cơ quan nhà nước và pháp luật hiện hành, việc bỏ đi các yêu cầu bắt buộc phải đóng dấu là điều tất yếu. Trrên thực tế các doanh nghiệp không cần phải sử dụng con dấu trong một số giao dịch,” ông Phan Đức Hiếu nói.

Khó khăn dồn về phía ngân hàng

Tuy nhiên, sự thông thoáng của luật Doanh nghiệp và luật Đầu tư 2014 được xem là sự cởi trói cho doanh nghiệp thì khó khăn lại dồn về phía các ngân hàng. Đó là nhận định của Luật sư Trương Thanh Đức, Giám đốc Công ty Luật ANVI.

Nếu như trước đây, ngân hàng khi cho vay cần phải thẩm định, đánh giá một thì bây giờ phải tăng lên gấp 2-3 lần. Rõ ràng, luật mới tạo điều kiện tối đa cho doanh nghiệp. Thay vì có một đại diện thì bây giờ doanh nghiệp có thể có hơn một đại diện để thuận tiện hơn cho giao dịch; thay vì có một con dấu thì bây giờ có nhiều con dấu; thay vì đăng ký 5-7 ngành nghề kinh doanh thì bây giờ có thể kinh doanh đủ thứ miễn sao nhà nước không cấm.

Tuy nhiên, Luật sư Trương Thanh Đức cho rằng, luật không quy định cứ đóng dấu là doanh nghiệp phải chịu trách nhiệm, còn chuyện sai trái thế nào là việc xử lý nội bộ. Cứ cam kết, cứ ký đúng chữ ký của người đại diện theo pháp luật thì đương nhiên doanh nghiệp phải chịu trách nhiệm đối với bên ngoài.

“Luật của chúng ta dường như đổi mới nửa vời ở chỗ cho phép rất nhiều quyền như thế nhưng có đúng luật hay không lại theo quy định của nội bộ, đương nhiên không đúng thì vô hiệu và trách nhiệm lại đẩy cho cá nhân. Cho nên ngân hàng lúc này ngoài việc thẩm định sẽ phải thẩm định kỹ hơn rất nhiều. Nếu như ngày xưa ngân hàng chỉ cần nhìn vào giấy phép kinh doanh của doanh nghiệp để biết doanh nghiệp kinh doanh những lĩnh vực nào mà cho vay thì nay ngân hàng lại phải đi thẩm định từng li từng tí để đánh giá hồ sơ doanh nghiệp nộp,” Luật sư Trương Thanh Đức nói.

“Con dấu cũng vậy, trước đây cứ đóng dấu là đương nhiên hợp pháp, trừ một vài trường hợp lừa đảo thì không nói làm gì, còn nếu làm bài bản ra con dấu chả có giá trị gì hết. Kích thước, nội dung, màu sắc… tất cả những thứ không liên quan đến vì luật ngày xưa mặc định. Giờ phút này tôi khẳng định tất cả các doanh nghiệp Việt Nam đều đang sử dụng con dấu bất hợp pháp. Bởi vì trước đây là theo luật, còn bây giờ không theo cái gì cả. Anh phải có điều lệ doanh nghiệp về sử dụng con dấu nhưng tất cả doanh nghiệp đều chưa sửa điều lệ và họ cứ đóng dấu theo thói quen”.

Cũng theo Luật sư Trương Thanh Đức, hiện nay doanh nghiệp chưa gặp vướng mắc là bởi các doanh nghiệp vẫn theo thói quen cũ, tuy nhiên sau này khi đã thay đổi hết con dấu, những bất cập sẽ xuất hiện.

Bên cạnh sự cải cách nửa vời trong quy định về quản lý con dấu, Luật sư Trương Thanh Đức bày tỏ băn khoăn đối quy định về người đại diện theo pháp luật của doanh nghiệp.

Trước đây, chỉ cần làm việc với người đại diện theo pháp luật là ngân hàng yên tâm tuyệt đối, trừ những giao dịch lớn ngân hàng phải thẩm định thêm. Còn bây giờ, bất kể giao dịch nào nếu như doanh nghiệp có từ 2-3 đại diện theo pháp luật, ngân hàng sẽ phải xem xét đến điều lệ của doanh nghiệp đó xem Chủ tịch HĐQT của doanh nghiệp được ký hợp đồng bao nhiêu tỷ, ông Tổng giám đốc được ký bao nhiêu tỷ…Thậm chí có doanh nghiệp còn quy định chủ tịch HĐQT được ký hợp đồng đầu tư, Tổng giám đốc được ký hợp đồng vay vốn…

“Luật cho phép như thế. Người ta làm sai sót, đáng lẽ trách nhiệm họ phải chịu. Bây giờ ngân hàng và đối tác sẽ chịu rủi ro trước tiên. Chưa nói đến việc thẩm định rồi nhưng rất khó thẩm định pháp lý. Doanh nghiệp đưa cho ngân hàng một bản điều lệ nhưng ngân hàng cũng rất khó thẩm định đây là điều lệ hợp pháp hay không, được thông qua khi nào, trách nhiệm ra làm sao”, Luật sư Trương Thanh Đức nói.

Với Luật doanh nghiệp mới, doanh nghiệp có thể thay đổi dễ dàng điều lệ doanh nghiệp, trong khi công tác lưu trữ, quản lý hồ sơ của doanh nghiệp còn kém. Do vậy, càng dễ cho doanh nghiệp lại càng khó cho ngân hàng, bởi ngân hàng vẫn phải thẩm định hồ sơ chặt chẽ trước khi cho vay. Doanh nghiệp có sai sót thì trách nhiệm dân sự nhưng ngân hàng có sai sót thì trách nhiệm hình sự.

Nguyễn Tuân

——-

Tài chính Plus (Hội nhập) 18-9-2015:

http://taichinhplus.vn/DOANH-NGHIEP/Hoi-nhap/Ngan-hang-gap-kho-khi-doanh-nghiep-tu-lam-con-dau-post155430.html

(827/1.599)

Bài viết 

311. Hãy nhìn từ mục tiêu của việc đánh thuế...

Hãy nhìn từ mục tiêu của việc đánh thuế bất động sản. [caption id="attachment_42152"...

Bình luận 

433. Bình luận về Chủ sở hữu hưởng lợi của...

Bình luận về Chủ sở hữu hưởng lợi của doanh nghiệp Tham luận Hội...

Phỏng vấn 

4.391. Bẫy nạn nhân với 'miếng mồi' lãi suất cao.

Bẫy nạn nhân với 'miếng mồi' lãi suất cao.(TT) - Vụ GFDI ở Đà Nẵng...

Trích dẫn 

3.908. Ngăn chặn những "văn phòng bất động sản...

Ngăn chặn những "văn phòng bất động sản di động" đẩy giá đất. (VTV.vn)...

Tám luật 

334. ANVI xì luật hay Lạm bàn tám luật.

(ANVI) - “Lạm bàn tám luật” hay còn gọi là “ANVI xì luật”Chuyên...

Số lượt truy cập: 231,827