829. “Grab không phải taxi trá hình”

(CP) – Lãnh đạo Vụ Vận tải khẳng định Grab không phải taxi trá hình mà hoạt động kinh doanh theo hợp đồng, do đó, Grab đặt ra giá thấp điểm, cao điểm là hoàn toàn hợp lý và không phạm luật.

Vụ trưởng Vụ Vận tải Trần Bảo Ngọc khẳng định Grab không phải taxi trá hình

Vụ trưởng Trần Bảo Ngọc khẳng định như vậy tại buổi tọa đàm về “những vấn đề nóng trong quản lý xe hợp đồng điện tử Grab, Uber” được tố chức sáng 24/11.

Hồi cuối tháng 10 vừa qua, Thủ tướng Chính phủ đã đồng ý Bộ Giao thông vận tải thí điểm triển khai ứng dụng khoa học công nghệ hỗ trợ quản lý và kết nối hoạt động vận tải hành khách theo hợp đồng, trong đó, có việc sử dụng thông điệp dữ liệu điện tử trong giao dịch thuê xe ô tô thay cho hợp đồng vận tải bằng văn bản giữa đơn vị kinh doanh và người thuê vận tải tại 5 tỉnh thành, với thời gian thí điểm 2 năm.

Theo Đề án của Bộ Giao thông vận tải, Công ty TNHH GrabTaxi là doanh nghiệp đầu tiên được cho phép triển khai dịch vụ kết nối cho loại xe chở khách dưới 9 chỗ theo hình thức hợp đồng (xe hợp đồng điện tử) tại Việt Nam.

Trước nhiều ý kiến băn khoăn về vấn đề Grab và Uber có phải là đơn vị kinh doanh vận tải hay chỉ cung cấp công nghệ, ông Trần Bảo Ngọc khẳng định các đơn vị này không kinh doanh vận tải. “Khi dịch vụ của Uber và Grab kết nối với đơn vị vận tải thì thấy cả hai đang như những nhà cung cấp phần mềm chứ chưa phải là các đơn vị vận tải”, ông Bảo nói.

Vụ trưởng Vụ Vận tải cũng khẳng định Grab không phải là taxi trá hình. Vì theo quy định của Luật Giao thông đường bộ, kinh doanh vận tải hành khách bằng taxi phải có hành trình và tính tiền theo đồng hồ. Trên xe taxi kiểu gì cũng phải tính tiền theo đồng hồ để khách quyết định đi xa hay gần.

Trong khi đó, Grab được phép thí điểm vận tải khách theo hợp đồng điện tử. Trên xe bắt buộc phải có hợp đồng vận tải và danh sách hành khách, nếu xảy ra có tranh chấp để bảo vệ hành khách vì đã có ký hợp đồng với đơn vị kinh doanh vận tải.

Không vi phạm quy định về giá

Về việc Grab và Uber tự xây dựng giá liệu có vi phạm các quy định về quản lý giá và về pháp luật cạnh tranh, ông Trần Bảo Ngọc cho rằng trong trường hợp này cần có sự phân biệt rõ, có sự quản lý giá của Nhà nước với taxi và xe hợp đồng.

Theo Thông tư 152, kinh doanh vận tải khách bằng taxi thì phải kê khai giá cước. Trong khi đi taxi, đã lên xe không có quyền mặc cả, hành khách phải trả theo mức cước đã sẵn có theo niêm yết.

Tuy nhiên, đối với xe hợp đồng thì khác. Thông tư 152 lại quy định việc DN có phải kê khai giá hay không là do UBND tỉnh, thành đó có thấy cần thiết hay không. Khi đã không kê khai giá, Grab đưa phần mềm của họ vào DN vận tải theo ngày, theo mùa là quyền của họ, nhưng khi Grab điều chỉnh mức lên xuống đó, không phải do Grab mà do chính các đơn vị kinh doanh vận tải điều chỉnh vì đây quyền của đơn vị kinh doanh vận tải.

“Người ta chỉ thông qua phần mềm của Grab để thể hiện giá đó thôi. Về hợp đồng, không phải người lái xe ký hợp đồng với Grab mà họ đang đăng ký thông qua phần mềm với đơn vị kinh doanh vận tải. Đó là điều rất khác nhau”, ông Trần Bảo Ngọc nói.

Làm rõ hơn về vấn đề này, Luật sư Trương Thanh Đức, trọng tài viên Trung tâm Trọng tài Quốc tế Việt Nam, cho biết nếu hiểu theo cách đây là xe hợp đồng chứ không phải taxi thì không phải tuân thủ theo Luật Quản lý giá và lệ phí.

“Hợp đồng tự đặt giá có thể rẻ, có thể đắt tại các khung giờ khác nhau. Đó cũng là chuyện được cho là hợp lý. Với phần mềm Grap tạo cơ hội cho khách rất nhiều để tự đặt giá cho nhà xe. Hành vi này không hề vi phạm pháp luật”, Luật sư nói.

Ai ưu việt hơn sẽ được lựa chọn

Còn Thứ trưởng Bộ GTVT Lê Đình Thọ cho biết, vấn đề ứng dụng phần mềm trong kinh doanh vận tải taxi lâu nay không ai nghĩ, không ai làm, đến nay mới có Grab đề xuất kiến nghị làm.

Thứ trưởng khẳng định, trong thời gian thực hiện thí điểm, nếu các đơn vị khác cũng đưa ra phần mềm, CNTT quản lý tốt như Grab hoặc hơn Grab và có ý tưởng ứng dụng trong vấn đề kinh doanh vận tải thì Bộ GTVT hoàn toàn ủng hộ.

Ông Thọ cũng tin rằng việc triển khai thí điểm Grab taxi sẽ tạo ra sự cạnh tranh, thứ nhất là cạnh tranh giữa các doanh nghiệp kinh doanh vận tải hành khách với nhau, thứ hai là cạnh tranh giữa các đơn vị có phần mềm quản lý với tính ưu việt cao hơn với doanh nghiệp kinh doanh taxi truyền thống.

“Không phải Grab hay Uber mà bất cứ doanh nghiệp  nào đó có phần mềm ưu việt hơn thì sẽ tạo ra sự cạnh tranh, doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực nào mà có phần mềm nào ứng dụng hiệu quả hơn thì người ta sẽ lựa chọn, như vậy là phù hợp với quy luật của thị trường”, Thứ trưởng nói.

Còn trước lo ngại Grab sẽ gây ùn tắc, ông Lê Đỗ Mười – Phó Viện trưởng Viện Chiến lược và phát triển GTVT khẳng định điều này không có căn cứ.

“Đây chỉ là phần mềm các doanh nghiệp áp dụng để kinh doanh, không có căn cứ chứng minh số lượng phương tiện tăng lên. Không  doanh nghiệp nào dám đầu tư xe để thí điểm trong 2 năm, hoặc đầu tư để phát triển xe rầm rộ chỉ để thí điểm ứng dụng phần mềm này. Còn bản thân số xe hiện nay chúng ta đang có, không có phần mềm này thì số xe này vẫn đi trên đường. Do đó, cơ sở khoa học và thực tiễn đều không thể chứng minh phần mềm này gây ùn tắc”, ông Mười phân tích.

Thành Đạt

—————

Diễn đàn Cạnh tranh Quốc gia (Chính sách & cuộc sống) 24-11-2015:

http://canhtranhquocgia.vn/Box-canh-tranh/Grab-khong-phai-taxi-tra-hinh/242161.vgp

(107/1.169)

Bài viết 

311. Hãy nhìn từ mục tiêu của việc đánh thuế...

Hãy nhìn từ mục tiêu của việc đánh thuế bất động sản. [caption id="attachment_42152"...

Bình luận 

437. Cải cách thể chế và tôn trọng thị trường...

Chùm 3 bài Việt Nam - Khát vọng hùng cường: Cải cách thể chế và tôn...

Phỏng vấn 

4.427. Gần tết cảnh giác với tội phạm ngân hàng.

Gần tết cảnh giác với tội phạm ngân hàng. (HTV1) - Chương trình có...

Trích dẫn 

3.976. Cảnh giác hiện tượng rao bán bất động...

Cảnh giác hiện tượng rao bán bất động sản kiểu "phông bạt". (DV) -...

Tám luật 

334. ANVI xì luật hay Lạm bàn tám luật.

(ANVI) - “Lạm bàn tám luật” hay còn gọi là “ANVI xì luật”Chuyên...

Số lượt truy cập: 237,519