(HQ) – Trong những tháng đầu năm 2015, tổng dư nợ cho vay tiêu dùng tăng mạnh so với thời điểm cuối năm 2014. Điều này đang được kỳ vọng sẽ góp phần hạn chế vấn nạn “tín dụng đen” vẫn còn nhức nhối hiện nay.
Cần tang cường các biện pháp để hạn chế “tín dụng đen”. Ảnh: Internet
Theo số liệu thống kê từ Vụ Chính sách tiền tệ, Ngân hàng Nhà nước Việt Nam, trong 7 năm qua, tổng dư nợ cho vay tiêu dùng ở Việt Nam có mức tăng trưởng trung bình 20%/năm. Tính đến cuối tháng 9-2015, tổng dư nợ cho vay tiêu dùng tăng mạnh 31,49% so với cuối năm 2014 và chiếm tỷ trọng 8,02% so tổng với dư nợ tín dụng toàn hệ thống (cùng kỳ năm 2014 là 6,31%).
Nhận xét về sự tăng trưởng này, theo chuyên gia tài chính- ngân hàng TS. Nguyễn Trí Hiếu, tín dụng tiêu dùng đang dần trở thành một lĩnh vực rất quan trọng với các ngân hàng vì nhu cầu về tài chính, tiêu dùng của người dân ngày một cao hơn khi nền kinh tế phát triển. Chính vì thế, trong 3 năm qua, tín dụng tiêu dùng trở thành một điểm nóng khi không chỉ các công ty tài chính mà ngân hàng, tổ chức tín dụng cũng tham gia vào lĩnh vực này.
Khảo sát một tại một số ngân hàng cho thấy, nhiều chương trình cho vay ưu đãi với lãi suất cạnh tranh từ 6-8%/năm được đưa ra đối với các nhu cầu như vay mua nhà, vay xây nhà, vay mua ô tô, vay du học… Hơn nữa, nhiều ngân hàng còn đưa ra chính sách cho vay tín chấp, vay không cần tài sản đảm bảo… để thu hút khách hàng.
Tuy nhiên, TS. Nguyễn Trí Hiếu cảnh báo, chất lượng các dịch vụ, điều kiện cho vay tín dụng tiêu dùng phải đảm bảo, đáp ứng được nhu cầu của số đông dân chúng. Nếu không, “tín dụng đen” vẫn có cơ hội để phát triển.
Nói về nguyên nhân để “tín dụng đen” vẫn còn tồn tại, vị chuyên gia này cho rằng, nhiều người dân có nhu cầu vay vốn nhưng lại vướng phải nhiều thủ tục trong các biện pháp quản lý rủi ro vốn vay của ngân hàng, tiêu biểu như yêu cầu về chứng minh thu nhập. Khác với đối tượng doanh nghiệp với tài sản đảm bảo có thể là kế hoạch kinh doanh, hợp đồng mua bán… nhiều người dân với ngành nghề đặc thù, không chứng minh được tài sản đảm bảo thì đây sẽ là yêu cầu khó, họ không thể đáp ứng được nên đành nhờ cậy đến “tín dụng đen”.
Hơn nữa, khó khăn trong việc xử lý “tín dụng đen” còn đến từ cơ sở pháp lý, theo Luật sư Trương Thanh Đức, Giám đốc Công ty Luật ANVI, “tín dụng đen” là sự kết hợp của hai yếu tố cho vay bất hợp pháp đi đôi với áp đặt một mức lãi suất cao trái với quy định của pháp luật. Tuy nhiên, hiện vẫn chưa có bất kỳ quy định hay giải thích của pháp luật về thế nào là “tín dụng đen”, mặc dù vấn đề này đã được nói đến nhiều trong xã hội.
Do đó, để “tín dụng đen” không còn “đất sống”, TS. Nguyễn Trí Hiếu cho hay, các ngân hàng, tổ chức tín dụng cần mở rộng hoạt động tín dụng để có thể đáp ứng nhu cầu của từng bộ phận dân chúng, giúp người dân dễ tiếp cận vốn vay hơn.
Hơn nữa, hiện luật tổ chức tín dụng vẫn tập trung nhiều hơn vào tín dụng cho doanh nghiệp, chưa định nghĩa rõ ràng cho vay cá nhân và biện pháp cho phép ngân hàng thu hồi nợ cho vay cá nhân như thế nào… Vì thế, hành lang pháp lý cần có sự điều chỉnh phù hợp hơn.
Điều quan trọng, việc xử lý vấn nạn này cần sự vào cuộc mạnh mẽ hơn của các cơ quan chức năng, cùng với việc nâng cao nhận thức của người dân về những tác hại, thủ đoạn và mặt trái pháp luật khi vay bằng “tín dụng đen”.
Hương Dịu
——————————————
Hải quan (Kinh tế) 28-11-2015:
http://www.baohaiquan.vn/Pages/Tang-tin-dung-tieu-dung-co-giam-tin-dung-den.aspx
(99/744)