(ĐT) – Sau gần 3 tháng Luật Doanh nghiệp và Luật Đầu tư đi vào thực hiện, cách thức và hành vi thực thi luật bắt đầu thay đổi từ nội bộ doanh nghiệp, song vẫn còn nhiều lấn cấn.
Cuộc họp triển khai những quy định mới của Luật Doanh nghiệp, Luật Đầu tư do Câu lạc bộ Pháp chế (Hiệp hội Ngân hàng Việt Nam) tổ chức sáng qua (17/9) nóng từ trong hội trường ra ngoài hành lang.
Ông Phan Đức Hiếu, Trưởng ban Môi trường kinh doanh và Năng lực cạnh tranh (Viện Nghiên cứu quản lý kinh tế Trung ương) bị vây kín với các câu hỏi sau khi đưa ra khuyến nghị rằng, cán bộ ngân hàng sẽ phải làm việc vất vả hơn rất nhiều khi toàn bộ nội dung mới của Luật Doanh nghiệp, Luật Đầu tư được thực hiện một cách triệt để. Lý do đơn giản là, những quy định theo hướng cơ quan quản lý nhà nước làm thay, lo thay doanh nghiệp (DN) đã không còn.
Luật Doanh nghiệp tạo nhiều thuận lợi, song cũng đòi hỏi doanh nghiệp phải chủ động hơn trong kiểm soát đối tác. Ảnh: Đ.T |
Trên thực tế, sự vất vả đã bắt đầu được cảm nhận. Cán bộ pháp chế một ngân hàng thương mại cổ phần (không nêu tên) cho biết, họ đang rất lấn cấn khi nhận hồ sơ vay vốn của các DN mới thành lập theo Luật Doanh nghiệp 2014.
“Lâu nay, để xác định mục đích vay vốn của DN, chúng tôi phải dựa trên ngành nghề đăng ký kinh doanh trong giấy chứng nhận đăng ký kinh doanh của DN. Cơ sở này không còn theo quy định của Luật Doanh nghiệp 2014, chúng tôi phải làm sao? Cũng đã có DN đến nói rằng, Luật Doanh nghiệp không yêu cầu phải có con dấu, tại sao ngân hàng lại đòi hỏi?”, vị cán bộ này trao đổi và cho rằng, không chỉ họ phải làm vất vả hơn để thẩm định hồ sơ vay vốn của DN, mà quan trọng là cảm giác rủi ro cũng tăng lên tương ứng.
Thậm chí, đã có ý kiến cho rằng, có lẽ tới đây, họ phải yêu cầu DN nộp nhiều văn bản giấy tờ hơn để… giảm bớt cảm giác rủi ro này.
Chia sẻ cùng mối lo, nhưng ông Trương Thanh Đức, Giám đốc Công ty Luật ANVI có cách nhìn tổng quát rằng, các quy định của Luật Doanh nghiệp cũng như các văn bản hướng dẫn sẽ khiến phần lớn DN thuận lợi hơn rất nhiều trong việc thành lập, song cũng có nghĩa là, DN phải chủ động hơn trong các phương thức kiểm soát đối tác.
“DN được quyền chủ động với ngành nghề kinh doanh của mình, có thể kinh doanh trước, thông báo thay đổi sau trong vòng 10 ngày theo Nghị định 78/2015/NĐ-CP về đăng ký DN vừa được Chính phủ ban hành; tự chọn và quản lý con dấu; tự chọn mô hình quản trị cho công ty cổ phần… Sẽ không có cơ quan nào đứng ra bảo lãnh cho các nội dung này như trước. Nghĩa là, trước khi ký kết các hợp đồng làm ăn, DN sẽ phải tìm hiểu trực tiếp, kỹ càng hơn các nội dung có tính pháp lý của đối tác, thay vì đề nghị đối tác công chứng các loại giấy tờ như trước”, ông Đức nói.
Cũng phải nói thêm, khi đánh giá sơ bộ về quãng thời gian thực thi Luật Doanh nghiệp và Luật Đầu tư vừa qua, ông Hiếu cho rằng, khá nhiều quy định mới khó vào được thực tế vì DN chưa mạnh dạn từ bỏ thói quen làm việc cũ.
“Nhiều DN vẫn giữ thói quen xác định chức năng kinh doanh của đối tác thông qua giấy chứng nhận đăng ký kinh doanh. Cách làm này không còn phù hợp vì nội dung của giấy này chỉ là xác định sự tồn tại của một DN. Trong khi cơ sở để các DN có được thông tin về đối tác là mã số DN, cơ sở để tra cứu toàn bộ dữ liệu được cập nhật trên hệ thống cơ sở dữ liệu quốc gia về DN thì ít DN để tâm đến”, ông Hiếu nói.
Đặc biệt, niềm tin tuyệt đối vào “quyền lực của con dấu đỏ”, chứ không phải chữ ký của người đại diện theo pháp luật, của nhiều DN khiến quy định về quyền tự chủ của DN trong Luật Doanh nghiệp, cũng như những nội dung hướng dẫn về mẫu dấu, hình thức con dấu… tới đây trong Dự thảo Nghị định quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành một số điều của Luật Doanh nghiệp (đang được Chính phủ xem xét và có thể ban hành trong tháng 9/2015) có thể sẽ chưa thực hiện được ngay.
“Việc xác định giá trị của hợp đồng theo Luật Doanh nghiệp 2014 sẽ không chỉ trông vào con dấu mà chính là chữ ký của người đại diện theo pháp luật của DN, cả nghị quyết của đại hội đồng cổ đông, của HĐQT về quyền của người đại diện này…”, ông Hiếu nói thêm.
Thậm chí, với các ngân hàng, khi làm việc với các DN có vốn đầu tư nước ngoài, việc xác định được thương quyền của DN này cần phải xem xét tới cả nhà đầu tư thế hệ F0, cho dù DN này có thể là cháu, chắt của nhà đầu tư đó…
Tất nhiên, những lấn cấn của DN không chỉ vì thói quen cũ. Những quy định chưa thống nhất giữa các văn bản pháp luật, thực thi pháp luật giữa các cơ quan quản lý nhà nước cũng khiến việc cập nhật tư duy mới trong thực thi Luật Doanh nghiệp, Luật Đầu tư không hề đơn giản.
Đơn cử, Luật Kế toán yêu cầu các giấy tờ liên quan phải đóng dấu, nên các cán bộ ngân hàng buộc phải yêu cầu DN sử dụng con dấu, cho dù cả ngân hàng và DN đều thấy không cần thiết. Hay như việc ách tắc trong đăng ký con dấu của DN trong 6 lĩnh vực, gồm: chứng khoán, bảo hiểm, ngân hàng, văn phòng công chứng, văn phòng luật sư và hợp tác xã. Đây là 6 lĩnh vực đặc thù mà DN vẫn phải thực hiện các quy định về quản lý và đăng ký dấu theo Nghị định 58/2001/NĐ-CP về quản lý và sử dụng con dấu.
“Bộ Kế hoạch và Đầu tư đã có công văn đề nghị Bộ Công an xử lý việc này, nhưng tình hình vẫn chưa được cải thiện. Chúng tôi tin rằng, mọi việc sẽ được giải quyết khi Nghị định quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành một số điều của Luật Doanh nghiệp được Chính phủ ban hành trong tháng này”, ông Hiếu cho biết.
Bảo Duy
——-
Đầu tư 20-9-2015:
http://baodautu.vn/thuc-thi-luat-doanh-nghiep-va-luat-dau-tu-lan-can-vi-thoi-quen-d32788.html
(191/1.201)