835. Thực hành dân chủ: nói dễ, làm khó

(TBKT) – Dư luận đến nay vẫn chưa hết nóng vì câu chuyện Sở Thông tin và Truyền thông tỉnh An Giang phạt một cô giáo và một nhân viên điện lực mỗi người 5 triệu đồng vì “dám” chê ông chủ tịch tỉnh này “kênh kiệu, xa dân” trên facebook, đồng thời vừa cảnh cáo về mặt Đảng và chính quyền vừa điều chuyển vợ của nhân viên điện lực này khỏi công tác Phó văn phòng Sở Công Thương chỉ vì câu chê ông chủ tịch nói trên (mà người chồng đưa lên facebook của vợ chứ không phải do người vợ viết). Còn cô giáo thì thực ra cũng không viết chê ông chủ tịch, mà câu chê là comment của anh nhân viên điện lực trên trang facebook của cô giáo. Ấy vậy nhưng ba người đã phải trả giá cho một nhận xét mà bất kỳ người dân nào cũng có thể nghĩ, có thể viết ra. Điều đó thực ra là bình thường trong một xã hội thừa nhận công dân có quyền tự do ngôn luận, theo Hiến pháp 2013. Chẳng phải Chủ tịch Hồ Chí Minh cũng từng nói: “Dân chủ là làm cho dân được mở miệng” đó sao?

Chủ tịch Ủy ban Nhân dân tỉnh An Giang, ông Vương Bình Thạnh, biện bạch rằng ông không chỉ đạo xử lý cô giáo chê mình “vì như thế dễ bị cho là trù dập cán bộ”. Nói vậy nhưng ông lại không sửa sai việc làm mất dân chủ của cấp dưới. Ông cũng hé lộ điều có thể là lý do thực sự cho cách hành xử của ông khi nói: “Chuyện này xảy ra trước Đại hội Đảng bộ của tỉnh (…). Tỉnh ủy giao Đảng ủy khối cơ quan dân chính Đảng và công an kiểm tra, làm việc với những người có liên quan và sau đó giao cho đơn vị chủ quản của những cán bộ, nhân viên này cùng Sở Thông tin và Truyền thông xử lý. Tôi không có ý kiến gì về chuyện đó cả”. Biết cấp dưới làm sai mà “không có ý kiến gì” thì có khác gì đồng tình hoặc khuyến khích cấp dưới làm sai?

Vụ kỷ luật và phạt tiền cán bộ nhân viên cấp dưới của ông Chủ tịch tỉnh An Giang chưa lắng xuống thì lại đến chuyện Trưởng phòng Giáo dục và Đào tạo thành phố Châu Đốc cũng thuộc tỉnh này gửi văn bản (nay đã rút do bị dư luận phản ứng) yêu cầu hiệu trưởng các trường trực thuộc ở Châu Đốc triển khai đến tất cả cán bộ, giáo viên, nhân viên và học sinh việc nghiêm cấm bình luận, thích (like), chia sẻ (share), đăng các nội dung liên quan đến chế độ chính sách, chính trị, tôn giáo, phản động, chống phá chính quyền, làm ảnh hưởng uy tín cá nhân người khác khi tham gia mạng xã hội.

Bà Trưởng phòng Giáo dục cho biết phòng không cấm giáo viên, học sinh sử dụng facebook, bởi đó là quyền tự do cá nhân. Tuy nhiên, sau khi có công văn chỉ đạo của UBND thành phố Châu đốc và Sở Thông tin và Truyền thông tỉnh, đồng thời thấy gần đây một số cá nhân vi phạm khi sử dụng facebook nên phòng có văn bản lưu ý, nhắc nhở nhằm tránh việc vi phạm các quy định khi sử dụng mạng xã hội, cũng như làm ảnh hưởng uy tín người khác. Ông Trần Thanh Tâm, Phó giám đốc Sở Thông tin và Truyền thông còn cho biết công văn này của sở không chỉ gửi cho ngành giáo dục mà cho nhiều cơ quan, đơn vị, ban ngành khác.

Cả hai vụ việc xảy ra ở An Giang cho thấy quán tính xa rời quần chúng, không chịu lắng nghe suy nghĩ thật của người dân để tự sửa mình đã ăn sâu vào không ít cán bộ quản lý nhà nước; xu hướng dùng quyền lực nhà nước để dập tắt mọi ý kiến, cảm nhận hay phê bình dù có khó nghe là một sự cám dỗ khó vượt qua nếu không biết thực sự tôn trọng dân và không có ý thức xây dựng một xã hội ngày càng dân chủ hơn; cũng như tình trạng cán bộ tự mình “đặt ra” luật không phải là hiếm.

Trong các ý kiến xoay quanh vấn đề này, có lẽ ý kiến của luật sư Trương Thanh Đức (Đoàn luật sư Hà Nội) là thẳng thắn hơn cả. Ông cho rằng văn bản của Phòng giáo dục Châu Đốc đã vi phạm quyền tự do ngôn luận, quyền tự do thông tin – những quyền cơ bản của con người đã được quy định trong Hiến pháp 2013. Theo luật sư Đức, việc bình luận, chia sẻ hoàn toàn là quyền của mỗi công dân, nếu chính quyền, cơ quan chức năng sòng phẳng thì nên để cho người ta nói thoải mái, nếu không đồng tình thì có thể nói lại hoặc sửa chứ không thể ra công văn cấm như vậy. Nếu có việc nói xấu, xúc phạm danh dự, nhân phẩm cá nhân, tổ chức thì cá nhân, tổ chức có quyền kiện ra tòa để yêu cầu bồi thường chứ không phải là dùng sự can thiệp của các cơ quan chính quyền.

Thế mới thấy việc thực hành dân chủ, nói miệng thì dễ, làm thì khó lắm thay!

Quỳnh Yên

————————————————————–

Thời báo Kinh tế Sài Gòn (Blog) 26-11-2015:

http://www.thesaigontimes.vn/138915/Thuc-hanh-dan-chu-noi-de-lam-kho.html

(168/949)

Bài viết 

311. Hãy nhìn từ mục tiêu của việc đánh thuế...

Hãy nhìn từ mục tiêu của việc đánh thuế bất động sản. [caption id="attachment_42152"...

Bình luận 

433. Bình luận về Chủ sở hữu hưởng lợi của...

Bình luận về Chủ sở hữu hưởng lợi của doanh nghiệp Tham luận Hội...

Phỏng vấn 

4.391. Bẫy nạn nhân với 'miếng mồi' lãi suất cao.

Bẫy nạn nhân với 'miếng mồi' lãi suất cao.(TT) - Vụ GFDI ở Đà Nẵng...

Trích dẫn 

3.908. Ngăn chặn những "văn phòng bất động sản...

Ngăn chặn những "văn phòng bất động sản di động" đẩy giá đất. (VTV.vn)...

Tám luật 

334. ANVI xì luật hay Lạm bàn tám luật.

(ANVI) - “Lạm bàn tám luật” hay còn gọi là “ANVI xì luật”Chuyên...

Số lượt truy cập: 231,849