(CP) – Thứ trưởng Bộ GTVT Lê Đình Thọ cho biết, theo quy định đã là kinh doanh vận tải hành khách phải có điều kiện, có tổ chức. Tuy nhiên, một số xe cá nhân đã và đang dùng phần mềm GrabTaxi và Uber để kinh doanh vận tải, tạo ra sự lộn xộn khiến môi trường cạnh tranh không lành mạnh, thậm chí là trốn thuế.
Ảnh minh họa |
Chỉ là đơn vị cung cấp phần mềm
Ông Trần Bảo Ngọc, Vụ trưởng Vụ Vận tải (Bộ GTVT) khẳng định Uber và GrabTaxi chỉ là nhà cung cấp phần mềm chứ chưa phải là đơn vị kinh doanh vận tải. Cụ thể, Uber là đơn vị kinh doanh công nghệ được UBND TPHCM cấp, không phải là đơn vị kinh doanh vận tải.
Còn GrabTaxi là dịch vụ công nghệ thông tin và dịch vụ vận tải hành khách công cộng (trừ xe buýt). Mặc dù Grab có chức năng kinh doanh vận tải khách đường bộ nhưng vẫn đang hoạt động như nhà cung cấp phần mềm kết nối là chính.
Vừa qua, các hiệp hội vận tải đang bày tỏ sự lo ngại GrabTaxi và Uber đang kinh doanh vận tải trá hình. Liên quan đến vấn đề này, ông Trần Bảo Ngọc cho hay, về GrabTaxi, Bộ GTVT đã có văn bản báo cáo Thủ tướng Chính phủ cho thí điểm vận tải khách theo hợp đồng điện tử (GrabCar). Trên xe bắt buộc phải có hợp đồng vận tải và danh sách hành khách để bảo vệ hành khách khi có tranh chấp. Do đó, đây không phải là hoạt động kinh doanh trá hình.
Đối với Uber, đơn vị này không thuộc đối tượng quản lý của Bộ GTVT. Tuy nhiên, hoạt động của Uber có liên quan đến lĩnh vực kinh doanh vận tải. Do vậy, Bộ GTVT vẫn tạo điều kiện để công ty có thể kinh doanh, đem lại lợi ích cho người dân, doanh nghiệp, góp phần giảm lưu lượng giao thông, giảm tai nạn giao thông, giảm chi phí vận tải.
Cụ thể, Bộ GTVT yêu cầu Uber chỉ ký hợp đồng với đơn vị vận tải có giấy phép, đủ điều kiện kinh doanh vận tải theo đúng quy định. Đồng thời, các đơn vị kinh doanh vận tải đã và sẽ ký hợp đồng với Uber phải đáp ứng đầy đủ các quy định về điều kiện kinh doanh vận tải. Bộ GTVT cũng đã gửi văn bản đến Sở GTVT Hà Nội và TPHCM để kiểm tra, thanh tra định kỳ, đột xuất đối với các đơn vị kinh doanh phần mềm và kinh doanh vận tải.
Hợp đồng điện tử có giá trị như văn bản
Liên quan đến hợp đồng điện tử đang được Uber và GrabTaxi sử dụng, Luật sư Trương Thanh Đức cho rằng, Luật Thương mại 2005 quy định, hợp đồng giao dịch có rất nhiều hình thức khác nhau trong khi Nghị định 86 lại không nói rõ ngoài văn bản hình thức dữ liệu khác có được coi là hợp đồng hay không. Vì thế, trong trường hợp này, thông tin về dữ liệu điện tử có giá trị ngang văn bản.
Về việc GrabTaxi và Uber tự xây dựng giá có vi phạm các quy định về quản lý giá của Nhà nước, ông Trần Bảo Ngọc cho rằng cần có sự phân biệt rõ, có sự quản lý giá của Nhà nước với taxi và xe hợp đồng.
Cụ thể, Thông tư 152 quy định, kinh doanh vận tải khách bằng taxi thì phải kê khai giá cước. Tuy nhiên, đối với xe hợp đồng thì Thông tư 152 lại quy định việc doanh nghiệp có phải kê khai giá hay không là do UBND tỉnh, thành phố đó có thấy cần thiết hay không. Hiện nay, hầu hết các tỉnh, thành phố thấy không cần thiết vì việc đó là thoả thuận giữa người vận tải và người thuê xe.
“Khi đã không kê khai giá, Grab đưa phần mềm vào doanh nghiệp vận tải theo ngày, theo mùa là quyền của họ, nhưng khi Grab điều chỉnh mức lên xuống đó, không phải do Grab mà do chính các đơn vị kinh doanh vận tải điều chỉnh vì đây là quyền của đơn vị kinh doanh vận tải. Về hợp đồng, không phải người lái xe ký hợp đồng với Grab mà họ đăng ký thông qua phần mềm với đơn vị kinh doanh vận tải”, ông Ngọc nói.
Liên quan đến lo ngại của Hiệp hội vận tải về mô hình quản lý phần mềm của GrabTaxi và Uber ưu việt hơn sẽ chiếm ưu thế so với loại hình taxi truyền thống, Thứ trưởng Lê Đình Thọ cho rằng, các đơn vị kinh doanh taxi, hợp đồng hay các đơn vị kinh doanh vận tải khác sẽ chuyển đổi mô hình quản lý và phải ứng dụng các công nghệ thông tin vào quản lý để phù hợp với quy luật của thị trường.
Phan Trang
————————————————-
Chinhphu.vn (Thời sự) 24-11-2015:
http://baochinhphu.vn/Utilities/PrintView.aspx?distributionid=242170
(82/868)