834. Cho vay tiêu dùng phát triển sẽ đẩy lùi ‘tín dụng đen’

(CP) – Phát triển lành mạnh thị trường cho vay tiêu dùng, bảo đảm người dân có đầy đủ thông tin về quyền lợi và nghĩa vụ khi vay vốn sẽ giúp góp phần ngăn ngừa tình trạng “tín dụng đen”.

Thực tế, vừa qua có nhiều vụ việc xảy ra đối với người dân, đặc biệt là những người nghèo hay thiếu hiểu biết do tín dụng đen. Do vẫn còn những kẽ hở trong quy định, chế tài còn chưa nghiêm nên tại một số địa phương, tín dụng đen vẫn còn hoành hành.

Theo Tổng cục Cảnh sát (Bộ Công an), từ năm 2010 đến 2014, đã xảy ra hàng trăm vụ vỡ nợ lớn với thiệt hại lên tới hàng nghìn tỉ đồng. Liên quan tới các vụ vỡ nợ này là 41 vụ giết người, 318 vụ cố ý gây thương tích, 588 vụ cướp tài sản. Các đối tượng có tiền án, tiền sự, côn đồ hung hãn tụ tập thành băng nhóm, bắt giữ người trái pháp luật để siết nợ, đòi nợ thuê, truy sát con nợ…

Để ngăn ngừa tình trạng trên, bên cạnh việc hoàn thiện hành lang pháp lý, tăng chế tài xử lý vi phạm, một giải pháp hữu hiệu là phát triển mạnh tín dụng tiêu dùng một cách lành mạnh.

Ông Bùi Quốc Dũng, Vụ trưởng Vụ Chính sách tiền tệ (Ngân hàng Nhà nước – NHNN) đánh giá, cho vay tiêu dùng có nhiều tác dụng, trong đó có việc góp phần thu hẹp các hoạt động cho vay phi chính thức, giúp người dân có nhu cầu vay tiêu dùng không phải tìm đến các loại hình cho vay nặng lãi, “tín dụng đen” với lãi suất quá cao, tránh được rủi ro.

Ông Dũng dẫn số liệu thống kê mới nhất của Vụ Chính sách tiền tệ, tổng dư nợ cho vay tiêu dùng đến tháng 9/2015 tăng 31,49% so với cuối năm 2014, chiếm tỉ trọng 8,02% so với tổng dư nợ tín dụng toàn hệ thống.

Trong đó, dư nợ cho vay phục vụ nhu cầu đời sống tăng 32,41% so với cuối năm 2014 (chiếm tỉ trọng 96,27% tổng dư nợ cho vay tiêu dùng), cho vay thông qua nghiệp vụ phát hành và sử dụng thẻ tín dụng tăng 11,41% so với cuối năm 2014 (chiếm 3,73%). Điều này cho thấy tín dụng tiêu dùng đang phát triển khá mạnh trong năm 2015.

Dư nợ cho vay đối với hầu hết các nhu cầu đều tăng. Trong đó, cho vay để mua, sửa chữa nhà và mua nhà để ở với nguồn trả nợ bằng tiền lương tăng ở mức khá cao và chiếm tỉ trọng lớn nhất. Riêng dư nợ cho vay thấu chi qua tài khoản thanh toán của cá nhân giảm.

Tăng cạnh tranh để minh bạch, hạ thấp lãi suất

Tuy nhiên, một số ý kiến cho rằng lãi suất cho vay tiêu dùng còn cao, tạo ra những gánh nặng nhất định cho người đi vay. Luật sư Trương Thanh Đức (Giám đốc Công ty Luật ANVI) cho rằng lãi suất cho vay đúng là khá cao so với thế giới. Hơn nữa, các món vay tiêu dùng thường nhỏ lẻ, chi phí bị đội lên nên lãi suất cho vay đương nhiên khó có thể thấp. Mức lãi suất là do thỏa thuận giữa hai bên cho vay và đi vay. Nếu lãi suất cho vay quá cao thì các tổ chức tín dụng (TCTD) sẽ khó thu hút được khách hàng.

Yêu cầu đặt ra với các ngân hàng là cho vay tiêu dùng phải minh bạch, hợp đồng rõ ràng, ghi rõ cách tính lãi suất, không gây hiểu lầm cho người vay. Trên thực tế, nếu các TCTD cho vay với lãi suất càng cao thì rủi ro không đòi được nợ sẽ càng lớn.

Hơn nữa, các quy định pháp lý cần chặt chẽ, hiệu quả hơn để bảo vệ quyền của chủ nợ, để có thể nhanh chóng khắc phục rủi ro, xử lý tài sản bảo đảm nhằm thu hồi nợ.

Về vấn đề này, đại diện Vụ Chính sách tiền tệ cho rằng, vay tiêu dùng chủ yếu là các món vay nhỏ (chỉ vài trăm đến vài triệu đồng), thời hạn vay rất ngắn (từ vài ngày đến vài tuần) nên việc trả lãi vài chục nghìn đồng/ngày đến vài trăm nghìn đồng/tuần cũng có thể phản ánh thành mức lãi suất niêm yết rất cao (vài chục phần trăm/năm) so với lãi suất cho vay thông thường.

Do đó, theo báo cáo của các TCTD, đến tháng 9/2015, lãi suất cho vay phục vụ đời sống của các công ty tài chính áp dụng đối với khách hàng phổ biến ở mức 20-35%/năm, cao hơn lãi suất cho vay thông thường. Tuy nhiên, dư nợ cho vay tiêu dùng chỉ chiếm tỉ trọng nhỏ (khoảng 8,02%/tổng dư nợ tín dụng của toàn hệ thống).

Trước tình trạng một số công ty tài chính tiêu dùng cho vay với lãi suất cao, NHNN đã làm việc, chỉ đạo các công ty này rà soát lại các khoản cho vay, tiết kiệm chi phí, cam kết có giải pháp quản trị rủi ro để bảo đảm an toàn tín dụng, giảm lãi suất cho vay ở mức hợp lý, hỗ trợ tháo gỡ khó khăn về chi phí cho khách hàng vay vốn.

Theo quy luật, khi kinh tế phát triển, tiêu dùng tăng thì hoạt động đi vay để phục vụ tiêu dùng của người dân cũng tăng, phù hợp với xu thế chuyển dịch từ mô hình tăng trưởng dựa vào chi tiêu chính phủ và đầu tư sang dựa vào tiêu dùng tư nhân.

Do đó, theo ông Bùi Quốc Dũng, tín dụng tiêu dùng ở Việt Nam sẽ còn phát triển hơn nữa trong thời gian tới. Với số lượng TCTD tham gia cho vay tiêu dùng ngày càng tăng, các ngân hàng sẽ phải cạnh tranh mạnh mẽ để cung cấp các sản phẩm tín dụng có lãi suất thấp hơn, nhiều ưu đãi hơn, kết nối khép kín chu trình sản xuất, kinh doanh và tiêu dùng.

Trong thời gian tới, việc quản lý hoạt động cho vay tiêu dùng cần phải theo hướng bảo đảm hài hòa giữa mục tiêu thúc đẩy thị trường này phát triển lành mạnh, tạo điều kiện cho các TCTD cung cấp các sản phẩm cho vay phù hợp với nhu cầu của khách hàng, giúp người tiêu dùng có đầy đủ thông tin về quyền lợi và nghĩa vụ của mình khi vay.

Ngoài ra, cần xây dựng một khuôn khổ pháp lý quy định về hoạt động cho vay tiêu dùng, bảo đảm sự hài hòa giữa các chức năng bảo vệ người tiêu dùng và điều tiết các TCTD theo thông lệ quốc tế và phù hợp với thực tế Việt Nam.

Khi hành lang pháp lý về các công ty tài chính được hoàn thiện, sẽ có thêm nhiều đơn vị tham gia cung ứng dịch vụ này. Sự cạnh tranh lành mạnh giữa các công ty thông qua việc gia tăng quyền lợi để thu hút khách hàng sẽ gián tiếp khiến lãi suất vay tiêu dùng “dễ thở” hơn, giúp nhiều người dân dễ dàng tiếp cận với các dịch vụ tài chính chất lượng cao.

Anh Minh

—————————————————————

Báo điện tử Chính phủ (Kinh tế) 26-11-2015:

http://baochinhphu.vn/Kinh-te/Cho-vay-tieu-dung-phat-trien-se-day-lui-tin-dung-den/242284.vgp

(207/1.270)

Bài viết 

311. Hãy nhìn từ mục tiêu của việc đánh thuế...

Hãy nhìn từ mục tiêu của việc đánh thuế bất động sản. [caption id="attachment_42152"...

Bình luận 

437. Cải cách thể chế và tôn trọng thị trường...

Chùm 3 bài Việt Nam - Khát vọng hùng cường: Cải cách thể chế và tôn...

Phỏng vấn 

4.427. Gần tết cảnh giác với tội phạm ngân hàng.

Gần tết cảnh giác với tội phạm ngân hàng. (HTV1) - Chương trình có...

Trích dẫn 

3.976. Cảnh giác hiện tượng rao bán bất động...

Cảnh giác hiện tượng rao bán bất động sản kiểu "phông bạt". (DV) -...

Tám luật 

334. ANVI xì luật hay Lạm bàn tám luật.

(ANVI) - “Lạm bàn tám luật” hay còn gọi là “ANVI xì luật”Chuyên...

Số lượt truy cập: 237,540